Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
TRẦN THỊ BẢO ÁNH
PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP
Ở VIỆT NAM
Chuyên ngành : Luật Kinh tế
Mã số : 62 38 01 07
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN VIẾT TÝ
2. TS. PHAN CHÍ HIẾU
HÀ NỘI - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các kết quả số liệu nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng, chính xác của các cơ quan chức năng đã
công bố. Những kết luận khoa học của luận án là mới và chưa
có tác giả công bố trong bất cứ công trình khoa học nào.
Tác giả luận án
Trần Thị Bảo Ánh
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
PHẦN TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 7
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP
VÀ PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP 31
1.1. Khái quát về mua bán doanh nghiệp 31
1.1.1. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp 31
1.1.2. Đặc điểm của mua bán doanh nghiệp 39
1.1.3. Tác động của mua bán doanh nghiệp đối với bên bán, bên mua
doanh nghiệp và nền kinh tế- xã hội 45
1.2. Pháp luật về mua bán doanh nghiệp 49
1.2.1. Khái niệm pháp luật về mua bán doanh nghiệp 49
1.2.2. Nội dung pháp luật về mua bán doanh nghiệp 53
Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN DOANH NGHIỆP
Ở VIỆT NAM 66
2.1. Quy định về các hình thức mua bán doanh nghiệp 66
2.1.1. Mua bán toàn bộ doanh nghiệp 66
2.1.2. Mua bán một phần doanh nghiệp 70
2.1.3. Mua bán tài sản của doanh nghiệp 75
2.2. Quy định về chủ thể mua bán doanh nghiệp 76
2.2.1. Bên bán doanh nghiệp 76
2.2.2. Bên mua doanh nghiệp 78
2.3. Quy định về hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua bán
doanh nghiệp 85
2.3.1. Các loại hợp đồng- phương thức thực hiện các giao dịch mua
bán doanh nghiệp 85
2.3.2. Nội dung hợp đồng mua bán doanh nghiệp 87
2.3.3. Hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp 95
2.4. Quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp 96
2.4.1. Kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều chỉnh của
pháp luật cạnh tranh 96
2.4.2. Thủ tục mua bán doanh nghiệp đối với các thương vụ mua bán
doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật
cạnh tranh 103
Chương 3: YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ
MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM 117
3.1. Yêu cầu đối với việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở
Việt Nam 117
3.1.1. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải trên cơ sở
đổi mới tư duy quản lý nhà nước và đảm bảo sự công bằng, tiến
bộ xã hội 117
3.1.2. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam phải
phản ánh thực tiễn mua bán doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu hoàn
thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo tính khả
thi, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn 121
3.1.3. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải đảm bảo
tính minh bạch, thống nhất 127
3.1.4. Hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
phải đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế 131
3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam 133
3.2.1. Nhóm giải pháp chung 134
3.2.2. Nhóm giải pháp cụ thể 138
KẾT LUẬN 155
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ 158
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 159
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong tiếng Anh, cụm từ Merge and Acquisition (viết tắt là M&A) có nghĩa là
sáp nhập và mua lại (hoặc mua bán) doanh nghiệp. Đó là hoạt động giành quyền
kiểm soát một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua
việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
M&A là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh của toàn cầu và
là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế các quốc gia. Sự phát triển của M&A tập
trung chủ yếu trong sáu đợt sáp nhập lớn tính từ đầu thế kỷ XX và phần lớn trong
đó có nguồn gốc từ Mỹ. Những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực M&A đều được áp
dụng đầu tiên tại Mỹ sau đó mới được du nhập sang các quốc gia hoặc các khu vực
khác. Trên thế giới, M&A diễn ra như một trào lưu để mở rộng hoạt động kinh
doanh và tạo ra nhiều tên tuổi trên trường kinh doanh quốc tế như ông vua phần
mềm Bill Gates đã mua lại DOS và phát triển để tạo nên đế chế Microsoft hoặc nhà
tỷ phú lừng danh người Nga Roman Abramovich đã mua lại Sibneft ngay sau khi
Liên Xô tan rã để đưa nó thành công ty dầu khí hàng thứ tư trên thế giới [7, tr.1].
