Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THANH TRÚC
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP
CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THANH TRÚC
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP
CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật Hình sự & Tố tụng hình sự
Mã số: 60380104
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Bá Ngừng
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn “Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn
bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam” là công trình nghiên
cứu của riêng tôi, không sao chép từ bất cứ công trình nghiên cứu nào khác. Các số
liệu được sử dụng trong luận văn có nguồn gốc rõ ràng, được thống kê, tổng hợp và
phân tích từ kết quả khảo sát thực tiễn xét xử và quyết định hình phạt trong trường
hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt của Tòa án nhân dân.
Tác giả
Nguyễn Thanh Trúc
MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................................. 1
2. Tình hình nghiên cứu đề tài ................................................................................ 2
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu .................... 3
3.1. Mục đích nghiên cứu........................................................................................... 3
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................................... 3
3.3. Đối tượng nghiên cứu ......................................................................................... 4
3.4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu.............................................................................. 4
4. Phương pháp nghiên cứu..................................................................................... 4
5. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài............................................... 4
6. Cơ cấu của luận văn............................................................................................. 5
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYẾT
ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ PHẠM TỘI
VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT.................................................................................. 6
1.1. Quyết định hình phạt- một hoạt động áp dụng pháp luật hình sự
của Tòa án................................................................................................................. 6
1.1.1. Khái niệm và ý nghĩa của quyết định hình phạt............................................... 6
1.1.2. Các nguyên tắc quyết định hình phạt............................................................. 11
1.1.3. Căn cứ quyết định hình phạt- yếu tố chi phối khi quyết định hình phạt........ 20
1.2. Chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt- những giai đoạn phạm
tội chưa hoàn thành được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam............... 28
1.2.1. Giai đoạn chuẩn bị phạm tội.......................................................................... 30
1.2.2. Giai đoạn phạm tội chưa đạt ......................................................................... 31
1.2.3. Phạm vi trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội
thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt..................................... 40
1.3. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và
phạm tội chưa đạt- một trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt .......... 41
1.3.1. Khái quát quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về quyết định
hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt thời kỳ
trước khi có Bộ luật hình sự hiện hành.................................................................... 41
1.3.2. Qui định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về quyết định
hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt..................... 44
CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP CHUẨN BỊ
PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT .......................................................... 54
2.1. Thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm
tội và phạm tội chưa đạt........................................................................................ 54
2.1.1. Tình hình xét xử người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội
và phạm tội chưa đạt................................................................................................ 54
2.1.2. Nhận xét thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị
phạm tội và phạm tội chưa đạt................................................................................. 63
2.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong trường hợp
chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt......................................................................... 76
2.2.1. Nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị
phạm tội và phạm tội chưa đạt là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện
nay ............................................................................................................................ 76
2.2.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong
trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt............................................... 78
KẾT LUẬN............................................................................................................. 96
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quyết định hình phạt là một trong những hoạt động quan trọng của quá
trình áp dụng pháp luật hình sự. Quyết định hình phạt phù hợp với tính chất mức độ
nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt
chính trị, xã hội và pháp luật. Vừa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho toàn
xã hội; vừa đảm bảo giáo dục, cải tạo riêng đối với người phạm tội.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, bên cạnh các quy định
chung về quyết định hình phạt, Tòa án còn phải tuân thủ những quy định đặc thù áp
dụng trong một số trường hợp phạm tội và đối với một số đối tượng nhất định.
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa
đạt là một trong những trường hợp đặc thù của quyết định hình phạt nói trên. Khi
quyết định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội,
phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải tuân thủ những quy định chung về quyết định
hình phạt, Tòa án còn phải dựa vào quy định riêng áp dụng cho trường hợp chuẩn bị
phạm tội và phạm tội chưa đạt.
Việc pháp luật có quy định riêng về quyết định hình phạt trong trường hợp
chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt xuất phát từ những đặc điểm riêng của giai
đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Một mặt, thể hiện thái độ nghiêm khắc
của Nhà nước mặc dù là chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt cũng phải bị truy
cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt. Mặt khác, thể hiện tính nhân đạo, công
bằng của Nhà nước trong xử lý tội phạm là người phạm tội ở giai đoạn khác nhau
thì hình phạt áp dụng phải khác nhau, tương ứng với giai đoạn phạm tội đó.
Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua cho thấy quy định về quyết định
hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đã phát huy tác
dụng, đạt được hiệu quả, mục đích của hình phạt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ
chung của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng cũng cho thấy quy
định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa
đạt chưa đồng bộ, chưa cụ thể, chưa rõ ràng và chưa đặt trong mối quan hệ với các
quy định khác của Bộ luật hình sự; công tác giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật
hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội
chưa đạt trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức nên còn có những nhận
thức không thống nhất.
2
Những hạn chế trên sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng vào thực tiễn, dễ dẫn
đến quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã
hội của người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt;
không đảm bảo chính xác, công bằng và có nguy cơ làm cho hiệu quả, mục đích của
hình phạt không đạt được.
Về mặt lý luận, mặc dù là một trong những chế định quan trọng của luật
hình sự, nhưng hiện nay vẫn còn ít và thiếu những công trình chuyên khảo, nghiên
cứu một cách toàn diện, có hệ thống những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về
quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.
Trước tình hình đó, thiết nghĩ việc nghiên cứu một cách có hệ thống những
vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn
bị phạm tội và phạm tội chưa đạt để tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng
quy định của Bộ luật hình sự là cần thiết, không những có ý nghĩa quan trọng về mặt
lý luận, mà còn có ý nghĩa cả về thực tiễn trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Tất cả những điều trên là lý do để tác giả chọn vấn đề “Quyết định hình
phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự
Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu khoa học cho luận văn thạc sỹ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa
đạt là một trong những quy định quan trọng của Bộ luật hình sự nên đã có những
nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn quan tâm nghiên cứu ở những phạm vi,
khía cạnh, mức độ khác nhau.
Đã có những bài viết liên quan đến đề tài này đăng trên các tạp chí chuyên
ngành luật. Điển hình một số bài viết như: “Quyết định hình phạt trong trường hợp
chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt” của Dương Tuyết Miên (Tạp chí Luật học,
số 04 năm 2001); “Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở giai đoạn
chuẩn bị phạm tội” của Đinh Xuân Hiền (Tạp chí Kiểm sát, số 07 năm 2001); “Về
trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt” của Lê
Thị Sơn (Tạp chí Luật học, số 04 năm 2002); “Về nguyên tắc quyết định hình phạt
trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt” của Nguyễn Minh Hải
(Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16 năm 2009); “Quyết định hình phạt trong trường hợp
người chưa thành niên chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt” của Nguyễn Khắc
Quang (Tạp chí Kiểm sát, số Tân Xuân năm 2012).
3
Nội dung của các bài viết trên chủ yếu chỉ dừng lại ở việc nêu lên một hoặc
một số khía cạnh cụ thể về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội
và phạm tội chưa đạt mà chưa nghiên cứu vấn đề một cách tổng thể, có hệ thống.
Với cấp độ đề tài luận văn Thạc sỹ và luận án Tiến sĩ, đến nay vẫn chưa có
công trình nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống về quyết định hình phạt trong trường
hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Có một số công trình nghiên cứu như:
“Quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam”- Luận văn thạc sỹ Luật học của
Trần Văn Sơn (1996); “Quyết định hình phạt trong những trường hợp đặc biệt và
thực tiễn áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh”- Luận văn thạc sỹ Luật học của Lê
Duy Ninh (2000); “Quyết định hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam”- Luận án tiến
sĩ Luật học của Dương Tuyết Miên (2003); “Quyết định hình phạt trong những
trường hợp đặc biệt”- Luận văn thạc sỹ Luật học của Hoàng Chí Kiên (2004).
Các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố trên, mặc dù có đề cập đến
quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt nhưng
chỉ được nghiên cứu cùng với các trường hợp quyết định hình phạt khác mà chưa có
sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, riêng biệt. Điều này cho thấy, đây là luận văn thạc
sỹ luật học đầu tiên trong khoa học luật hình sự nghiên cứu một cách tương đối có
hệ thống, chuyên sâu vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm
tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam cả về phương diện lý luận, quy
định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là làm sáng tỏ một số vấn đề về lý luận,
quy định của pháp luật và những thiếu sót, bất cập trong thực tiễn quyết định hình
phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, từ đó đề xuất giải
pháp nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và
phạm tội chưa đạt.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận văn có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu lý luận, pháp luật thực định về quyết định hình phạt trong
trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam.
