Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Tìm hiểu việc dạy học đo thời gian và vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải bài toán về tính tuổi ở chương trình tiểu học.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC – MẦM NON
----------
NGUYỄN THỊ THANH TUYỀN
Tìm hiểu việc dạy học đo thời gian và
vận dụng một số dạng toán điển hình
vào giải bài toán về tính tuổi ở chương
trình tiểu học
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ở tiểu học, cùng với môn Tiếng Việt, môn Toán có vị trí rất quan trọng. Môn
học này cung cấp cho học sinh tiểu học một hệ thống kiến thức toán học sơ đẳng
cần thiết thông qua năm tuyến kiến thức trọng tâm về : Số học, đo đại lượng, các
yếu tố đại số, các yếu tố hình học, giải toán; đồng thời bồi dưỡng và rèn luyện các
thao tác tư duy, phát triển khả năng suy luận như : phân tích, tổng hợp, trừu tượng
hóa, khái quát hóa,… Qua đó, góp phần giáo dục ý chí và những đức tính tốt như
cần cù, nẫn nại, ý thức vượt khó khăn.
Một trong năm tuyến kiến thức chính đó là: Đo đại lượng. Các em đều bắt
gặp trong cuộc sống hàng ngày các đại lượng cơ bản được đề cập trong chương
trình, và một trong các đại lượng đó là : Thời gian. Thời gian gắn bó chặt chẽ với
đời sống con người nên những kiến thức về thời gian rất cần cho mọi người và được
đưa vào khá sớm trong chương trình tiểu học (bắt đầu từ lớp 1). Với vai trò quan
trọng như vậy, dạy học đo thời gian giúp học sinh : hình thành biểu tượng về thời
gian, nắm được đơn vị đo và chuyển đổi đơn vị đo thời gian, thực hành phép tính
cũng như giải toán với các số đo thời gian.
Và trong dạy học đo thời gian, bài toán tính tuổi có ý nghĩa thực tiễn rất lớn.
Thông qua giải bài toán tính tuổi, học sinh nắm vững hơn kiến thức về thời gian
đồng thời rèn luyện thêm kĩ năng giải toán. Qua đó tạo cho các em có thêm hứng
thú niềm say mê, yêu thích môn Toán.
Tuy nhiên, việc dạy học đo thời gian ở tiểu học gặp nhiều khó khăn hơn việc
dạy học phép đo các đại lượng khác. Vì thời gian là đại lượng khó mô tả bằng
những mô hình trực quan làm cho việc dạy và học thiếu chỗ dựa cần thiết đối với
học sinh tiểu học. Trong chương trình có sự xen kẽ giữa hai khái niệm : Thời gian
và thời điểm gây cho học sinh khó khăn trong việc nhận biết và phân biệt hai khái
niệm này. Và khi học phép đo thời gian, học sinh gặp các số đo được viết không
theo hệ ghi số thập phân mà theo hệ ghi số 60 – phân đối với một số đơn vị đo ( như
giờ, phút, giây) còn đối với một số đơn vị quen thuộc hơn ( ngày, tháng, năm…) lại
có nhiều ngoại lệ. Mặt khác, các đơn vị thời gian được trình bày theo nguyên tắc
kiến thức nào dễ tiếp thu hơn thì học trước ( như giờ), các đơn vị đo cơ bản nhưng
khó nhận thức ( như giây) thì học sau, gây cho các em khó khăn trong việc hệ thống
kiến thức.
Đối với bài toán tính tuổi, trong khi hướng dẫn học sinh giải dạng toán này,
các em tỏ ra lúng túng vì dạng toán này rất đa dạng và không có một công thức cụ
thể nào, dẫn đến việc phát hiện ra các dạng toán điển hình về tính tuổi cũng như
phương pháp giải các dạng toán này gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, việc tìm hiểu nội dung và phương pháp dạy học đo thời gian nhằm
giúp giáo viên tìm ra được phương pháp dạy học đo thời gian hiệu quả và học sinh
nắm vững kiến thức về đo thời gian, cũng như việc hướng dẫn học sinh vận dụng
một số dạng toán điển hình vào giải bài toán về tính tuổi để các em có thể tìm ra
được phương pháp giải phù hợp và hiệu quả là việc làm rất cần thiết.
