Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động theo pháp luật Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ĐOÀN THỊ NGỌC HẰNG
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG
THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ
TP. HỒ CHÍ MINH - NĂM 2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG
THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng dân sự
Mã số: 8380103
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Hoàng Hải
Học viên: Đoàn Thị Ngọc Hằng
Lớp: Cao học Luật - Khóa 32
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2022
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan luận văn thạc sĩ “Trách nhiệm của người sử dụng lao động
đối với người lao động bị tai nạn lao động theo pháp luật Việt Nam” là công trình
nghiên cứu khoa học do bản thân tôi thực hiện với sự hướng dẫn khoa học của
PGS.TS. Trần Hoàng Hải. Những tài liệu, số liệu được sử dụng trong luận văn bảo
đảm tính khách quan, trung thực, chính xác. Những kết luận khoa học của luận văn
chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào khác.
Tác giả
Đoàn Thị Ngọc Hằng
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ATVSLĐ An toàn vệ sinh lao động
BHXH Bảo hiểm Xã hội
BHYT Bảo hiểm Y tế
BLLĐ Bộ luật Lao động
ILO Tổ chức Lao động Quốc tế
NLĐ Người lao động
NSDLĐ Người sử dụng lao động
TNLĐ Tai nạn lao động
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI
SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO
ĐỘNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM...............................................................9
1.1. Khái niệm và đặc điểm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với
người lao động bị tai nạn lao động .......................................................................9
1.1.1. Khái niệm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao
động bị tai nạn lao động .......................................................................................9
1.1.2. Đặc điểm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao
động bị tai nạn lao động .....................................................................................11
1.2. Sơ lược về sự hình thành và phát triển của pháp luật lao động Việt Nam
về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn
lao động .................................................................................................................14
1.2.1. Giai đoạn trước năm 1994 .....................................................................14
1.2.2. Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2012 ...................................................17
1.2.3. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay .............................................................18
1.3. Ý nghĩa của quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với
người lao động bị tai nạn lao động .....................................................................19
1.3.1. Đối với người lao động...........................................................................19
1.3.2. Đối với người sử dụng lao động.............................................................21
1.3.3. Đối với xã hội .........................................................................................22
1.4. Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và một số nước trên
thế giới, Tổ chức lao động quốc tế về trách nhiệm của người sử dụng lao
động đối với người lao động bị tai nạn lao động ...............................................23
1.4.1. Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của
người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động .................23
1.4.2. Quy định của Tổ chức Lao động quốc tế và một số nước trên thế giới về
trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao
động ................................................................................................................29
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN
LAO ĐỘNG .............................................................................................................40
2.1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về chi phí y tế và tiền lương
cho người lao động bị tai nạn lao động ..............................................................40
2.1.1. Trách nhiệm chi trả chi phí sơ, cấp cứu và điều trị ...............................40
2.1.2. Trách nhiệm trả lương trong thời gian người lao động điều trị, phục hồi
chức năng lao động.............................................................................................43
2.2. Trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với người lao
động bị tai nạn lao động ......................................................................................45
2.2.1. Điều kiện để người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động bị
tai nạn lao động ..................................................................................................45
2.2.2. Mức bồi thường tai nạn lao động ...........................................................46
2.2.3. Bồi thường tổn thất về tinh thần .............................................................50
2.2.4. Thanh toán tiền công chăm sóc người lao động bị tai nạn lao động .....54
2.3. Trách nhiệm sắp xếp công việc cho người lao động bị tai nạn lao động.55
2.4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về trách nhiệm
của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động và
phòng ngừa tai nạn lao động...............................................................................58
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2........................................................................................62
KẾT LUẬN..............................................................................................................63
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hiện nay, nước ta đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông
nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa
– hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, nhiều công nghệ kỹ thuật mới được ra đời và áp
dụng vào hoạt động sản xuất góp phần tăng năng suất lao động và giải phóng sức
lao động của con người. Sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường đã đem
đến những khởi sắc về nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao
động. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động không ngừng tăng nhanh gây thiệt hại to
lớn về cả người và tài sản. Tai nạn lao động không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc
gia mà còn là vấn đề của toàn cầu. Ở một số nước trên thế giới, tai nạn lao động đã
cướp đi sinh mạng hàng triệu người, gây ra những thương tật vĩnh viễn, để lại
những nỗi đau về tinh thần cho người thân của họ. Do đó, để góp phần bảo vệ người
lao động và xoa dịu nỗi đau trên, trách nhiệm của người sử dụng lao động có vai trò
quan trọng đối với người lao động bị tai nạn lao động.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
trên toàn quốc, năm 2018 xảy ra 7.090 vụ tai nạn lao động làm 8.229 người bị nạn,
năm 2019 xảy ra 7.130 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn, năm 2020 xảy
ra 7.473 vụ tai nạn lao động làm 8.610 người bị nạn, năm 2021 xảy ra 5.797 vụ tai
nạn lao động làm 6.658 người bị nạn. Từ số liệu trên cho thấy số vụ tai nạn lao
động tăng qua các năm từ năm 2018 đến năm 2020. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh
hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên số lao
động trên cả nước giảm dẫn đến giảm số vụ tai nạn lao động và số người bị nạn.
