Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca dao người việt.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
NGUYỄN THỊ DUNG
Từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca dao
người Việt
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là đất nước có bề dày văn hiến lâu đời và đời sống tinh thần
phong phú. Màu sắc từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được
của nền văn hóa. Từ nghệ thuật làm gốm sứ đến các dòng tranh dân gian, từ
trang phục dân tộc rực rỡ độc đáo đến những vàng son của cung điện đền
đài, đâu đâu cũng hiện diện vai trò của màu sắc, với những ý nghĩa, những
biểu tượng văn hóa gắn liền với truyền thống lịch sử của một quốc gia thuần
nông, yêu thiên nhiên, trọng nghĩa tình.
Màu sắc cũng như ngôn ngữ vậy, nó rất quan trọng nhưng vì hiện hữu
trong đời sống quá lâu và quá gần nên dường như chúng ta đã quên đi sự tồn
tại của nó như là một yếu tố không thể tách rời trong cuộc sống con người.
Thật là khó tưởng tượng ra cuộc sống của loài người sẽ đơn điệu như thế nào
nếu không có màu sắc. Vì thế giới tự nhiên và thế giới do con người tạo ra
chính là thế giới màu sắc. Màu sắc có tầm quan trọng trong đời sống thường
nhật, đồng thời nó cũng thể hiện đặc trưng văn hóa và quan niệm thẩm mĩ
của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc. Vì thế, màu sắc được xem là “nguồn khoái
cảm thẩm mĩ đặt ngang hàng với âm nhạc, văn học và nghệ thuật nói
chung”.
Bức tranh màu sắc đã được khắc họa khá đậm nét trong ca dao người
Việt. Chính những từ ngữ chỉ màu sắc đã góp phần tạo nên những hình
tượng thẩm mĩ tiêu biểu, làm nên vẻ đẹp đầy sức sống và đậm chất thuần
Việt của loại hình thơ ca dân gian đặc sắc này. Đặc biệt, đi sâu vào nghiên
cứu “Từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca dao người Việt” sẽ cho chúng ta có
cái nhìn cụ thể hơn về những đặc điểm, chức năng, cách cấu tạo và cấp độ
3
của các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ tạo nên chỉnh thể màu sắc. Đồng
thời cũng cho ta thấy được mối quan hệ giữa nghệ thuật ngôn từ dân gian
với tâm thức của người Việt. Đó chính là lý do chúng tôi chọn “Từ ngữ biểu
thị màu sắc trong ca dao người Việt” làm đề tài nghiên cứu của mình.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Ca dao là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam. Được thử thách
qua không gian, thời gian và lòng người, được gọt dũa bởi hàng vạn nhà thơ
dân gian vô danh, ca dao đã trở thành những viên ngọc óng ánh trong kho
tàng văn học dân gian dân tộc. Có thể nói, hàng ngàn thế hệ người Việt Nam
không ai không thuộc ít hơn một câu ca dao. Điều đó cũng đủ để minh
chứng rằng ca dao đã đi sâu vào đời sống tinh thần và tâm hồn mọi người
dân đất Việt.
Ca dao đã trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều nhà nghiên cứu
quan tâm, tìm hiểu. Các nhà nghiên cứu đã đi vào phân tích và đánh giá ca
dao trên nhiều bình diện với những mức độ nông, sâu khác nhau.
Tiếp cận ca dao người Việt theo hướng thi pháp, Nguyễn Xuân Kính
trong cuốn Thi pháp ca dao đã nghiên cứu tương đối kỹ đặc điểm của văn
bản ca dao về phương diện kết cấu, không gian và thời gian nghệ thuật, một
số biểu tượng, thể thơ. Về phương diện ngôn ngữ ca dao, tác giả có đề cập
đến cách sử dụng và tổ chức ngôn ngữ với các phương thức biểu hiện, tạo
hình, chuyển nghĩa như ẩn dụ, cách dùng tên riêng chỉ địa điểm.
