Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghiên cứu đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
NHAØ XUAÁT BAÛN
ÑAÏI HOÏC QUOÁC GIA TP. HOÀ CHÍ MINH
60
NGUYỄN THỊ NHƯ THÚY
(Sách chuyên khảo)
ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI KƠHO Ở LÂM ĐỒNG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt)
và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng
1
TS. NGUYỄN THỊ NHƯ THÚY
ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI KƠHO Ở LÂM ĐỒNG
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt)
và thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng
(Sách chuyên khảo)
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2022
2
3
MỞ ĐẦU
Tây Nguyên là khu vực cao nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia
Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, có biên giới giáp Lào, Cam-puchia. Với diện tích 54.641 km², dân số ước tính khoảng 5,5 triệu người
(chiếm 6% dân số cả nước), gồm hơn năm mươi dân tộc anh em cùng
chung sống. Tây Nguyên hiện đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn về phát
triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển
đô thị hóa. Thực tế đã có những chủ trương, chính sách, đường lối về định
hướng phát triển chung của đồng bào dân tộc ít người của Đảng và Nhà
nước ta; cụ thể, trong Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chung điều chỉnh quy hoạch
thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2050, đã xác định mục tiêu của quy hoạch này là “Xây dựng phát triển
thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô
thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên,
văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa
quốc tế”. “Các thành phố, thị xã ở các tỉnh Tây Nguyên là trung tâm chính
trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, đồng thời là trung tâm giao lưu kinh tế, văn
hóa, xã hội quan trọng của vùng. Mặt trái của đô thị hóa và công nghiệp
hóa là những khó khăn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương…
làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân
tộc… đó là những yêu cầu quan trọng trong quá trình đô thị hóa vùng Tây
Nguyên” (Hoàng Bá Thịnh, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân
văn. Đề tài TN3/X15). Tác giả Hoàng Bá Thịnh đã chỉ rõ “về tỷ lệ đô thị
hóa ở các tỉnh Tây Nguyên, mức độ đô thị hóa cao cao nhất là Lâm Đồng
(37,77%), thứ hai là Kon Tum (33,51%), tiếp theo là Gia Lai (28,56%),
Đắk Lắk (23,98%) và thấp nhất là Đắk Nông (14,74%). Nhiều nghiên cứu
4
về Tây Nguyên với các lĩnh vực nghiên cứu phong phú, đa dạng đã được
thực hiện nhằm hỗ trợ, tham vấn cho các chủ trương, chính sách phát triển
xã hội được thực hiện ở Tây Nguyên rất đáng trân trọng thì thực tế vẫn đòi
hỏi phải có những công trình nghiên cứu đạt chất lượng cả về lý luận và
thực tiễn nhằm làm căn cứ, cơ sở, dữ liệu khoa học cho các cơ quan, ban
ngành có thẩm quyền trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm
nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc ít người.
bKơho là dân tộc thiểu số tại chỗ có dân số lớn, với nhiều nhóm địa
phương như Srê, Chil, Lạch, Nộp, Cà Dòn, Tố La, sinh sống tập trung ở
tỉnh Lâm Đồng (Bùi Minh Đạo, 2003: 22-23). Tính đến ngày 1/4/2019, tại
tỉnh Lâm Đồng có 43 dân tộc cư trú, dân số 1.296. 906 người, trong đó dân
tộc Kinh có 963.290 người, dân tộc Kơho có dân số lớn nhất trong 42 dân
tộc thiểu số còn lại với 175.531 người (Tổng cục Thống kê, 2020: 151),
chiếm 13,53% tổng dân số của tỉnh, cư trú ở khắp các huyện, thị trong
tỉnh. Trong lịch sử và hiện nay, người Kơho đã và đang lưu giữ nhiều bản
sắc văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần làm nên diện mạo văn hóa
đa dạng, phong phú và giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây
Nguyên. Dưới tác động của đổi mới và hội nhập, văn hóa truyền thống của
người Kơho đã và đang biến đổi mạnh mẽ, đặt ra những cơ hội và thách
thức cần được phân tích và lý giải để phát triển văn hóa nói riêng và kinh
tế - xã hội nói chung đối với tộc người này.
