Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Khảo sát hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập đọc ở sách giáo khoa tiếng việt tiểu học.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA TIỂU HỌC
----------
LÊ THỊ LÀNH
Khảo sát hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập
đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
SƯ PHẠM TIỂU HỌC
PHẦN MỞ ĐẦU
2
1. Lí do chọn đề tài
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về sự mở rộng các mối quan hệ của
con người càng nâng cao, đòi hỏi con người phải có khả năng giao tiếp tốt. Nhờ
có giao tiếp mà con người có thể trao đổi với nhau về thông tin, về cảm xúc, ...
Qua đó, mỗi cá nhân có thể tự nhận thức, tự đánh giá và điều khiển thái độ, hành
vi của mình sao cho phù hợp với các mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống. Vì
vậy, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực, có văn hóa là nhân tố quan trọng hàng
đầu trong việc đào tạo con người phát triển toàn diện.
Bậc Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục. Đây là bậc học
cung cấp những tri thức khoa học ban đầu về tự nhiên và xã hội, trang bị những
kiến thức kỹ năng đầu tiên về hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng, phát huy những
tình cảm, thói quen và đức tính tốt của con người.
Trong hệ thống chín môn học ở bậc Tiểu học, môn Tiếng Việt giữ một vị
trí quan trọng bởi nó có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho
học sinh. Năng lực hoạt động ngôn ngữ được thể hiện trong bốn dạng hoạt động,
tương ứng với bốn kĩ năng nghe – nói – đọc – viết.
Đọc là một khả năng không thể thiếu được của con người trong thời đại
văn minh, nhất là học sinh bởi vì nó giúp các em có thể chiếm lĩnh một ngôn
ngữ để dùng trong giao tiếp và học tập. Vì vậy, với hệ thống các văn bản đa
dạng về nội dung và hình thức, ngoài việc hình thành năng lực đọc cho học sinh,
phân môn Tập đọc còn giúp học sinh làm giàu kiến thức về ngôn ngữ, đời sống
và kiến thức văn học; phát triển ngôn ngữ và tư duy. Đồng thời nó còn góp phần
giáo dục tư tưởng, đạo đức, tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ cho học sinh. Trong đó,
việc hình thành văn hóa giao tiếp cho học sinh Tiểu học qua phân môn Tập đọc
là vấn đề rất quan trọng.
Có nhiều cách để con người thể hiện hành vi giao tiếp có văn hóa của
mình, trong đó có việc sử dụng hô ngữ vào lời nói trong quá trình giao tiếp. Hệ
thống hô ngữ trong tiếng Việt rất phong phú về khả năng kết hợp, linh hoạt và
giàu sắc thái biểu cảm trong sử dụng. Tuy chỉ là bộ phận nằm ngoài cấu trúc
nòng cốt câu nhưng trong giao tiếp và bộc lộ cảm xúc nó lại đảm nhiệm một vai
3
trò quan trọng. Thông qua việc sử dụng các hô ngữ trong tiếng Việt, chúng ta có
thể phát hiện ra các mối quan hệ xã hội, trình độ nhận thức, tính cách, thái độ
tình cảm của người nói đối với người nghe và các đối tượng được nói đến,… mà
không một ngôn ngữ nào trên thế giới có thể so sánh được.
Các văn bản tập đọc trong Sách giáo Tiếng Việt Tiểu học là nơi chứa
đựng hệ thống hô ngữ rất phong phú của tiếng Việt. Đây chính là cơ hội rất lớn
để người giáo viên có thể hình thành văn hóa giao tiếp và làm phong phú hóa
tình cảm, rèn luyện tính cách, nhân cách cho học sinh Tiểu học, góp phần to lớn
vào việc giáo dục con người phát triển toàn diện.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài “Khảo sát hệ thống
hô ngữ trong các văn bản tập đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học” để
nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Hô ngữ và vấn đề sử dụng hô ngữ trong tiếng Việt đã được nhiều nhà
ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu. Ở đây, chúng tôi điểm qua một số công
trình nghiên cứu tiêu biểu để từ đó xác định hướng đi đúng cho đề tài của mình:
Giáo trình Tiếng Việt 2, Bộ Giáo dục, Cục đào tạo và bồi dưỡng, 1978,
các tác giả đã trình bày khái niệm, cấu tạo, vị trí, tác dụng và quan hệ cú pháp
của hô ngữ với các phần khác trong câu. Đồng thời các tác giả cũng đã so sánh
sự giống và khác nhau giữa hô ngữ và các phần phụ của câu.
