Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nhận thức của vị thành niên việt nam độ tuổi 15 17 về bình đẳng giới và các yếu tố tác động
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
Nhận thức của vị thành niên Việt Nam độ tuổi
15- 17 về bình đẳng giới và các yếu tố
tác động
Trần Thị Phương
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa Xã hội học
Chuyên ngành: Xã hội học; Mã số: 60 31 30
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh
Năm bảo vệ: 2012
Abstract. Làm rõ một số khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Nhận thức,
vị thành niên, giới, bình đẳng giới,… Trên cơ sở đó, bước đầu xây dựng cơ sở lý
thuyết cho vấn đề nghiên cứu. Tổng quan một số nghiên cứu có liên quan đến việc
phân tích nhận thức của trẻ vị thành niên về bình đẳng giới. Mô tả thực trạng nhận
thức của nhóm vị thành niên từ 15- 17 tuổi ở Việt Nam hiện nay về vấn đề bình đẳng
giới. Cụ thể là: Nhận thức về bình đẳng giới trong cuộc sống gia đình (vai trò của
người vợ và người chồng, sự phân công lao động trong gia đình, mối quan hệ quyền
lực giữa vợ và chồng qua các quyết định…). Phân tích các nhân tố tác động đến nhận
thức của trẻ vị thành niên (từ 15- 17 tuổi) về bình đẳng giới. Cụ thể: Các nhân tố từ
phía bản thân vị thành niên (giới tính); các nhân tố gia đình (học vấn cha mẹ, nơi ở,
mức sống…).
Keywords. Xã hội học; Bình đẳng giới; Trẻ vị thanh niên
Content.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, là tiêu chí
quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi xã hội và là yếu tố cơ bản để nâng cao
khả năng tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt
được những thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng
về giới. Việc đẩy mạnh các hoạt động về giới đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về
nhận thức cũng như hành động của xã hội trước những vấn đề bất bình đẳng giới.
Tuy nhiên cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam còn gặp nhiều khó
khăn và tình trạng bất bình đẳng giới là một trong những thách thức chính về phát triển
đối với Việt Nam. Trước hết, đó là những định kiến giới ở nhiều tầng lớp xã hội coi
trọng nam giới hơn phụ nữ. Nhìn chung, nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận
không nhỏ người dân còn hạn chế. Trong nhiều trường hợp, những quan niệm bất bình
đẳng giới được khái quát hoá và trở thành các chuẩn mực và giá trị xã hội. Trong khi
điều kiện kinh tế đang thay đổi nhanh chóng thì các chuẩn mực, giá trị văn hoá liên
2
quan đến vai trò giới dường như thay đổi rất chậm chạp [19; tr.11]. Do đó, cuộc chiến
đấu chống lại bất bình đẳng giới ở Việt Nam đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng
cao nhận thức người dân về bình đẳng giới.
Vị thành niên là giai đoạn quá độ từ trẻ con sang người lớn, đây cũng là giai
đoạn diễn ra sự học tập, thích nghi và lựa chọn các giá trị, chuẩn mực một cách mạnh
mẽ. Quá trình nhận thức, hình thành nhân cách ở giai đoạn này giữ vai trò quan trọng
trong cuộc đời mỗi con người và chịu sự chi phối không nhỏ từ ý thức hệ chủ đạo đang
tồn tại trong xã hội. Nhóm vị thành niên ở độ tuổi từ 15 đến 17 phần lớn vẫn đang là
học sinh, những hiểu biết xã hội và nhận thức của các em về bình đẳng giới chủ yếu
thông qua quan sát, học hỏi từ cha mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh. Vì thế, nhận
thức không đầy đủ sẽ dẫn tới việc nhóm vị thành niên này tiếp thu một cách thụ động
các chuẩn mực, định kiến giới. Mặt khác, quá trình xã hội hoá vai trò giới được chia
thành 3 giai đoạn, mà theo đó, ở giai đoạn thứ ba, giai đoạn ở tuổi vị thành niên, trẻ em
bắt đầu có ý thức hơn về giới do quá trình xã hội hoá toàn diện hơn [13; tr. 47].
Nhận thức của vị thành niên về bình đẳng giới chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu
tố. Ngay từ gia đình, sự định hướng của cha mẹ về lối sống, chuẩn mực, học tập, lao
động- nghề nghiệp và trong cả sự đầu tư của cha mẹ đối với con cái cũng thường có sự
phân biệt tương đối rõ ràng về giới. Trong nhiều gia đình, công việc do trẻ em đảm
nhận thường có sự phân biệt rõ ràng theo vai trò giới. Chính yếu tố này có thể dẫn tới
nhận thức của các em về chuẩn mực cho từng giới trong phân công lao động gia đình.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng các nghiên cứu xã hội học về thanh niên, vị thành
niên hiện nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề có liên quan đến sức khoẻ sinh sản,
tình yêu, hôn nhân hay các vấn đề về học tập, lao động- việc làm; nhận thức đối với
bình đẳng giới còn ít được đề cập trong các công trình nghiên cứu. Chính vì thế, tìm
hiểu nhận thức của nhóm vị thành niên độ tuổi từ 15- 17 về bình đẳng giới là hết sức
cần thiết.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Xác định nhận thức của nhóm vị thành niên độ tuổi từ 15- 17 về bình đẳng
giới trong cuộc sống gia đình hiện nay.
- Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức của vị thành niên về bình
đẳng giới trong cuộc sống gia đình.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ một số khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu như: Nhận thức, vị
thành niên, giới, bình đẳng giới,… Trên cơ sở đó, bước đầu xây dựng cơ sở lý thuyết
cho vấn đề nghiên cứu.
- Tổng quan một số nghiên cứu có liên quan đến việc phân tích nhận thức của vị
thành niên về bình đẳng giới.