Xuất phát từ lí do trên, chúng tôi đã quyết định chọn đề tài “Tìm hiểu việc
dạy học đo thời gian và vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải bài toán
về tính tuổi ở chương trình tiểu học”.
2. Mục đích
- Tìm hiểu nội dung và phương pháp dạy học đo thời gian ở tiểu học
- Hướng dẫn học sinh vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải bài toán về tính
tuổi ở tiểu học.
3. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, đề tài đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể sau :
- Nghiên cứu lý thuyết : Những vấn đề liên quan đến đại lượng thời gian.
- Tìm hiểu nội dung và phương pháp dạy học đo thời gian trong môn Toán lớp 1, 2,
3, 4, 5.
- Tìm hiểu một số dạng toán điển hình cần vận dụng vào giải bài toán về tính tuổi ở
tiểu học.
- Hướng dẫn học sinh vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải bài toán về tính
tuổi.
- Xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ cho học sinh tự luyện.
- Tiến hành thực nghiệm sư phạm tại trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ.
4. Phạm vi nghiên cứu
- Chỉ giới hạn trong sách Toán 1, 2, 3, 4, 5.
- Chỉ giới hạn ở đại lượng đo thời gian
5. Khách thể, đối tượng nghiên cứu
- Khách thể : Việc dạy – học môn Toán ở tiểu học
- Đối tượng : Dạy học đo thời gian và vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải
bài toán về tính tuổi ở tiểu học.
6. Giả thuyết khoa học
Việc tìm hiểu nội dung và phương pháp dạy học đo thời gian ở tiểu học giúp
cho giáo viên tìm ra được phương pháp dạy học đo thời gian có hiệu quả, từ đó giúp
học sinh nắm chắc được kiến thức về đo thời gian từ đó vận dụng vào thực tiễn. Và
việc tìm hiểu một số dạng toán điển hình để vận dụng vào giải bài toán về tính tuổi
giúp cho giáo viên có thêm cơ sở vững chắc trong việc hướng dẫn học sinh giải
dạng toán này và học sinh sẽ nắm được phương pháp giải từ đó rèn luyện được kĩ
năng giải bài toán về tính tuổi nói riêng và giải toán nói chung.
7. Phương pháp
- Phương pháp nghiên cứu lí thuyết
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp điều tra
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm
- Phương pháp phân tích rút kinh nghiệm
8. Cấu trúc đề tài
Đề tài gồm 3 phần
Phần mở đầu gồm các tiểu mục sau
- Lí do chọn đề tài
- Mục đích nghiên cứu
- Nhiệm vụ nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu
- Khách thể, đối tượng nghiên cứu
- Giả thuyết khoa học
- Phương pháp nghiên cứu
Phần nội dung gồm 4 chương
Chương 1 : Cơ sở lí luận
Chương 2 : Tìm hiểu nội dung và phương pháp dạy học đo thời gian ở tiểu học
Chương 3 : Vận dụng một số dạng toán điển hình vào giải bài toán về tính tuổi ở
tiểu học
Chương 4 : Thực nghiệm sư phạm
Phần kết luận
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1 : CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Cơ sở tâm lí học
1.1.1. Tri giác
Học sinh tiểu học thường tri giác trên tổng thể, ít đi sâu vào chi tiết và mang
tính không chủ động, do đó các em phân biệt đối tượng còn chưa chính xác, dễ mắc
sai lầm, có khi còn nhầm, lẫn lộn giữa những đối tượng có những nét tương đồng.
