Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Truyền thuyết và lễ hội Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình
PREMIUM
Số trang
84
Kích thước
1.2 MB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1964

Truyền thuyết và lễ hội Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

NGUYỄN THỊ THÙY

TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI ĐINH TIÊN HOÀNG

Ở NINH BÌNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ

NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM

Thái Nguyên – 2018

2

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Ninh Bình - một tỉnh nằm ở cực nam đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất cổ có con

người cư trú từ rất sớm. Tỉnh có 6 huyện và 2 thành phố với diện tích 1384,1 km2

,

mật độ dân số trung bình là 654 người/km2

. Người dân Ninh Bình luôn tự hào về quê

hương, một vùng đất có nền văn hóa, văn hiến lâu đời. Nơi đây là khu vực tập trung

nhiều di tích lịch sử nổi tiếng có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh khá rõ nét con

người, tín ngưỡng, phong tục; đồng thời thông qua các lễ hội, người dân tưởng nhớ

các vị anh hùng có công xây dựng đất nước. Trong đó, Đinh Tiên Hoàng là vị vua

sáng nghiệp có công lao to lớn trong việc dẹp yên loạn lạc, xóa bỏ tình trạng cát cứ

làm suy yếu đất nước, xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu

tiên, có quân đội hùng mạnh, có pháp chế nghiêm minh. Đinh Tiên Hoàng là một

nhân vật lịch sử và truyền thuyết lớn xứng đáng có một vị trí quan trọng trong truyền

thuyết học Việt Nam và việc đặt nó vào trong phạm trù của truyền thuyết học, dùng

lý thuyết và phương pháp của truyền thuyết học để nghiên cứu những motif cơ bản

cũng như quy luật sinh thành và diễn tiến của nó… là vô cùng quan trọng.

Truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng vừa phong phú vừa có nhiều nội dung mới,

vẫn đang trong quá trình triển nở đầy sinh sắc mà học viên với ưu thế bản địa hy

vọng có thể có đóng góp về mặt tư liệu, bổ sung những tư liệu mới trong quá trình

điền dã.

Hướng nghiên cứu của luận văn hứa hẹn mang lại nhiều điểm mới mẻ đồng thời

giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện nhất về Đinh Tiên Hoàng. Truyền thuyết Con của

Rái cá là một type truyền thuyết phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, gắn

với các đế vương khởi nghiệp như Triệu Khuông Dẫn, Chu Nguyên Chương, Nỗ Nhĩ

Cáp Xích… Giới nghiên cứu quốc tế cũng đã dành khá nhiều sự quan tâm chú ý đến

hiện tượng này, lịch sử nghiên cứu vấn đề đó cũng đã kéo dài hơn 100 năm. Trong

kho tàng truyền thuyết Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng là một trong những nhân vật

truyền thuyết hiếm hoi có xuất thân là con của Rái cá. Vì sao lại như vậy? và nhân

3

dân mong muốn điều gì ở vị vua này khi xây dựng hình ảnh một nhân vật có xuất

thân đặc biệt như vậy. Luận văn này sẽ góp một phần nhỏ để lí giải điều đó.

Những nhân vật truyền thuyết khác rất ít đề cập đến tình yêu đôi lứa hoặc

có nhắc cũng chỉ là những chi tiết phụ, mà chủ yếu xoay quanh công trạng, tài năng

kì lạ nhưng với Đinh Tiên Hoàng thì cái tên Dương Vân Nga luôn luôn được dân gian

nhắc kèm cùng vị vua này với những dấu ấn có ảnh hưởng rất lớn trong cả lịch sử và

truyền thuyết. Mối tình tay ba giữa Đinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Hoàn

cũng là chi tiết mà chúng tôi quan tâm, tìm hiểu hứa hẹn sẽ mang lại những đóng góp

mới về cái nhìn toàn cảnh của vương triều nhà Đinh.