Lễ hội ngày xưa, hàng năm, người Kơho tổ chức ăn Tết khi mùa
màng đã thu hoạch xong (theo thời vụ hiện nay thường vào tháng 12 dương
lịch). Tết này có ý nghĩa đón lúa về nhà (Nhô Lir Bông hay Nhô Lirvong).
Theo tập quán, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để
cả bon tổ chức lễ đâm trâu (nho sa rơ pu) trong dịp này. Lễ tổ chức ngoài
trời, trước nhà chủ có vật hiến tế, nhà già làng hay trên mảnh đất rộng, bằng
phẳng, cao ráo trong làng, với cây nêu trang trí sặc sỡ. Mọi người nhảy múa
theo tiếng cồng chiêng. Thịt trâu được chia cho từng gia đình, còn máu trâu
bôi vào trán những người dự lễ như một sự cầu phúc. Lễ tết kéo dài 7 - 10
ngày, trong các ngày Tết, dân làng đến chung vui với từng gia đình. Trong
từng gia đình, người ta cũng tổ chức hiến tế gà, bôi máu lên vựa thóc, sàn
5
kho, cửa ra vào, cửa sổ. Sau Tết, người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện
các công việc lớn như làm nhà, chuyển làng... Phụ nữ chủ động trong hôn
nhân. Sau hôn lễ, người đàn ông về ở nhà vợ, con mang họ của mẹ.
Trên thực tế, hiện nay đô thị hóa đã góp phần mở rộng lối sống thành
thị trong cư dân: “đô thị hóa cũng được hiểu là quá trình biến đổi kinh tế,
xã hội, văn hóa và không gian. Các yếu tố này có mối quan hệ với nhau
hết sức mật thiết, trong đó diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự
phát triển ngành nghề mới, sự tăng trưởng dân cư, sự phát triển đời sống
văn hóa, sự chuyển đổi lối sống và đi liền là sự mở rộng không gian thành
hệ thống đô thị song song với việc tổ chức bộ máy hành chính và quân
sự” (Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh, 2005: 369).
Nghiên cứu này của chúng tôi không dừng lại ở việc mô tả thực trạng mà
đi sâu nghiên cứu đời sống tinh thần của người Kơho trong bối cảnh đô
thị hóa tại hai địa bàn xã Tà Nung và thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
(hai địa bàn có tốc độ đô thị hóa khác nhau). Bởi chúng tôi nhận thức được
rằng văn hóa được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội. Như các kết
quả nghiên cứu trước cho thấy, “đời sống là khái niệm chỉ sự hoạt động
của con người trong các lĩnh vực chính: đời sống vật chất và đời sống tinh
thần. Đời sống vật chất được hiểu bao gồm giá trị vật chất, kỹ thuật...,
đời sống văn hóa tinh thần được hiểu gồm: triết học, khoa học, đạo đức,
nghệ thuật, ...” (Mai Văn Hai, Mai Kiệm, 2002). Cái nhìn ấy cần được cụ
thể hóa cho phù hợp với các khoa học khác nhau như nhân học hay xã hội
học, đặc biệt là giúp cho việc thao tác hóa khái niệm văn hóa dễ dàng hơn
trong các hoạt động thực tiễn. Đời sống tinh thần của người dân luôn gắn
liền với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Đời sống tinh thần là một
phần của cuộc sống, có vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc
và nhân cách con người, cốt cách dân tộc. Những nghiên cứu về đời sống
tinh thần thường chia các hoạt động tinh thần của con người thành “những
hoạt động sản xuất các sản phẩm tinh thần hay còn gọi là hoạt động phi
kinh tế; những hoạt động thông tin và giao tiếp,…” (Đặng Cảnh Khanh,
1999; dẫn lại Nguyễn Minh Tuấn, 2012: 38). Việc nghiên cứu, tìm hiểu
các công trình nghiên cứu khoa học về đời sống tinh thần của người Kơho
trong quá trình đô thị hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ ra được
6
những nội dung, phương pháp, những mặt đạt được và hạn chế của các
công trình nghiên cứu đã được triển khai ở Lâm Đồng nói chung và thị trấn
Lạc Dương, xã Tà Nung nói riêng dưới góc độ nghiên cứu của các khoa
học khác nhau, từ đó chỉ ra mảng trống trong nghiên cứu về đời sống tinh
thần của người Kơho trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn nghiên cứu
hiện nay. Xuất phát từ thực tế như vậy, chúng tôi thực hiện cuốn sách “Đời
sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa”.
