Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Luận văn thạc sĩ văn học đặc điểm thơ trần nhân tông
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1
Chương 1. THỜI ĐẠI LÝ – TRẦN VÀ PHẬT HOÀNG TRẦN
NHÂN TÔNG................................................................................ 12
1.1. Thời đại Lý - Trần.................................................................................... 12
1.1.1. Hoàn cảnh lịch sử, văn hóa – xã hội thời Lý – Trần......................... 12
1.1.2. Văn học thời Lý – Trần..................................................................... 18
1.2. Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm ............................. 22
1.2.1. Trần Nhân Tông – thân thế và sự nghiệp.......................................... 22
1.2.2. Thơ văn Trần Nhân Tông.................................................................. 27
1.2.3. Thiền phái Trúc Lâm và tư tưởng của Trần Nhân Tông................... 29
Chương 2. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG ............. 37
2.1. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước..................................... 37
2.1.1. Tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với đất nước và con người
Đại Việt........................................................................................... 37
2.1.2. Niềm tự hào về đất nước, con người và văn hóa Đại Việt............... 40
2.2. Tâm hồn phong phú, mẫn cảm và dạt dào chất nhân văn........................ 45
2.2.1. Mẫn cảm trước thiên nhiên ............................................................... 45
2.2.2. Mẫn cảm trong tình người................................................................. 54
2.3. Quan niệm sống phóng khoáng, tùy duyên của một người đạt đạo......... 60
2.3.1. Tinh thần nhập thế............................................................................. 60
2.3.2. Tinh thần an nhiên, tự tại .................................................................. 65
Chương 3. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TRẦN NHÂN TÔNG ........ 72
3.1. Thể thơ ..................................................................................................... 72
3.1.1. Đường luật......................................................................................... 72
3.1.2. Cổ phong ........................................................................................... 75
3.2. Ngôn ngữ.................................................................................................. 78
3.2.1. Ngôn ngữ mang mĩ cảm thiền........................................................... 78
3.2.2. Ngôn ngữ tượng trưng, ẩn dụ............................................................ 81
3.3. Hình ảnh ................................................................................................... 88
3.3.1. Cách lựa chọn hình ảnh..................................................................... 88
3.3.1.1. Hình ảnh mùa xuân .................................................................... 88
3.3.1.2. Hình ảnh trăng............................................................................ 91
3.3.1.3. Hình ảnh giấc mộng................................................................... 94
3.3.2. Cách xây dựng hình ảnh.................................................................... 98
3.3.2.1. Cảnh vật được quan sát trong sự vận động theo thời gian và
dòng cảm xúc ............................................................................ 98
3.3.2.2. Cảnh vật được quan sát trong sự vận động biện chứng giữa
động và tĩnh, hư và thực ......................................................... 101
3.4. Giọng điệu.............................................................................................. 108
3.4.1. Giọng hào sảng, lạc quan................................................................ 108
3.4.2. Giọng tự tình, sâu lắng.................................................................... 109
KẾT LUẬN ...................................................................................................... 113
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 117
PHỤ LỤC THƠ
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Văn học trung đại Việt Nam đã vận động và phát triển trong một quá trình
lâu dài và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, văn học Lý – Trần là một
trong những đỉnh cao và mang nhiều nét riêng độc đáo. Với sự thâm nhập của
Phật giáo vào đời sống tinh thần của dân tộc, phong vị thiền trong thơ đã góp
phần làm cho văn học thời đại này phát triển rực rỡ và đi sâu vào tâm thức người
Việt, đem đến những rung cảm tinh tế và mang lại những giá trị nhân văn sâu
sắc. Trong dòng chảy của thơ văn Lý – Trần, tiêu biểu và đặc sắc là thơ thời
thịnh Trần.