Mảng truyền thuyết về các tướng lĩnh của Đinh Tiên Hoàng - vẻ đẹp của

những anh hùng chiến bại – cũng là một khía cạnh thú vị mà chúng tôi muốn đi sâu

tìm hiểu. Hiếm có một triều đại lịch sử nào, những anh hùng chiến bại lại luôn được

dân gian ca ngợi, thờ phụng và dường như những vị anh hùng ấy dân gian không

quên một ai, không bỏ xót một ai từ những vị tướng là trụ cột sống chết cùng vua

Đinh từ thủa nằm gai nếm mật đến những tướng sĩ cấp thấp hi sinh cho nhà Đinh âm

thầm mà lịch sử chưa bao giờ nhắc đến.

Ngoài ra, khía cạnh truyền thuyết phong thuỷ gắn với sự phát tích đế vương,

với cái chết bất đắc kỳ tử sau này - đều mang đậm dấu ấn Phật giáo sâu sắc và khá

phổ biến trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam cũng như trong tín ngưỡng dân

gian…Đây cũng là một hệ truyền thuyết đáng chú ý và việc đặt truyền thuyết Đinh

Tiên Hoàng vào dòng chung đó để nghiên cứu cũng sẽ hứa hẹn có những đóng góp

mới.

Lễ hội Trường Yên là lễ hội lớn nhất tỉnh Ninh Bình diễn ra vào ba ngày mùng

8, mùng 9, mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội gắn liền với các truyền

thuyết về Đinh Tiên Hoàng đã tái hiện lại hình ảnh vua Đinh từ thủa tập trận cờ lau

đến khi dẹp loạn mười hai sứ quân lên ngôi hoàng đế đồng thời lễ hội còn phản ánh

các tín ngưỡng của nhân dân Ninh Bình. Đây cũng là dịp để truyền thuyết vua Đinh

Tiên Hoàng đến gần hơn với nhân dân trong và ngoài nước.

4

Luận văn này, bên cạnh việc hệ thống, tìm hiểu và cung cấp thêm một cái nhìn

về văn hóa, văn học của vị anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng đồng thời còn thể hiện

niềm tự hào về quê hương của tác giả luận văn.

2. Lịch sử vấn đề

Đinh Tiên Hoàng là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và truyền thuyết nhưng

đến nay số lượng tác giả viết về Đinh Tiên Hoàng còn khá ít ỏi. Những bài viết về

Đinh Tiên Hoàng cũng chỉ mới tìm hiểu được một số phương diện nào đó chứ chưa

có các công trình chuyên sâu. Các tác giả thường chỉ giành một phần nhỏ trong cuốn

sách của mình để điểm qua về sự nghiệp, công trạng của vị vua này, hoặc có khi tìm

hiểu về kiến trúc của khu đền thờ Đinh Tiên Hoàng.

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi thấy có một số công trình tiêu

biểu đề cập đến Đinh Tiên Hoàng được in trong các văn bản thành văn, cụ thể như

sau:

+ Cuốn “Công dư tiệp ký” bằng chữ Hán của Vũ Phương Đề, viết năm 1755.

Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng bản dịch “Truyện Đinh Tiên Hoàng” từ “Công

dư tiệp ký” trong công trình “Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam” tác giả Trần

Nghĩa chủ biên, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 1997.

+ Cuốn sách “Truyện cổ dân gian Ninh Bình” của Trương Đình Tưởng sưu tầm,

biên soạn, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Hà Nội năm 1995 đã ghi chép lại xuất thân,

tài năng và dấu ấn Đinh Tiên Hoàng.

+ Cuốn sách “Truyền thuyết Hoa Lư” của Trương Đình Tưởng, Lê Hải chủ

biên, Nhà xuất bản Sở Văn hóa thông tin Ninh Bình năm 1997 đã ghi chép lại hình

ảnh vua Đinh Tiên Hoàng từ thủa cờ lau tập trận đến khi băng hà và các vị tướng

lĩnh.

+ Cuốn “Truyền thuyết Đinh-Lê” của Trương Đình Tưởng chủ biên, Nhà xuất

bản Văn Hóa dân tộc năm 2000 đã ghi chép lại công lao, tài năng vua Đinh Tiên

Hoàng và những địa danh lịch sử gắn với Đinh Tiên Hoàng.