M&A diễn ra ở hầu hết các ngành quan trọng như ngành dầu lửa với các vụ Exxon
và Mobil (năm 1999), ngành công nghệ thông tin với vụ Compaq và HP (2002),
ngành dịch vụ tài chính với Chase Manhattan và JP Morgan (2000) [6, tr.7]…
Trước năm 1999, tại Việt Nam, gần như không có dữ liệu về sự xuất hiện các
thương vụ M&A. Luật Doanh nghiệp (1999) ra đời, làm cơ sở pháp lý quan trọng
cho các hoạt động M&A sau đó. Năm 2006, cùng với sự kiện Việt Nam chính thức
gia nhập WTO, thị trường chứng khoán phát triển mạnh sau sáu năm kể từ khi xuất
hiện, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (2005) và Luật Đầu tư (2005), chủ trương và
các quy định pháp lý về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã góp phần tạo môi
trường đầu tư rộng mở cho tất cả các thành phần kinh tế. Trong môi trường đó, các
nhà đầu tư đã từng bước sử dụng M&A như một công cụ chiến lược đầu tư để phát
triển hoạt động kinh doanh, các vụ M&A tăng dần theo từng năm: năm 2003, có 41
thương vụ với giá trị 118 triệu USD, đến năm 2008 có 146 vụ với giá trị là 1009
triệu USD, năm 2010 con số này tăng vụt lên 345 vụ với giá trị 1,75 tỷ USD, đặc
biệt là năm 2011 có 267 vụ tương ứng với giá trị là 6,3 tỷ USD [12], [25].
2
M&A đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các nhà khoa học trong lĩnh
vực kinh tế và pháp lý bởi tính phổ biến và các tác động khác nhau tới toàn cảnh nền
kinh tế thế giới. M&A được xem xét dưới hai góc độ chủ yếu là góc độ kinh tế như một
vấn đề của quản trị chiến lược công ty, tài chính doanh nghiệp và góc độ pháp lý như
đối tượng của khung khổ pháp lý để thực hiện giao dịch M&A. Tác giả luận án lựa
chọn một trong hai hoạt động của M&A là hoạt động mua lại hoặc mua bán doanh
nghiệp làm đề tài nghiên cứu luận án Luật học xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Một là, các nhà khoa học chủ yếu nghiên cứu M&A dưới góc độ kinh tế, rất ít
có các công trình khoa học pháp lý về M&A nói chung và mua bán doanh nghiệp
nói riêng. Ở Việt Nam, các quy định pháp lý về sáp nhập doanh nghiệp tương đối rõ
ràng, trong khi đó các quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp chưa thống
nhất, thiếu tính toàn diện. Hầu hết các công trình nghiên cứu về mua bán doanh
nghiệp dưới góc độ hẹp như mua bán công ty (không nghiên cứu mua bán doanh
nghiệp tư nhân, hợp tác xã) hoặc nghiên cứu về hợp đồng mua bán doanh nghiệp
trong các bài viết hội thảo chưa đánh giá được tổng thể pháp luật về mua bán doanh
nghiệp. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có các công trình khoa học pháp lý chuyên
sâu hơn nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu pháp luật về mua
bán doanh nghiệp là một đề tài gợi mở ý tưởng cho nghiên cứu sinh lựa chọn để
triển khai thành công trình luận án tiến sĩ luật học.
Hai là, ở góc độ cạnh tranh, mua bán doanh nghiệp được hiểu là hành vi tập
trung kinh tế gắn với quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh
trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh
nghiệp, liên doanh và các hành vi tập trung kinh tế khác. Các Mác đã phát hiện ra
quy luật đầy tính nghịch lý: Cạnh tranh làm phát sinh tập trung kinh tế nhưng tập
trung kinh tế đến một mức độ nhất định lại tiêu diệt cạnh tranh và bắt buộc Nhà
nước phải điều chỉnh pháp luật đối với tập trung kinh tế. Đó cũng là một lý do cần
phải có công trình nghiên cứu luật học đánh giá pháp luật và tình hình thực thi pháp
luật cạnh tranh để kiểm soát các thương vụ mua bán doanh nghiệp nhằm bảo vệ
cạnh tranh trên thị trường và phúc lợi chung của xã hội.
