Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Định tội danh tội cướp giật tài sản theo luật Hình sự Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH
HUỲNH OANH DŨNG
ĐỊNH TỘI DANH TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH LUẬT HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH
ĐỊNH TỘI DANH TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự
Định hướng ứng dụng
Mã số: 8380104
Người hướng dẫn khoa học : Pgs.Ts Nguyễn Thị Phương Hoa
Học viên : Huỳnh Oanh Dũng
Lớp : Cao học Luật - Phú Yên, Khóa 1
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn thạc sỹ “Định tội danh Tội cướp giật tài sản
theo luật hình sự Việt Nam” là công trình nghiên cứu khoa học do bản thân tôi
thực hiện dưới sự hướng dẫn của Pgs.Ts Nguyễn Thị Phương Hoa. Những
thông tin, tài liệu trong Luận văn được thu thập một cách khách quan, trung
thực, số liệu chứng minh có nguồn gốc rõ ràng. Những kết luận khoa học của
Luận văn chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào khác.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2022
Học viên
HUỲNH OANH DŨNG
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLHS : Bộ luật hình sự
BLTTHS : Bộ luật tố tụng hình sự
CTTP : Cấu thành tội phạm
CQĐT : Cơ quan điều tra
TANDTC : Toà án nhân dân tối cao
VKSNDTC : Viện kiểm sát nhân dân tối cao
TÓM TẮT LUẬN VĂN
Đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật hình sự chính xác, đúng người đúng
tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, kịp thời đáp ứng yêu
cầu cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc nghiên
cứu vấn đề định tội danh Tội cướp giật tài sản dưới góc độ lý luận và đánh giá
thực tiễn xử lý Tội cướp giật tài sản, từ đó đề xuất giải pháp kiến nghị bổ sung
sửa đổi hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về
định tội danh Tội cướp giật tài sản trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết.
Đề tài “Định tội danh Tội cướp giật tài sản theo luật hình sự Việt Nam”
của tác giả ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận
văn có kết cấu được chia làm 02 chương:
Chương 1: Định tội danh Tội cướp giật tài sản trong trường hợp hậu quả
chưa xảy ra.
Chương 2: Định tội danh Tội cướp giật tài sản trong trường hợp có dùng
vũ lực.
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU...................................................................................................1
CHƯƠNG 1. ĐỊNH TỘI DANH TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN TRONG
TRƯỜNG HỢP HẬU QUẢ CHƯA XẢY RA...................................................6
1.1. Lý luận và cơ sở pháp lý hình sự của định tội danh Tội cướp giật tài
sản trong trường hợp hậu quả chưa xảy ra...................................................6
1.2. Thực tiễn định tội danh Tội cướp giật tài sản trong trường hợp hậu
quả chưa xảy ra và kiến nghị........................................................................13
Kết luận Chương 1 .............................................................................................19
CHƯƠNG 2. ĐỊNH TỘI DANH TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN TRONG
TRƯỜNG HỢP CÓ DÙNG VŨ LỰC..............................................................20
2.1. Cơ sở pháp lý hình sự của định tội danh Tội cướp giật tài sản trong
trường hợp có dùng vũ lực............................................................................20
2.2. Thực tiễn định tội danh Tội cướp giật tài sản trong trường hợp có
dùng vũ lực và kiến nghị ...............................................................................25
Kết luận Chương 2 .............................................................................................39
KẾT LUẬN.........................................................................................................40
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tài sản và quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền quan trọng của
con người của mọi quốc gia trên thế giới. Do đó, việc bảo vệ quyền sở hữu về tài
sản luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chính vì vậy nên Điều 32 Hiến
pháp năm 2013 nước ta khẳng định quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng, bất
khả xâm phạm. Trong pháp luật hình sự, quyền sở hữu được bảo vệ thông qua
các quy định trong Chương các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Tội cướp giật
tài sản nói riêng diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính
mạng, sức khoẻ của công dân, điều đó đã và đang đặt ra thách thức, trách nhiệm
lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh
ngăn chặn và điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nhanh chóng kịp thời, nghiêm
minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội là thật sự khẩn thiết.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) một lần nữa khẳng
định chính sách hình sự của nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền sở hữu thông
qua các quy định tại Chương VXI, trong đó Tội cướp giật tài sản được quy định
tại Điều 171 của Bộ luật. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự vẫn còn hạn chế là chưa
mô tả dấu hiệu pháp lý của Tội cướp giật tài sản. Một số văn bản hướng dẫn áp
dụng thống nhất pháp luật hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính
kịp thời, nhất là thiếu quy phạm định nghĩa và một số quy định liên quan đến các
yếu tố định tội danh nên dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí không
thống nhất trong nhận thức về dấu hiệu pháp lý, đường lối xử lý và thực tiễn
định tội danh Tội cướp giật tài sản.
