Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong dạy học môn kỹ thuật.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC – MẦM NON
----------
NGUYỄN THỊ LÝ
Rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4,
5 trong dạy học môn Kỹ thuật
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
2
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Bậc học ban đầu hết sức quan trọng để đào tạo thế hệ trẻ là bậc Tiểu học.
Các em sẽ trở thành những công dân tốt mang trong mình những phẩm chất,
nhân cách của người Việt Nam trong giai đoạn mới. Những phẩm chất đó là:
trí tuệ phát triển, ý chí cao, tình cảm đẹp và kỹ năng sống của bản thân. Tiểu
học là bậc học nền tảng, vì vậy cần hình thành cho các em một nhân cách phát
triển toàn diện không chỉ về tri thức, đạo đức mà còn phải hình thành cho các
em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày nhằm tạo nên những
con người mới trong xu thế hội nhập đầy thách thức này.
Nếu các môn học như Toán, Tiếng Việt giúp phát triển khả năng tư duy
và hình thành các kỹ năng nghe, đọc, viết cho học sinh thì môn Kỹ thuật là
một môn học góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh
Tiểu học.
Môn Kỹ thuật giúp học sinh biết cách sử dụng một số dụng cụ lao động
đơn giản; biết mục đích, cách tiến hành một số công việc lao động đơn giản
trong gia đình; rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì, sự khéo léo của đôi tay. Hình
thành ở học sinh các kỹ năng lao động đơn giản như: Khâu, thêu, nấu ăn,
trồng cây, chăn nuôi và sử dụng các dụng cụ thông thường như kéo, kim,
thước, cuốc,… trong quá trình lao động. Từ đó hình thành cho học sinh lòng
yêu lao động, quý sản phẩm lao động.
Môn Kỹ thuật còn giúp học sinh hiểu được những tri thức cần thiết và
tối thiểu về kỹ thuật cắt, khâu, thêu, nấu ăn trong gia đình; kỹ thuật trồng cây,
nuôi vật nuôi trong gia đình và kỹ thuật lắp ghép mô hình. Trên cơ sở đó,
bước đầu cho các em làm quen với các lĩnh vực hoạt động dịch vụ, nông
nghiệp, công nghiệp.
Thế nhưng hiện nay, đa số học sinh sống trong hai môi trường có hoàn
cảnh khác nhau: một là các em được sự quan tâm chăm sóc quá sức chu đáo
3
của phụ huynh vì sống trong gia đình ít con, hoàn cảnh kinh tế ổn định; hai là
những em sống trong gia đình không có sự quan tâm của cha mẹ. Môi trường
hoàn cảnh khác nhau ấy lại đem đến cho các em một thiếu sót lớn trong từng
bước trưởng thành, đó là kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ. Vì vậy, việc giáo
dục kỹ năng tự phục vụ cho học sinh tiểu học thông qua quá trình học tập các
môn học là hết sức cần thiết.
Ở môn Kỹ thuật, giáo viên cần giáo dục kỹ năng tự phục vụ bởi ở gia
đình, các em thường được cha mẹ, người giúp việc làm thay hoặc không có
thời gian gần gũi để hướng dẫn. Giáo viên cần giúp cho học sinh nhận thấy
nội dung các bài học khâu thêu, nấu cơm, luộc rau, trồng trọt,…là hết sức cần
thiết cho bản thân các em, tạo cho các em tính tự lập, tạo tình cảm với mọi
người xung quanh.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “Rèn kỹ
năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong dạy học môn Kỹ thuật” để làm
khóa luận tốt nghiệp cuối khóa.
II. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc rèn kỹ năng tự
phục vụ trong dạy học môn Kỹ thuật cho học sinh lớp 4, 5; từ đó đưa ra một
số biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học nội dung Kỹ thuật tự
phục vụ cũng như môn Kỹ thuật ở trường Tiểu học.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
+ Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc rèn kỹ năng tự phục vụ trong dạy
học môn Kỹ thuật cho học sinh lớp 4, 5.
