Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

(Luận Văn Thạc Sĩ) Tinh Thần Lạc Quan Trong Hội Họa Việt Nam Về Đề Tài Lao Động Sản Xuất Giai Đoạn
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM
LƯƠNG THÙY TRANG
TINH THẦN LẠC QUAN TRONG HỘI HỌA VIỆT NAM
VỀ ĐỀ TÀI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 1954 – 1985
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP
Hà Nội – 2017
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM
LƯƠNG THÙY TRANG
TINH THẦN LẠC QUAN TRONG HỘI HỌA VIỆT NAM
VỀ ĐỀ TÀI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 1954 – 1985
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP
Chuyên ngành: Mỹ thuật tạo hình (Hội họa)
Mã số: 60210102
Khóa: 18 (2015 – 2017)
Giảng viên hướng dẫn khoa học
PGS. TS. Bùi Thị Thanh Mai
Hà Nội – 2017
1
BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT
Bt. MTVN Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Nxb Nhà xuất bản
PGS Phó giáo sư
Tr Trang
TS Tiến sĩ
2
MỤC LỤC
Trang phụ bìa ......................................................................................................
Bảng chữ cái viết tắt ........................................................................................ 01
Mục lục ............................................................................................................ 02
MỞ ĐẦU ........................................................................................................ 03
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ................................ 12
1.1. Khái niệm “Tinh thần lạc quan trong hội họa” ........................................ 12
1.2. Khái niệm “Đề tài lao động sản xuất”...................................................... 17
1.3. Khái quát về hội họa Việt Nam giai đoạn 1954 – 1985 ........................... 21
Tiểu kết ............................................................................................................ 27
Chương 2: SỰ BIỂU HIỆN CỦA TINH THẦN LẠC QUAN TRONG HỘI
HỌA VIỆT NAM VỀ ĐỀ TÀI LAO ĐỘNG SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN
1954 – 1985 ..................................................................................................... 28
2.1. Sự biểu hiện tinh thần lạc quan qua bố cục .............................................. 28
2.2. Sự biểu hiện tinh thần lạc quan qua hình thể ........................................... 36
2.3. Sự biểu hiện tinh thần lạc quan qua màu sắc ........................................... 45
Tiểu kết ............................................................................................................ 48
Chương 3: NHỮNG ĐIỀU RÚT RA TỪ VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI ..... 50
3.1. Thành công và hạn chế của những tác phẩm hội họa Việt Nam mang tinh
thần lạc quan về đề tài lao động sản xuất giai đoạn 1954 – 1985 ................... 50
3.2. Bài học rút ra trong vấn đề sáng tác hội họa ............................................ 58
Tiểu kết ............................................................................................................ 65
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 66
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 68
PHỤ LỤC ........................................................................................................ 72
3
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng là con đẻ của thời đại ấy” [10; tr.25].
Kandinsky đã đưa ra nhận định như vậy khi luận bàn về tinh thần trong nghệ
thuật. Mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển của Mỹ thuật Việt Nam nói
chung và hội họa Việt Nam Hiện đại nói riêng luôn gắn liền với bối cảnh thời
đại của toàn dân tộc, cùng những biến cố, sự kiện lịch sử của đất nước. Hiện
thực của cuộc kháng chiến những năm 1945 – 1954 đã tác động mạnh mẽ đến
cách nhìn, cách nghĩ trong quan niệm sáng tác nghệ thuật của người họa sĩ.
Cũng từ đây, một nền Nghệ thuật mới – nền Nghệ thuật Cách mạng Việt Nam
đã được hình thành, gần gũi với nhân dân, gắn bó với vận mệnh của dân tộc
và đất nước. Tiếp đó, giai đoạn 1954 – 1985 có thể coi là giai đoạn chuyển
mình của nền hội họa Việt Nam Hiện đại sang một diện mạo mới cùng với
những thay đổi của bối cảnh đất nước. Ở thời kỳ này, hội họa chứa đựng rất
nhiều thông điệp có tính thời đại, khẳng định sự thành công của phương pháp
sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa với những đề tài phản ánh chân thực nét
đẹp ngày thường của cuộc sống đất nước.
Chúng ta có thể thấy điểm chung của hội họa Việt Nam trong giai đoạn
1945 – 1985 là các tác phẩm được thể hiện bằng ngọn bút hiện thực nhưng
trên hết đều mang một tinh thần lạc quan trước thực tế gian khổ của cuộc
kháng chiến hay những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống thời hậu chiến.
