Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Miễn dịch chương 3.pdf
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Chương 3
KHÁNG THỂ
Một trong những thông báo thực nghiệm đầu tiên về đáp ứng miễn
dịch thu được là sự trình bày về miễn dịch dịch thể chống lại độc tố vi
khuẩn. Vào những năm đầu của thập kỷ 1900, bệnh nhân bị nhiễm trùng
bạch hầu có thể bị nguy hiểm tính mạng nhưng có thể điều trị được bằng
cách tiêm huyết thanh của những ngựa được gây miễn dịch với độc tố bạch
hầu. Thể dạng miễn dịch này được gọi là miễn dịch dịch thể và được trung
gian bởi một họ glycoprotein có tên là kháng thể. Kháng thể, phân tử MHC
(phức hệ hoà hợp mô chủ yếu), và thụ thể kháng nguyên của tế bào T là ba
loại phân tử tham gia vào việc nhận diện kháng nguyên trong miễn dịch thu
được. Trong ba loại phân tử này thì kháng thể liên kết với nhiều cấu trúc
kháng nguyên nhất, có khả năng tốt nhất trong việc phân biệt các kháng
nguyên khác nhau, và liên kết với kháng nguyên với lực mạnh nhất. Kháng
thể cũng là phân tử được nghiên cứu nhiều nhất trong ba phân tử liên kết
kháng nguyên này.
3.1. Phân bố tự nhiên và sản xuất kháng thể
Kháng thể được phân bố trong các dịch sinh học ở khắp cơ thể và được
tìm thấy trên bề mặt một số tế bào. Lymphô bào B là tế bào duy nhất sinh
tổng hợp được phân tử kháng thể. Trong tế bào B, kháng thể hiện diện trong
các bộ phận liên kết với mang trong bào tương (như hệ lưới nội bào và hệ
Golgi) và trên bề mặt tế bào nơi mà chúng được xem như là một protein
màng. Dạng tiết của kháng thể hiện diện trong huyết tương, dịch niêm mạc,
và dịch gian bào của các mô. Kháng thể do tế bào B tổng hợp và sản xuất sẽ
gắn lên bề mặt của một số tế bào hiệu quả miễn dịch như thực bào đơn nhân,
tế bào NK (giết tự nhiên), và dưỡng bào là những tế bào có thụ thể đặc hiệu
dành cho phân tử kháng thể.
Khi máu hay huyết tương tạo thành cục đông, kháng thể nằm trong
khối dịch còn lại gọi là huyết thanh. Huyết thanh có chứa kháng thể chống
lại một kháng nguyên nhất định nào đó được gọi là kháng huyết thanh. (Do
đó, những nghiên cứu về kháng thể và tương tác của nó với kháng nguyên
được gọi một cách kinh điển là huyết thanh học). Nồng độ của kháng thể
trong huyết thanh chống lại một kháng nguyên đặc biệt nào đó thường được
đo bằng cách tính xem đến độ pha loãng nào thì phản ứng giữa kháng
nguyên và kháng thể không còn thấy được nữa. Độ pha loãng đó được gọi là
hiệu giá kháng thể.