Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hình tượng nhân vật trẻ em trong văn xuôi nguyễn ngọc tư
PREMIUM
Số trang
166
Kích thước
1.1 MB
Định dạng
PDF
Lượt xem
931

Hình tượng nhân vật trẻ em trong văn xuôi nguyễn ngọc tư

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

LÊ THỊ THƠM

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRẺ EM

TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN NGỌC TƯ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Mã số: 60. 22. 34

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Đà Nẵng, năm 2013

Công trình được hoàn thành tại

Đại học Đà Nẵng

Người hướng dẫn khoa học

TS. Bùi Thanh Truyền

Phản biện 1: TS Ngô Minh Hiền

Phản biện 2: TS. Hà Ngọc Hòa

Luận văn được bảo vệ tại Hội đồng chấm Luận văn

tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn, họp tại Đại

học Đà Nẵng, ngày 15 tháng 12 Năm 2013

Có thể tìm hiểu luận văn tại:

- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng

- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

1

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

1.1. Lịch sử văn học ở một phương diện nào đó, có thể hình

dung là cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ nhà văn qua các thời kỳ.

Từ sau năm 1975, nhất là từ khi văn học nước nhà bước vào đổi mới,

một đội ngũ nhà văn trẻ đã hình thành. Trong đó, Nguyễn Ngọc Tư

là một gương mặt tiêu biểu, được nhiều người coi là “đặc sản Miền

Nam”, là một trong những “hiện tượng” của văn xuôi nước ta khi

bước vào thế kỷ XXI.

Từ sau năm 1975, nhất là từ khi văn học nước nhà bước vào

đổi mới, một đội ngũ nhà văn trẻ đã hình thành. Đó là thế hệ sinh

trưởng cùng với niềm hạnh phúc lớn lao của đất nước thống nhất,

nhưng đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới đầy khắc

nghiệt của công cuộc đổi mới để hội nhập cùng nhân loại. Trong đó,

Nguyễn Ngọc Tư là một gương mặt sáng giá, được nhiều người coi

là “đặc sản Miền Nam”, là một trong những “hiện tượng” của văn

xuôi nước ta khi bước vào thế kỷ XXI.

1.2. Tìm hiểu hình tượng nhân vật cũng là một điểm mấu

chốt để khám phá tài năng đích thực của nhà văn và những đóng góp

của họ trong nền văn học. Nhân vật là một yếu tố rất quan trọng

trong tác phẩm tự sự.

Đã có nhiều công trình, bài viết về Nguyễn Ngọc Tư, song

khám phá thế giới trẻ em còn vẫn đang là một khoảng trống mời gọi

người nghiên cứu đến với sáng tác của chị. Chính vì vậy, chúng tôi

đã quyết định chọn đề tài: “Hình tượng nhân vật trẻ em trong văn

xuôi Nguyễn Ngọc Tư” để bổ sung một góc nhìn nữa về văn xuôi

của cây bút nữ đậm chất Nam Bộ này.

2

2. Lịch sử vấn đề

2.1. Những bài nghiên cứu, cảm nhận về thế giới nhân vật

trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư

Trong luận văn, chúng tôi có sử dụng và tìm hiểu các công

trình nghiên cứu: Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện

ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Thị Ngọc Ánh; bài viết Không gian…

của Nguyễn Ngọc Tư in trên Báo Sài Gòn tiếp thị năm 2008; Nguyễn

Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận (Báo Văn nghệ số 39 - 24/09/2005)

của Hoàng Thiên Nga; Những đặc trưng của không gian nghệ thuật

trong hai tập Cánh đồng bất tận và Gió lẻ, của Nguyễn Thị Thủy đã

hướng người đọc vào số phận người nông dân, người nghệ sĩ, người

sống kiếp thương hồ… Nhưng thế giới trẻ em trong văn xuôi

Nguyễn Ngọc Tư vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây

cũng là một yếu tố quan trọng trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.

2.2. Những nghiên cứu về thế giới trẻ thơ trong văn xuôi

Nguyễn Ngọc Tư

Với đề tài Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Ngọc

Tư, Võ Thị Anh Đào; Nguyễn Thị Hạnh với luận văn tốt nghiệp Thế

giới nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư; đề tài: Đặc

điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thành Ngọc Bảo đã

phần nào hướng sự quan tâm đến thân phận của những mảnh đời bé

dại.