Lê A – Đinh Thanh Huệ có Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục – 1997.
Các tác giả khẳng định “Thành phần than, gọi (hô ngữ) là thành phần phụ của
câu. Thành phần này biểu thị niềm vui, nỗi buồn, lời nguyền, lời gọi, lời đáp” .
Ngoài ra, các tác giả cũng đã trình bày về cấu tạo và vị trí của lời đáp, lời gọi,
lời cảm thán trong câu.
Đinh Trọng Lạc – Bùi Minh Toán, Tiếng Việt tập 2, NXB Giáo dục –
1999, khi viết về hô ngữ, các tác giả nêu khái quát chung về hô ngữ; đồng thời
phân biệt các trường hợp sử dụng hô ngữ trong giao tiếp. Các tác giả cũng đã
giới thiệu về tác dụng của việc sử dụng hô ngữ nói chung nhưng chưa đi sâu
phân tích giá trị của hô ngữ trong giao tiếp.
4
Trong cuốn Câu tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm – 1999, tác giả
Nguyễn Thị Lương đưa ra ý nghĩa của việc sử dụng hô ngữ trong lời nói nhân
vật là “nhằm thu hút sự chú ý với lời gọi hay chứng tỏ sự cộng tác của mình với
người đối thoại”. Ngoài ra, tác giả cũng đã phân tích cấu tạo của các hô ngữ,
giới thiệu một số hô ngữ thể hiện thái độ kính trọng, thân tình hay coi thường để
người nói có thể vận dụng dễ dàng, góp phần thực hiện đúng mục đích giao tiếp.
Giáp Thị Thủy trong bài viết về “Cách sử dụng hô ngữ trong lời thoại
của Dế Mèn phiêu lưu kí”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 8 (166) – 2009 có
phân loại các loại hô ngữ, đồng thời tác giả cũng đã phân tích cấu tạo của loại hô
ngữ định danh và chỉ rõ vai trò của chúng trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí.
Trong bài viết “Bước đi của ngôn ngữ trong thơ mới 1932-1945”, Tạp chí
sáng tác nghiên cứu phê bình văn hóa, văn học nghệ thuật số 156 – 2010, Tiến sĩ
Hoàng Sỹ Nguyên đã khẳng định “Việc đưa những yếu tố giao tiếp với những
hô ngữ, thán ngữ, lời than, lời kể... vào thơ một cách tự nhiên làm cho ngôn ngữ
sống động, tươi nguyên, nhộn nhịp như nhịp sống đô thị. Nó vừa biểu hiện
phương thức thơ trữ tình hướng nội, vừa biểu hiện sự "xuân hóa" trong thơ thời
hiện đại”.
Như vậy, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về hô ngữ nói chung nhưng riêng
về hệ thống hô ngữ trong các văn bản Tập đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu
học thì chưa được tác giả nào đề cập đến. Vì thế, ở luận văn này, chúng tôi sẽ
nghiên cứu vấn đề này. Các tài liệu trên là nguồn tài liệu tham khảo quý giá và
bổ ích cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Khảo sát hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập đọc ở Sách giáo khoa
Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5; từ đó bước đầu xây dựng một số bài tập sử dụng
hô ngữ phù hợp với tình huống giao tiếp và môi trường giao tiếp, góp phần nâng
cao hiệu quả giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh Tiểu học.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
5
Để đạt được mục đích trên, đề tài đề ra một số nhiệm vụ nghiên cứu như
sau:
- Tìm hiểu những vấn đề lí luận liên quan đến đề tài.