Trong lịch sử dân tộc Việt, thời thịnh Trần là thời đại hoàng kim của cả dân
tộc. Đó là thời đại có vua sáng tôi hiền, nhân dân đoàn kết trên dưới một lòng;
vua quan cùng thần dân gắn bó, hành động vì lợi ích của quốc gia, xây dựng nên
một nước Đại Việt vững mạnh, độc lập, tự chủ. Đó là thời đại cả dân tộc ta
“tướng sĩ một lòng phụ tử”, hừng hực hào khí “sát Thát” làm nên ba lần chiến
thắng Nguyên – Mông vang dội. Có thời đại ấy là nhờ có những con người anh
hùng có nhân cách cao đẹp, có tấm lòng từ bi, có tài năng xuất chúng như Trần
Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Trần
Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Huyền Quang,… Trong đó, Trần Nhân Tông nổi
lên như một nhân vật kiệt xuất.
Không chỉ rạng danh trên lĩnh vực chính trị, Trần Nhân Tông còn là một
nhà thơ độc đáo, độc đáo vì ông được “đốn tỉnh” ngay trong lúc làm vua. Vừa
là một vị vua, vừa là một nhà sư, vừa là người đứng đầu của một Thiền phái,
nên trong thơ của Trần Nhân Tông có sự pha trộn giữa chất thiền với chất thế
sự, giữa đạo và đời. Thơ Trần Nhân Tông còn lại không nhiều, nhưng những
“viên ngọc” hiếm hoi, quí giá ấy theo thời gian vẫn tỏa lên những ánh sáng lung
linh khác thường. Với tư tưởng thiền nhập thế tích cực, Trần Nhân Tông đã
sáng tác nên những bài thơ với một cảm quan nghệ thuật tinh tế khiến người
2
đọc phải lắng lòng suy ngẫm. Đặc biệt, ông còn là người rất yêu thiên nhiên.
Trong thơ ông, lúc nào cũng thấy tràn ngập ánh trăng, bồng bềnh mây nước và
say đắm với giấc mơ xuân.
Mặc dù thơ Trần Nhân Tông dễ đi vào lòng độc giả và làm rung động trái
tim những người yêu thơ nhưng cũng còn khá xa lạ với sách giáo khoa. Hơn nữa
hầu hết các bài thơ đều viết bằng chữ Hán và bàng bạc chất Thiền nên gây
không ít khó khăn khi tiếp nhận đối với phần đông độc giả. Mặt khác, những
công trình nghiên cứu về thơ Trần Nhân Tông còn mang tính chất riêng lẻ, chỉ
tập trung ở một vài khía cạnh, phương diện, chưa thực sự có một công trình nào
đi nghiên cứu khái quát, toàn diện về Đặc điểm thơ Trần Nhân Tông. Vì vậy,
chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này – Đặc điểm thơ Trần Nhân Tông –
nhằm góp phần đưa thơ ông đến gần với số đông người đọc, đồng thời bản thân
người viết có thể tìm hiểu sâu về tài năng nghệ thuật và tâm hồn phong phú của
nhà thơ, nhà triết học, vị tổ phái Thiền Trúc Lâm – một con người kiệt xuất của
một thời đại hoàng kim.
2. Lịch sử vấn đề
Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh minh, một Thiền sư đắc đạo,
một nhà triết học lớn mà ông còn là một nhà thơ. Xét trên bình diện triết học,
Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng đối với Phật giáo nước nhà. Ông là
một triết gia lớn của Phật học Việt Nam. Với phái Thiền Trúc Lâm mà Trần
Nhân Tông là người sáng lập, triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần đã phát
triển rực rỡ và mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện được đầy đủ trí tuệ Việt
Nam, bản lĩnh Việt Nam. Xét trên bình diện dân tộc, Trần Nhân Tông là một vị
vua hiền minh, anh hùng, có lòng yêu nước thương dân, có tinh thần dân tộc
cao cả. Với việc khuyến khích sử dụng chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào sáng tác
văn học, chúng ta càng cảm nhận được tinh thần dân tộc của bậc minh quân
này. Bên cạnh đó, Trần Nhân Tông còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân
tộc. Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan
3
thế sự. Với tầm quan trọng như vậy nên có nhiều công trình nghiên cứu đi vào
tìm hiểu tư tưởng, thơ văn của ông.