Ngoài ra, hình tượng nhân vật trẻ em trong văn xuôi Nguyễn

Ngọc Tư còn được điểm xuyết trong một số bài báo in và báo mạng

như: Nguyễn Ngọc Tư - “Đặc sản Miền Nam” (Trần Hữu Dũng;

Nguồn: www.Vietstudies.org /Nguyễn Ngọc Tư, ngày 13/12/2008).

Nguyễn Ngọc Tư chuyện mới nghe qua (Huỳnh Kim; Báo Doanh

3

nhân Sài Gòn, 2006). Ngày đầu năm đọc Cánh đồng bất tận với sức

hút kỳ lạ (Nguyễn Tý; Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh). Nhà

văn của những mảnh đời bất hạnh (Yến Nhi; Nguồn:

vannghesongcuulong, ngày 18.3.2009). Tình người trong Gió lẻ và 9

câu chuyện khác (Nguồn: my.opera.com/lequangdieu).

Từ những trình bày trên đây cho thấy, đến thời điểm hiện tại

(2013), bạn đọc nói chung, giới nghiên cứu phê bình văn học nói

riệng, chỉ mới dừng lại ở mức độ tìm hiểu khái quát, sơ lược về trẻ

em nói chung chứ chưa đi sâu vào phân tích kỹ kiểu hình tượng này

trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi chọn nghiên cứu đề tài,

chúng tôi cố gắng lĩnh hội các quan điểm, ý tưởng từ bài viết của

những người đi trước. Đồng thời, chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra

những phân tích, nhận định riêng của mình để có một cách nhìn toàn

diện, hệ thống hơn, góp thêm cách nhìn mới về giá trị văn xuôi của

chị trong dòng chảy văn học thiếu nhi hiện đại.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn tập trung tìm hiểu nghệ thuật xây dựng hình tượng

nhân vật trẻ em trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung một số tác phẩm

tiêu biểu trong các tập truyện ngắn, tản văn, tạp văn, tiểu thuyết của

Nguyễn Ngọc Tư, cụ thể:

1. Ngọn đèn không tắt, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.

2. Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2005.

3. Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh,

2008.

4

4. Khói trời lộng lẫy, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.

5. Ngày mai của những ngày mai (Tản văn), NXB Phụ Nữ,

2009.

6. Tạp văn, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.

7. Yêu người ngóng núi, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.

8. Gáy người thì lạnh, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2011.

9. Tiểu thuyết: Sông, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp thống kê, phân loại;

4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp;

4.3. Phương pháp so sánh;

5. Đóng góp của luận văn

Luận văn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn vừa tổng lược vừa

chi tiết về những đặc sắc của hình tượng nhân vật trẻ em trong văn

xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Qua đó, đề tài sẽ góp phần giúp cho giáo

viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và sinh viên

có cách tiếp cận phù hợp trong quá trình dạy học, nghiên cứu của

bản thân.

6. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục,

Nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Nguyễn Ngọc Tư - từ cuộc đời đến quan niệm

nghệ thuật về con người.

Chương 2: Hình tượng nhân vật trẻ em trong sáng tác của

Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nội dung.

Chương 3: Hình tượng nhân vật trẻ em trong sáng tác của

Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nghệ thuật thể hiện.

5

CHƯƠNG 1

NGUYỄN NGỌC TƯ - TỪ CUỘC ĐỜI ĐẾN QUAN NIỆM

NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI

1.1. NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH LÀM NÊN ĐÒI VĂN

NGUYỄN NGỌC TƯ

1.1.1 Đời riêng nhiều trải nghiệm

Nguyễn Ngọc Tư tên thật là Nguyễn Bé Tư, sinh năm 1976

tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Là con gái út trong

gia đình nhưng chị không được sống trong sự chăm bẵm của cha mẹ

mà ở cùng ông ngoại.

Tuổi thơ cũng đầy vất vả bởi chị phải ngày ngày lụi hụi giữa

đám rau muống vườn nhà. Năm chị học lớp 10 cũng là năm cảnh

nhà sa sút, ông ngoại bị tai biến mạch máu não, Ngọc Tư phải nghỉ

học ở nhà phụ má, chăm sóc ngoại.