- Thống kê, phân loại, nhận xét hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập đọc
ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học.
- Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ sử dụng hô ngữ cho học sinh Tiểu học.
4. Giả thuyết khoa học
Việc nghiên cứu đề tài “Khảo sát hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập
đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học” giúp người nghiên cứu có cái nhìn
tổng quan về sự phong phú cũng như tác dụng, ý nghĩa của các hô ngữ. Ngoài
ra, đề tài sẽ nguồn tài liệu tham khảo trong việc giáo dục văn hóa giao tiếp cho
học sinh Tiểu học ở trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt
Tiểu học.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Các văn bản tập đọc trong Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lí luận: nghiên cứu những vấn đề lí luận liên
quan đến đề tài.
- Phương pháp khảo sát, thống kê: thống kê, phân loại hô ngữ trong các
văn bản tập đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích, nhận xét về hệ thống hô
ngữ trong các văn bản tập đọc ở Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học.
- Phương pháp quy nạp: phân tích tác dụng, ý nghĩa của việc sử dụng hô
ngữ.
7. Cấu trúc đề tài
Đề tài gồm 3 phần
Phần mở đầu: Gồm
6
Lí do chọn đề tài
Lịch sử vấn đề
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Giả thuyết khoa học
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu
Cấu trúc đề tài
Phần nội dung: Gồm 3 chương
Chương 1: Cơ sở lí luận chung của đề tài
Chương 2: Khảo sát hệ thống hô ngữ trong các văn bản tập đọc ở sách giáo khoa
Tiếng Việt Tiểu học
Chương 3: Xây dựng hệ thống bài tập sử dụng hô ngữ phù hợp với tình huống
giao tiếp và môi trường giao tiếp cho học sinh Tiểu học
Phần kết luận
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CHUNG CỦA ĐỀ TÀI
7
1.1. Khái niệm hô ngữ
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về hô ngữ:
- Theo các tác giả Trịnh Mạnh – Nguyễn Huy Đàn: “Hô ngữ là một từ hay
một ngữ đứng riêng, thường để chỉ những đối tượng mà ta gọi. Hô ngữ không có
quan hệ cú pháp chặt chẽ với các thành phần khác trong câu” [2, Tr.45].
- Theo Lê A, Đinh Thanh Huệ: “Thành phần than, gọi (hô ngữ) là thành
phần phụ của câu. Thành phần này biểu thị niềm vui, nỗi buồn, lời nguyền, lời
gọi, lời đáp” [1, Tr.78].
- Đinh Trọng Lạc, Bùi Minh Toán định nghĩa về hô ngữ như sau: “Hô ngữ
là thành phần phụ của câu (nằm ngoài nòng cốt câu). Nó là dấu hiệu về tình
cảm, thái độ của người nói đối với người nghe, nó biểu thị lời gọi, lời đáp hay
lời cảm thán [7, Tr.77].
- Cao Xuân Hạo lại cho rằng: “Hô ngữ ghi lại một lời gọi, đáp để mở đầu,
duy trì hoặc kết thúc một đối thoại. Hô ngữ cũng ghi lại một lời cảm thán trong
quá trình nói” [6, Tr.109].
Các định nghĩa trên đây tuy khác nhau nhưng đều có điểm chung: Hô ngữ
là thành phần gọi đáp, cảm thán nằm ngoài nòng cốt câu.
Tuy nhiên, chúng tôi chọn khái niệm về hô ngữ của tác giả Đinh Trọng
Lạc, Bùi Minh Toán: “Hô ngữ là thành phần phụ của câu (nằm ngoài nòng cốt
câu). Nó là dấu hiệu về tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe, nó
biểu thị lời gọi, lời đáp hay lời cảm thán” để làm cơ sở nghiên cứu đề tài.
Ví dụ:
(1) Lan ơi, cho tớ mướn cái thước của cậu với.
(2) Vâng, tôi đã làm xong việc anh giao rồi.
(3) Ôi, hôm nay bầu trời đẹp quá!
(4)Thưa thầy, em là học sinh mới của lớp ạ!