Chẳng hạn, thời điểm và khoảng thời gian. Vì vậy, việc thiết kế hệ thống bài tập cần
giúp các em nhận biết được bản chất của đối tượng để nhận biết chúng một cách
chính xác từ đó phát triển tri giác cho các em.
Ở các lớp đầu tiểu học tri giác thường gắn với hoạt động thực tiễn. Tri giác
sự vật nghĩa là phải làm một cái gì đó với sự vật, trực tiếp tiếp xúc với sự vật, như :
cầm, nắm, tháo, gỡ sự vật ấy. Đối với các em, diện tích và thời gian là những khái
niệm khó. Trẻ không nhìn thấy thời gian, diện tích. Vì vậy, khi thiết kế hệ thống bài
tập cần thông qua những hoạt động diễn ra trong đời sống, thông qua hình ảnh,…
Tri giác không tự nó phát triển được. Trong quá trình học tập, khi tri giác trở
thành hoạt động có mục đích đặc biệt, trở nên phức tạp và sâu sắc, trở thành hoạt
động có phân tích, có phân hóa hơn thì tri giác sẽ mang tính chất của sự quan sát có
tổ chức. Trong sự phát triển của tri giác, vai trò của giáo viên tiểu học rất lớn. Giáo
viên là người hàng ngày không chỉ dạy trẻ kĩ năng nhìn mà còn hướng dẫn các em
xem xét, không chỉ dạy nghe mà còn dạy trẻ biết lắng nghe, dạy trẻ biết phát hiện
những thuộc tính của sự vật hiện tượng.
1.1.2. Tư duy
Tư duy của trẻ em mới đến trường là tư duy cụ thể, mang tính hình thức bằng
cách dựa vào những đặc điểm trực quan của những đối tượng và hiện tượng cụ thể.
Nhà tâm lí học nổi tiếng G.Piagiê cho rằng tư duy của trẻ từ 7 đến 10 tuổi về cơ bản
còn ở giai đoạn những thao tác cụ thể, trên cơ sở đó có thể diễn ra quá trình hệ
thống hóa các thuộc tính, tài liệu trong kinh nghiệm trực quan. Ví dụ : Trong các
giờ Toán đầu tiên ở lớp, khi giải các bài toán học sinh phải dùng các que tính , dùng
các ngón tay làm phương tiện. Điều đó có nghĩa là việc tính toán của các em phải
gắn với những vật cụ thể. Cũng như vậy, khi ở đầu lớp 1, khi yêu cầu các em làm
phép tính 2 + 3 thì nhiều em không giải được. Nhưng nếu hỏi các em có 3 quyển vở,
mẹ mua thêm 2 quyển vở nữa,, hỏi các em có tất cả mấy quyển vở thì các em trả lời
là có 5 quyển vở.
Như vậy, đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học không có ý nghĩa tuyệt đối,
mà có ý nghĩa tương đối. Trong quá trình học tập, tư duy của học sinh tiểu học thay
đổi rất nhiều. Sự phát triển của tư duy dẫn đến sự tổ chức lại một cách căn bản quá
trình nhận thức, chúng được tiến hành một cách chủ định. Khi trẻ bắt đầu đến
trường thì chức năng trí tuệ còn tương đối yếu so với chức năng của tri giác lẫn trí
nhớ. Ở đây, vai trò của nội dung dạy học và phương pháp dạy học đặc biệt quan
trọng. Nhiều công trình nghiên cứu ở Liên Xô và Việt Nam đã xác nhận khi nội
dung dạy học và phương pháp dạy học được thay đổi tương ứng với nhau thì trẻ em
có thể có được một số đặc điểm tư duy hoàn toàn khác.
1.1.3. Tưởng tượng
Tưởng tượng là một trong những quá trình nhận thức quan trọng. Tưởng
tượng của học sinh phát triển không đầy đủ thì nhất định gặp khó khăn trong hành
động.