5

+ Bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Diện “Những cơ sở tư liệu tái hiện hình ảnh

vua Đinh và cuộc sống kinh đô Hoa Lư” (Nguồn: Thông báo Hán Nôm học, 2010, tr

66-78) đã đưa ra những hệ thống tư liệu về vua Đinh và kinh đô Hoa Lư.

+ Tác giả Phạm Tú Châu với bài “Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa tâm

linh qua truyện “Đinh Tiên Hoàng đế” của Vũ Phương Đề”) (Tham luận hội thảo

văn học và văn hóa tâm linh, viện văn học) trong bài viết tác giả đã đề cập đến vấn đề

giải thích sự lên ngôi ngắn ngủi của vua Đinh Tiên Hoàng và màu sắc Phật giáo ảnh

hưởng rất lớn trong truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng.

+ Luận văn tốt nghiệp Đại học của Giang Thị Thu Phương “Khảo sát truyền

thuyết và lễ hội Đinh-Lê ở Ninh Bình” 2012, GS.TS Lê Chí Quế hướng dẫn.

3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Hiện nay, tư liệu thành văn mà chúng tôi sưu tầm được là 40 truyền thuyết và 20

truyền thuyết điền dã. Trong đó, có những mảnh truyền thuyết nhỏ lẻ không chỉ về

Đinh Tiên Hoàng mà còn liên quan đến các vị tướng như Đinh Điền, Nguyễn Bặc,

Phạm Hạp, Lưu Cơ…với nhiều chi tiết mới.

Bên cạnh đó chúng tôi còn đi tìm hiểu về Lễ hội Trường Yên được tổ chức tại

xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, ngay trên đền thờ vua Đinh vua Lê từ

ngày mồng 9, mồng 10 và 11 tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội rất lớn với

nhiều nghi thức gắn với các truyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng như bỏ lòng lợn

khi cúng, tục rước nước, tái hiện lại hình vua Đinh từ thủa cờ lau tập trận... Chính

những lễ hội này đã góp phần làm phong phú thêm cho truyền thuyết đồng thời làm

cho truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng ngày càng có sức sống bền lâu qua các thế hệ.

3.2. Mục tiêu nghiên cứu

Nhận thức được truyện kể dân gian và lễ hội về Đinh Tiên Hoàng là một hiện

tượng văn học, văn hóa dân gian gợi mở nhiều vấn đề lý thú, song, cho đến nay vẫn

chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về đối

tượng này, luận văn của chúng tôi một mặt hệ thống hóa các nguồn tư liệu truyện kể

6

về Đinh Tiên Hoàng, phân tích những mô típ của chuỗi truyện này để khẳng định giá

trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm; mặt khác tìm hiểu lễ hội được tổ chức tại xã

Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngay tại nơi thờ hai vị vua Đinh Tiên

Hoàng và Lê Đại Hành nhằm chỉ ra mối quan hệ gắn kết giữa truyện kể dân gian và

lễ hội.

4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu

4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu

Với mục tiêu nghiên cứu trên, chúng tôi xác định nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể

như sau:

- Sưu tầm đầy đủ nhất các truyện kể dân gian về Đinh Tiên Hoàng, cả trong thư

tịch lẫn trong quá trình thực tế điền dã.

- Khảo sát văn bản dưới các góc độ, tập trung nghiên cứu kết cấu motif, như

motif sinh nở thần kì, motif tài năng, motif nhân duyên giữa Đinh Tiên Hoàng với

hoàng hậu Dương Vân Nga, motif Đinh Tiên Hoàng và các vị tướng, motif hoá thân,

hiển linh âm phù.

