Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết nguyễn danh lam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
PHẠM THỊ LÝ
HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG
TIỂU THUYẾT NGUYỄN DANH LAM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số : 60.22.34
TÓM TẮT
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng – Năm 2015
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HỒ THẾ HÀ
Phản biện 1: TS. Lê Thị Hường
Phản biện 2: TS. Bùi Bích Hạnh
Luận văn đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn
tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn họp tại
Đại Học Đà Nẵng vào ngày 28 tháng 12 năm 2014.
Có thể tìm hiểu Luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong sự vận động chung của văn học Việt Nam giai đoạn từ
sau 1975, tiểu thuyết - một loại hình tự sự cỡ lớn - đã và đang nỗ lực
chuyển mình, đổi mới; đồng thời, bộc lộ những ưu thế vượt trội trong
việc tiếp cận, phản ánh hiện thực đời sống vốn bộn bề, ngổn ngang,
đa dạng và phức tạp. Có thể nói, chưa bao giờ, tiểu thuyết liên tục có
những mùa bội thu như bây giờ, đặc biệt từ sau 1986. Sự phát triển
mạnh mẽ này không chỉ thể hiện ở chỗ ngày càng xuất hiện đông đảo
đội ngũ nhà văn tài năng, ngày càng có nhiều tác phẩm ra đời, mà
quan trọng hơn là sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, thi pháp. Các
nhà văn không ngừng tìm tòi, cách tân, sáng tạo trên cánh đồng chữ
nghĩa nhằm mang đến cho độc giả những sản phẩm độc đáo, có giá
trị nghệ thuật cao và mở ra những hướng đi mới mẻ cho thể loại tiểu
thuyết. Làm nên thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của nhiều
cây bút trẻ Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương,
Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn
Ngọc Tư..., trong đó, có Nguyễn Danh Lam.
Với hơn mười năm dấn thân vào con đường văn chương,
Nguyễn Danh Lam đã thử bút trên nhiều thể loại và tích lũy được một
gia tài kha khá: một tập thơ (Tìm), một tập truyện ngắn (Mưa tháng
mười một) và ba tiểu thuyết (Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian,
Giữa dòng chảy lạc). Điều đáng nói, ở thể loại nào, anh cũng có những
tìm tòi riêng. Đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Danh Lam đã
chứng tỏ được tài năng, sở trường, cá tính sáng tạo của mình.
Khám phá thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam,
chúng ta không chỉ phát hiện ra sự mới lạ trong đề tài, lối viết, mang
nặng những trăn trở, suy tư của nhà văn trước cuộc đời và phận
2
người mà còn mới lạ ở hình tượng nhân vật. Thông qua từng nhân
vật, từng cảnh ngộ, nhà văn đã bóc tách, phơi bày những hiện thực
phi lý, nghiệt ngã đến mức ngỡ ngàng, cay độc về cuộc sống, con
người trong sự đa dạng, nhiều chiều, bất ổn, từ đó làm cho người đọc
phải bừng tỉnh nhận ra những giá trị đích thực mà dường như ta đã
lãng quên.
Từ những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài Hình
tượng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam để nghiên cứu,
nhằm chỉ ra giá trị riêng của tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam trong
tính chỉnh thể tự trị của chúng qua hệ thống nhân vật đa dạng, đặc
sắc của từng tiểu thuyết và cuối cùng là chỉ ra được thi pháp riêng
của nhà văn trong thi pháp chung tiểu thuyết của các nhà văn trẻ
đương đại Việt Nam, góp phần khám phá hình tượng nhân vật trong
tiểu thuyết cũng như tài năng sáng tạo của nhà văn.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay, cái tên Nguyễn Danh Lam không còn xa lạ với
bạn đọc lẫn giới nghiên cứu. Hơn nữa, anh từng nhận giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2010 cho tiểu thuyết Giữa dòng
chảy lạc. Thế nhưng, tình hình nghiên cứu sự nghiệp văn học của
Nguyễn Danh Lam nói chung, tiểu thuyết nói riêng vẫn còn rất kiêm
tốn. Ngoài một số bài báo (chủ yếu đăng tải trên internet) và luận văn
cao học, chúng ta chưa có một chuyên luận nào nghiên cứu về tiểu
thuyết Nguyễn Danh Lam. Và dưới đây là những bài viết, luân văn
có liên quan đến đề tài:
Trong bài Cướp lấy đường mà chạy, Ngô Thị Kim Cúc viết
về những mảnh đời, những phận người trong tiểu thuyết Bến vô
thường. Nhà văn nhấn mạnh đến “những cuộc đời rách nát được
chắp lại cạnh nhau, mảnh này cứa vào mảnh kia, cứa vào trái tim
3
người đọc, làm chảy máu và gây sốc bởi những thực tế quá tàn bạo
mà người ta buộc phải thừa nhận”, “Tất cả những công phu dàn dựng
ấy, cả trong cốt truyện lẫn những kiếm tìm kỹ thuật bằng thủ pháp
đẩy sự việc vượt quá ngưỡng hiện thực, biến thành một siêu - hiện -
thực có tính thuyết phục cao hơn, cộng với lối tu từ kỹ lưỡng, những
tả chân rợn tóc gáy, tiểu thuyết này là một thử nghiệm có tính thách
đố, với những cách viết, cách đặt vấn đề theo cách mới” [53].