Năm 1954 kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của
nhân dân ta, đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam và dấu mốc 1975, khi miền Nam
được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Lịch sử đất nước bước sang
một trang mới góp phần làm nền tảng, cầu nối thúc đẩy cho sự ra đời và phát
triển của nền Nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Trong thời kỳ này, ngoài những
4
tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng đã và đang được phần đông
các họa sĩ khai thác rất thành công ở giai đoạn 1945 – 1954 thì đề tài lao động
sản xuất cũng được thể hiện hết sức sinh động, phong phú.
Các tác phẩm hội họa đề tài lao động sản xuất chủ yếu được sáng tác
trong giai đoạn 1954 – 1985 đã phản ánh cái đẹp trong lao động sản xuất với
nhân vật trong tranh là những người nông dân, công nhân mới đang hồ hởi,
hăng say lao động, yêu đời, hướng tới tương lai, tin tưởng vào công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng, Nhà nước lãnh đạo. Những tác phẩm hội họa
về đề tài này thường được thể hiện bằng các chất liệu Sơn dầu, Sơn mài, Lụa
cùng với việc sử dụng các phương tiện của ngôn ngữ tạo hình như bố cục,
hình thể nhân vật, màu sắc và không gian, v.v… Tất cả mang đặc điểm của
Hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, để lại dấu ấn riêng cho hội họa Việt Nam
về đề tài lao động sản xuất giai đoạn 1954 – 1985 đồng thời cũng trở thành
một đề tài mũi nhọn, góp một vị trí quan trọng trong nền Mỹ thuật Việt Nam
hiện đại.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có những đề tài, công
trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu nào về tinh thần lạc quan trong hội
họa Việt Nam về đề tài lao động sản xuất giai đoạn 1954 – 1985. Bên cạnh
đó, tôi cũng mong muốn có thể hệ thống lại, phân tích và làm rõ sự biểu hiện
cùng những thành công, hạn chế của các tác phẩm mang tinh thần lạc quan
trong hội họa Việt Nam giai đoạn 1954 – 1985, đồng thời rút ra bài học trong
vấn đề sáng tác hội họa từ việc nghiên cứu đề tài. Và đó là lí do tôi thực hiện
Luận văn tốt nghiệp với đề tài: “Tinh thần lạc quan trong hội họa Việt Nam
về đề tài lao động sản xuất giai đoạn 1954 – 1985”.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
“Tinh thần lạc quan trong hội họa Việt Nam về đề tài lao động sản
xuất giai đoạn 1954 – 1985” là một đề tài có tính chất chuyên sâu, tìm hiểu
5
và làm rõ sự biểu hiện của tinh thần lạc quan thông qua những phương tiện
của nghệ thuật tạo hình được sử dụng ở từng tác phẩm hội họa cụ thể về đề tài
lao động sản xuất trong giai đoạn 1954 – 1985. Để nghiên cứu đề tài này,
ngoài việc tìm hiểu những tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan tới mỹ
thuật nói chung, hội họa nói riêng thì những tài liệu về mỹ học, văn hóa học,
tâm lí học cũng rất hữu ích cho việc nghiên cứu đề tài.
Cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (Nxb Văn hóa) của tác giả
Nguyễn Quân xuất bản năm 1982 [31] đã đề cập tới sự ra đời, phát triển của
Nghệ thuật tạo hình Cách mạng Việt Nam, cùng với đó là sự mở rộng về đề
tài, thành công về hình tượng nói chung và hình tượng người lao động nói
riêng, trong đó người lao động là hình tượng điển hình của đề tài lao động sản
xuất. Bên cạnh đó, tác giả cũng nói tới xuất phát điểm của đề tài lao động sản
xuất trong nghệ thuật tạo hình. Ngoài ra, một số tác phẩm hội họa tiêu biểu về
đề tài lao động sản xuất cũng được tác giả đề cập, phân tích trong cuốn sách
như: Tổ đổi công miền núi – Sơn mài của Họa sĩ Hoàng Tích Chù, Tát nước
đồng chiêm – Sơn mài của Họa sĩ Trần Văn Cẩn, Bình minh trên nông trang –
Sơn mài của Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Công nhân cơ khí và Tan ca mời chị
em ra họp thi thợ giỏi – Sơn dầu của Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, v.v… Đó là
những phân tích dựa trên cảm nhận riêng của tác giả nhưng đã giúp cho người
viết có thể tiếp cận nhanh hơn với từng tác phẩm cụ thể, đồng thời hiểu thêm
những sáng tác hội họa về đề tài lao động sản xuất.
