Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

12 người lập ra nhật bản Chương VI pps
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Chương VI : Tokugawa Ieyasu
Cải cách với ý chí tăng trưởng
Từ "con tin" trở thành "đại chúa tể"
Nhân vật Tokugawa Ieyasu là một tồn tại quá ư nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản,
nên tài liệu ghi chép và giai thoại về ông nhiều vô kể. Song, một mặt vì ông đã
được tô son điểm phấn bởi quá nhiều truyền thuyết và thần thoại, nên có một
khoảng cách rất xa giữa cái "thực ảnh" và cái "hư ảnh" về ông.
Trước khi xem cái ảnh hưởng có tính cách đương đại của những truyền thuyết và
thần thoại về Ieyasu, chúng ta hãy nhắc lại một cách hết sức vắn tắt cuộc đời ông
căn cứ vào những sự thực lịch sử.
Ông sinh năm 1542, (niên hiệu Tenbun thứ 11), với ấu danh[1] là Matsudaira
Takechiyo và mất năm 1616, (niên hiệu Genna thứ hai), hưởng thọ 75 tuổi. Nếu
muốn đổi thành cảm giác tuổi tác của thời đại tuổi thọ 80 như ngày nay, thì người
ta phải thêm vào tuổi thời chiến quốc hai phần mười rồi cộng với ba năm nữa. Thí
dụ, thời chiến quốc tuổi 15 tương đương với tuổi 21, và tuổi 50 tương đương với
tuổi 63. Ðiều đó có nghĩa là, với tuổi 75, Ieyasu đã thọ bằng 93 tuổi của thời nay.
Cha ông là Matsudaira Hirotada, làm tướng giữ thành Mikawa Okazaki trong vùng
thuộc quyền cai quản của lãnh chúa Imagawa Yoshimoto. Mẹ ông là bà Odai no
Kata. Lúc mất, bà được gọi tên Phật là Dentsu-in. Chùa thờ bà tên là Dentsu-in
(Truyền Thông Viện) hiện còn thấy ở Koishikawa thuộc thành phố Tokyo. Cha bà
là Tadamasa cũng là một lãnh chúa nhỏ. Như vậy, cha Ieyasu đã lấy người vợ có
gia cảnh tương tự như mình.
Tuy nhiên, ông ngoại Ieyasu là Tadamasa đã mất năm 1551. Người anh mẹ Ieyasu
là Nobumoto nối nghiệp, nhưng lại thần phục cha của chúa Nobunaga là
Nobuhide. Họ Matsudaira thì thuộc phe Imagawa, cho nên hai bên trở thành cừu
địch với nhau. Mẹ Ieyasu bị li dị. Lúc ấy Ieyasu mới lên ba tuổi. Từ đó đến năm
19 tuổi, ông không hề được gặp mặt mẹ nữa. Thoạt mới nghe chuyện như vậy thì
thấy mủi lòng, song thật ra, cảnh chia lìa như vậy ở thời Chiến quốc không phải là
hiếm. Con trai hàng trấn thủ thành trì bị như vậy là chuyện thường.
Lúc lên sáu tuổi, cậu bé Takechiyo rời thành Okazaki để đi làm con tin cho họ
Imagawa, nhưng dọc đường cậu bị tướng thuộc hạ của Nobuhide, cha Nobunaga,
bắt nộp cho thành Owari. Cậu trở thành con tin của họ Oda.
Hai năm sau, cậu được tám tuổi thì cha cậu là Hirotada mất. Lúc đó, cậu lại bị đem
ra đổi tù binh để chuộc lại người con thứ tên là Nobuhiro (một người anh cùng cha
khác mẹ của Nobunaga) của Oda Nobuhide đã bị họ Imagawa bắt. Thế là cậu lại
trở thành con tin của họ Imagawa. Vì vậy, thời niên thiếu của cậu Takechiyo
thường được coi là vô cùng gian khổ.
Trong khi sống ở thành Sunpu, đến tuổi trưởng thành (thời ấy là 15 tuổi), cậu bèn
đổi tên là Motonobu, nhưng sau lại đổi là Motoyasu. Năm 1557, cậu kết hôn với
con gái quan hình bộ thiếu phó Sekiguchi, cũng là người thuộc thế lực của họ
Imagawa, nghĩa là, với thân thế của một tiểu lãnh chúa đang bị giữ làm con tin,
cậu đã xin làm rể của phe Imagawa lớn mạnh. Người vợ này, sau này gọi là bà
chúa Tsukiyama, trở thành vai chính của một tấn bi kịch.
Cơ hội thoát thân đã đến với Motoyasu là năm 1560, tức là khi Imagawa
Yoshimoto bị thua Oda Nobunaga ở trận Okehazama[2]. Lúc ấy với tư cách tướng
tiên phong cho Imagawa, Motoyasu đã bỏ luôn về thành Okazaki. Từ đó,
Motoyasu đoạn tuyệt với họ Imagawa, rồi mon men tới làm thân và sau cùng thì
làm đồng minh với Oda Nobunaga.
Năm 1563, Motoyasu đổi tên thành Ieyasu. Năm 1568, ông đã cấu kết với họ
Takeda, cùng đánh chiếm đất của con trai Imagawa Yoshimoto tên là Ujizane, hẹn
lấy sông Oikawa làm ranh giới chia cắt. Chỉ tám năm sau trận Okehazama, Ieyasu
đã từ một tiểu lãnh chúa với vẻn vẹn 100 ngàn hộc, chiếm hai đất Mikawa và
Toto’umi để nghiễm nhiên trở thành đại lãnh chúa có đất rộng 600 ngàn hộc.
Quan hệ đồng minh với Nobunaga, Ieyasu đã duy trì một cách trung thực suốt 25
năm, cho đến khi Nobunaga bị giết trong vụ Honnoji năm 1582. Thật là một quan
hệ đồng minh hiếm có trong thời Chiến quốc. Phần lớn các võ tướng thời chiến
quốc lúc liên minh với người này, lúc lại ngả sang người khác, lúc nào cũng thiên
về phe có lợi cho mình. Họ luôn luôn dùng mưu mẹo, kế sách để thủ lợi riêng.
Trong số những người đó, Ieyasu được coi là rất trung thực với Nobunaga. Ðiều
này cũng chứng minh lòng tín nghĩa của Ieyasu nữa.
Năm 1568, Nobunaga vào được kinh đô[3], nhưng đồng thời lúc nào ông cũng có
nhiều kẻ địch bao quanh. Trong khi đó thì Ieyasu là người duy nhất giữ niềm trung
tín, hễ gọi tới là lúc nào cũng đưa quân đi yểm trợ. Thế rồi, khi Nobunaga nghi
ngờ vợ ông, bà Tsukiyama, và con trưởng ông, Nobuyasu, là đã thông đồng với
Takeda Katsuyori định làm phản, ông đã chém vợ và bắt con trai tự mổ bụng. Dầu
có phải hi sinh vợ con đi, Ieyasu vẫn một lòng tin theo Nobunaga. Những người
hâm mộ Ieyasu cho đây là chứng cớ của lòng trung tín của ông.