Trong cuốn sách này, đời sống tinh thần được xem xét trên ba nhóm
hoạt động chính: những hoạt động sinh hoạt thường ngày (vui chơi, giải
trí, thể dục thể thao, xem tivi, đọc sách báo...), những hoạt động văn hóa
theo kỳ dịp như lễ hội (lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ Tết, Giáng sinh,
văn hóa cồng chiêng,...), và các nghi lễ theo vòng đời (cưới hỏi, ma chay).
Với kết quả đạt được, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng một
bức tranh hoàn chỉnh trong cái đa dạng của các kết quả nghiên cứu về đời
sống tinh thần của các dân tộc ít người ở Việt Nam hiện nay. Từ đó giúp
cho các cơ quan chức năng đưa ra được những khuyến nghị về giải pháp
phát triển hiệu quả đời sống tinh thần cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu
số trong thời gian tới. Việc áp dụng lý thuyết lý thuyết đô thị hóa, lý thuyết
lựa chọn hợp lý và lý thuyết biến đổi xã hội nhằm phân tích và làm rõ các
chiều cạnh nghiên cứu, đồng thời sẽ làm sáng tỏ các quan điểm, cách nhìn
nhận của lý thuyết khi áp dụng vào nghiên cứu về đời sống tinh thần của
người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị hóa.
7
LỜI GIỚI THIỆU
Một trong những thuộc tính quan trọng của văn hóa là sự giao thoa
và tiếp biến văn hóa. Trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội và toàn cầu
hóa, văn hóa có xu hướng tích hợp thêm những giá trị, chuẩn mực xã hội
mới và giảm bớt những giá trị không còn thích hợp với cuộc sống hiện đại.
Đã có nhiều nghiên cứu về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt
Nam ở các vùng, miền khác nhau trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa,
phác thảo nên bức chân dung đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở
mọi miền đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Cuốn sách của TS. Nguyễn Thị
Như Thúy về “Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá
trình đô thị hóa (Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt) và thị trấn Lạc
Dương, Lâm Đồng)” là một nghiên cứu theo chiều hướng như vậy. Tác giả
tập trung tìm hiểu đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trên
ba nhóm hoạt động chính: hoạt động sinh hoạt thường ngày (vui chơi, giải
trí, thể dục thể thao, xem tivi, đọc sách báo...), hoạt động văn hóa vào dịp
lễ hội (lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ Tết, Giáng sinh, văn hóa cồng
chiêng,...), và các nghi lễ theo vòng đời (cưới hỏi, ma chay). Ba nội dung
này tạo nên tam giác đời sống tinh thần được thể hiện ở ba chương quan
trọng nhất của cuốn sách: Đời sống tinh thần của người Kơho qua hoạt
động sinh hoạt văn hóa thường ngày (Chương 3); Đời sống tinh thần của
người Kơho qua hoạt động sinh hoạt văn hóa theo kỳ dịp (Chương 4); và
Đời sống tinh thần của người Kơho qua nghi lễ cưới xin, ma chay (Chương
5). Trên cơ sở những dữ liệu khảo sát thực tế tại trị trấn Lạc Dương và xã
Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng, tác giả đã phân tích thực trạng, các nhân tố
ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng vào những
năm cuối của thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
8
Sử dụng dữ liệu định lượng kết hợp với định tính một cách hợp lý,
tác giả cho thấy đời sống tinh thần của người Koho thay đổi cùng với
sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, kèm theo đó
là các dịch vụ truyền hình có xu hướng cải thiện hơn nhiều. Như số liệu
khảo sát cho thấy, trong 10 năm về trước, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ăng
ten là 49,9%, tỷ lệ có sử dụng đến truyền hình cáp, chảo và máy thu
kỹ thuật số không đáng kể (chỉ đạt từ 0,6% đến 9%), tỷ lệ hộ gia đình
không có các dịch vụ truyền hình lên đến 39,0%. Trong giai đoạn hiện