Hạnh phúc mỉm cười với Ngọc Tư năm 24 tuổi, chị làm cô

dâu và đây cũng là thời gian chị dần bước lên văn đàn văn học hiện

đại Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tư thầm cảm ơn chuỗi ngày nghèo khó

đã giúp chị có vốn sống, nghị lực để trở thành một nhà văn trẻ của

vùng đất Mũi.

1.1.2Môi trường sống “đậm mùi hương thổ”

Vốn sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mẹ là

những người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm dãi dầu mưa

nắng. Chị đã hiểu thấu cái khổ ải, gian truân của người nông dân đất

Mũi. Để rồi chính những âu lo, trăn trở ấy đã đưa Ngọc Tư đến với

nhiều thành công hơn trên trang viết của mình.

Gắn liền với đất quê, với thời thơ ấu là bóng dáng thân thương

của người mẹ quê tảo tần. Đối với Ngọc Tư, má chị là người gieo trồng

6

cho con cái những “hạt giống tâm hồn” nhân ái, giàu yêu thương.

Mảnh đất Cà Mau đã là nguồn cảm hứng, là nơi chắp cánh

cho một cánh chim sẽ bay cao trên bầu trời văn học Việt Nam -

Nguyễn Ngọc Tư.

1.1.3Niềm đam mê, chung thuỷ với văn chương

Thuở nhỏ, Nguyễn Ngọc Tư đã học giỏi môn văn nhưng khi

các bạn cùng lớp tập tễnh viết văn thì chị vẫn không có biểu hiện gì.

Nhưng có lẽ, từ sau khi phải nghỉ học, từ chính những ngày “vào đời

sớm” đã đưa Ngọc Tư đến với văn học.

Nhìn lại chặng đường chị đã đi, người ta nghĩ rằng chị là

người may mắn. Song để có được mật ngọt ngày hôm nay, Ngọc Tư

đã làm việc cật lực như con ong cần mẫn, mới kết tinh được tinh túy

dâng tặng cho đời. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào một

Nguyễn Ngọc Tư của ngày mai trưởng thành và dày dặn kinh

nghiệm.

1.1.4 Thiên tính nữ đậm đà

Bằng trái tim nhạy cảm của người mẹ và bằng tâm hồn chân

thành, nhẹ nhàng, đằm thắm của một người phụ nữ, chị luôn đề cao

và ý thức phái tính của người phụ nữ hiện đại nhưng vẫn bảo lưu

được những giá trị của văn hóa truyền thống.

Với những trang văn của mình, nhà văn đã khai thác tình

mẫu tử theo một góc nhìn riêng từ cảm nhận của một người mẹ. Khi

khai thác phương diện “tính nữ”, tác giả cũng có góc nhìn hoàn toàn

mới. Cái mới ở đây chính là vấn đề giáo dục giới tính mà xã hội

đang quan tâm. Viết về tình mẫu tử ở cái độ tuổi nhạy cảm đặc biệt,

nhà văn đưa đến cho người đọc cách cảm nhận và một góc nhìn mới

về “thiên tính nữ” trong văn xuôi đương đại.

7

1.2. QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI CỦA

NGUYỄN NGỌC TƯ

Thiên chức của nhà văn không chỉ phản ánh cuộc sống vốn

có mà phải dẫn con người đến với một cuộc sống như mong đợi bởi

nghệ thuật phải hướng con người đến một khát vọng đẹp, cuộc sống

đẹp. Nhà văn Aimatốp cho rằng: “Văn học thường xuyên nhắc nhở

chúng ta: nghĩa vụ hàng đầu của con người là trở thành con người

nhân đạo”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã đến với văn chương xuất

phát từ khát vọng mãnh liệt đó.

1.2.1. Con người sống là để yêu thương

Trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, yêu thương đã

thành lẽ sống, niềm vui, niềm hạnh phúc. Chính bởi thế, hầu hết các

nhân vật của chị được dành tình yêu thương và luôn khao khát được

yêu thương. Với chị, viết về cái ác cũng là một cách để tôn vinh cái

thiện và ca ngợi tình thương yêu con người, để con người biết sống

tốt đẹp, nhân ái hơn.

Nét tính cách riêng của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên những

dòng tâm tư trĩu nặng nỗi đời trên trang viết. Chị đặt cược hết niềm tin

vào con người và biết tìm trong họ những đốm lửa tinh thần để thắp

sáng lên tình yêu.