Từ thực trạng thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam như đã phân tích
đặt ra yêu cầu điều chỉnh pháp luật và có công trình nghiên cứu đối với hoạt động
3
mua bán doanh nghiệp. Các công trình khoa học pháp lý sẽ là chiếc cầu nối giữa
những đòi hỏi khách quan của thực tế hoạt động mua bán doanh nghiệp với các nhà
lập pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả
thực thi của pháp luật về mua bán doanh nghiệp trên thực tiễn.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Mục đích của luận án là nghiên cứu hoạt động mua bán doanh nghiệp dưới
góc độ pháp lý và xây dựng một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán
doanh nghiệp ở Việt Nam.
Để thực hiện mục đích trên, luận án đề ra nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau:
Thứ nhất, luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về mua bán doanh
nghiệp: quan niệm, đặc trưng pháp lý của mua bán doanh nghiệp; ảnh hưởng của
mua bán doanh nghiệp đến nền kinh tế- xã hội và nghiên cứu nội dung pháp luật về
mua bán doanh nghiệp.
Thứ hai, luận án phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về mua bán doanh
nghiệp trong quan hệ so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới. Luận án
chỉ ra những tồn tại, những khoảng trống pháp lý về chủ thể mua bán doanh nghiệp,
hợp đồng mua bán doanh nghiệp, thủ tục mua bán doanh nghiệp và cách thức kiểm
soát mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Thứ ba, luận án đề xuất các định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán
doanh nghiệp bao gồm nhóm giải pháp cụ thể và nhóm giải pháp chung nhằm xây
dựng và phát triển thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động hiệu
quả, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
3. Phạm vi nghiên cứu
Với tính chất là luận án tiến sĩ Luật học, luận án đặt trọng tâm nghiên cứu mua
bán doanh nghiệp dưới góc độ khoa học pháp lý.
Trên thế giới, hoạt động mua bán doanh nghiệp thường được nghiên cứu đồng
thời với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp. Xuất phát từ những yêu cầu cần thiết
phải nghiên cứu về hoạt động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam và đáp ứng yêu
cầu về hình thức luận án, luận án tập trung phân tích nghiên cứu về mua bán doanh
nghiệp mà không nghiên cứu các hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
4
Dưới góc độ pháp lý, mua bán doanh nghiệp là một hoạt động đầu tư phức tạp,
liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như pháp luật về hợp đồng, pháp luật về
chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, pháp luật lao động,
pháp luật đất đai, pháp luật về môi trường, pháp luật về tài chính, pháp luật về sở
hữu trí tuệ… Luận án không phân tích tất cả các nội dung pháp luật liên quan đến
mua bán doanh nghiệp; không nghiên cứu chuyên sâu về các thủ tục sau thương vụ
mua bán doanh nghiệp như: thủ tục về thuế, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp;
không phân tích quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp (dưới
khía cạnh của pháp luật cạnh tranh, pháp luật chứng khoán) và các quy định pháp
luật về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Luận án tập trung nghiên cứu mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam với tính chất
là những hoạt động đầu tư nhằm giành quyền sở hữu và quyền kiểm soát doanh
nghiệp với các nội dung cụ thể, gồm: chủ thể thực hiện mua bán doanh nghiệp, đối
tượng mua bán là một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp, các hình thức mua bán
doanh nghiệp; thủ tục mua bán doanh nghiệp; kiểm soát mua bán doanh nghiệp
dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh. Mặc dù trong thực tiễn, mua bán doanh
nghiệp được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng khác nhau nhưng trong giới hạn
luận án tiến sĩ Luật học, mua bán doanh nghiệp được nghiên cứu dưới hình thức chủ
sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp chi phối cho
bên mua. Vì vậy, các hình thức doanh nghiệp tăng vốn điều lệ và bên góp thêm vốn
điều lệ chi phối, kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng vốn điều lệ
không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án.
Các quy định pháp luật có liên quan đến mua bán doanh nghiệp sẽ được tác
giả dẫn chiếu trong nội dung luận án để có cái nhìn tổng thể, chính xác hơn về hoạt
động mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết những vấn đề do đề tài đặt ra, nghiên cứu sinh sử dụng kết hợp
các phương pháp nghiên cứu khác nhau như phương pháp phân tích, tổng hợp,
phương pháp so sánh luật học.