- Nghiên cứu tham dự đối với đời sống của lễ hội Trường Yên, so sánh đời sống

của lễ hội với văn bản truyện kể để tìm ra những nét tương đồng và khác biệt nhằm

làm rõ sức sống của các câu chuyện kể dân gian về Đinh Tiên Hoàng trong xã hội

đương đại.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Để tiến hành đề tài nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng kết hợp nhiều phương

pháp nghiên cứu, đó là:

- Phương pháp thống kê: chúng tôi sẽ tiến hành tập hợp đến mức tối đa các bản

kể truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng và các vị tướng lĩnh và cố gắng sưu tầm thêm

những truyền thuyết dân gian lưu truyền ở địa phương; trong quá trình phân tích,

chúng tôi sẽ hệ thống các tác phẩm này trong các bảng biểu cụ thể.

7

- Phương pháp phân tích và tổng hợp: phương pháp này chúng tôi sử dụng

thường xuyên để phân tích các mẩu truyện, các motif theo đặc trưng thể loại nhằm

chứng minh cho các luận điểm mà luận văn nêu ra.

- Phương pháp điền dã: đây sẽ là một phương pháp quan trọng mà chúng tôi tiến

hành khi thực hiện luận văn. Với ưu thế là người bản địa, chúng tôi đã có gắng tìm

đến tận nơi đền thờ vua Đinh vua Lê ở Ninh Bình và một số nơi gắn với tên tuổi và

truyền thuyết của vua Đinh trong tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi có điều kiện tham dự lễ hội

Trường Yên vào tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất trong

tỉnh thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham dự. Tuy nhiên vì thời gian có hạn nên

còn nhiều nơi có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và các vị tướng lĩnh ở ngoài tỉnh mà

chúng tôi chưa thể đến được.

- Phương pháp liên ngành: Hơn bất cứ thể loại nào truyền thuyết là thể loại có

mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, phong tục, lễ hội…Vì vậy, chúng tôi sử dụng

phương pháp liên ngành trong luận văn để xem xét truyền thuyết dân gian dưới nhiều

góc độ để có một cái nhìn tổng thể và toàn diện về bộ phận truyền thuyết dân gian

Đinh Tiên Hoàng.

5. Phạm vi nghiên cứu

Để tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi lựa chọn những truyền thuyết dân

gian trong các sách đã xuất bản, trong thư tịch cổ, những truyền thuyết về Đinh Tiên

Hoàng trong quá trình điền dã từ đó đi sâu vào tìm hiểu các motif nổi bật xuất hện

trong các truyền thuyết và việc tổ chức lễ hội Trường Yên hàng năm tại đền vua Đinh

vua Lê ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để phân tích, đánh giá.

6. Cấu trúc của Luận văn

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung của luận văn được chia làm 3

chương, cụ thể như sau:

Chương 1: Đất và người Ninh Bình

Chương 2: Truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng

Chương 3: Lễ hội Trường Yên và tín ngưỡng thờ Đinh Tiên Hoàng

8

7. Đóng góp của Luận văn

Luận văn lần đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, chuyên sâu về truyền

thuyết dân gian và lễ hội của Đinh Tiên Hoàng, tập hợp nguồn tư liệu truyền thuyết

dân gian về Đinh Tiên Hoàng, xác lập được những motif cơ bản và giá trị của chuỗi

truyện này. Đinh Tiên Hoàng đế không chỉ sống trong những lời kể mà còn sống

trong những nghi lễ thờ cúng với những nghi thức, những tập tục sinh động; do đó, đi

từ truyền thuyết dân gian đến lễ hội về Đinh Tiên Hoàng, luận văn sẽ góp phần chứng

minh cho đặc trưng của văn học dân gian là mang tính nguyên hợp, đồng thời cũng

cho thấy nét độc đáo, riêng biệt cũng như những nét tương đồng của lễ hội nơi đây

với các lễ hội cổ truyền của Việt Nam nói chung. Luận văn của chúng tôi do đó cũng

góp phần bảo lưu và phát triển những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của một

vùng đất, bổ sung vào gia tài văn học dân gian của dân tộc.

Với những đóng góp trên, luận văn cũng hy vọng góp một phần nhỏ bé vào việc

giữ gìn và phát huy vốn văn học cổ truyền của dân tộc nói chung và văn học dân gian

tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!