Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của võ quảng.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA TIỂU HỌC
----------
TRẦN THỊ HƯƠNG
Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các truyện
viết cho thiếu nhi của Võ Quảng
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
SƯ PHẠM TIỂU HỌC
2
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong câu tiếng Việt, tình thái từ là một thành phần mà không có mặt nó
câu vẫn diễn đạt đúng nội dung, đúng ngữ pháp. Tuy nhiên, câu còn phải thực
hiện chức năng giao tiếp, bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói, thiết lập và
duy trì quan hệ đối thoại nên tình thái từ trở nên rất cần thiết.
Hệ thống tình thái từ trong tiếng Việt rất phong phú, linh hoạt và giàu sắc
thái biểu cảm trong sử dụng. Nó là một trong những cơ sở để người nói tạo dựng
phát ngôn cũng như để người nghe tiếp nhận và nắm bắt đúng ý định giao tiếp
của người nói. Việc nắm được đặc điểm của hệ thống tình thái từ tiếng Việt góp
phần nâng cao hiệu quả giao tiếp nói chung và vận dụng vào việc dạy tiếng Việt
nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu về vấn đề tình thái từ là rất cần thiết và
cần được quan tâm.
Võ Quảng là một nhà văn để cả cuộc đời và tâm huyết của mình vào sự
nghiệp sáng tác cho thiếu nhi.Trên chặng đường đó, ông đã viết khá nhiều
truyện cho thiếu nhi như: Quê nội, Tảng sáng, Cái lỗ cửa, Cái Thăng, Chỗ cây
đa làng, Cái mai, Những chiếc áo ấm, Những câu chuyện, Bài học tốt… Các tác
phẩm ấy đã thể hiện được tài năng của Võ Quảng không chỉ qua nội dung mà
còn qua ngôn ngữ. Hệ thống ngôn ngữ trong các tác phẩm của Võ Quảng thường
là những từ thông dụng, giản dị, dễ hiểu nhưng ông lại đặc biệt chú ý làm cho
vốn từ ngữ đó thật sinh động và hấp dẫn để tạo nên những câu văn đi vào lòng
người đọc. Chính vì vậy trong hệ thống từ ngữ Võ Quảng sử dụng không thể
thiếu các tình thái từ.
Hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề tình thái từ trong
tiếng Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống tình thái từ trong các truyện viết
cho thiếu nhi của Võ Quảng thì chưa có một công trình nào nghiên cứu. Do đó,
việc nghiên cứu đề tài “Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các truyện viết cho
thiếu nhi của Võ Quảng” sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn tổng thể về hệ thống tình
3
thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng nói riêng và hệ thống
tình thái từ trong tiếng Việt nói chung.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “Khảo sát hệ thống tình
thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng” để nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Vấn đề tình thái từ trong tiếng Việt đã được nhiều nhà ngôn ngữ học quan
tâm nghiên cứu. Ở phần này, chúng tôi điểm qua một số công trình nghiên cứu
tiêu biểu đề cập đến vấn đề này, từ đó xác định hướng đi đúng cho đề tài nghiên
cứu của mình.
Diệp Quang Ban, “Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt”, Đại học Huế - Trung
tâm đào tạo từ xa, 2003, theo tác giả: “Tình thái từ là hư từ chỉ mối quan hệ của
người nói (sự nhấn mạnh, độ tin cậy, thái độ, đánh giá…) với nội dung câu nói
hay người nghe. Khác với phụ từ (định từ và phó từ) là những từ nằm trong cấu
tạo cụm từ, tình thái từ chỉ xuất hiện ở bậc câu, tuy về mặt nội dung thì có thể
liên hệ với một từ, một cụm từ hay cả câu”. [1, 48]
Lê Biên, “Từ loại tiếng Việt hiện đại”, Nhà xuất bản Giáo dục, 1999, tác
giả đã nêu tác dụng ngữ pháp của tình thái từ: “Các tình thái từ xuất hiện và hoạt
động ở bậc câu, chúng không làm thành tố của ngữ, một số tình thái từ có chức
năng dạng thức hóa một từ, một ngữ hoặc để bổ sung cho một phát ngôn một sắc
thái tình cảm nào đó”. [4, 69]. Căn cứ vào vị trí và tác dụng, ông cũng đã chia
phạm trù tình thái từ thành hai loại: trợ từ và tiểu từ tình thái.