Phương pháp tổng hợp, phân tích được sử dụng chủ yếu tại chương một luận
án. Qua việc thu thập các tài liệu thứ cấp, so sánh, tổng hợp các quan điểm, ý kiến
5
khác nhau về mua bán doanh nghiệp, nghiên cứu sinh bước đầu đưa ra quan niệm
về mua bán doanh nghiệp và nội dung pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Phương pháp phân tích sẽ được sử dụng chủ yếu trong chương hai luận án kết
hợp với việc sử dụng một số tài liệu thực tiễn chủ yếu được lấy từ nguồn của Cục
quản lý cạnh tranh, cơ quan đăng ký kinh doanh để phân tích, đánh giá thực trạng
pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chương ba, luận án sẽ sử dụng phương pháp diễn giải, quy nạp để đưa ra các
định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế.
5. Những đóng góp mới của luận án
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả của các công trình nghiên cứu trước
đây về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời với quá trình nghiên cứu độc
lập và nghiêm túc, luận án đã có những đóng góp mới về mặt khoa học như sau:
Thứ nhất, luận án xây dựng được hệ thống lý luận khoa học của pháp luật về
mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam: nêu ra quan niệm về mua bán doanh nghiệp và
làm rõ đặc điểm pháp lý của mua bán doanh nghiệp. Từ đó, luận án chỉ ra những
đặc trưng pháp lý cơ bản của mua bán doanh nghiệp trong tương quan so sánh với
sáp nhập doanh nghiệp, mua bán tài sản, tặng cho doanh nghiệp, chuyển nhượng cổ
phần, phần vốn góp của thành viên doanh nghiệp. Luận án đã xác định nội dung của
pháp luật về mua bán doanh nghiệp bao gồm: quy phạm về hình thức mua bán
doanh nghiệp, chủ thể mua bán doanh nghiệp, hợp đồng mua bán doanh nghiệp, thủ
tục mua bán doanh nghiệp và kiểm soát mua bán doanh nghiệp dưới góc độ điều
chỉnh của pháp luật cạnh tranh.
Thứ hai, luận án đánh giá một cách tương đối toàn diện và có hệ thống thực
trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập của
pháp luật hiện hành về mua bán doanh nghiệp. Đồng thời, luận án đã phân tích,
đánh giá những kinh nghiệm quốc tế trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt
động mua bán doanh nghiệp để Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện
pháp luật về mua bán doanh nghiệp.
Thứ ba, luận án đề xuất được các yêu cầu khoa học và giải pháp cụ thể cho
việc hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt
6
động mua bán doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập quốc tế ở
Việt Nam.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài Lời nói đầu, Phần tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài luận án, Kết luận,
Danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về mua bán doanh nghiệp và pháp luật về
mua bán doanh nghiệp.
Chương 2: Thực trạng pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Chương 3: Yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua bán doanh
nghiệp ở Việt Nam.
7
PHẦN TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến mua bán doanh nghiệp
Cụm từ Mergers and Acquisitions (viết tắt là M&A) luôn được viết và đọc
kèm với nhau. Mergers có thể dịch là sáp nhập nhưng căn cứ vào hệ quả sau vụ sáp
nhập thì Mergers còn bao gồm cả hình thức hợp nhất doanh nghiệp. Acquisitions
được dịch là mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp.
Rất ít có các công trình nghiên cứu tách rời từng hoạt động mua bán hoặc sáp
nhập doanh nghiệp mà chủ yếu các công trình khoa học đều nghiên cứu chung về
hai hoạt động sáp nhập và mua bán doanh nghiệp. Tên gọi mua bán hay mua lại
doanh nghiệp có sự khác nhau vì cách dịch ra tiếng Việt có sự khác nhau. Bản chất
mua bán hoặc mua lại doanh nghiệp đều giống nhau, đều phản ánh việc một bên
(bên bán) chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho một bên
(bên mua) và bên mua có quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp mà họ mua
lại. Vì vậy, luận án sẽ đánh giá tình hình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp từ
nội dung các công trình khoa học về sáp nhập và mua bán/mua lại doanh nghiệp.