Qua thực tiễn công tác xét xử cho thấy, một số vụ án cướp giật tài sản khi
hậu quả của tội phạm chưa xảy ra hoặc người phạm tội có sử dụng vũ lực trong
quá trình chiếm đoạt tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều ý kiến tranh
luận khác nhau trong việc định tội danh và áp dụng khung hình phạt. Việc định
tội danh đúng, chuẩn xác không những nâng cao tính nghiêm minh của pháp
luật, có tác dụng răn đe, giáo dục người phạm tội mà còn phân hoá trách nhiệm
hình sự và cá thể hoá hình phạt chính xác, qua đó bảo vệ các quyền và lợi ích
hợp pháp của công dân trong tư pháp hình sự. Ngược lại nếu định tội danh sai sẽ
2
dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, bỏ lọt tội phạm hoặc
hình phạt không tương xứng với tính chất mức độ của hành vi phạm tội…
Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn điều tra,
truy tố, xét xử đối với Tội cướp giật tài sản, xác định những bất cập, hạn chế và
nguyên nhân của nó để từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình
sự bảo đảm cho việc định tội danh được áp dụng thống nhất là hết sức cần thiết.
Với những lý do đó, tác giả chọn đề tài: “Định tội danh Tội cướp giật tài sản
theo Luật hình sự Việt Nam” làm Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ Luật học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Bàn về vấn đề định tội danh cho đến nay đã có một số giáo trình, sách
chuyên khảo, sách tham khảo như các công trình sau: GS.TS Lê Văn Cảm và
PGS. TS Trịnh Quốc Toản, Định tội danh (Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập
thực hành), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2011; PGS. TS Trịnh Quốc Toản,
Một số vấn đề lý luận định tội danh và hướng dẫn giải bài tập về định tội danh,
Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1999; GS.TS Võ Khánh Vinh, Giáo trình lý luận
chung về định tội danh, Nxb Công an nhân dân, 2013; PGS. TS Dương Tuyết
Miên, Định tội danh và quyết định hình phạt, Nxb Công an nhân dân, 2004; Ths.
Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Phần Các tội xâm phạm sở
hữu; Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm của Trường đại học
Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần các tội
phạm của Trường Đại học luật Hà Nội; Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần
các tội phạm của Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội…
Dưới góc độ bài viết, đề tài khoa học trên tạp chí Toà án nhân dân, Tạp chí
khoa học pháp lý và một số tạp chí khác đăng và phân tích dấu hiệu pháp lý giữa
các tội cũng như định tội danh đối với từng vụ án cụ thể như: TS.Phan Anh Tuấn
“Định tội danh trong trường hợp một hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều
CTTP”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 02/2001; TS. Phạm Minh Tuyên “Cướp
giật tài sản và vấn đề chuyển hóa tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam”
Tạp chí Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao, số 19/2017; Ths. Đặng Thúy Quỳnh
“H phạm Tội cướp giật tài sản dẫn đến chết người hay phạm hai Tội cướp giật
tài sản và tội giết người”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 24/2012; Lê Nhật Bảo
3
“Tội cướp giật tài sản những điểm chưa phù hợp” trang Sinh viên và Khoa học
pháp lý, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh số 03/2012…
Dưới góc độ Luận văn thạc sỹ luật học có một số công trình nghiên cứu
về Tội cướp giật tài sản như: Luận văn thạc sỹ luật học “Tội cướp giật tài sản
trong luật hình sự Việt Nam” của Trần Văn Hiệp, năm 2014, Trường đại học
Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Luận văn Thạc sỹ Luật học “Tội cướp giật tài
sản theo luật hình sự Việt Nam” của Nông Anh Vượng (2016), Học Viện Khoa
học Xã hội; Luận văn thạc sỹ luật học “Tội cướp giật tài sản theo luật hình sự
Việt Nam” của Nguyễn Văn Lộc, năm 2018, Trường đại học Luật Thành phố
Hồ Chí Minh; Luận văn Thạc sỹ Luật học của Bùi Quốc Hà, Định tội danh đối
với Tội cướp tài sản theo Luật hình sự Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội,
năm 2015; Luận văn thạc sỹ luật học “Tội cướp giật tài sản theo luật hình sự
Việt Nam” của Nguyễn Ngọc Thảo, năm 2020, Trường đại học Luật Thành phố
Hồ Chí Minh …
Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu tội phạm cướp giật tài sản là vấn đề
được nhiều tác giả quan tâm. Trong Luận văn này kế thừa những kiến thức lý
luận về định tội danh, phân tích của một số công trình về các hạn chế trong
định tội danh đối với Tội cướp giật tài sản và nhiều khía cạnh pháp lý chưa
được đi sâu đánh giá, phân tích làm rõ để thống nhất trong nhận thức nhất là về
dấu hiệu pháp lý, thời điểm tội phạm được coi là hoàn thành, phạm vi nội hàm
khách thể bị xâm hại và tổng kết thực tiễn định tội danh, áp dụng khung hình
phạt đối với tội phạm này trên phạm vi cả nước trong áp dụng pháp luật xử lý
người phạm tội. Do đó, tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn xử lý hình sự
Tội cướp giật tài sản, từ đó đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu
quả trong việc định tội danh đúng đối với Tội cướp giật tài sản vẫn thực sự là
cần thiết và có ý nghĩa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là qua việc phân tích làm rõ những vấn đề
lý luận, cơ sở pháp lý của định tội danh Tội cướp giật tài sản và thực tiễn áp
dụng, đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật và bảo đảm định tội danh
đúng Tội cướp giật tài sản trong thực tiễn truy tố, xét xử.