1.2.2. Con người “sống là luôn hi vọng”

Hi vọng chính là liều thuốc tinh thần nâng dậy những niềm

đau, hi vọng tạo sức mạnh đưa con người vượt lên trên mọi sự khắc

nghiệt của cuộc sống. Các nhân vật của chị vẫn luôn tin rằng cuộc

sống sẽ tốt đẹp hơn, bất hạnh, khó khăn sẽ qua đi và hạnh phúc đang

8

đón chờ ở phía trước.

Viết về niềm hi vọng, nỗi khát khao rất đỗi con người của

nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ thể hiện bức tranh cuộc sống

và tâm hồn của họ, mà hơn thế nhà văn còn gợi lên trong ta những

khát khao, hi vọng cao đẹp, những ước muốn được đấu tranh cho sự

sống cao đẹp của con người.

1.2.3. “Tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng mới quý”

Trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, tình cảm phải chân

thành, không khiên cưỡng, không giả dối. Sự giả dối rất đáng sợ, nó

khiến cho những người trung thực luôn cảm thấy khổ sở và bất an.

Các nhân vật của nhà văn, vì thế, đều bộc lộ rõ tính cách

của con người Nam Bộ: Thủng thẳng, bộc trực, quý trọng sự thật,

ghét sự giả dối, nhất là trong tình cảm. Họ luôn thành thật với chính

bản thân mình, không vụ lợi, toan tính cho bản thân, luôn nghĩ cho

người khác. Với họ tình cảm phải luôn xuất phát từ tấm lòng, không

đầu môi chót lưỡi.

1.2.4. Trẻ em là tấm gương để người lớn soi mình

Bằng trái tim nhạy cảm của một nhà văn, một người mẹ,

Nguyễn Ngọc Tư đã đưa vào trang viết của mình hình ảnh những em

bé mồ côi, bất hạnh sống côi cút giữa dòng đời. Tác giả không chỉ

tìm đến, cảm thông, yêu thương những đứa trẻ đang ngày đêm vật

lộn với cái đói, cái nghèo. Chị còn đi sâu vào từng ngóc ngách bí ẩn

bên trong con người mà kiếm tìm cái chênh vênh trong tâm hồn của

chúng.

Đến với văn xuôi của Nguyễn Ngọc Tư trong những phút

9

tĩnh lặng của tâm hồn, chúng ta bàng hoàng nhận ra con người của

chính mình ở trong đó. Phải chăng đây chính là giá trị nhân văn sâu

sắc mà nhà văn trẻ vùng sông nước Cà Mau muốn gửi gắm qua các

tác phẩm. Tác giả muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến những

bậc làm cha làm mẹ hãy quan tâm, chăm sóc, dành những gì tốt đẹp

nhất cho trẻ thơ – mầm xanh của đất nước.

1.3. DẤU ẤN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ TRONG VĂN XUÔI

THỜI KÌ ĐỔI MỚI

Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần thu ngắn khoảng cách giữa

văn học Nam Bộ với văn học hai miền Bắc, Trung trong dòng chảy

của văn học đương đại Việt Nam.

Nhà văn lao tâm khổ tứ trên con đường lao động nghệ thuật

để cho ra đời những tập truyện khá thành công được giới chuyên môn

đánh giá cao, ăn khách đối với nhà xuất bản, lọt vào tầm mắt của các

nhà đạo diễn điện ảnh.

Bên cạnh những trang văn thấm đượm chất giọng Nam Bộ,

chị còn biết tái tạo, làm mới lại các đề tài cũ: đề tài chiến tranh, đề tài

đời tư, đời thường, những sáng tác về tình yêu ở mọi lứa tuổi, mọi

cảnh đời. Dẫu chưa nổi trội nhưng hình tượng nhân vật trẻ em cũng

là một đề tài được Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều tâm huyết.

Những số phận trẻ em bất hạnh, đau khổ và cô độc trong

trang viết của chị có sức mạnh đánh động lương tri, cảm hoá người

đọc rất lớn. Ở đây, cái thiện, tình người đã thắng, đã vượt lên được

cái ác, đã đè bẹp được những tâm địa tối tăm. Dấu ấn của mảng sáng

tác này cũng là một xác tín về cái tầm và cái tâm của tác giả.