Trong hoạt động kinh doanh, không có giao dịch nào phức tạp hơn mua bán
và sáp nhập doanh nghiệp, vô số vấn đề phát sinh trên phạm vi rộng, từ định giá đến
cấu trúc giao dịch, từ tác động của luật thuế đến luật chứng khoán, luật môi trường,
luật lao động...ảnh hưởng đến việc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng và cả những rủi ro tiềm ẩn trong
thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, trên thế giới và ở Việt Nam đã xuất
hiện nhiều công trình khoa học kinh tế, pháp lý nghiên cứu về mua bán và sáp nhập
doanh nghiệp. Có thể kể đến một số công trình khoa học sau:
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến mua bán doanh nghiệp của
các tác giả nước ngoài
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về mua bán doanh nghiệp dưới góc độ
kinh tế- tài chính
* Các nghiên cứu: M&A- Mua lại và sáp nhập căn bản, các bước quan trọng
trong quá trình mua bán doanh nghiệp và đầu tư của tác giả Michael E.S. Frankel,
Nxb Tri thức, Hà Nội (2009) và Mua lại và sáp nhập từ A đến Z của Andrew
8
J.Sherman, Milledge A. Hart, Nxb Tri thức, Hà Nội (2009) cung cấp cho bạn đọc
cái nhìn tổng quát về các bước quan trọng khi tiến hành các thương vụ mua lại và
sáp nhập doanh nghiệp, những bài học và hướng dẫn cơ bản trong lần đầu tiên thực
hiện thương vụ mua lại và sáp nhập, bao gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, M&A là một thuật ngữ để mô tả các thương vụ liên quan đến sự thay
đổi, chuyển giao quyền kiểm soát một doanh nghiệp. Các hình thức M&A bao gồm:
mua tài sản của doanh nghiệp, mua cổ phiếu, mua lại doanh nghiệp dựa trên vốn vay
nợ (Leveraged Buy Outs, viết tắt là LBO); mua lại doanh nghiệp để giữ quyền quản lý
(Management Buy Outs, viết tắt là MBO).
Thứ hai, hai cuốn sách trên đã giới thiệu chủ thể tham gia thương vụ mua lại
và sáp nhập doanh nghiệp, mục tiêu, động cơ của họ. Đó là bên bán, bên mua doanh
nghiệp, hai nhân vật chính của thương vụ mua bán doanh nghiệp. Ngoài sự có mặt
bắt buộc của hai bên mua bán doanh nghiệp, các chủ thể khác như các nhà đầu tư tài
chính, kiểm toán viên, đội ngũ tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống báo chí,
khách hàng… đều có vai trò trong thương vụ mua lại và sáp nhập.
Thứ ba, các bên mua bán doanh nghiệp phải chuẩn bị những công việc cần
thiết để mua bán doanh nghiệp và ký kết hợp đồng có tính chất như hợp đồng ghi
nhớ và bảo mật một số nội dung thông tin trong thương vụ mua lại và sáp nhập.
Một trong những bước quan trọng nhất của quá trình chuẩn bị là lựa chọn một
nhóm nhà tư vấn, vai trò của các nhà tư vấn đối với thương vụ mua lại và sáp nhập
rất quan trọng. Chính các nhà tư vấn sẽ trợ giúp các bên chuẩn bị những công việc
cần thiết để thực hiện thành công thương vụ mua lại và sáp nhập. Nhóm tư vấn tối
thiểu phải có các thành viên sau: người môi giới đầu tư, cố vấn tài chính, nhân
viên kế toán, cố vấn pháp lý, chuyên viên thẩm định giá, chuyên viên bảo hiểm.
Bên mua cần chú ý tới vai trò của người môi giới đầu tư bởi vì người môi giới
đầu tư có những nguồn thông tin mà công ty mua khó có thể tiếp cận được.
Người môi giới đầu tư có thể đưa ra những tư vấn quý giá về đàm phán và định
giá, giúp bên mua doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng triệu đô cho thương
vụ mua lại và sáp nhập.
Nhóm các nhà tư vấn hướng dẫn các bên mua bán thảo luận về quyết định mua
và bán doanh nghiệp. Từ nội dung thảo luận, các bên sẽ ký kết hợp đồng được gọi
9
là hợp đồng tạm thời hoặc ý định thư để cụ thể hóa các nội dung mà các bên đã thảo
luận, điều chỉnh và hướng dẫn cách xử sự của các bên cho đến khi thực hiện giao
dịch. Ý định thư có ý nghĩa là một chất xúc tác quan trọng, là một bước đi cần thiết
trong các thương vụ mua lại và sáp nhập. Ý định thư thường được coi là một hợp
đồng về nguyên tắc, có các điều khoản đề nghị, điều khoản ràng buộc theo mẫu
tham khảo mà các tác giả cuốn sách đã đưa ra.