Tưởng tượng của học sinh tiểu học được hình thành và phát triển trong hoạt
động học và các hoạt động khác của các em.
Tưởng tượng của học sinh tiểu học phát triển và phong phú hơn so với trẻ
chưa đến trường. Đây là lứa tuổi thơ mộng giúp cho phát triển tưởng tượng. Tuy
vậy, tưởng tượng của các em còn tản mạn, ít có tổ chức. Hình ảnh của tưởng tượng
còn đơn giản, hay thay đổi, chưa bền vững. Càng về những năm cuối bậc học, tưởng
tượng của các em càng gần hiện thực hơn. Sở dĩ có như vậy là vì các em đã có kinh
nghiệm phong phú, đã lĩnh hội được những tri thức khoa học do nhà trường đem lại.
Về mặt cấu tạo hình tượng, tưởng tượng của các em chỉ lặp lại hoặc thay đổi chút ít
về kích thước, về hình dạng những tưởng tượng đã tri giác được.
Tưởng tượng đã tái tạo từng bước hoàn thiện gắn liền với những hình tượng
đã tri giác trước hoặc tạo ra những hình tượng phù hợp với những điều mô tả, sơ đồ,
hình vẽ,… Như vậy, tưởng tượng của học sinh tiểu học mất dần, thoát khỏi ảnh
hưởng của những ấn tượng trực tiếp, mặt khác, tính hiện thực trong tưởng tượng của
học sinh gắn liền với sự phát triển của tư duy và ngôn ngữ.
Trong dạy học ở Tiểu học, giáo viên cần nhình thành biểu tượng thông qua
sự mô tả bằng lời nói, cử chỉ, điệu bộ của giáo viên trong các giờ lên lớp được xem
là phương tiện trực quan trong dạy học. Ngôn ngữ chính xác, giàu nhạc điệu và tình
cảm là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên.
1.1.4. Chú ý
Chú ý không chủ định chiếm ưu thế ở học sinh tiểu học, sự chú ý của học
sinh tiểu học thường bị phân tán, dễ bị lôi cuốn vào các trực quan, gợi cảm, những
gì mang tính mới mẻ, bất ngờ, rực rỡ. Vì vậy, trong dạy học Toán rất cần đưa ra
những đồ dùng dạy học phong phú, thu hút được sự chú ý của các em, phát huy
hứng thú học tập của học sinh, như vậy dạy học mới có hiệu quả.
1.1.5. Trí nhớ
Do tư duy trực quan ở lứa tuổi này tương đối chiếm ưu thế nên trí nhớ trực
quan – hình tượng được phát triển hơn trí nhớ từ ngữ - logic. Các em nhớ và giữ gìn
chính xác những sự vật, hiện tượng cụ thể nhanh hơn và tốt hơn những định nghĩa,
những lời giải thích dài dòng. Đặc điểm này là do 4 nguyên nhân sau:
- Ghi nhớ máy móc của các em thường chiếm ưu thế.
- Học sinh chưa hiểu cần phải ghi nhớ cái gì, bao lâu ? Trong khi đó giáo
viên lại ít quan tâm hướng dẫn các em ghi nhớ theo điểm tựa.
- Ngôn ngữ của học sinh đầu cấp còn hạn chế, nên việc nhớ từng câu, từng
chữ dễ dàng hơn dùng lời lẽ của mình để tả lại sự kiện, hiện tượng.
- Nhiều học sinh còn chưa biết tổ chức việc ghi nhớ có ý nghĩa, chưa biết sử
dụng sơ đồ logic và dựa vào các điểm tựa để ghi nhớ.
Nhiệm vụ của giáo viên là gây cho học sinh tâm thế để ghi nhớ, hướng dẫn
các em thủ thuật ghi nhớ tài liệu học tập, chỉ cho cá em đâu là điểm chính, điểm
quan trọng của bài học tránh để các em ghi nhớ máy móc.