Lê Đông - Nguyễn Văn Hiệp, “Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ học”,
Tạp chí ngôn ngữ số 7, 2003, hai tác giả đã khái quát về khái niệm tình thái:
“góp phần làm rõ một số phương tiện chính yếu của phạm trù tình thái trong
ngôn ngữ cũng như những vấn đề có liên quan”. [6, 63]
Nguyễn Thị Lương, “Câu tiếng Việt”, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm,
2006, tác giả đã xếp tình thái từ vào các thành phần biệt lập của câu, xem xét các
thành phần tình thái được thể hiện bằng các yếu tố ngôn ngữ chuyên dùng, chưa
xem xét các từ ngữ nằm trong cấu trúc cú pháp của cụm từ , của câu nhưng vẫn
4
mang sắc thái tình thái. Theo tác giả: “Tình thái ngữ là các biểu thức tình thái
chuyên biệt, không nằm trong nòng cốt câu, được dùng để biểu thị một số ý
nghĩa tình thái của câu - phát ngôn như ý kiến, sự đánh giá, thái độ, quan hệ của
người nói với người nghe và với sự tình được phản ánh trong câu”. [10, 65]
Võ Đại Quang, “Tình thái trong câu - phát ngôn: một số vấn đề lí luận cơ
bản”, Ngôn ngữ và Đời sống, 2008, tác giả đã khẳng định rõ vai trò của các
phương tiện biểu thị tình thái: “Việc học và sử dụng chuẩn xác các phương tiện
tình thái sẽ giúp ích rất nhiều trong việc duy trì và cải thiện quan hệ liên nhân
trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể bằng ngôn từ”. [12, 8]
Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp, “Thành phần câu tiếng Việt”,
Nhà xuất bản Giáo dục, 2004, các tác giả đã dành hẳn một chương để trình bày
về một thành phần phụ của câu: tình thái ngữ. Hai tác giả đã trình bày khái niệm
về tình thái ngữ, phân biệt tình thái ngữ với các thành tố khác trong câu, phân
loại tình thái ngữ và nêu ra điều kiện sử dụng chúng trong câu. Theo các tác giả:
“Tình thái ngữ là thành phần phụ của câu luôn luôn đứng sau nòng cốt câu, có
nhiệm vụ bổ sung những ý nghĩa tình thái cho câu, tình thái ngữ không tham gia
vào kết cấu phân đoạn thực tại câu”. [13, 269]
Phạm Hùng Việt, “Trợ từ trong tiếng Việt hiện đại”, Nhà xuất bản Khoa
học xã hội Hà Nội, 2003, tác giả đã liệt kê một hệ thống: động từ tình thái, phụ
từ, trợ từ, thán từ, quán ngữ tình thái. Tác giả cho rằng: “Cùng với sự phong
phú của các ý nghĩa tình thái, các phương tiện dùng để biểu thị ý nghĩa tình
thái cũng rất đa dạng”. [16, 37]
Như vậy, việc nghiên cứu về tình thái từ, vấn đề nghĩa tình thái trong tiếng
Việt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ học nhưng riêng về hệ
thống tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng thì chưa
được tác giả nào nghiên cứu. Vì thế ở luận văn này, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn
đề đó. Các công trình trên là nguồn tài liệu tham khảo quý giá, bổ ích cho chúng
tôi trong quá trình tiến hành nghiên cứu.
5
3. Mục đích nghiên cứu
Chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các
truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng” để có cái nhìn tổng thể về hệ thống
tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng nói riêng và trong
tiếng Việt nói chung. Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng hệ thống bài tập sử
dụng tình thái từ trong dạy học nghi thức lời nói ở phân môn Tập làm văn lớp 2
nhằm giúp học sinh vận dụng tình thái từ có hiệu quả trong học tập và giao tiếp
hằng ngày.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được những mục đích trên, đề tài phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lí luận liên quan đến đề tài.
- Thống kê, phân loại, nhận xét hệ thống tình thái từ trong các truyện viết
cho thiếu nhi của Võ Quảng
- Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ sử dụng tình thái từ cho học sinh lớp 2.
5. Đối tượng nghiên cứu
Hệ thống tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng.
6. Phạm vi nghiên cứu
Trong đề tài này, chúng tôi chọn các truyện sau để khảo sát: Cái lỗ cửa,
Cái Thăng, Những chiếc áo ấm, Quê nội, Bài học tốt, Tảng sáng.
7. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, đề tài sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu lí luận: nghiên cứu những vấn đề lí luận liên
quan đến đề tài.
- Phương pháp khảo sát, thống kê: thống kê, phân loại hệ thống tình thái từ
trong các truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Võ Quảng.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích, nhận xét về hệ thống tình
thái từ dựa vào bảng thống kê, phân loại.
- Phương pháp quy nạp: dựa vào các kết quả đã nghiên cứu trên cơ sở đó
xây dựng các bài tập sử dụng tình thái từ trong dạy học các nghi thức lời nói
trong phân môn Tập làm văn lớp 2.
6
8. Giả thuyết khoa học
Đề tài “Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi
của Võ Quảng” sẽ giúp giáo viên và sinh viên ngành sư phạm tiểu học có cái
nhìn tổng thể về hệ thống tình thái từ trong tiếng Việt nói chung và trong các
truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi xây
dựng các bài tập sử dụng tình thái từ trong dạy học các nghi thức lời nói trong
phân môn Tập làm văn lớp 2 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dạy học phân môn
Tập làm văn lớp 2 và giúp học sinh Tiểu học vận dụng tình thái từ trong học tập
và giao tiếp có hiệu quả.
9. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, đề tài gồm có 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận
Chương 2: Khảo sát hệ thống tình thái từ trong các truyện viết cho thiếu nhi
của Võ Quảng
Chương 3: Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ sử dụng tình thái từ cho học
sinh lớp 2