Nguyễn Vĩnh Nguyên với bài viết Bến vô thường - thế giới
những người không mặt cho rằng ở tác phẩm này “khó có thể đi tìm
một tuyến nhân vật rõ ràng, một nhân vật chính hay một câu chuyện
đầu xuôi đuôi lọt trong cuốn tiểu thuyết này. Đọc lại lần nữa, lại thấy
nó không có nhân vật, nói cách khác, nhân vật lại không có mặt
người mà biểu hiện rõ nhất trong mớ hỗn độn, tù túng, ngổn ngang
kia là một thế giới người không mặt, không tên” [61]. Cuốn sách
được cấu thành từ những đoạn văn rời rạc được gắn kết bởi một trật
tự logic phi logic. Dường như chính cách sắp xếp đó cũng là cách
nhà văn lột tả những cái lạ, những cái chết bi thảm, những số phận
thống khổ của các nhân vật.
Trong bài “Lạc thể” Nguyễn Danh Lam (đăng trên trang
www.tonvinhvanhocdoc.vn, số 11/2012), Đoàn Ánh Dương cho rằng
tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc là một dấu ấn đáng kể của Nguyễn
Danh Lam. Bên cạnh đó, tác giả khẳng định nhân vật trong tiểu
thuyết đều là những “lạc thể” – những con người dường như quá bơ
vơ trước hiện thực cuộc sống hỗn loạn. Nguyễn Danh Lam đã phát
giác ra những tầng vỉa sâu xa nhất của tâm thức đại chúng khi con
người bị xô đi giữa dòng chảy hiện tại. Qua đó, tác giả bài viết đã
nhấn mạnh rằng chính Nguyễn Danh Lam cũng là một “lạc thể” của
văn học đương đại bởi anh đã tìm cho mình một con đường, một
4
hướng đi rất riêng, đó là: “Tạo dựng cho mình một quan niệm nhân
bản khác nào đó, phi nhân bản trong suốt, gắn chặt với từng trạng
huống sống, rất cụ thể và không xa lạ” [15].
Trong bài viết của tác giả Hoài Nam (đăng trên trang
nguoidaibieunhandan.vn ngày 6/9/2012) với tiêu đề Viết văn, việc
không chỉ của nhà văn đã nhấn mạnh khả năng viết của những họa
sĩ – nhà văn, trong đó có Nguyễn Danh Lam từ Bến vô thường đến
Giữa vòng vây trần gian và gần đây nhất là Giữa dòng chảy lạc.
Hoài Nam đã nhấn mạnh sự chuyển biến rất “khác” của Nguyễn
Danh Lam từ tiểu thuyết đầu đến tiểu thuyết thứ ba. Nếu trong hai
tiểu thuyết đầu tiên, tác giả “thách thức” người đọc với một lối viết
khá mù mờ, nhân vật của anh chẳng bao giờ có danh tính, không gian
thời gian đều rất mơ hồ, thì đến tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc,
Nguyễn Danh Lam dường như đơn giản hóa hơn khi lấy bối cảnh và
nhân vật từ cuộc sống đời thường, nhưng chính điều đó lại tạo nên
hiệu quả khá tốt: “Với cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Danh Lam đã trả
người đọc lại với đời thường bằng những chất liệu của đời thường,
những câu chuyện đời thường, những cách kể chuyện đời thường. Dễ
tiếp nhận hơn, song không vì thế mà giảm đi sức nặng của những ý
tưởng mà tác giả muốn gửi gắm” [60].