Phạm Thu Yến trong cuốn Những thế giới nghệ thuật ca dao đã triển
khai nghiên cứu thi pháp ca dao trên ba phần: ngôn ngữ và kết cấu, những
phương tiện diễn tả và biểu hiện trong thơ ca trữ tình dân gian, một vài tiểu
loại ca dao và những nguồn mạch ca dao trong văn học hiện đại. Về phương
diện ngôn ngữ và kết cấu, Phạm Thu Yến đã đề cập đến vấn đề “tính ngữ”
trong ca dao. Theo tác giả, tính ngữ trùng lặp thực chất là một dạng láy từ và
4
nhấn mạnh ý nghĩa của từ cần nói mà trong ca dao nó thiên về tính từ chỉ
màu sắc như: đen nhưng nhức, đen lay láy, trắng nõn nà…Tác giả cũng đặc
biệt chú ý đến đại từ nhân xưng trong ca dao: “So với thơ bác học, có lẽ chỉ
ở ca dao mới có cách sử dụng đại từ nhân xưng kèm theo tính từ chỉ rõ đặc
điểm của đối tượng được gọi: người thương, người ngoan, người nghĩa”.
[32, tr.225]
Lần đầu tiên trong nghiên cứu ca dao, Đặng Văn Lung đã khảo sát về
Những yếu tố trùng lặp trong ca dao trữ tình trên phương diện hình ảnh, kết
cấu, ngôn ngữ. Tuy nhiên những nghiên cứu của tác giả cũng chỉ ở mức giới
thiệu bước đầu, dù vậy đây vẫn là một gợi ý tốt cho những nghiên cứu tiếp
theo.
Hoàng Trinh trong cuốn Từ ký hiệu học đến thi pháp học cũng đã chỉ
ra những đặc điểm liên quan đến việc tiếp cận tác phẩm ca dao theo hướng
cấu trúc như: tính mô thức, tính biến thể, tính liên văn bản, về hệ thống các
đơn vị từ, cụm từ, ngữ đoạn có khả năng tạo nghĩa và chuyển nghĩa.
Còn Vũ Ngọc Phan trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam lại đi
sâu vào nghiên cứu các biểu tượng và tín hiệu thẩm mĩ trong ca dao. Tác giả
khẳng định rằng: “Người dân lao động Việt Nam đem hình ảnh con cò và
con bống vào ca dao, dân ca là đưa một nhận thức đặc biệt về khía cạnh của
cuộc đời vào văn nghệ, lấy cuộc đời của những con vật trên đây để tượng
trưng vài nét đời sống của mình, đồng thời cũng dùng những hình ảnh ấy để
khêu gợi hồn thơ”. [28, tr.99]
Nguyễn Phan Cảnh trong cuốn Ngôn ngữ thơ cũng đã đề cập đến
phương thức biểu hiện, tổ chức kép các lực lượng ngữ nghĩa hay phương
thức chuyển nghĩa của ngôn ngữ ca dao. Đặc biệt, khi đề cập đến phương
thức tổ chức ngôn ngữ ca dao, tác giả nhấn mạnh rằng: “Ca dao lấy việc
khai thác các đồng nghĩa lâm thời làm phương tiện biểu hiện cơ bản, nghĩa
5
là làm việc chủ yếu bằng hệ lựa chọn. Vì thế hình tượng ngôn ngữ ca dao
trước hết là những hình tượng ẩn dụ tính”. [2, tr.84]
Hoàng Kim Ngọc trong cuốn So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình
đã nghiên cứu một cách tỉ mỉ, có hệ thống về phép so sánh và ẩn dụ được s ử
dụng trong ca dao trữ tình người Việt, đặc biệt là nghiên cứu ẩn dụ ở cấp độ
phát ngôn câu. Nêu các quy tắc và đặc điểm về hình thái cấu trúc, ngữ nghĩa
của so sánh và ẩn dụ. Nghiên cứu về trầm tích văn hoá, ngôn ngữ qua so
sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình người Việt.
Triều Nguyên trong cuốn Bình giải ca dao cũng đã có cách “Tiếp cận
ca dao bằng phương thức xâu chuỗi theo mô hình cấu trúc”. Phương pháp
này xem tác phẩm ca dao chỉ có tính chất độc lập tương đối, mỗi tác phẩm
vừa có giá trị riêng vừa nằm trong một kiểu dạng, một nhóm nhất định, dùng
ca dao để hiểu ca dao. Tuy nhiên đó mới chỉ là những phác họa bước đầu có
quy mô thể nghiệm qua một số bài ca dao.