+ Tìm hiểu tình hình thực tế về việc dạy và học môn Kỹ thuật ở trường
Tiểu học, đặc biệt là việc tổ chức, hướng dẫn cho học sinh lớp 4, 5 kỹ năng tự
phục vụ trong quá trình dạy học môn Kỹ thuật.
4
+ Nghiên cứu nội dung cấu trúc chương trình môn Kỹ thuật lớp 4, 5 và
các phương pháp dạy học để từ đó xây dựng kế hoạch một số bài học minh
họa việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong quá trình dạy học
môn Kỹ thuật.
+ Thực nghiệm sư phạm.
III. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
1. Khách thể nghiên cứu
Quá trình dạy học môn Kỹ thuật lớp 4, 5 ở trường Tiểu học.
2. Đối tượng nghiên cứu
Việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong quá trình dạy
học môn Kỹ thuật ở trường Tiểu học.
IV. Giả thuyết khoa học
Nếu vận dụng được nhiều phương pháp nhằm rèn kỹ năng tự phục vụ
cho học sinh lớp 4, 5 trong dạy học môn Kỹ thuật thì có thể phát huy tính tích
cực học tập của học sinh trong dạy học môn Kỹ thuật từ đó góp phần hình
thành kỹ năng sống cơ bản cho học sinh và nâng cao chất lượng dạy học Kỹ
thuật ở Tiểu học.
V. Phạm vi nghiên cứu
Các bài học về cắt – khâu – thêu, nấu nướng, chăn nuôi, trồng trọt trong
môn Kỹ thuật lớp 4, 5.
VI. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Thu thập tài liệu, phân tích, tổng hợp
hệ thống hóa, khái quát hóa các nguồn thông tin có liên quan đến môn Thủ
công – Kỹ thuật ở Tiểu học, trọng tâm là việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho học
sinh trong dạy học môn Kĩ thuật lớp 4, 5.
- Phương pháp dự giờ quan sát: Dự giờ các tiết dạy mẫu của giáo viên để
tìm hiểu thực tế dạy và học môn Kỹ thuật ở bậc Tiểu học.
5
- Phương pháp phỏng vấn: Tiến hành trao đổi với một số giáo viên có
kinh nghiệm để tìm hiểu về việc lập kế hoạch dạy học và tổ chức dạy học
nhằm thu thêm thông tin cần thiết bổ sung vào bảng Anket.
- Phương pháp điều tra bằng Anket: Điều tra trên giáo viên và học sinh
để tìm hiểu thực trạng của việc dạy và học môn Kỹ thuật ở bậc Tiểu học.
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Tiến hành giảng dạy ở một số lớp
có sự lồng ghép việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh.
- Phương pháp thống kê: Thống kê các bài học trong môn Kỹ thuật lớp 4,
5 có liên quan đến việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh; phân tích kết
quả điều tra thực trạng, kết quả thực nghiệm ở lớp thực nghiệm và lớp đối
chứng.
VII. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm có 3 phần:
Phần 1: Mở đầu
Phần 2: Nội dung gồm có 3 chương
Chương I. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc rèn kỹ năng tự phục
vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong dạy học môn Kỹ thuật ở bậc Tiểu học.
Chương II. Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm rèn kỹ
năng tự phục vụ cho học sinh lớp 4, 5 trong dạy học môn Kỹ thuật ở bậc Tiểu
học.
Chương III. Thực nghiệm sư phạm.