Đoàn Minh Tâm trong bài viết Nghệ thuật như là thủ pháp
(đăng trên trang phongdiep.net ) nhìn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc
của Nguyễn Danh Lam dưới góc nhìn phân tâm học. Vô danh hóa,
nhân vật tự ý thức, nguyên lý mặt nạ, nhân vật con rối…là những thủ
pháp, mà theo Đoàn Minh Tâm, đã được Nguyễn Danh Lam sử dụng
một cách hiệu quả trong tác phẩm Giữa dòng chảy lạc. Anh, ông họa
sĩ, cô gái bán bảo hiểm…là những cá nhân riêng biệt nhưng lại mang
tâm thức của con người trong xã hội hiện đại. Nhân vật trong tác
5
phẩm vì vậy mà trở nên cô đơn đến tột cùng, họ bơ vơ, chới với
trước hiện thực cuộc sống, họ làm một cuộc tìm kiếm bản thể đầy
giằng xé, họ vừa đấu tranh với chính bản thân mình vừa phải chống
chọi với cuộc sống bên ngoài.
Đỗ Ngọc Thạch trong bài Vài đặc điểm văn xuôi Việt Nam
hiện đại (đăng trên trang bichkhe.org ) đã khẳng định văn học Việt
Nam sau 1986 đã có những đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là trong
phương pháp xây dựng nhân vật và cấu trúc tác phẩm. Tác giả bài
báo đã có một cái nhìn tương đối cụ thể về hiện trạng văn học nước
nhà qua một số tác giả và tác phẩm, trong đó có nhà văn Nguyễn
Danh Lam. Thay lời nhận định, bài báo trích dẫn những phát biểu
của nhà văn: “Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết cũng như truyện
ngắn của tôi từ trước đến nay đều vô danh, hoặc nếu “hữu danh” thì
cũng chỉ là một “cái gì đó” để gọi vậy, chứ không phải tên! Ngoài
tên, họ còn không có cả lai lịch và nhiều thứ thuộc về cá nhân khác
nữa. Cái này không do tôi quyết định, mà là do tôi nhìn thấy ở họ
trong cuộc đời này và tôi phản ánh họ vào tác phẩm như vậy” [64].
Ngoài những bài viết trên đây về tiểu thuyết Nguyễn Danh
Lam, đáng chú ý, còn có hai luận văn cao học của tác giả Nguyễn
Thị Như Quỳnh (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và tác giả
Nguyễn Thị Hương (Trường Đại học Sư phạm Huế).
Trên đây, chúng tôi đã đề cập một cách khái quát các bài
viết và công trình nghiên cứu có liên quan đến tiểu thuyết Nguyễn
Danh Lam. Các tác giả của những bài viết, luận văn đã đề cập đến
nhiều vấn đề về nội dung và phương thức biểu hiên trong ba tiểu
thuyết của Nguyễn Danh Lam. Song, qua quá trình tìm hiểu, chúng
tôi nhận thấy chưa có một công trình nào nghiên cứu về nhân vật
trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam một cách toàn diện. Do vậy,
6
chúng tôi chọn đề tài Hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn
Danh Lam với mong muốn đi sâu khám phá những góc khuất của
con người trong cuộc sống hiện đại, góp phần khẳng định thi pháp
tiểu thuyết của nhà văn này trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt
Nam hiện đại.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các tiểu thuyết của
Nguyễn Danh Lam, bao gồm:
- Bến vô thường (Nxb Hội nhà văn, 2004)
- Giữa vòng vây trần gian (Nxb Hội nhà văn, 2005)
- Giữa dòng chảy lạc (Nxb Văn nghệ TP.HồChí Minh, 2010)
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là Hình tượng nhân vật trong
tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam nhìn từ hai phương diện: các kiểu nhân vật
và phương thức xây dựng hình tượng nhân vật.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp
nghiên cứu chủ yếu sau:
4.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đi vào giải mã, cắt
nghĩa các tiểu thuyết, từ đó tiến hành thao tác tổng hợp khái quát hóa
về nội dung các tiểu thuyết.
4.2. Phương pháp thống kê, phân loại: Sử dụng phương
pháp này để thống kê, phân loại các kiểu nhân và những phương thức
xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam.