Những công trình nghiên cứu này có thể chia làm hai hướng như sau:
2.1. Trần Nhân Tông là một bộ phận của đối tượng nghiên cứu
Nguyễn Lang trong quyển “Việt Nam Phật giáo sử luận” (Nxb Văn Học
Hà Nội, 1979) đi vào nghiên cứu các thiền phái: Tì ni đa lưu chi, Thảo Đường,
Vô Ngôn Thông; nghiên cứu phật giáo thời Lý, Trần và một số Thiền sư: Trần
Thái Tông, Tuệ Trung, Thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang,… Trong đó chương
XII đi vào nghiên cứu Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm. Công trình đã
nghiên cứu về Trần Nhân Tông qua các vấn đề: một ông vua xuất gia, ý nguyện
xây dựng một nền hòa bình Chiêm – Việt lâu dài, xây dựng một giáo hội mới, và
tư tưởng Thiền học.
Công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên được
nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội ấn hành vào năm 1991, đã nghiên cứu quá
trình vận động và phát triển của Phật giáo Việt Nam từ khi được du nhập từ Ấn
Độ sang cho đến thế kỉ XIX. Trong Chương IX, tác giả đi vào nghiên cứu Phật
giáo thời Trần, mà cụ thể là tìm hiểu Thiền phái Trúc Lâm và có đề cập ngắn
gọn đến Trần Nhân Tông. Tác giả đã đi vào phân tích một số bài thơ để chứng
minh tư tưởng của Trần Nhân Tông, và từ đó có sự so sánh với Tuệ Trung
Thượng sĩ. Qua đó, tác giả nhận định: “Nhân Tông cũng thường dùng các hình
ảnh, biểu hiện một tâm hồn thơ gần với Tuệ Trung, nhưng về nội dung thì không
độc đáo, gây tác động mạnh như ở Tuệ Trung”.
Trong công trình Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm của
Trương Văn Chung (Luận án phó Tiến sĩ, bảo vệ năm 1996), tác giả cũng phân
tích, tổng kết tư tưởng của thiền phái thông qua việc đi sâu phân tích tư tưởng
của những nhân vật tiêu biểu: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung,..
Đặc biệt, tác giả đi sâu vào phân tích tư tưởng của người sáng lập ra Thiền phái
là Trần Nhân Tông. Qua việc so sánh tư tưởng của Trần Nhân Tông với Trần
4
Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, tác giả làm nổi bật những điểm khác biệt,
điểm riêng của Trần Nhân Tông trong tư tưởng triết học và đi đến khẳng định:
Ông đã kết hợp trong đời mình một người anh hùng võ công hiển hách
với một đức phật từ bi, cốt cách thanh tao. Ông trở thành một ông vua
triết gia, một phật tử có nhãn quan chính trị, ảnh hưởng lớn lao đến
triều đình và toàn xã hội”, “Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng triết lí
nhà Phật, song đó không phải là tư tưởng, chủ trương xuất thế đi tìm
sự giải thoát ở cõi hư không, mà là tư tưởng Phật giáo có khả năng
dung hợp cả Nho giáo, Lão giáo và truyền thống tinh thần của dân
tộc. sự dung hợp đó tạo cho Phật giáo một dáng vẻ mới mang màu sắc
Việt Nam với tinh thần nhập thế tích cực [9, tr.63].
Nguyễn Hùng Hậu trong quyển Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam,
tập 1, từ khởi nguyên đến thế kỉ XIV (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002) cũng
đi vào phân tích, tổng kết tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm qua việc
phân tích tư tưởng qua các bài thơ của một số nhân vật tiêu biểu của Thiền phái
như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Qua việc tìm hiểu, phân tích vai trò, tư tưởng của Trần Nhân Tông, tác giả
khẳng định:
Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị nhìn xa trông rộng mà còn
là nhà quân sự có tài; không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà tư
tưởng, nhà văn, nhà thơ; không chỉ là vị quân vương mà còn là nhà tu
hành; không chỉ là nhà văn hóa mà còn là vị thiền sư lỗi lạc. Thời đại
oanh liệt đã sản sinh ra ông, và ông đã làm cho thời Trần càng thêm
oanh liệt [17, tr.130].
Trong những công trình kể trên, các tác giả chủ yếu đi vào nghiên cứu tư
tưởng triết học, tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông. Ngoài những công
trình này, cũng có rất nhiều công trình khác đi vào nghiên cứu Trần Nhân Tông
như một tác giả văn học.