nay, có đến 62,7% hộ gia đình có truyền hình cáp, máy thu kỹ thuật số
đạt 15,9%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng ăng ten hiện nay chỉ còn 9,4%, tỷ lệ
hộ gia đình không có giảm xuống còn 6,1%. Trong khi đó, những hoạt
động văn hóa truyền thống hình như có sự suy giảm. Khi xem xét các lễ
hội văn hóa theo kỳ dịp trong vòng 10 năm qua thấy có những lễ hội văn hóa
có xu hướng giảm mạnh, cụ thể: lễ hội mừng lúa mới (từ 77,8% giảm xuống
còn 5,9%), lễ hội đâm trâu (giảm từ 62,7% xuống còn 31,9%), văn hóa cồng
chiêng (từ 77,8% giảm còn 66,5%); bên cạnh đó, một số lễ hội văn hóa có
xu hướng tăng lên khá rõ nét trong đời sống tinh thần của cộng đồng như lễ
Tết (từ 33,1% tăng lên 40,9%), lễ Giáng sinh (từ 93,7% tăng lên 99,0%), do
đó mức độ tham gia vào các lễ hội cũng có xu hướng khác nhau. Một số các
lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới đã dần dần mất đi do sự chuyển đổi cơ
cấu kinh tế nông nghiệp cũng như nhận thức của người dân được nâng cao,
góp phần định hình và xây dựng nên những mô hình văn hóa mới trong
cộng đồng phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
Trong cuốn sách này, độc giả còn có thể tìm thấy những biến đổi về
đời sống sinh hoạt của người Kơho ở Lâm Đồng qua các chiều cạnh nghi
lễ vòng đời. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần của người Kơho về
cưới hỏi, ma chay đã có những biến đổi nhất định trước sự tác động của
quá trình đô thị hóa, điều kiện kinh tế xã hội và một số đặc trưng nhân khẩu
xã hội, mang đậm yếu tố tôn giáo. Lễ nghi vòng đời về cưới xin và ma chay
ngày nay ở Lạc Dương (Lâm Đồng) theo xu hướng chuyên nghiệp hóa
hơn, tục cưới xin, ma chay không còn rườm rà như thời kỳ của 10 năm về
trước, mà trở nên gọn nhẹ hơn, tổ chức ít ngày hơn.
Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ nhận thấy tác giả là người tâm huyết,
9
nghiêm túc trong nghiên cứu, am hiểu phương pháp và biết cách chuyển tải
thông điệp đến độc giả. Một ưu điểm nữa, tác giả không chỉ viết dựa trên
dữ liệu khảo sát của riêng mình, mà còn tham chiếu, đối sánh với những
công trình nghiên cứu trước đó, điều này làm tăng thêm sức thuyết phục
trong quá trình phân tích, đồng thời cho thấy tác giả là người chịu khó đọc
và có tinh thần cầu thị.
Theo kết quả nghiên cứu của tác giả, đại đa số đồng bào dân tộc
Kơho ở Lạc Dương - Lâm Đồng đều theo đạo Tin lành (58,7%) hoặc Thiên
chúa giáo (41,3%), nên cần lưu ý về đặc điểm tôn giáo của người dân ở
vùng địa bàn nghiên cứu. Vì thế, những vấn đề về đời sống tinh thần của
người Kơho ở hai địa bàn khảo sát được đề cập trong sách này là nghiên
cứu trường hợp, không khái quát cho người Kơho nói chung.
Cuốn sách là kết quả của công trình luận án tiến sĩ xã hội học, nên có
ưu điểm của cách tiếp cận của xã hội học, với các phương pháp nghiên cứu
định lượng và định tính. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh đó lại có hạn chế
so với cách tiếp cận văn hóa học, dân tộc học, hay nhân học văn hóa. Điều
này gợi mở cho tác giả nếu tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu này, nên khai
thác lợi thế của cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành về đời
sống văn hóa tộc người. Công trình nghiên cứu nào cũng có hạn chế, điều
này sẽ tạo động lực cho nhà khoa học nghiêm túc tiếp tục theo đuổi những
đam mê của mình để khắc phục những khiếm khuyết, nâng cao trình độ
chuyên môn hơn trên con đường học tập và nghiên cứu.
Cuốn sách này góp phần làm phong phú thêm tài liệu về đời sống
văn hóa, tinh thần của người dân tộc trong quá trình đất nước chuyển đổi,
có giá trị tham khảo trong giảng dạy, nghiên cứu về xã hội học văn hóa,
nhân học văn hóa.