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu: Nhằm phân biệt điểm
khác nhau giữa
7
các tác phẩm, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về sức phản ánh của từng
tác phẩm và đây cũng là phương pháp sử dụng để chỉ ra những điểm
chung và riêng của nhà văn Nguyễn Danh Lam với các tác phẩm của
các nhà văn cùng thời.
Ngoài ra, chúng tôi còn vận dụng lý thuyết Thi pháp học,
Phân tâm học để nghiên cứu tâm lý và tính cách nhân vật một cách
hệ thống, qua đó thấy được tính quan niệm của hình thức.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn đóng góp vào việc tiếp nhận, tìm hiểu và nghiên
cứu hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam.
Khẳng định giá trị tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam, qua đó
thấy được đóng góp của nhà văn đối với những cách tân trong nền
văn học Việt Nam đương đại.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo; nội dung
của luận văn được triển khai thành ba chương:
Chương 1: Tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam trong dòng chảy
tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Chương 2:Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn DanhLam
Chương 3: Phương thức xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết
Nguyễn Danh Lam
8
CHƯƠNG 1
TIỂU THUYẾT NGUYỄN DANH LAM TRONG DÒNG CHẢY
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - SỰ ĐỔI MỚI
TƯ DUY VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
1.1.1. Những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa và khung tri
thức thời đại
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn
thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước đã thành công trọn vẹn, mở ra một trang sử mới
của dân tộc. Cả đất nước bước vào thời kì tái thiết, xây dựng và đi
lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ VI đã nhìn nhận lại vai trò, nhiệm vụ, chức
năng của báo chí, văn học nghệ thuật.
Năm 1986 là dấu mốc quan trọng trong đời sống xã hội nói
chung và đời sống văn học nghệ thuật nói riêng. Đây là thời điểm ghi
nhận sự đổi mới tư duy trên các lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ
thuật. Không khí cởi mở, dân chủ của đời sống văn học tác động
mạnh mẽ đến chủ thể sáng tạo với quan niệm mới về nhà văn, đến sự
thay đổi quan niệm nghệ thuật và hiện thực và con người, đến sự
thay đổi thi pháp thể loại của các thế hệ nhà văn Việt Nam.
Như một lẽ đương nhiên, tiểu thuyết thời kì đổi mới hòa
nhập để phản ánh những vấn đề mà xã hội trăn trở, nó đặt ra yêu cầu
về ý thức, trách nhiệm, lương tri của con người trước những biến
động ghê gớm của các chuẩn mực, giá trị đạo đức. Trong tiểu thuyết
Việt Nam đương đại, số phận con người với những gấp khúc trong
đường đời và thân phận trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà
văn
9
1.1.2. Đổi mới tư duy và quan niệm nghệ thuật về con
người trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại
Tiểu thuyết được xem là cỗ máy cái của nền văn học. Trong
suốt một thế kỉ qua, ở Việt Nam, tiểu thuyết không ngừng vận động,
biến chuyển, đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu bức thiết của thời
đại, của đời sống văn học và của thị hiếu độc giả.
Sau 1986, tiểu thuyết mới thực sự "lột xác" hoàn toàn; theo
đó, tư duy sử thi cũng dần đánh mất vị thế của mình; thay vào đấy, tư
duy tiểu thuyết chính thức lên ngôi. Các nhà văn đã tiếp cận hiện
thực cuộc sống đúng với bản chất bộn bề, đa tạp của nó; đồng thời,
thay đổi phương thức biểu hiện để phù hợp với nội dung phản ánh.
Có thể nói, chưa khi nào, trong văn học Việt Nam, con người
lại được quan tâm, mổ xẻ, nhìn ngắm, soi rọi từ nhiều chiều như trong
tiểu thuyết giai đoạn sau 1986. Vấn đề con người cá nhân được đặt ra
một cách bức bách, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn.
Với sự xuất hiện của một loạt cây bút trẻ đã làm thay đổi hẳn
bộ mặt và diện mạo của văn xuôi. Các sáng tác của Nguyễn Huy
Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Danh
Lam…đã mang lại cho tiểu thuyết những sắc thái mới mẻ. Đọc
những cây bút này, người ta có thể chê trách điều này điều nọ, thảo
luận lại nhiều vấn đề nhưng không thể không thừa nhận những đổi
mới mà họ đã đem đến trong tiểu thuyết giai đoạn này.