5
Nguyễn Đăng Thục đã công bố một số công trình: Thiền học Việt Nam và
Lịch sử tư tưởng Việt Nam (nhiều tập) bàn về Thiền Tông Việt Nam và tính kế
thừa, phát triển của nó qua các thời kì. Đặc biệt, trong quyển Lịch sử tư tưởng
Việt Nam, tập IV: Lịch sử tư tưởng Thời Trần (Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998),
tác giả đi tìm hiểu “Tâm lí nghệ thuật Thiền” của Trần Nhân Tông. Sau khi phân
tích một số bài thơ, tác giả khẳng định “Cho nên ở Ngài, văn chương biểu hiện
tâm hồn hết sức trung thực, tự nhiên, không chút dụng ý bó buộc, chỉ là theo đà
cảm hứng bồng bột hồn nhiên mà phát biểu. Cảm hứng càng thâm sâu thì phát
biểu càng sáng sủa.”
Trong công trình Thơ thiền Việt Nam – Những vấn đề lịch sử và tư tưởng
nghệ thuật của Nguyễn Phạm Hùng (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1998),
tác giả đi vào phân tích thơ của các Thiền sư để từ đó khái quát nên tư tưởng
nghệ thuật mà họ gởi gắm. Trần Nhân Tông cũng được tác giả chú ý nhấn mạnh
với nhận định: “Nhân Tông là người uyên bác, lịch lãm, là một nghệ sĩ có tài.
Ông là một trong những thi sĩ Thiền tiêu biểu của thời này với những vần thơ
đẹp đẽ, sâu sắc” [24, tr.164].
Đoàn Thị Thu Vân cũng đã công bố một số các công trình có liên quan
như: công trình Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỉ X –
thế kỉ XVI (Nxb Văn học và trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1996); Con người
nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung đại (Nxb Giáo dục, 2007), và một
số các bài viết đăng trên Tạp chí Văn học như: Một vài nhận xét về ngôn ngữ
thơ Thiền Lý Trần (2/1992, tr.35); Quan niệm về con người trong thơ Thiền
Lý Trần (3/1993, tr.12). Trong các công trình và bài viết này, tác giả cũng đã
trích dẫn một số bài thơ của Trần Nhân Tông để chứng minh các luận điểm của
mình. Đặc biệt, trong công trình trình Con người nhân văn trong thơ ca Việt
Nam sơ kì trung đại (Nxb Giáo dục, 2007), tác giả dành một phần trong chương
3 để viết về những rung cảm tinh tế và nhạy bén trong tâm hồn Trần Nhân Tông.
6
Và để chứng minh, tác giả đi vào phân tích kĩ một số bài thơ của Trần Nhân
Tông.
Quyển Văn học trung đại Việt Nam do Lê Trí Viễn chủ biên (tài liệu lưu
hành nội bộ của trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh năm 1985) và quyển
Văn học trung đại Việt Nam (thế kỉ X – cuối thế kỉ XIX) do Đoàn Thị Thu Vân
chủ biên (Nxb Giáo Dục năm 2008) khi viết về văn học Lý – Trần, có trích dẫn
một số câu thơ của Trần Nhân Tông để minh họa cho những luận điểm về nội
dung và nghệ thuật.
Hai công trình của tác giả Nguyễn Công Lý là Bản sắc dân tộc trong văn
học Thiền Tông thời Lý Trần (Nxb Văn hóa Thông tin, 1997) và Văn học Phật
giáo thời Lý Trần – diện mạo và đặc điểm (Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh, 2002) đã cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện và hệ thống về diện
mạo, đặc điểm và bản sắc dân tộc qua thơ văn Lý Trần. Để củng cố vững chắc
các luận điểm, công trình đã trích dẫn sáng tác của các tác giả, trong đó có các
sáng tác của Trần Nhân Tông.