1.2. Phân loại hô ngữ
1.2.1. Căn cứ vào mục đích giao tiếp
8
Căn cứ vào mục đích giao tiếp, các tác giả Đinh Trọng Lạc – Bùi Minh
Toán phân chia hô ngữ thành 2 loại:
a) Hô ngữ gọi – đáp: dùng trong nghi thức giao tiếp ngôn ngữ (đối thoại, hội
thoại). Trong hô ngữ gọi – đáp lại có thể chia thành:
- Hô ngữ gọi: Biểu thị lời gọi, làm dấu hiệu để cho người nghe chú ý đến
hoạt động giao tiếp.
Ví dụ:
(1) Bà ạ, cháu đi đây.
(2) Nam, lại đây bác bảo cái này.
(3) Mẹ kính yêu, mẹ đã quá vất vã rồi!
- Hô ngữ đáp: Biểu thị lời đáp, bày tỏ sự đáp trước yêu cầu của người
tham gia hoạt động giao tiếp. Lời đáp luôn luôn bộc lộ cả tình cảm và thái độ
của con người.
Ví dụ:
(1) Vâng, tôi mới đến cách đây ít phút.
(2) Thưa chú, bố cháu không có nhà.
(3) Bẩm quan lớn, con có tội gì đâu mà ngài bắt trói con?
Trong hô ngữ gọi – đáp, các tác giả lại chia làm hai loại:
+ Hô ngữ phi định danh: gồm một tiếng gọi (ê, này, nào, thưa, bẩm, ừ, ờ,
vâng, dạ,…).
Ví dụ :
(1) Này, nghe đây, cứ để tình hình này kéo dài nữa thì phiền anh nghỉ làm
giúp tôi.
(2) Ê, tao nghe đâu mày sắp chuyển trường à?
(3) Thưa, quan cho gọi con lên đây có gì dạy bảo không ạ?
(4) Bẩm, con có tội, xin quan tha cho.
(5) Vâng, cháu làm ngay đây ạ!
+ Hô ngữ định danh: thường gồm hai thành phần: hạt nhân định danh
(HNĐD) chỉ đối tượng nhận phát ngôn và phần đi kèm (PĐK). Ở thành phần hạt
nhân định danh, chúng ta thường gặp nhiều danh từ (chỉ người, chỉ vật, chỉ địa
9
danh,…). Thành phần đi kèm thường là các động từ ngôn hành (động từ ngôn
hành là động từ mà khi phát âm chúng ra thì người nói thực hiện luôn cái hành
vi ở lời do chúng biểu thị: lạy, thưa, bẩm,…) và các tình thái từ (à, ơi, ạ, nhé,
nghe,…).
Ví dụ:
(1) Thưa bác, hôm nay bố mẹ cháu đi vắng rồi ạ!
PĐK HNĐD
(2) Bẩm quan lớn, con thật sự bị oan.
PĐK HNĐD
(3) Lạy ông, ông tha cho con lần này thôi.
PĐK HNĐD
(4) Việt Nam ơi, hãy chờ ngày ta trở về nhé!
HNĐD PĐK
Hô ngữ định danh có một số cấu trúc như sau:
- Danh từ (hoặc cụm danh từ)
Ví dụ:
(1)Nhớ khóa cửa cẩn thận nhé, Nam!
(2)Thằng bé, lại đây!
(3)Em gái yêu quý, giúp anh việc này nhé!
- Danh từ (hoặc cụm danh từ) + tình thái từ
Ví dụ:
(1)Bác ạ, cháu suy nghĩ kĩ rồi, cháu quyết định lên thành phố lập nghiệp.
(2)Khi về, mẹ nhớ mua quà cho con, mẹ nhé!
(3)Thằng bé kia, sao mày dám lừa tao?
- Tính từ
Ví dụ :
(1) Oắt! Oắt! Khá lắm, lần sau cố gắng lên nhé!
(2) Nhỏ, lại đây hỏi tí việc!
- Động từ ngôn hành + danh từ (hoặc cụm danh từ)
Ví dụ :