Phần 3: Kết luận và kiến nghị
6
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC RÈN KỸ
NĂNG TỰ PHỤC VỤ CHO HỌC SINH LỚP 4, 5 TRONG DẠY HỌC
MÔN KỸ THUẬT Ở BẬC TIỂU HỌC
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Tổng quan về phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và
kỹ năng
1.1.1.1. Tổng quan về phương pháp dạy học
a. Khái niệm về phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học nói chung là một khái niệm rất trừu tượng, vì nó
không mô tả những trạng thái, những tồn tại tĩnh trong thế giới hiện thực, mà
chủ yếu mô tả phương pháp vận động trong quá trình nhận thức và hoạt động
thực tiễn của con người. Có thể nói, phương pháp là cách thức, là con đường
nhằm đạt được mục đích đề ra.
Phương pháp dạy học là phương pháp được xây dựng và vận dụng vào
một quá trình cụ thể - quá trình dạy học. Đây là quá trình được đặc trưng bởi
tính hai mặt, nghĩa là bao gồm hai hoạt động: hoạt động dạy của thầy và hoạt
động học của trò. Hai hoạt động này tồn tại và được tiến hành trong mối quan
hệ biện chứng: hoạt động dạy đóng vai trò chủ đạo ( tổ chức, điều khiển), hoạt
động học của trò đóng vai trò tích cực, chủ động (tự tổ chức, tự điều khiển).
Vì vậy, phương pháp dạy học là tổng hợp cách thức làm việc của cả thầy và
trò. Trong quá trình thực hiện những cách thức đó, thầy phải giữ vai trò tích
cực, chủ động.
Thuật ngữ “phương pháp” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “methodos”, có
nghĩa là con đường để đạt được mục đích. Vậy, phương pháp dạy học là con
đường để đạt được mục đích dạy học. Có nhiều định nghĩa khác nhau về
phương pháp dạy học:
7
- Phương pháp dạy học là con đường, cách thức hoạt động nhằm đạt
mục đích nhất định.[11, Tr36]
- Phương pháp dạy học là một hệ thống những hành động có mục đích
của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành của học sinh,
đảm bảo cho học sinh lĩnh hội nội dung học vấn (I.Ia.Larner, 1981).[6, Tr206]
- Phương pháp dạy học là cách thức tương tác giữa thầy và trò nhằm giải
quyết các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học
(I.Uk.Babanxki,1983).[6,Tr207]
- Theo quan điểm điều khiển học: Phương pháp dạy học là cách thức tổ
chức hoạt động nhận thức của học sinh và điều khiển hoạt động này.[6,
Tr207]
- Theo bản chất nội dung: phương pháp dạy học là sự vận động của nội
dung dạy học.[6,Tr207]
Như vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về phương pháp dạy học và có
thể nói rằng phương pháp dạy học là tổ hợp các cách thức hoạt động của cả
thầy và trò trong quá trình dạy học, được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của
thầy và nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học.
Từ các định nghĩa trên ta có thể thấy rằng, mặc dù chưa có sự thống nhất
về khái niệm phương pháp dạy học nhưng hầu hết các tác giả đều thừa nhận
phương pháp dạy học có những dấu hiệu đặc trưng sau:
+ Phản ánh cách thức trao đổi thông tin giữa thầy và trò.
+ Phản ánh sự vận động quá trình nhận thức của học sinh nhằm đạt được
mục đích đề ra.
+ Phản ánh sự vận động của nội dung đã được nhà trường quy định.
+ Phản ánh cách thức điều khiển hoạt động nhận thức và kiểm tra, đánh
giá kết quả hoạt động.
Phương pháp dạy học là một hiện tượng toàn vẹn, nhiều mặt, nhiều cấp
độ, bao gồm phương pháp dạy và phương pháp học. Trong đó:
8
* Phương pháp dạy: là phương pháp tổ chức nhận thức, phương pháp
điều khiển các hoạt động trí tuệ và thực hành, phương pháp giáo dục ý thức
và thái độ cho học sinh.
* Phương pháp học: phương pháp nhận thức và rèn luyện để hình thành
hệ thống tri thức và kỹ năng thực hành, hình thành nhân cách người học.