Năm 2008, luận án Tiến sĩ Ngữ văn của Trần Lý Trai Giá trị văn học trong
tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm đã đi vào phân tích và lí giải các tác phẩm
của Trần Nhân Tông cùng những sáng tác của các tác giả thuộc Thiền phái như:
Trần Thái Tông, Tuệ Trung,… về các phương diện:
- Tư tưởng Thiền học với quan điểm Phật tại tâm, chủ thuyết “cư trần lạc
đạo”, tinh thần tùy duyên, hành thiền tu chứng;
- Các cảm hứng chính: Bản thể giải thoát, cảm hứng nhân văn – thế sự, cảm
hứng quê hương đất nước, cõi thiên nhiên Phật nhiệm màu;
- Giá trị nghệ thuật về các mặt: ngôn ngữ, thể loại, các thủ pháp nghệ thuật.
Đối tượng chính của các công trình trên là tác phẩm văn học Phật giáo của
cả thời đại, Trần Nhân Tông chỉ là một trong những gương mặt tiêu biểu của
thời đại. Vì vậy, thơ văn của ông chưa được nghiên cứu, bàn bạc kĩ.
7
2.2. Trần Nhân Tông là đối tượng chính của công trình nghiên cứu
Lê Mạnh Thát có Toàn tập Trần Nhân Tông (Nxb Tp. Hồ Chí Minh,
2000). Trong công trình này, tác giả chia làm hai phần: Phần đầu giới thiệu tổng
quát về sự nghiệp của Trần Nhân Tông từ thời trẻ cho đến vai trò của vua trong
hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, trong việc sử dụng tiếng Việt và
thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; phần thứ hai, cung cấp các sáng tác của
Trần Nhân Tông từ thơ, phú, văn xuôi, bài giảng cho đến các văn thư ngoại giao.
Trong khi bàn về vị trí văn học của Trần Nhân Tông, tác giả khẳng định:
Vua Trần Nhân Tông là người mở đầu cho một giai đoạn văn học mới
của lịch sử văn học Việt Nam, đó là giai đoạn văn học mà tiếng Việt là
chủ ngữ. Không những thế, với những vần thơ chữ Hán và những tác
phẩm văn xuôi sắc sảo, vua Trần Nhân Tông đã cống hiến cho ta
những cảm thụ mới mẻ về những vấn đề muôn đời của con người [41,
tr.297].
Bài viết Trần Nhân Tông và tầm vóc một thời đại của Nguyễn Huệ Chi và
Trần Thị Băng Thanh, đã đánh giá Trần Nhân Tông ở cả ba phương diện: nhà
vua, nhà thiền học, nhà thơ. Thơ Trần Nhân Tông được đánh giá là “thanh nhã,
sâu sắc nhưng không kém phần hào hùng” [8, tr.146], “cảm hứng thế tục và cảm
hứng thiền hòa quyện với nhau” [8, tr.169]. Bản thân vua Trần Nhân Tông được
xem là một cây bút có phong cách và cũng là một đỉnh cao trong thơ ca thịnh
Trần.
Năm 2008, hội thảo khoa học về vua Trần Nhân Tông diễn ra tại Quảng
Ninh. Tại hội thảo này các học giả cũng có nhiều tham luận đánh giá một cách
sâu sắc và toàn diện về vị vua thứ ba nhà Trần (đăng trên trang
http://www.thuvienhoasen.org). Tiêu biểu có thể kể đến các bài viết: Trần Nhân
Tông – đức vua sáng tổ một dòng thiền của Nguyên Giác, Vua Trần Nhân Tông
và tinh thần “bụt ở trong nhà” của Thích Hải Ấn, Phật hoàng nước Việt của
Thích Nhật Quang, Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị minh quân và thiền sư vĩ
8
đại của Việt Nam của Thích Nhật Từ, Trần Nhân Tông – vị anh hùng dân tộc
khai sáng tư tưởng Phật giáo Việt Nam của Trần Lưu,… Tất cả các bài viết này
đều ca ngợi tài năng, phẩm chất của đức vua – thiền sư Trần Nhân Tông.
