Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

12 người lập ra nhật bản Chương V ppsx
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Chương V : Ishida Mitsunari
Người sáng tạo loại hình Kế hoạch kiểu Nhật
Thủy tổ của loại hình kế hoạch do công chức bậc trung thảo ra
Ðể làm người thứ năm trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," tôi muốn chọn
Ishida Mitsunari. Sự chọn lựa này hẳn sẽ có nhiều người cho là bất ngờ, bởi vì nó
đã bỏ qua rất nhiều nhân vật vương bá nổi tiếng trong lịch sử của Nhật Bản. Tuy
nhiên, đây không phải là cố ý làm một sự bất ngờ, mà chính là vì nhân vật Ishida
Mitsunari đã để lại một ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Nhật Bản và người Nhật
ngày nay.
Bản thân tôi, Sakaiya Taichi, đã nghĩ tới tổ chức Hội chợ Thế giới[1] là khi tôi
mới là công chức tại bộ Thương nghiệp Quốc tế và Công nghiệp được hơn ba
năm, lúc đó tôi 28 tuổi. Trước hết, tôi đã tìm hiểu Ishida Mitsunari như là một tiền
lệ về xây dựng một dự án khổng lồ. Nếu không có tiền lệ của Ishida Mitsunari, thì
một gã tổ trưởng 28 tuổi đầu như tôi, chắc chẳng bao giờ dám mơ màng tới việc
liều lĩnh vận động tổ chức một Hội chợ Thế giới cả.
Trong lịch sử cận đại của Nhật Bản, đã có biết bao nhiêu kế hoạch khổng lồ.
Chẳng hạn những kế hoạch siêu khổng lồ như cuộc Duy tân Minh Trị, cuộc Xây
dựng nước bù nhìn "Mãn Châu," cuộc Chiến tranh Thái bình dương. Thời hậu
chiến thì có việc Xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen[2], việc Tổ
chức Thế vận hội Tokyo năm 1964, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Aichi Yosui,
việc tát cạn phá Hachiro-gata, tuy trình độ lớn nhỏ có thể khác nhau ít nhiều, song
tựu trung đều đáng được gọi là những kế hoạch khổng lồ.
Kế hoạch thống nhất thiên hạ nói trong chương trước đã do một nhà độc tài có cá
tính mãnh liệt, Oda Nobunaga, dùng quyền lực, sáng kiến và khả năng hành động
của mình khởi đầu. Sau đó tới Toyotomi Hideyoshi tiếp tục sự nghiệp, rồi tới
Tokugawa Ieyasu hoàn thành công trình. Ba người tuy thuộc loại hình nhân vật
khác nhau, song đều là những bậc thiên tài, những nhà độc tài và những lãnh tụ
của tổ chức cả.
Thế nhưng, rất khó có thể đưa ra một nhân vật độc tài nói là đã làm nên kế hoạch
Duy tân Minh Trị. Xuất hiện trên khán đài Duy tân Minh Trị là rất nhiều nhân vật
nổi tiếng, như Saigo Takamori, Kido Takayoshi, Okubo Toshimichi, Sakamoto
Ryoma, v.v.. Phải chăng họ là những người ở địa vị có thể điều khiển được hàng
chục ngàn quân? Phải chăng họ là những người có quyền lực độc tài, có thể xuất
ra hàng chục ngàn lượng vàng? Không, hoàn toàn không. Thời đó, những kẻ sĩ bậc
trung xuất thân từ hai miền Satsuma và Choshu[3], những nhà hoạt động vô danh
đã tụ tập lại, chủ trương rằng "cần phải cải cách Nhật Bàn," "dòng thời đại đang
dần dần đổi hướng," v.v.. Cứ như thế, cái bầu không khí toàn thể đã sôi động lên.
Rồi rốt cục, mạc phủ Tokugawa cùng các phiên chúa đã không thể ngăn chặn được
cao trào khí thế đang dâng lên như vậy được nữa. Ðấy, cái đặc trưng lớn lao của
cuộc Duy tân Minh Trị là như vậy.
Cũng vậy, nếu nhìn vào quá trình Nhật Bản đã dấn thân vào tấn bi kịch chiến tranh
Thái bình dương từ điểm phát hỏa là "nước Mãn Châu" tới cuộc chiến Nhật-Hoa
rồi chiến trận Thái bình dương đại quy mô, người ta không thể quy trách nhiệm đó
vào một vị thủ tướng, một viên đại tướng nào cả. Ngược lại, chính thủ tướng cũng
như đại tướng lục quân thời ấy đều đã lên tiếng "phản đối," "phản đối," nhưng rồi
vẫn bị lôi kéo vào tấn bi kịch đó. Thật ra, chính những sĩ quan trẻ tuổi hàng trung
tá, thiếu tá của lục quân, những công chức thuộc phe cải cách hàng cục trưởng, vụ
trưởng của các cơ quan trung ương nhà nước, đã thực sự thúc đẩy và xúc tiến vụ
việc này. Chính là hàng võ quan và văn quan bậc trung đã thực sự điều khiển, lèo
lái thời đại vậy.
Một hiện tượng tương tự đã tiếp tục diễn ra trong thời hậu chiến. Việc kiến thiết
tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen là do ai quyết định? Quả có Kỹ sư trưởng
Shima Hideo là người đã tận tụy về mặt kỹ thuật[4], song chẳng phải chỉ có một
kỹ thuật gia mà có thể làm nên công trình đồ sộ này. Cũng chẳng phải vì cuộc vận
động của toàn dân mà thành được. Thật ra, chính những công chức bậc trung, một
cách vô tư không ai bảo ai, đã nghĩ tới việc cho chạy một kiểu tầu tiện lợi thích
hợp với thời đại trên tuyến đường Tokaido (tuyến giữa Tokyo và Osaka). Rồi từ ý
nghĩ đó chính họ đã vận động kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen
vậy. Câu chuyện là như vậy.
Ðến như công trình thủy lợi Aichi Yosui hoặc công trình lấp cạn phá Hachiro
Gata, thì những sự nghiệp lớn lao này thực sự đã bắt đầu từ những cuộc vận động
của những người vô danh tiểu tốt. Nghị viên quốc hội đã chỉ bắt đầu hành động, là
sau khi bầu không khí thực hiện kế hoạch đã dâng lên tới cao trào do cuộc vận
động mà dân chúng địa phương đã phát động mà thôi.
Tóm lại, Nhật Bản là nước mà chính "những người không phải là những ông lớn"
đã làm nên những kế hoạch to lớn vậy. "Ông lớn" nói ở đây là những người có
quyền thế lớn, có địa vị cao, có tiền bạc nhiều. Ở Nhật Bản, thì kể từ mạc chúa
Tokugawa Ieyasu về sau, những "ông lớn" như vậy, không hề bắt tay vào những
kế hoạch khổng lồ nữa.