Hai phương pháp này không tồn tại độc lập, tách rời nhau mà nó liên
quan, phụ thuộc nhau, chúng vừa là mục đích và cũng vừa là nguyên nhân tồn
tại của nhau.
b. Một số đặc điểm của phương pháp dạy học ở Tiểu học
* Phương pháp dạy học phụ thuộc vào nội dung dạy học
Nội dung dạy học quy định phương pháp dạy học. Nội dung dạy học
được triển khai trên cơ sở mục đích dạy học, phản ánh cái khách quan ( thế
giới khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật,…). Phương pháp dạy học
là cái chủ quan – là cách thức, con đường nhằm chuyển tải nội dung dạy học
đã xây dựng. Vì vậy, nội dung dạy học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của
phương pháp dạy học. Ở Tiểu học, học sinh lĩnh hội hệ thống tri thức, kỹ
năng, kỹ xảo thông qua các môn học. Do đó giáo viên cần sử dụng nhiều
phương pháp dạy học khác nhau phù hợp với nội dung dạy học của từng môn
học. Nói cách khác, nội dung dạy học mang tính toàn diện thì phương pháp
dạy học cũng mang tính toàn diện.
* Phương pháp dạy học phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý người học
Nhận thức của học sinh Tiểu học chủ yếu là nhận thức cảm tính, đi từ
trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Vì vậy, các phương pháp dạy học
trực quan thường được sử dụng rộng rãi trong trường Tiểu học. Tuy nhiên, để
phát triển trí tuệ của học sinh giáo viên cần sử dụng con đường từ trừu tượng
đến cụ thể.
Năng lực chú ý và trí nhớ của học sinh Tiểu học kém bền vững, do đó
không nên kéo dài nội dung bài học từ giờ này qua giờ khác. Thời gian và
9
khối lượng bài tập cần ngắn gọn, vừa đủ. Giáo viên phải biết sử dụng kết hợp
nhiều phương pháp dạy học nhằm nâng cao khả năng tập trung chú ý và phát
huy hứng thú học tập cho học sinh.
* Phương pháp dạy học phụ thuộc vào trình độ giáo viên
Ngoài năng lực nghiệp vụ sư phạm, giáo viên cũng cần có khuôn mặt,
giọng nói và một chút năng khiếu nghệ thuật như múa, hát, vẽ,…Những điều
này giúp ích nhiều cho giáo viên trong quá trình dạy học. Việc vận dụng các
phương pháp dạy học phụ thuộc vào trình độ, năng lực sư phạm của giáo viên.
* Phương pháp dạy học phụ thuộc vào các yếu tố khác của quá trình dạy
học.
- Phương tiện dạy học hỗ trợ đến hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học.
Điều này phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học của mỗi nhà
trường. Giáo viên cần sử dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện có.
- Hình thức dạy học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của phương pháp
dạy học. Hình thức tổ chức dạy học bài lớp gắn liền với các phương pháp dạy
học như thuyết trình, vấn đáp, thực hành, dạy học nêu vấn đề,…Ví dụ như khi
sử dụng hình thức dạy học thảo luận nhóm, tự học lúc đó phương pháp dạy
học phù hợp là phương pháp luyện tập, phương pháp làm việc độc lập với
SGK. Hoặc khi hình thức tổ chức dạy học là tham quan thì phương pháp dạy
học sử dụng là phương pháp trực quan.
1.1.1.2. Tổng quan vềhình thức tổ chức dạy học
a. Khái niệm về hình thức tổ chức dạy học
Để thực hiện nhiệm vụ học tập, hoạt động dạy học được tổ chức dưới
nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích, nội dung, các điều kiện
khách quan và chủ quan.
Hình thức tổ chức dạy học là cách thức tổ chức hoạt động dạy và học
thống nhất giữa giáo viên và học sinh, được thực hiện theo một trình tự và chế
độ nhất định nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ dạy học.[11,Tr52]