10

CHƯƠNG 2

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRẺ EM TRONG VĂN XUÔI

NGUYỄN NGỌC TƯ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG

2.1. CHÂN DUNG TRẺ THƠ QUA CÁI NHÌN NGƯỢC SÁNG

Trong những trang văn của mình, Nguyễn Ngọc Tư luôn

dành một phần ưu ái để viết về trẻ thơ. Chị không miêu tả cái bề nổi

hay những hạnh phúc, niềm vui trong những ngôi nhà cao tầng ở phố

thị mà hướng đến trẻ thơ với những phận đời không hoàn hảo, đã

sớm phải nhuốm nỗi buồn. Tác giả như một nhà nhiếp ảnh tài ba, đã

“chụp” và ghi lại những “lát cắt nhàu nát” của cuộc sống, để rồi khơi

gợi nơi lòng ta một khoảng lặng buồn.

2.1.1. Những mảnh đời lấm láp, cơ cực

Hình tượng trẻ em trong văn xuôi của Nguyễn Ngọc Tư dù

là nhân vật chính hay phụ, dù được khắc hoạ đậm nét hay chỉ thấp

thoáng, đều hết sức ám ảnh và day dứt tâm tư người đọc. Chúng

thường có cuộc sống nghèo đói, thất học, bần cùng, lạc hậu. Càng

khao khát bứt khỏi vòng đời u hoài, chúng càng chấp chới, chênh

chao. Ngày mai của những ngày mai không biết rồi sẽ ra sao, rồi sẽ

phiêu dạt về đâu khi bóng chiều ập xuống. Cái bâng quơ, hờ hững

của người lớn đã cuốn các em vào dòng đời ngược xuôi, để rồi một

ngày bất chợt ứa nước mắt nghẹn ngào vì thân phận éo le của mình.

Thế giới trẻ thơ trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư thường

không phải là màu hồng mơ mộng mà là màu của suy tư và trăn trở.

Dường như dưới ngòi bút của chị, mỗi đứa trẻ đều “người lớn” hơn

so với độ tuổi của mình. Chúng luôn ngập ngừng, chênh chao trong

những suy nghĩ khiến cho ta phải ngậm ngùi, thương xót.

Những hình ảnh ấy được nhà văn viết theo “chỉ thị của trái

11

tim”, của tấm lòng. Vì thế, câu chữ ngời sáng tư tưởng nhân bản của

tác giả.

2.1.2. Những thân phận “suy dinh dưỡng tinh thần”

Lẽ thường, gia đình là tổ ấm của trẻ thơ. Thế nhưng, những

đứa trẻ trong văn xuôi của Ngọc Tư lại phải sống lắt lay như cỏ cây

hoang dại, tự bươn mình lớn lên trong cái khắc nghiệt của đời

thường. Các em phải chịu nhiều tổn thương tinh thần từ phía những

người thân yêu. Sự đổ vỡ hạnh phúc, chia li và phản bội nhau của

những ông bố, bà mẹ. Các em luôn cảm thấy bất ổn, cô đơn, thiếu

niềm tin vào cuộc sống và những người xung quanh. Sự nghi hoặc,

nỗi sợ hãi luôn thường trực trong những linh hồn bé dại. Nhà văn

Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Văn Nguyễn Ngọc Tư, có thể nói là

cách nhìn vào thế giới người lớn ngổn ngang, phức tạp, đầy bất hạnh

và bi kịch, từ những đứa trẻ ngây thơ - già nua. Hoàn cảnh chung tạo

nên cảnh ngộ bất hạnh của chúng là sự tan vỡ của các gia đình, sự

phản bội nhau của các cặp vợ chồng”. Nguyễn Ngọc Tư cũng từng

tâm sự: “Tôi thường nhìn thấy quanh mình những đứa trẻ khát khao

tình yêu thương, những người phụ nữ khát khao tình yêu, sự che

chở”.

Bên cạnh đó, trẻ em còn là nạn nhân từ sự “lệch tâm” của

người lớn: Cũng chỉ vì áp lực của một nền giáo dục chạy theo thành

tích, vì tham vọng của người lớn mà ngay từ mẫu giáo, trẻ em phải

“sấp ngửa học”. Tuổi thần tiên của em đã mất, thay thế bằng một

“tuổi thơ bị vắt kiệt, giữa muôn trùng vây bủa”.

Tác giả cần mẫn góp nhặt những vụn vặt của cuộc sống tạo

nên những đứa con tinh thần nặng trĩu tâm trạng. Người đọc dễ dàng

nhận thấy sức lan tỏa, đánh động lương tri của nhân vật trên từng

12

con chữ, tạo nên sức mạnh gắn kết tình thương con người.