Năm 2011 Bùi Huy Du bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Triết học Tư
tưởng triết học của Trần Nhân Tông. Trong công trình này, tác giả đi vào
nghiên cứu nội dung tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông về các mặt:
- Thế giới quan trong tư tưởng triết học Trần Nhân Tông: Quan niệm về
bản thể và mối quan hệ giữa bản thể và thế giới hiện tượng
- Nhân sinh quan và triết lí đạo đức trong tư tưởng triết học Trần Nhân
Tông: Quan niệm của Trần Nhân Tông về cuộc đời con người và vai trò của con
người trong cuộc sống; quan niệm của Trần Nhân Tông về vấn đề rèn luyện tinh
thần đạo đức, trí tuệ, giải thoát.
Sau khi đi vào tìm hiểu nội dung triết học của Trần Nhân Tông, tác giả khái
quát đặc điểm và giá trị lịch sử của tư tưởng triết học Trần Nhân Tông. Như vậy,
tác giả công trình đã đem đến cho người đọc một cái nhìn hệ thống, toàn diện và
đầy đủ về tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu kể trên chủ yếu tập trung vào
vấn đề tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông chứ chưa nghiên cứu một cách cụ
thể, sâu sắc và có hệ thống các sáng tác của Trần Nhân Tông, đặc biệt là ở mảng
thơ, để làm nổi bật vị trí, đặc điểm riêng của thơ ông trong dòng chảy của thơ
văn thời Lý – Trần.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng mà luận văn tập trung nghiên cứu là các sáng tác thơ của Trần
Nhân Tông. Qua thơ Trần Nhân Tông, luận văn hướng đến làm rõ những nét cơ
bản trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của các sáng tác, đồng thời góp phần
khám phá vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao quí của tác giả.
Tài liệu khảo sát chủ yếu của luận văn là toàn bộ sáng tác thơ của Trần
Nhân Tông (gồm 32 bài và 6 đoạn phiến) trong tập văn bản: Toàn tập Trần
9
Nhân Tông của tác giả Lê Mạnh Thát, Nxb Tp. Hồ Chí Minh (có khảo sát và đối
sánh văn bản với các tập văn bản sau: Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng
do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội 1988 ; Thơ văn Lý – Trần
của tác giả Lê Bảo (tuyển chọn), Nxb Giáo dục (tái bản lần 2), năm 2001).
4. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp và thao
tác sau:
4.1. Phương pháp phân tích – tổng hợp
Để rút ra được những đặc điểm nổi bật của thơ Trần Nhân Tông cả về mặt
nội dung lẫn nghệ thuật, người viết đi sâu phân tích các sáng tác của nhà thơ.
Trên cơ sở đó sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn, sâu hơn, chính xác hơn về những đặc
điểm đáng lưu ý.
Từ sự phân tích đó, người viết tìm ra đặc điểm chung (dựa vào tần suất
xuất hiện) để có thể khái quát thành những luận điểm chung mang tính chất đặc
trưng riêng. Đặc điểm về nội dung cũng như nghệ thuật của một tác giả thường
trải dài trong suốt quá trình sáng tác, và Trần Nhân Tông cũng không phải là
ngoại lệ. Vì vậy, cần có cái nhìn khái quát để thấy được những đặc trưng nổi bật
cũng như những đóng góp của ông.
4.2. Phương pháp so sánh – đối chiếu
Để làm nổi bật đặc điểm riêng của thơ Trần Nhân Tông, không thể tách tác
giả khỏi dòng chảy của thơ văn thời đại. Chỉ khi đặt nhà thơ trong quan hệ so
sánh với các bậc tiền bối, cũng như thế hệ các tác giả cùng thời thì mới thấy
được điểm riêng của ông. Vì vậy, trong quá trình phân tích, chứng minh, người
viết có so sánh, đối chiếu về một số vấn đề với các nhà thơ khác.
4.3. Phương pháp loại hình
Thơ Trần Nhân Tông là thơ cổ điển, chủ yếu được viết bằng chữ Hán, nên
mang những đặc điểm chung của thơ chữ Hán (hàm súc, cô đọng, “ý tại ngôn
ngoại”,…). Luận văn sử dụng phương pháp loại hình nhằm xác định những điểm
10
gặp gỡ về nghệ thuật thể hiện của thơ Trần Nhân Tông so với thơ chữ Hán, và
những nét độc đáo, sáng tạo riêng của tác giả.