Cuốn Các thể loại và loại hình mỹ thuật (Nxb Mỹ thuật) của PGS.
Nguyễn Trân xuất bản năm 2005 [43] đã cung cấp những hiểu biết cần thiết
về các thể loại, loại hình, chất liệu và kỹ thuật trong hội họa nói riêng cũng
như mỹ thuật nói chung giúp người viết có thể hình dung, tiếp cận các tác
phẩm mỹ thuật được dễ dàng hơn.
6
Cuốn Mỹ thuật Việt Nam Hiện đại do PGS. Họa sĩ Nguyễn Lương Tiểu
Bạch chủ biên cùng các tác giả: Bùi Như Hương, Phạm Trung, Nguyễn Văn
Chiến là cuốn sách được Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật
xuất bản năm 2005 [1] đã tập hợp những tư liệu có được từ trước tới nay về
Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam. Cuốn sách đã mang lại cho người viết cái nhìn
tổng quát, cơ sở dữ liệu về bối cảnh lịch sử, hoạt động mỹ thuật, đặc điểm mỹ
thuật ở Việt Nam theo từng giai đoạn tương ứng với những biến động của đất
nước từ những năm cuối của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cho tới trước thời kỳ Đổi
mới với dấu mốc là năm 1986.
Cuốn Những vấn đề Mỹ thuật Việt Nam Hiện đại – Kỷ yếu Hội thảo do
Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam xuất bản năm 2009 [17] đã tập hợp
những tham luận, bài viết tiêu biểu của các họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật. Ở
phần thứ nhất: Tổng quan Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, một số bài viết được
người viết tham khảo như: Mỹ thuật Việt Nam Thế kỷ 20 (Họa sĩ Vũ Trung
Lương); Một số nét phác thảo về Mỹ thuật Thế kỷ 20 (Họa sĩ Quách Phong);
Sự phát triển của hội họa Việt Nam Thế kỷ 20 (Nhà phê bình mỹ thuật
Nguyễn Thanh Mai); Phân kỳ lịch sử Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam và một số
vấn đề cần trao đổi (Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo); Những thành tựu
và thực trạng của Mỹ thuật Việt Nam Thế kỷ 20; v.v…
Cuốn Mỹ thuật Việt Nam Thế kỷ 20 (Nxb Tri Thức) của tác giả Nguyễn
Quân được xuất bản năm 2010. [34] Công trình đã đưa ra một cái nhìn tổng
quát về nền Mỹ thuật Việt thông quá bốn giai đoạn phát triển. Trong các giai
đoạn được tác giả đề cập, có thể thấy ở giai đoạn 1945 – 1985, mỹ thuật mang
một đời sống mới với chủ nghĩa yêu nước và khuynh hướng tả thực, những
thành công trong sự mở rộng đề tài về chiến tranh cách mạng và lao động sản
xuất cùng hình tượng tiêu biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ và Bác Hồ.
Tuy nhiên, đây vẫn là một công trình nghiên cứu có tính chất tổng quan, khái
quát những khuynh hướng thẩm mỹ, đặc điểm nghệ thuật qua các giai đoạn
7
của Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, phần nghiên cứu về tinh thần lạc quan
trong sáng tác hội họa hay đề tài lao động sản xuất vẫn chưa được đề cập đến
một cách chuyên sâu, cụ thể. Mặc dù vậy, cuốn sách cũng đã giúp người viết
có thêm những cơ sở lí luận để làm sáng rõ hơn những luận điểm, luận cứ
trong luận văn của mình.