Lê Đức Luận trong cuốn Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt đã đi
sâu vào nghiên cứu cấu trúc ca dao trữ tình một cách toàn diện, bao quát và
cụ thể từ hình thức đến nội dung, từ đặc trưng văn bản đến các phương thức
tạo nên văn bản, từ ngôn ngữ đến văn hóa, từ hệ thống văn bản đến các đơn
vị ngôn ngữ làm ngôn liệu tạo nên văn bản. “Kho tàng ca dao người Việt lần
đầu tiên được xem xét dưới ánh sáng của lý thuyết hệ thống - cấu trúc ngôn
ngữ và nhờ phương pháp này những đặc trưng cơ bản nhất của cấu trúc ca
dao trữ tình người Việt đã được phát hiện thêm và phân tích thấu đáo”.
[23, tr.306]
Trong bài viết Ngôn ngữ ca dao Việt Nam (Tạp chí Văn học, số
2/1991), Mai Ngọc Chừ cũng đã khẳng định rằng: “Cái đặc sắc của ngôn
ngữ ca dao chính là ở chỗ nó đã kết hợp được nhuần nhuyễn hai phong
cách: ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ hội thoại, nó truyền miệng bằng thơ. Và
6
chính cái hình thức tồn tại ấy là một trong những điều kiện để ca dao thấm
đượm, thơm lâu trong mỗi con người”. [7, tr.50]
Xem xét từ chỉ màu sắc dưới bình diện ngôn ngữ - văn hóa, Nguyễn
Khánh Hà trong luận văn Thạc sĩ Hệ thống từ chỉ màu sắc trong Tiếng Việt
cũng đã thống kê và lập ra một bảng từ ngữ chỉ màu sắc trong Tiếng Việt,
phân loại và sắp xếp chúng thành hệ thống. Ngoài ra, tác giả cũng đã bước
đầu phân tích ý nghĩa từ vựng và bối cảnh sử dụng chúng, qua đó làm sáng
tỏ những liên hệ của chúng đối với văn hóa truyền thống.
Trịnh Thị Minh Hương trong luận văn Thạc sĩ Tính biểu trưng của từ
ngữ chỉ màu sắc trong Tiếng Việt cũng đã tiến hành khảo sát ý nghĩa biểu
trưng của từng nhóm màu trong từ điển và trong các văn bản thuộc phong
cách ngôn ngữ văn chương, trong đó có ca dao người Việt. Tác giả đã nêu
bật được những ý nghĩa biểu trưng của từng nhóm màu, góp phần làm rõ
nghĩa của lớp từ chỉ màu sắc trong Tiếng Việt: “Trong các văn bản thuộc
phong cách ngôn ngữ văn chương, hầu hết những ý nghĩa biểu trưng chung
trong ngôn ngữ đều được vận dụng vào văn bản. Bên cạnh đó, các tác giả
cũng sáng tạo thêm một số ý nghĩa biểu trưng riêng biệt. Chẳng hạn như ca
dao đã dùng màu sắc để đưa ra những quan niệm thẩm mĩ riêng của người
bình dân như: răng đen, da đen giòn, áo nâu…”.[12, tr.90]
Như vậy, từ trước đến nay, ca dao thường được nghiên cứu, khám phá
ở những bình diện nội dung, thi pháp, ngôn ngữ, hệ thống cấu trúc nhưng có
được sức sống biểu cảm và hệ thống biểu tượng phong phú độc đáo thì từ
ngữ chỉ màu sắc đóng một phần quan trọng không nhỏ vào việc tạo ra cái
hay cái đẹp trong ca dao. Đặc biệt, nghiên cứu về “Từ ngữ biểu thị màu sắc
trong ca dao người Việt” thì chưa có tác giả nào đề cập đến một cách cụ thể,
chi tiết và sâu sắc. Trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những ý kiến, nhận xét,
7
đánh giá của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi xem đó là những định
hướng cần thiết để thực hiện đề tài khóa luận của mình.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca dao người Việt.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, phạm vi khảo sát của chúng tôi cũng được xác
định gói gọn trong ba tập Kho tàng ca dao người Việt (Tập I,II,III) do
Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên), NXB Văn hóa Thông tin,
Hà Nội, 1995.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp
sau:
Phương pháp sưu tầm, đọc tài liệu
Phương pháp khảo sát, thống kê
Phương pháp phân loại
Phương pháp phân tích, chứng minh
Phương pháp tổng hợp
Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ
5. Bố cục khóa luận
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội
dung chính gồm có ba chương sau:
Chương Một: Những giới thuyết xung quanh đề tài
Chương Hai: Đặc điểm của từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca dao
người Việt
Chương Ba: Ý nghĩa biểu trưng của từ ngữ biểu thị màu sắc trong ca
dao người Việt