Với suy nghĩ như vậy, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này với bạn
đọc, những người quan tâm đến vùng Tây Nguyên, đến đời sống văn hóa,
đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2021
GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh
10
11
LỜI NÓI ĐẦU
Nghiên cứu về đời sống tinh thần trong quá trình đô thị hóa ở Tây
Nguyên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Bởi hiện
nay các hình thức sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng dân tộc ở Tây
Nguyên không còn bó buộc vào những hủ tục, những hình thức giản đơn
truyền thống như: thăm hỏi, các lễ hội truyền thống, cách ăn mặc, hình thức
tổ chức hôn nhân, các hoạt động thể dục thể thao, du lịch, tôn giáo, văn hóa
cồng chiêng,… mà còn lồng ghép bởi những hình thức sinh hoạt tinh thần
mới gắn liền với quá trình cách tân, đổi mới và hội nhập. Mặc dầu vậy, các
nghiên cứu hiện nay phần lớn tập trung vào sự biến đổi về cấu trúc đô thị,
kinh tế, sự tăng lên về dân số, đổi mới trong giáo dục,… còn nghiên cứu về
sự du nhập văn hóa, lối sống và cách thức sinh hoạt tinh thần của các nhóm
cộng đồng dân tộc khác nhau trên địa bàn Tây Nguyên gần như còn nhiều bỏ
ngỏ, và nếu có thì cũng chỉ mang tính khái quát hóa, chưa đi sâu vào bản chất
vấn đề. Đáng chú ý trong số đó là sự cách tân và đổi mới trong Lễ hội văn
hóa cồng chiêng, hoặc có thể là một sự thương mại hóa trong các sản phẩm
văn hóa đang có xu hướng tăng dần. Với những trăn trở trước sự biến đổi
lớn về đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số hiện nay trong quá trình
đô thị hóa, tác giả tiến hành nghiên cứu và thực hiện cuốn sách chuyên khảo
Đời sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng trong quá trình đô thị
hóa (Nghiên cứu trường hợp xã Tà Nung (Đà Lạt) và thị trấn Lạc Dương,
Lâm Đồng). Cuốn sách ra đời trên cơ sở của cả một quá trình nghiên cứu đầy
công phu, nghiêm túc và tâm huyết của tác giả. Để hoàn thành được công
trình nghiên cứu này, tác giả đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ
các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo dục trong ngành. Đầu tiên,
tôi xin gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, giáo
viên hướng dẫn luận án của tôi. Những góp ý, chỉ bảo, khích lệ, động viên,
12
cùng với sự tin tưởng của Cô là động lực để tôi hoàn thành được công trình
nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân
thành đến PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, người đã cho tôi niềm tin để vượt
qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi
cũng xin gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia đầu ngành là PGS.TS Trịnh Duy
Luân, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh, PGS.TS
Trịnh Văn Tùng, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, PGS.TS Hoàng Thu Hương,
PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, PGS.TS Trần Thị Minh Ngọc, đã truyền đạt
cho tôi những bài học quý báu, giúp tôi củng cố chuyên môn, phương pháp
luận nghiên cứu để tôi hoàn thiện được nghiên cứu của mình. Trân trọng
và cảm ơn GS.TS.NGƯT Hoàng Bá Thịnh đã động viên, khích lệ để tôi có
thêm động lực cho ra đời cuốn sách này.
Tôi cũng xin gửi lời cám ơn chân thành đến Ban Chủ nhiệm Khoa
Xã hội học, tập thể quý Thầy giáo, Cô giáo Khoa Xã hội học Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội; Ban Giám hiệu Trường Đại
học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; tập thể quý Thầy, Cô Khoa Lý
luận Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã tạo
điều kiện về mặt thời gian cho tôi đi học và nghiên cứu. Trân trọng cảm
ơn những tình cảm và góp ý chân thành từ PGS.TS Đoàn Đức Hiếu để tôi
thực hiện cuốn sách khoa học có giá trị này.