Trong năm 2021, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động do người sử dụng lao động
chiếm 40,69% tổng số vụ tai nạn lao động; Nguyên nhân xuất phát từ phía người
lao động chiếm 9,73% tổng số vụ tai nạn lao động, còn lại 49,58% tổng số vụ tai
nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, do người khác
gây ra hoặc các nguyên nhân khách quan khác. Nhìn chung, hiện nay số vụ tai nạn
lao động ở nước ta vẫn có xu hướng tăng, trong đó nguyên nhân xảy ra tai nạn lao
động do người sử dụng lao động chiếm tỉ lệ lớn. Trước tình hình trên, vấn đề trách
nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động được
đặt ra và được xã hội đặc biệt quan tâm.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, chăm lo đời sống cho người lao động, cải
thiện điều kiện làm việc để hạn chế tai nạn lao động cũng như có các chính sách hỗ
2
trợ đối với người bị tai nạn lao động. Để thực hiện được chính sách nêu trên, bên
cạnh chế độ của bảo hiểm xã hội thì Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm
pháp luật để quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao
động bị tai nạn lao động như Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cùng với các
văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo tốt quyền lợi của người
lao động nhưng Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cùng với các văn bản
hướng dẫn vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như quy định việc người sử dụng lao
động phải chi trả chi phí y tế và trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao
động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; Điều kiện và mức bồi thường, trợ cấp
cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động hoặc chết do tai nạn lao động;
Bố trí việc làm và đào tạo lại nghề cho người lao động bị tai nạn lao động sau khi
điều trị... Mặt khác, còn nhiều vấn đề hiện nay Luật An toàn, vệ sinh lao động năm
2015 và các văn bản hướng dẫn chưa đề cập đến nhưng trên thực tế các cơ quan
chức năng có thẩm quyền đã gặp phải. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ
sung kịp thời để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống hiện nay.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, tác giả nhận thấy cần thiết phải nghiên
cứu chuyên sâu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người sử dụng
lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động. Do đó, tác giả đã chọn đề tài
“Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao
động theo pháp luật Việt Nam” làm đề tài luận văn thạc sĩ luật học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
- Giáo trình
Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình Luật Lao động,
Nxb Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam; Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình
Luật Lao động, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội; Đại học Huế (2013), Giáo trình
Luật Lao động Việt Nam, Nxb Đại học Huế. Ba tài liệu này đã trình bày ngắn gọn,
súc tích trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người sử
dụng lao động trong trường hợp tai nạn lao động mà chưa đi sâu nghiên cứu vào
những bất cập trong quy định của pháp luật và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
- Luận văn
+ Phạm Thị Diệp Hạnh (2008), “Thực trạng áp dụng biện pháp bồi thường
thiệt hại trong việc bảo vệ người lao động và một số kiến nghị”, Luận văn, Trường
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Tác giả nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về
3
việc áp dụng các biện pháp bồi thường thiệt hại trong việc bảo vệ người lao động
bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản; Đánh giá thực trạng pháp luật và áp
dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại về tiền lương, thu nhập cho người lao động,
bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe… và đã đề xuất một số giải pháp nhằm
hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại trong việc bảo vệ người lao động. Tuy
nhiên, phạm vi nghiên cứu rộng, bao quát gồm cả về tiền lương, thu nhập, bồi
thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người lao động nhưng chưa đi sâu vào
các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị
tai nạn lao động. Bên cạnh đó, năm 2008 chưa có Luật An toàn, vệ sinh lao động
năm 2015 nên tác giả nghiên cứu dựa trên các quy định của Bộ luật Lao động năm
1994 và các văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực;