2.2. THẾ GIỚI “ẤU THƠ TƯƠI ĐẸP”

2.2.1. Trẻ em với tâm hồn nhân hậu, giàu khát vọng

Trong mảng sáng tác gắn với đề tài trẻ thơ của mình,

Nguyễn Ngọc Tư một mặt chỉ ra cuộc sống bế tắc điêu đứng, nhưng

mặt khác cũng khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, những mơ ước,

hoài bão của trẻ thơ. Mặc dù trải qua nhiều bi kịch của cuộc đời,

chúng vẫn không hoàn toàn tuyệt vọng và không thôi ước mơ về một

cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đó, sau sự tẻ nhạt, buồn bã vẫn tồn tại sự

hồn nhiên, trong trẻo, tấm lòng vị tha, nhân hậu của trẻ nhỏ.

Mỗi nhân vật, mỗi trang viết về trẻ thơ của Nguyễn Ngọc Tư

đều thấm đẫm tình người. Những câu chuyện được tách khúc ra,

ngắn, thảng thốt, như những tiếng nấc của người đời. Nỗi buồn, nỗi

cô đơn của những mảnh đời ấu thơ dẫu thiếu đói cả vật chất lẫn tinh

thần, nhưng lúc nào cũng dư thừa tin yêu và bao dung như là những

dấu mốc quan trọng khắc thành đường văn đầy ấn tượng của tác giả.

2.2.2. Trẻ em với sự trong sáng trong quan hệ với con

người, thiên nhiên, môi trường

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Trong mối

quan hệ với hoàn cảnh sống, gia đình là nền tảng của sự hình thành

và phát triển nhân cách. Thế nhưng, môi trường sống cũng có ảnh

hưởng trực tiếp đến sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức của mỗi cá

nhân. Với cách cảm nhận tinh tế và sâu sắc, Ngọc Tư đã đi sâu khám

phá những xung đột, những ẩn khuất của mỗi số phận trẻ thơ.

Con người, thiên nhiên, môi trường, cảnh vật nông thôn,

sông nước như một người bạn thân thiết, mang lại cho trẻ thơ sự bù

13

đắp, vỗ về. Chính cái nghèo đói, chân chất của hồn quê đã chữa lành

những vết thương trong tâm hồn các em. Cuộc sống vất vả là vậy,

nhưng chúng vẫn gắn bó với mảnh đất này và không nguôi hy vọng

về một ngày mai tươi sáng hơn.

2.2.3 Trẻ em với truyền thống hào hùng của cha ông

Chiến tranh đã đi qua cho đến nay gần bốn mươi năm.

Không một ngày phải sống trong lửa đạn, nhưng Nguyễn Ngọc Tư

luôn biết quý trọng những hi sinh, mất mát của thế hệ cha ông, hãnh

diện với quá khứ và xông vai tiếp bước. Tác giả cũng từng bộc bạch:

“Chiến tranh, theo tôi biết, có nhiều người nhói đau khi nhắc về nó.

Những huân chương, huy chương chỉ làm ấm ngực, niềm đau khuất

ở một góc lòng, có kẻ nhìn thấy, có người không”. Đã là người Việt

Nam thì dù sinh ra trước hay sau chiến tranh đều mang trong lòng

niềm tự hào dân tộc, niềm vinh quang chiến thắng. Nhưng ít ai biết

được rằng, đằng sau những vinh quang đó là mồ hôi, máu và cả nước

mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam anh dũng, quật cường.

Thấu suốt điều đó, nhà văn đã cho nhân vật trẻ em sống thật

với những cảm xúc, với những yêu, ghét, hờn giận, với sự giằng co

giữa con tim và lí trí, giữa độc ác và lương thiện. Để rồi từ đó các

em đã tìm thấy được bản ngã của mình về chiến tranh và hậu quả

của nó. Điều này được Yến Nhi nhận xét: “Tất cả đều đứng ở bờ

ranh của sự trong sáng và u tối của cái thiện và cái ác, cái tài của

Nguyễn Ngọc Tư là nơi mấp mé bờ vực đó vẫn giữ cho nhân vật một

nét thiên lương, để rồi chỉ chờ chút gió lành của cuộc sống thoáng

qua là bùng lên ánh sáng của nhân phẩm”.

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!