- Đánh giá thực tiễn quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm
tội và phạm tội chưa đạt, từ đó phân tích những thiếu sót, bất cập trong nhận thức và
thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.
4
- Trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, sẽ đề xuất một số giải pháp
cụ thể để nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm
tội và phạm tội chưa đạt.
3.3. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn
bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam.
3.4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về nội dung, luận văn nghiên cứu quyết định hình phạt trong
trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt dưới góc độ của luật hình sự.
- Phạm vi địa bàn khảo sát, chủ yếu tiến hành khảo sát, thu thập số liệu thực
tế tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Phạm vi về thời gian, số liệu thu thập sử dụng trong đề tài giới hạn trong
02 năm (năm 2010 và năm 2011) để đảm bảo mang tính thời sự và tính thực tiễn
cho kết quả nghiên cứu của luận văn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về
hình sự, tác giả sử dụng các phương pháp cụ thể như: thống kê, tổng hợp, phân tích,
so sánh để nghiên cứu đề tài.
5. Ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng của đề tài
- Về mặt lý luận:
Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên khảo đề cập riêng đến việc phân
tích có hệ thống những nội dung cơ bản của quyết định hình phạt trong trường hợp
chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam.
- Về mặt thực tiễn:
Luận văn góp phần vào việc xác định đúng đắn nội dung quyết định hình
phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa
đạt trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, mục đích
của hình phạt.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn còn có thể được sử dụng làm tài liệu
tham khảo đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như đối với cán
bộ làm công tác áp dụng pháp luật hình sự.
5
6. Cơ cấu của luận văn
Cơ cấu của luận văn ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham
khảo và các phụ lục, phần nội dung được xây dựng thành 02 chương.
Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về quyết định hình phạt trong
trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
Chương 2. Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt
trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2012
Tác giả
6
CHƯƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP
CHUẨN BỊ PHẠM TỘI VÀ PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa
đạt là một trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt nên vẫn mang những đặc
điểm chung của quyết định hình phạt. Do vậy, khi nghiên cứu về quyết định hình
phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, theo chúng tôi cần
gắn liền với việc nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về quyết định hình phạt và
sơ lược về giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Điều này có ý nghĩa hết
sức quan trọng giúp chúng ta có sự nhận thức thống nhất về nội dung và ý nghĩa của
quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.
1.1. Quyết định hình phạt- một hoạt động áp dụng pháp luật hình sự
của Tòa án
1.1.1. Khái niệm và ý nghĩa của quyết định hình phạt
Trong khoa học Luật hình sự, áp dụng quy phạm pháp luật hình sự là một
quá trình phức tạp, được tiến hành qua những giai đoạn nhất định, bao gồm nhiều
hoạt động khác nhau như: giải thích đạo luật hình sự; xác định hiệu lực của đạo luật
hình sự; định tội danh; quyết định hình phạt; miễn trách nhiệm hình sự và hình
phạt… Áp dụng pháp luật hình sự là một trong những phương thức đưa quy phạm
pháp luật hình sự vào cuộc sống qua đó thực hiện nhiệm vụ của luật hình sự.
Quyết định hình phạt là một trong những khâu của quá trình áp dụng pháp
luật hình sự. Sau khi định tội danh và nếu không có cơ sở để miễn trách nhiệm hình
sự hoặc miễn hình phạt cho người phạm tội thì phải quyết định hình phạt đối với
người phạm tội nhằm trừng trị và giáo dục, cải tạo họ. Hình phạt được xem như là
hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu khi họ có hành vi vi phạm vào
điều cấm của Bộ luật hình sự. Vì vậy, quyết định hình phạt có liên quan rất chặt chẽ
đến việc định tội- định tội danh đúng là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề cho quyết định
hình phạt đúng.
Về khái niệm quyết định hình phạt, hiện nay ở Việt Nam chưa có văn bản
pháp lý hình sự nào xác định khái niệm quyết định hình phạt. Trong khoa học Luật
hình sự, khái niệm quyết định hình phạt được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.