4.4. Thao tác thống kê
Tuy sử dụng không nhiều, song đây là thao tác cần thiết để tạo nên những
cơ sở nhận định mang tính khoa học, khách quan.
Ngoài ra, luận văn cũng đã sử dụng phương pháp bổ trợ: phương pháp
văn hóa lịch sử (nghiên cứu những ảnh hưởng của thời đại, các yếu tố văn hóa
đến nội dung sáng tác và nghệ thuật biểu hiện của thơ Trần Nhân Tông) để làm
nổi bật vấn đề.
Thật ra, việc phân chia, liệt kê các phương pháp như trên chỉ có tính chất
tương đối. Trên thực tế, các phương pháp luôn được vận dụng trong thế kết hợp,
đan xen nhau trong quá trình trình bày. Tất cả đều nhằm giải quyết tốt nhất
những yêu cầu về mục đích mà đề tài đã đặt ra.
5. Mục đích và đóng góp của luận văn
5.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu đặc điểm thơ Trần Nhân Tông để từ đó thấy được những nét đặc
trưng riêng trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó, có một cái nhìn
toàn diện, bao quát và cụ thể về thơ Trần Nhân Tông.
5.2. Đóng góp của luận văn
Bằng việc phân tích, tìm hiểu, lí giải các tác phẩm thơ cụ thể, luận văn cố
gắng đưa ra cái nhìn hoàn chỉnh, bao quát và có hệ thống về những đặc điểm
chính của nội dung và những đặc sắc về nghệ thuật trong thơ Trần Nhân Tông.
Từ đó, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và tài năng nghệ thuật của Trần
Nhân Tông.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3
chương:
+ Chương 1: Thời đại Lý – Trần và Phật hoàng Trần Nhân Tông
11
Chương này đi vào giới thiệu bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội cũng như
thơ văn thời Lý – Trần. Bên cạnh đó, cũng giới thiệu về thân thế, con người, tư
tưởng của Trần Nhân Tông, để từ đó thấy được sự tác động của thời đại và thân
thế đến tư tưởng, tình cảm của ông trong thơ.
+ Chương 2: Đặc điểm thơ Trần Nhân Tông – nhìn từ góc độ nội dung
Chương này tập trung phân tích và chỉ rõ những đặc điểm chính về nội
dung của thơ Trần Nhân Tông, từ đó khám phá những nỗi lòng, tâm trạng của
một vị vua, một thiền sư đắc đạo.
+ Chương 3: Đặc điểm thơ Trần Nhân Tông – nhìn từ góc độ nghệ thuật
Chương này tìm hiểu những đặc điểm về nghệ thuật trong thơ Trần Nhân
Tông dựa trên các phương diện: Thể thơ, ngôn ngữ và giọng điệu. Việc phân
tích những đặc điểm nghệ thuật ở đây cùng với việc chỉ ra những đặc điểm về
nội dung ở chương trước sẽ góp phần làm sáng tỏ con người và tài năng nghệ
thuật Trần Nhân Tông.
12
Chương 1
THỜI ĐẠI LÝ – TRẦN VÀ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
1.1. Thời đại Lý – Trần
1.1.1. Hoàn cảnh lịch sử, văn hóa – xã hội thời Lý – Trần
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã đưa đất nước ta thoát khỏi ách đô hộ
hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, bước đầu thiết lập nhà nước quân
chủ độc lập và chuyển sang một giai đoạn mới: thời trung đại. Các triều đại
phong kiến ra đời, ngày càng phát triển hùng mạnh. Các triều đại Ngô, Đinh,
Tiền Lê đã dần dần củng cố và hoàn thành thống nhất quốc gia. Những thành
tựu phục hồi và bước đầu xây dựng kinh tế – văn hóa Đại Cồ Việt của nhà Đinh
và nhà Tiền Lê đã tạo thành những nền tảng cơ bản cho hai vương triều Lý, Trần
xây dựng nhà nước độc lập và đưa nước Đại Việt phát triển đến đỉnh cao trong
lịch sử dân tộc. Có thể nói thời đại Lý – Trần là thời đại hào hùng, oanh liệt và
rực rỡ nhất trong lịch sử nước nhà.