Thứ tư, giới thiệu về phần cốt lõi của thương vụ mua lại và sáp nhập, đó là
công việc thẩm định chi tiết doanh nghiệp mục tiêu của bên mua. Thẩm định chi tiết
là việc bên mua có nghĩa vụ xem xét chi tiết và cẩn trọng về thương vụ mua lại và
sáp nhập. Quá trình này sẽ xem xét toàn diện về pháp lý, tài chính và chiến lược tất
cả những tài liệu, những quan hệ hợp đồng, lịch sử hoạt động và cấu trúc tổ chức
của bên bán. Thẩm định đầu tư thường được chia làm hai nhóm làm việc: tài chính
chiến lược, thường do kế toán và đội ngũ quản lý của người mua đảm nhiệm; thẩm
định pháp lý do cố vấn của người mua thực hiện.
Thẩm định pháp lý sẽ phân tích những vấn đề về tổ chức; những vấn đề tài
chính; những vấn đề quản lý và nhân sự; những hợp đồng và giao kết chính của bên
bán; kiện tụng và khiếu nại. Nhóm làm việc của người mua sẽ phải thu thập các dữ
liệu để xem xét điều kiện để giao dịch mua lại và sáp nhập có hiệu lực pháp luật;
giao dịch này có chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh không; những rủi ro
mà người mua có thể phải gánh chịu sau khi thực hiện giao dịch…
Thứ năm, vấn đề định giá doanh nghiệp, giá trị và giá cả của doanh nghiệp
mục tiêu và các phương pháp định giá tiêu chuẩn. Giá là vấn đề tối cao trong một
thương vụ mua lại và sáp nhập. Nó quyết định lượng giá trị được chuyển cho người
bán để đổi lấy quyền sở hữu doanh nghiệp bán. Trong thương vụ mua lại và sáp
nhập, các bên đều rất chú trọng thỏa thuận về giá mua bán doanh nghiệp vì nó chính
là một yếu tố quan trọng để quyết định liệu thương vụ mua lại và sáp nhập có hoàn
tất được không? Do đó, các bên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp phải sử dụng các
phương pháp định giá theo nguyên tắc nhất định và phù hợp với giá thị trường, đặc
biệt là khi định giá đối với tài sản không thể hiện trên bảng cân đối kế toán của
doanh nghiệp nhưng lại có giá trị rất lớn, đó là tài sản vô hình như thương hiệu, hệ
thống khách hàng...
10
Thứ sáu, giới thiệu về các vấn đề tài chính để thực hiện thương vụ mua lại và
sáp nhập như chi phí vốn qua việc dùng vốn tiền mặt hoặc huy động nguồn vốn
khác. Cuốn sách cũng hé mở những thông tin hữu ích về nguồn tài chính đằng sau
các thương vụ mua lại và sáp nhập ngày càng được đầu tư lớn và được bảo mật hơn
so với những giai đoạn đầu xuất hiện hoạt động mua lại và sáp nhập. Các tác giả
cũng lưu ý về cách thức bên mua thanh toán bằng cổ phần hay thanh toán bằng tiền
mặt để mang lại hiệu quả nhất cho bên mua.
Thứ bảy, quy định của Nhà nước điều tiết chung đối với tất cả các thương vụ
mua lại và sáp nhập. Các yếu tố điều tiết chung bao gồm những vấn đề chống độc
quyền, môi trường, chứng khoán, các vấn đề phúc lợi nhân viên. Các quy định điều
tiết trong từng ngành chỉ ảnh hưởng một vài loại giao dịch trong những ngành nhất
định và vấn đề điều tiết từng ngành sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của những
người quản lý của liên bang.
