Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghiên cứu y học ở Việt Nam: Đặc điểm, thiếu sót, và sai sót potx
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Nghiên cứu y học ở Việt Nam: Đặc
điểm, thiếu sót, và sai sót
Nguyễn Văn Tuấn
Sự có mặt của y học Việt Nam trên trường quốc tế còn rất khiêm tốn, bởi
vì phần lớn các nghiên cứu y học ở Việt Nam được công bố trong các tạp
chí y học trong nước. Trong một phân tích tổng hợp gần đây của tác giả
Phạm Duy Hiển, trong thời gian 1995 đến 2004, trung bình hàng năm giới
nghiên cứu y khoa Việt Nam công bố khoảng 1000 bài báo y sinh học
trong các tập san y học trong và ngoài nước; trong số này chỉ có 5 bài
trong các tập san y học quốc tế [1]. Nói cách khác, chỉ có khoảng 0,5%
nghiên cứu y học từ Việt Nam có mặt trên các diễn đàn y học quốc tế. Con
số này còn rất khiêm tốn nếu so với các nước lân cận như Thái Lan hay
Mã Lai.
Có nhiều lí do tại sao các nghiên cứu chỉ công bố trên các tạp chí địa
phương, kể cả sự liên quan của nghiên cứu đối với tình hình và bối cảnh
Việt Nam, soạn thảo bằng tiếng Việt, hay không được chấp nhận cho công
bố trên các tập san quốc tế. Nhưng hoạt động khoa học là một lĩnh vực phi
biên giới, cho nên dù là nghiên cứu từ Việt Nam, nhưng nếu các nghiên
cứu có chất lượng tốt (như ý tưởng mới hay phương pháp nghiên cứu
đúng tiêu chuẩn khoa học) thì các nghiên cứu đó vẫn có giá trị khoa học,
và vẫn có thể xuất hiện trong các tập san y học quốc tế. Do đó, vấn đề
chất lượng các nghiên cứu đã công bố trong các tạp chí y học ở Việt Nam
cần được đặt ra để tìm một hướng đi tích cực hơn.
Người viết bài này đã điểm qua một số bài báo khoa học xuất hiện trong
các tạp chí y học thuộc trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thành
phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Y học thực hành, Tạp chí Nghiên cứu Y học, và
Tạp chí Dược học. Các bài báo này được công bố trong khoảng thời gian
từ 2001 đến 2006. Trong mỗi số và mỗi tạp chí, tôi ngẫu nhiên chọn ra 3
bài ở mục “nghiên cứu y học” (hay tương tự). Tất cả có 56 bài được chọn,
và tôi đọc tất cả và ghi chú những điểm cần lưu ý về ý tưởng, phương
pháp và cách trình bày kết quả nghiên cứu.
Điểm qua các bài báo này, tôi thấy các nhiều nhà nghiên cứu trong nước
đã có những công trình nghiên cứu có ích với ý tưởng hay, có thể ứng
dụng vào việc chăm sóc bệnh nhân. Chẳng hạn như những công trình
nghiên cứu về HIV và so sánh phương pháp xét nghiệm sinh hóa (do các
nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Dược TPHCM tiến hành) hay nghiên cứu
về độ tuổi mãn kinh và các yếu tố liên quan đến mãn kinh (Đại học Y Hà
Nội) mà kết quả rất thú vị và có thể khai triển thêm thành một nghiên cứu
có ích cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu mang tính phát
triển phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mới với kết quả rất đáng
khích lệ. Trong điều kiện hạn hẹp kinh phí và cơ sở vật chất mà các đồng
nghiệp trong nước đã tiến hành những nghiên cứu qui mô lớn và công phu
như thế quả là một nỗ lực đáng trân trọng. Tôi thiết nghĩ những công trình
như thế đáng lẽ phải có mặt trong các tập san y học uy tín trên thế giới,
nhưng rất tiếc điều đó chưa xảy ra.
Vấn đề đặt ra là tại sao các nghiên cứu như thế không có mặt trên các
diễn đàn y học quốc tế? Điểm qua các nghiên cứu này một cách cẩn thận,
tôi cho rằng nguyên nhân là do thiết kế nghiên cứu chưa được thỏa đáng
và chưa có hệ thống. Ngoài ra, còn có rất nhiều nghiên cứu với khá nhiều
thiếu sót và sai lầm, vì khiếm khuyết trong phương pháp nghiên cứu và do
đó chất lượng không mấy cao. Có khi những thiếu sót và sai lầm này rất
nghiêm trọng đến độ kết quả nghiên cứu rất khó diễn dịch, và có thể nói là
không có giá trị khoa học gì cả. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu lên một số
thiếu sót phổ biến nhất và sẽ đưa ra một số đề nghị để nâng cao chất
lượng nghiên cứu y học ở trong nước.
Ý tưởng: thiếu cái mới
Giá trị một nghiên cứu y học có thể đánh giá qua bốn câu hỏi chính: tại
sao nghiên cứu (ý tưởng hay vấn đề nghiên cứu), đã làm gì (phương
pháp), phát hiện cái gì (kết quả), và kết quả đó có ý nghĩa gì (thảo luận về
kết quả). Về phần ý tưởng nghiên cứu, có thể nói ngắn gọn rằng gần như
tất cả các nghiên cứu xuất hiện trong các tập san y học trong nước xoay
quanh 4 chủ đề chính như sau:
Nghiên cứu mô tả thuần túy ở một nhóm bệnh nhân hay quần thể,
như chỉ số sinh hóa ở bệnh nhân tai biến mạch máu não, chỉ số lipid
ở bệnh nhân cao huyết áp, tế bào lymphô và CD4 ở bệnh nhân
AIDS/HIV, mật độ xương ở đàn ông, v.v… Vì tính chất mô tả, cho
nên các nghiên cứu này chưa thể đào sâu và phân tích các vấn đề
bệnh lí, lâm sàng.
Nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố nguy cơ cũng chiếm một phần khá
lớn trong các nghiên cứu lâm sàng ở Việt Nam. Các nghiên cứu này
có mục tiêu chính là phát hiện các yếu tố có thể liên quan đến bệnh.
Một số nghiên cứu tiêu biểu như yếu tố miễn dịch ở bệnh nhân viêm
cầu thận, nguyên nhân của tình trạng thiếu máu ở trẻ em, mối liên
hệ giữa homocysteine và nhồi máu não, yếu tố dự đoán phù não tử
vong, v.v… Nhưng các nghiên cứu này đáng lẽ phải được tiến hành
theo thời gian (tức theo dõi đối tượng một thời gian để xác định các
yếu tố nguy cơ ban đầu và phát triển bệnh về sau), nhưng rất tiếc
các nghiên cứu ở Việt Nam chỉ giới hạn ở dạng “cắt ngang”, thành