Nhân đây tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới chính quyền các địa phương,
nơi tôi thực hiện khảo sát thực địa; ThS Đào Thị Hiếu, Khoa Xã hội học và
Công tác xã hội, các Thầy Cô Khoa Lịch sử, các em sinh viên Ngành Xã
hội học - Trường Đại học Đà Lạt đã giúp chúng tôi về tư liệu cũng như thu
thập thông tin tại địa bàn nghiên cứu. Cuốn sách cũng là một món quà thay
lời cảm ơn đến gia đình tôi, những người đã luôn động viên, khích lệ, tạo
mọi điều kiện để tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Mặc dù đã rất cố gắng, song không thể tránh khỏi những sai sót, tác
giả mong nhận được sự quan tâm, góp ý từ bạn đọc để cuốn sách ngày càng
được hoàn thiện hơn trong các lần xuất bản sau.
Tác giả
Nguyễn Thị Như Thúy
13
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ..................................................................................................3
LỜI GIỚI THIỆU ...................................................................................7
LỜI NÓI ĐẦU .......................................................................................11
MỤC LỤC ..............................................................................................13
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT .......................................................................16
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ............17
1.1. Những nghiên cứu về đô thị hóa và đời sống văn hóa, tinh thần
trong quá trình đô thị hóa ........................................................................17
1.2. Những nghiên cứu về người dân tộc thiểu số (dân tộc ít người) ........25
1.3. Vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống tinh thần ...........30
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU .........36
2.1. Những khái niệm cơ bản ..................................................................36
2.1.1. Đời sống tinh thần .........................................................................36
2.1.2. Quá trình đô thị hóa ......................................................................39
2.1.3. Dân tộc Kơho ................................................................................41
2.1.4. Biến đổi xã hội ..............................................................................42
2.2. Các lý thuyết sử dụng .....................................................................43
2.2.1. Lý thuyết lựa chọn hợp lý .............................................................43
2.2.2. Lý thuyết đô thị hóa ......................................................................45
2.2.3. Lý thuyết về biến đổi xã hội .........................................................47
2.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển đời sống tinh
thần của người dân tộc thiểu số ..............................................................52
2.4. Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu ....................................................54
2.5. Khung phân tích và phương pháp nghiên cứu .................................66
2.5.1. Khung phân tích ............................................................................66
2.5.2. Phương pháp nghiên cứu .............................................................66
2.5.2.1. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp ......................................66
2.5.2.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp ........................................67
2.5.2.3. Phương pháp xử lý thông tin ......................................................69
2.5.2.4. Phương pháp phỏng vấn sâu ......................................................69
14
CHƯƠNG 3: ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO
QUA HOẠT ĐỘNG SINH HOẠT VĂN HÓA THƯỜNG NGÀY ..........70
3.1. Những biểu hiện trong đời sống tinh thần qua hoạt động sinh hoạt
thường ngày .............................................................................................71
3.1.1. Giao tiếp thường ngày ...................................................................72
3.1.2. Một số hoạt động giải trí trong thời gian rỗi .................................76
3.1.2.1. Xem truyền hình ........................................................................77
3.1.2.2. Nghe truyền thanh ......................................................................83
3.1.2.3. Đọc báo in ..................................................................................87
3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh
hoạt văn hóa thường ngày .......................................................................95
3.2.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng đến đời sống
tinh thần qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày ..............................95
3.2.2. Các đặc trưng nhân khẩu ảnh hưởng đến đời sống tinh thần
qua những sinh hoạt văn hóa thường ngày ...........................................103
3.2.3. Quá trình đô thị hóa và các phương tiện truyền thông đại
chúng ảnh hưởng đến đời sống tinh thần qua những sinh hoạt văn
hóa thường ngày. ...................................................................................110
CHƯƠNG 4: ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI KƠHO
QUA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA THEO KỲ DỊP ........................115
4.1. Đời sống tinh thần qua các hoạt động theo kỳ dịp của người Kơho
ở Lâm Đồng ...........................................................................................116
4.1.1. Lễ hội mừng lúa mới, năm mới và lễ hội đâm trâu .....................116
4.1.2. Lễ Tết, Giáng sinh .......................................................................121
4.1.3. Văn hóa cồng chiêng ...................................................................128
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Kơho
ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp .........................................136
4.2.1. Yếu tố tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người
Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động theo kỳ dịp ...............................137
4.2.2. Điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần của người Kơho ở Lâm Đồng qua các hoạt động
theo kỳ dịp. ............................................................................................143