Các tác giả đã phân tích các đạo luật về chống độc quyền, đạo luật môi trường,
luật chứng khoán, luật lao động và việc làm…có ảnh hưởng như thế nào đối với
các thương vụ mua lại và sáp nhập. Đặc biệt, so với các cuốn sách khác viết về hoạt
động mua lại và sáp nhập, hai tác giả cuốn sách trên đã đề cập thêm các thông tin
mà thông thường bên bán không có hoặc có rất ít nghĩa vụ pháp lý phải tiết lộ cho
bên mua về việc có sử dụng những chất có khả năng nguy hiểm trong cơ sở kinh
doanh của mình hay báo cáo về việc thải những chất như vậy ra môi trường. Từ đó,
các bên sẽ thỏa thuận về việc phân bổ trách nhiệm theo luật bảo vệ môi trường như
thế nào và cần phải tiến hành các thủ tục pháp lý gì để được cơ quan có thẩm quyền
chấp thuận các giấy phép môi trường.
Thứ tám, vấn đề hậu mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
Nội dung hậu mua lại và sáp nhập trong cuốn sách Mua lại và sáp nhập từ A
đến Z được truyền tải đầy đủ, logic và dễ hiểu với văn phong người Việt. Với tư
cách là một luật sư chuyên nghiệp tư vấn trong lĩnh vực mua lại và sáp nhập, tác giả
cuốn sách Mua lại và sáp nhập từ A đến Z đã thể hiện vai trò vừa tư vấn pháp lý,
vừa tư vấn tài chính, vừa là cố vấn đầu tư, thậm chí là thể hiện cả vai trò nhà tâm lý
học để hướng dẫn độc giả cách thức thực hiện thương vụ mua lại và sáp nhập một
cách hiệu quả nhất. Vì vậy, cuốn sách đã được các nhà đầu tư, các chuyên gia
11
trong lĩnh vực mua lại và sáp nhập, độc giả đánh giá rất cao. Các tác giả đã thu
thập, tổng hợp những vấn đề căn bản nhưng vô cùng quan trọng cần quan tâm
trước, trong và sau thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp; mô tả về những
thách thức mà bên mua doanh nghiệp phải đối mặt thời kỳ hậu mua lại và sáp nhập
như: sự kết hợp nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp, hệ thống hoạt động và quản
lý thông tin, phương thức kế toán và thực hành tài chính. Cuốn sách này được coi là
một trong những tài liệu cần thiết, dễ hiểu đối với các bên mua bán, sáp nhập, cơ
quan nhà nước, các cố vấn về thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.
Dù có thành công to lớn như vậy nhưng hai nghiên cứu trên đây chỉ nghiên
cứu mua bán và sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế, đề cập rất ít đến khía
cạnh pháp lý của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận diện
được mua bán và sáp nhập doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế sẽ là cơ sở khoa học
để tìm ra các giải pháp pháp lý phù hợp để điều chỉnh đối với hoạt động mua bán và
sáp nhập doanh nghiệp.
* Một số công trình khác nghiên cứu chi tiết về các số liệu thực tiễn, tổng kết
đánh giá thực tiễn làm minh chứng để tính toán hiệu quả mua bán doanh nghiệp
như: Mua bán doanh nghiệp- Những bước đường thành công:Từng bước để có
những hợp đồng khôn ngoan hơn của tác giả Dezil Rakinne Peter Howson, Nxb
Công an nhân dân (2007) và cuốn sách Cẩm nang hướng dẫn M&A- Mua lại và
sáp nhập, các công cụ hỗ trợ quá trình hợp nhất ở mọi cấp độ của tác giả Timothy J
Galpin Mark Herdon, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (2009)
Hai cuốn sách trên chủ yếu giới thiệu về kỹ năng khi thực hiện các thương vụ
mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thực tiễn. Các khía cạnh kinh tế, các bảng biểu
thể hiện đánh giá về mua lại, sáp nhập doanh nghiệp được các tác giả đầu tư trình
bày công phu. Qua hai công trình khoa học mang nhiều tính thực tiễn của các tác
giả Dezil Rakinne Peter Howson và Timothy J Galpin Mark Herdon, có thể thấy
mua lại và sáp nhập doanh nghiệp được nhận diện là hoạt Động đầu tư với mục đích
cao nhất và cuối cùng là “giá trị cộng hưởng” (sự lớn mạnh tài chính, nhân sự..) so
với trước khi thực hiện mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Nhiều “giá trị cộng
hưởng” của các doanh nghiệp tham gia mua lại và sáp nhập có thể đem tới lợi ích
kinh tế cho xã hội, vì vậy, các Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ, chính sách để hỗ