1.2. NGUYỄN DANH LAM - HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO VÀ
NHỮNG THỂ NGHIỆM NGHỆ THUẬT
1.2.1. Những nỗ lực trên hành trình sáng tạo
Là một nhà văn trẻ thuộc thế hệ 7X, Nguyễn Danh Lam đã
sớm khẳng định được tên tuổi của mình bằng một phong cách sáng
tạo riêng. Nhiều tác phẩm của anh, đặc biệt là tiểu thuyết, không chỉ
10
được độc giả đón nhận mà còn được giới nghiên cứu, phê bình đánh
giá cao. Để có được thành công đó, Nguyễn Danh Lam đã không
ngừng nỗ lực, cách tân, đổi mới trên con đường sáng tạo chữ nghĩa
vốn không ít chông gai.
Nguyễn Danh Lam là cây bút ươm mầm trên nhiều thể loại
như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…và đã tạo dựng được những thành
công nhất định trong các thể loại đó. Đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết, nhà
văn đã được đông đảo độc giả và giới nghiên cứu phê bình quan tâm
Nhà văn thú nhận, khởi đầu sự nghiệp cầm bút, anh đến với
thơ, suốt mười năm chỉ in được một tập thơ Tìm, đến năm 2003, anh
bắt đầu viết văn xuôi. Nguyễn Danh Lam cho rằng: “Văn chương là
một nghề nghiêm túc không phải cuộc chơi như nhiều người phát
biểu. Và là nghề nên tôi ý thức được trách nhiệm những gì mình viết
ra cho công chúng đọc. Muốn có trách nhiệm cao, tôi biết tôi phải
trang bị kiến thức cho mình: Cố gắng tìm hiểu được quá khứ, bắt kịp
được thời đại để không hề bị lạc hậu. Ngoài ra, tôi phải bằng cách
nào đó, không phải công thức, hay quy định, nhưng phải luôn hâm
nóng cảm xúc, tạo cảm hứng viết một cách chuyên nghiệp” [66].
Những sáng tác của Nguyễn Danh Lam đã gây không ít
chấn động trên văn đàn và làm “cháy” báo văn nghệ trên tất cả các
sạp báo trong cả nước với ba cuốn tiểu thuyết Bến vô thường, Giữa
vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc. Đến nay vẫn chưa có độ lùi
về thời gian, nhưng Nguyễn Danh Lam luôn được bạn đọc hoan
nghênh và chờ đợi. Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự miệt mài
trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của bản thân mình. Sẽ còn mãi
động lực cho anh viết những trang văn đậm chất triết lí, nhân văn sâu
sắc.
11
1.2.2. Những thể nghiệm nghệ thuật
Với Nguyễn Danh Lam việc làm thơ, viết văn là công việc
sáng tạo một cách nghiêm túc, anh không sáng tác để phục vụ nhu
cầu giải trí đơn thuần, để “đánh đu” với hiện thực sáng tác ngày càng
rầm rộ của rất nhiều người. Càng ngày, anh viết càng chậm nhưng
cũng nhờ đó tác phẩm sau lại được đánh giá cao hơn tác phẩm trước.
Để làm được điều đó, nhà văn phải lao động một cách có ý thức, họ
phải là những chủ thể sáng tạo có trách nhiệm, có một con đường đi
riêng và một tinh thần luôn tôn trọng người đọc.
Theo quan niệm của Nguyễn Danh Lam, trong văn chương,
nhất định phải ẩn chứa một triết lí nào đó để khám phá, để suy ngẫm.
Nguyễn Danh Lam đã rất thành công trong việc kết hợp giữa
tính hiện đại và phong cách tiểu thuyết truyền thống. Khi đến với
tiểu thuyết của anh, thế giới hiện lên với vẻ phong phú, hỗn độn, sôi
động. Tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam không chỉ độc đáo về hình
tượng nhân vât, nó còn độc đáo về nội dung và phong cách nghệ
thuật.
Nguyễn Danh Lam là một trong những cây bút trẻ có nhiều
triển vọng của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, có nhiều đóng góp
trong quá trình hình thành diện mạo văn học hiện đại nước nhà với
hành trình sáng tạo nghệ thuật và quan niệm văn chương rõ ràng.
Anh đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, trải nghiệm, đổi mới cho nghệ
thuật tiểu thuyết và xây dựng nên một hệ thống hình tượng nhân vật
hết sức ấn tượng, mang đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về vấn
đề cuộc sống hiện tại với nhiều chiều kích khác nhau.