Trước hết, thời Lý – Trần là thời đại phục hưng, phát triển, ổn định và
thống nhất đất nước. Ngay khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ
vùng đất Hoa Lư về Đại La (1010) và đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Quyết
định dời đô về Thăng Long cho thấy đất nước đã ổn định và phát triển, địa thế
núi non hiểm trở để phòng ngự ở Hoa Lư tỏ ra nhỏ hẹp, không còn thích hợp để
đóng đô mà thế đô phải là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Với những yêu cầu mới trước sự vững mạnh của đất nước, Thăng Long “xứng
đáng là đế đô muôn đời cho con cháu mai sau” [1, tr.420]. Cùng với việc dời đô,
vua Lý Thái Tổ đã đổi tên nước là Đại Việt. Đây là niềm tự hào của cả đất nước,
và nó đã trở thành quốc hiệu được sử dụng lâu dài trong lịch sử của chế độ
phong kiến ở nước ta dưới thời trung đại.
Để củng cố triều đại, nhà Lý bắt đầu xây dựng một triều đình theo lối chính
qui. Đứng đầu là vua với danh xưng Hoàng đế. Vua giữ quyền quyết định trong
tất cả mọi việc. Bên cạnh nhà vua còn có các quan văn, quan võ. Để giúp vua
13
phụ trách các mặt về chính trị, quân sự, nhà vua đã đặt thêm một số cơ quan
chuyên trách. Đến triều Trần, bộ máy nhà nước trung ương tập quyền được tăng
cường về mọi mặt. Nhà Trần cũng đặt thêm nhiều cơ quan chuyên trách mới để
đáp ứng những yêu cầu cho việc phát triển bộ máy hành chính. Các vua Trần đặt
ra lệ nhường ngôi sớm cho con, tự xưng là Thái thượng hoàng, cùng con trông
nom việc nước để tập dượt cho vua con quen dần với việc trị nước. Đây là điều
hoàn toàn khác với triều Lý. Nhìn chung, bộ máy quan lại của nhà Trần cũng
gồm có ba bậc như thời Lý nhưng có qui củ và đầy đủ hơn. Có một điều đặc biệt
và khác với thời Lý là các chức quan cao cấp ở thời Trần đều nằm trong tay của
giới quí tộc tôn thất nhà Trần. Để giữ vững triều đình, hai triều Lý, Trần rất quan
tâm đến phương diện lập pháp. Nhà Lý có bộ Hình thư, nhà Trần có Quốc triều
thống chế và Hình luật thư. Pháp luật thời Trần chủ yếu dựa trên pháp luật của
thời Lý, nhưng có bổ sung thêm một số yếu tố để đề cao uy quyền của nhà vua
và địa vị thống trị. Vì vậy, so với pháp luật thời Lý, pháp luật thời Trần hoàn
chỉnh, qui củ và nghiêm khắc hơn.
Tiếp nối sự nghiệp thống nhất dân tộc của các triều đại trước, thời Lý –
Trần, triều đình rất chú ý quan tâm đến các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân
tộc vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đưa ra nhiều biện pháp nhằm củng
cố khối đoàn kết dân tộc và thống nhất quốc gia. Mặc dù đất nước đã được độc
lập nhưng nguy cơ ngoại xâm vẫn còn vì bọn phương Bắc luôn luôn dòm ngó.
Do đó, để củng cố nền thống trị và sẵn sàng ứng phó với nạn ngoại xâm, việc
xây dựng quân đội rất được nhà nước chú trọng. Quân đội được chia làm hai
loại: quân cấm vệ và quân các lộ. Khi có chiến tranh, nhà nước sẽ tuyển lính dựa
vào sổ quân, khi hòa bình thì quân lính được luân phiên nhau về làm ruộng và ở
lại quân ngũ để canh gác. Đây là chính sách “ngụ binh ư nông” có cơ sở từ thời
Tiền Lê và được hoàn chỉnh ban hành dưới hai triều Lý, Trần. Dưới thời Trần,
quân đội chủ yếu được xây dựng theo phương châm “quân cốt tinh nhuệ, chứ
không cốt nhiều”, tức là chú ý đến chất lượng hơn là số lượng, trang bị cũng đầy