Để nghiên cứu về tinh thần lạc quan trong tác phẩm hội họa nói riêng
hay rộng hơn là tinh thần, tâm lý ở những sáng tác mỹ thuật cho đến nay vẫn
chưa có công trình nào mang tính chuyên biệt, chủ yếu vẫn là chỉ ra những tác
động của xã hội, bối cảnh lịch sử đối với tư tưởng, quan niệm sáng tác của
nghệ sĩ một cách khái quát. Bởi vậy, để hiểu rõ hơn vấn đề, người viết sử
dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành thông qua những tài liệu về mỹ học,
tâm lý học, văn hóa học như: Nguyễn Hồng Phong (1963), Tìm hiều tính cách
dân tộc, Nxb Khoa học [28]; Viện Nghệ thuật – Bộ Văn hóa (1973), Về tính
dân tộc của nghệ thuật tạo hình, Nxb Văn hóa [50]; L.X.Vưgôtxi (1981), Tâm
lý học nghệ thuật, Hoài Lam dịch, Nxb Khoa học xã hội [11]; Chu Quang
Tiềm (1991), Tâm lý học văn nghệ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh [40];
Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên) (1997), Tâm lý học đại cương, Nxb Giáo dục,
Hà Nội [47]; Đức Uy (1999), Tâm lý học sáng tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[48]; Lê Văn Dương – Lê Đình Lục – Lê Hồng Vân (2009), Mỹ học đại
cương, Nxb Giáo dục [5]; Kandinsky (2014), Về cái tinh thần trong nghệ
thuật, Phạm Long – Quang Việt dịch, Nxb Mỹ thuật [10]; v.v… Những tài
liệu kể trên đã mang lại sự khái quát chung về tâm lý học trong văn hóa, nghệ
thuật và là những tài liệu bổ ích để người viết có thể tham khảo, góp phần làm
rõ hơn về tinh thần lạc quan qua các sáng tác mỹ thuật và từ đó có thể hiểu
được khái niệm tinh thần lạc quan trong hội họa về đề tài lao động sản xuất.
Bên cạnh đó, một số tài liệu nghiên cứu liên quan tới ngôn ngữ tạo hình
cũng đã được người viết tham khảo như: Nguyễn Quân (1986), Tiếng nói của
hình và sắc, Nxb Văn hóa [32]; Bernard Duc, Nghệ thuật bố cục và khuôn
8
hình, Nxb Fleurus (tài liệu do Đức Hòa dịch) [2]; Đàm Luyện (2007), Giáo
trình bố cục, Nxb Đại học Sư phạm [16]; Luận văn đề tài Ngôn ngữ của mặt
phẳng hội họa của Học viên Nguyễn Trường Linh (2006) [12]; Luận văn đề
tài Yếu tố đường nét – nhịp điệu – hình thể - khoảng trống – không gian trong
hội họa của Học viên Phạm Ngọc Tuấn (2009) [45]; Luận văn đề tài Những
thay đổi về cách biểu hiện không gian trong hội họa Việt Nam của Học viên
Nguyễn Văn Thuật (2012) [38]; Luận văn đề tài Các dạng thức bố cục cơ bản
trong tranh của Học viên Nguyễn Xuân Tám (2012) [35]. Những tài liệu trên
đã giúp người viết nắm được những kiến thức khái quát về đặc điểm của ngôn
ngữ tạo hình trong hội họa, từ đó hình thành những luận điểm chính cho việc
làm rõ sự biểu hiện của tinh thần lạc quan trong những tác phẩm hội họa về đề
tài lao động sản xuất nói riêng.
Ngoài ra, một số Luận văn Cao học, Khóa luận Đại học khác của Học
viên, Sinh viên thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện có liên
quan tới đề tài lao động sản xuất cũng đã được người viết tham khảo như: Đề
tài Hội họa với đề tài công nghiệp của Học viên Lê Xuân Đức (2004) [6]; Đề
tài Hình tượng người nông dân trong hội họa Việt Nam hiện đại của Sinh viên
Đồng Xuân Toàn (2004) [41]; Đề tài Hình tượng người nông dân trong hội
họa Việt Nam thế kỷ 20 của Học viên Nguyễn Chí Nguyên (2012) [20]; Đề tài
Hình tượng người nông dân trong hội họa hiện đại Việt Nam giai đoạn 1955
– 1965 của Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Nguyệt (2015) [21]; Đề tài Những
sáng tác hội họa Việt Nam về đề tài công nghiệp giai đoạn 1976 – 1995 của
Học viên Nguyễn Hoàng Long (2016) [14]. Những đề tài nêu trên cũng chỉ là
những nghiên cứu riêng lẻ về từng vấn đề như hình tượng người nông dân, đề
tài nông nghiệp hoặc công nghiệp – những phạm trù nằm trong đề tài lao
động sản xuất. Từ việc tham khảo các đề tài nghiên cứu của Sinh viên, Học
viên đã thực hiện, người viết có thể tiếp thu và chọn lọc nhất định, giúp cho
nội dung của bài luận văn được sáng rõ hơn.