+ Nguyễn Đức Tài (2018), Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong
trường hợp tai nạn lao động theo pháp luật lao động Việt Nam, Luận văn, Trường
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Đỗ Thành Trung (2018), Bồi thường tai nạn lao
động theo pháp luật lao động Việt Nam, Luận văn, Trường Đại học Luật TP. Hồ
Chí Minh. Hai tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn
áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của người sử dụng lao
động trong trường hợp tai nạn lao động và bồi thường tai nạn lao động. Từ đó, đưa
ra những bất cập của pháp luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong
việc chi trả chi phí y tế, tiền lương, trợ cấp, bồi thường thiệt hại, tính mạng cho
người lao động… tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện quy định
của pháp luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp tai nạn
lao động. Tuy nhiên, cả hai luận văn được thực hiện theo định hướng ứng dụng nên
tác giả chưa đi sâu vào phân tích các vấn đề về lý luận cũng như không nghiên cứu
và tham khảo pháp luật nước ngoài;
+ Trần Hoàng Em (2018), Bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động theo pháp
luật Việt Nam, Luận văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật. Tác giả làm rõ những vấn
đề lý luận về tai nạn lao động và bồi thường tai nạn lao động; Có sự phân tích, so
sách những quy định của pháp luật về bồi thường tai nạn lao động của Việt Nam với
một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tác giả đã đưa ra những bất
cập và kiến nghị hoàn thiện với các vấn đề sau: Trách nhiệm của người sử dụng lao
động về chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị; Thủ tục, hồ sơ hưởng
chế độ bồi thường tai nạn lao động và xây dựng nguồn kinh phí để thực hiện bồi
thường tai nạn lao động;
4
+ Phạm Thị Phương Loan (2011), Chế độ tai nạn lao động, thực trạng và
giải pháp hoàn thiện, Luận văn, Trường Đại học Luật Hà Nội. Tác giả nghiên cứu
chế độ tai nạn lao động dưới hai góc độ là trách nhiệm của người sử dụng lao động
và trợ cấp của bảo biểm xã hội với các nội dung khái quát những vấn đề lý luận về
tai nạn lao động, chế độ tai nạn lao động ở Việt Nam và một số nước trên thế giới
gồm Thái Lan và Cộng hòa Liên bang Đức. Cụ thể là khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa,
lịch sử hình thành và phát triển của chế độ tai nạn lao động; Đưa ra thực trạng chế
độ tai nạn lao động và phương hướng, giải pháp cơ bản hoàn thiện pháp luật. Tác
giả nghiên cứu dưới hai góc độ gồm chế độ từ người sử dụng lao động và bảo hiểm
xã hội nên đối tượng nghiên cứu khá rộng, chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu về
trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, năm 2011 chưa có Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nên tác
giả nghiên cứu dựa trên các quy định của Bộ luật Lao động năm 1994, sửa đổi, bổ
sung năm 2007 và các văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực;
+ Đỗ Hồng Vân (2021), Pháp luật về quyền lợi của người lao động khi bị tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, Luận văn, Trường Đại học Luật Hà
Nội. Tác giả đề cập đến một số vấn đề lý luận về quyền lợi của người lao động khi
bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể là khái niệm, phân loại, nguyên tắc và
nội dung pháp luật về quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp. Tác giả nghiên cứu quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp dưới hai góc độ là từ người sử dụng lao động và bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ thực trạng pháp luật về quyền lợi của người
lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, luận văn đã đưa ra một số bất
cập, kiến nghị hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, luận
văn có đối tượng nghiên cứu rộng, bao gồm chế độ từ người sử dụng lao động và
chế độ từ bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong hai trường hợp là tai nạn lao
động và bệnh nghề nghiệp.
- Bài báo, tạp chí
+ Đỗ Ngân Bình, “Bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động”, Tạp chí Luật
học, số 6/2000, trang 9-11. Tác giả đề cập đến quy định của pháp luật về tai nạn lao
động và bồi thường tai nạn lao động. Tác giả đưa ra một số bất cập trong quy định
của pháp luật và đề xuất kiến nghị hoàn thiện. Tác giả nghiên cứu dựa trên các quy
định của Bộ luật Lao động năm 1994 và các văn bản hướng dẫn, hiện nay đã hết
hiệu lực;