Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghệ thuật truyện ngắn nguyễn minh châu qua tập cỏ lau.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
TRỊNH THỊ DUNG
Nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
qua tập Cỏ lau
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Minh Châu là một tài năng lớn, một nhà văn “mở đường tinh
anh và tài năng nhất” cho văn học nước ta vào những năm đầu đổi mới. Bên
cạnh đó, ông được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học thời
hậu chiến đã đi tiên phong trong cuộc dò tìm những phương thức biểu hiện
mới cho thể loại truyện ngắn. Vì vậy, việc tìm hiểu nghệ thuật truyện ngắn
Nguyễn Minh Châu trong các sáng tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, không
chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về đời văn, mà còn giúp ta khám phá bản sắc tư
tưởng cùng tiếng nói nghệ thuật riêng của nhà văn.
Tập Cỏ lau (NXB Văn học, 1989) được sáng tác vào những năm cuối
đời của Nguyễn Minh Châu, nên nó có một ý nghĩa rất thiêng liêng và đặc
biệt. Tập truyện chính là “bản di chúc tinh thần” khép lại một cuộc đời với
biết bao chiêm nghiệm, suy tư được chắt lọc từ chính sự trải nghiệm của một
nhà văn mặc áo lính. Đi sâu vào tìm hiểu tập Cỏ lau là khám phá những băn
khoăn, trăn trở của nhà văn, đồng thời đây cũng là tiếng nói tri ân chúng tôi
muốn gửi tới Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn được lựa chọn để giảng dạy trong
chương trình môn Văn ở trường Trung học phổ thông. Vì vậy, việc tìm hiểu
Nguyễn Minh Châu góp phần rất hữu ích vào công việc phục vụ học tập, cũng
như quá trình giảng dạy của người giáo viên.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Theo tác giả Nguyễn Trọng Hoàn “Cho đến nay đã có hàng trăm bài
viết, hàng chục công trình lớn nhỏ đề cập đến nhiều khía cạnh về cuộc đời và
sự nghiệp văn chương của nhà văn” [6, tr.5]. Thông qua hàng loạt những bài
viết, những bài tạp chí của các nhà nghiên cứu kỳ cựu như Đỗ Đức Hiểu, Chu
Văn Sơn, Lê Quang Hưng, Hoàng Ngọc Hiến… Tất cả những bài viết có giá
trị đều được tác giả Nguyễn Trọng Hoàn sưu tầm và tuyển chọn trong cuốn
Nguyễn Minh Châu về tác gia và tác phẩm. Con số trên cho ta thấy rằng cuộc
đời, con người và tác phẩm của Nguyễn Minh Châu như một nguồn sáng mãi
tỏa ánh hào quang rực rỡ cùng năm tháng. Trong khuôn khổ của đề tài, chúng
tôi xin được nêu ra một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về tập Cỏ lau như
sau:
Trước hết, phải kể đến Đỗ Đức Hiểu trong bài Đọc Phiên chợ Giát.
Đây là bài viết mang tính mở đầu cho những phê bình về tập truyện Cỏ lau.
Nhà phê bình đã đưa ra khái niệm “văn bản đa thanh” khi đánh giá về Phiên
chợ Giát. Bên cạnh đó, ông còn nêu ra và chỉ rõ “Nghệ thuật xây dựng truyện
Phiên chợ Giát, chủ yếu là cái pha màu, cái pha trộn của các tâm trạng đối
nghịch, là sự thâm nhập lẫn nhau của các chi tiết, là cái nét nhòe, cái mơ hồ,
cái không xác định của cấu trúc hình tượng” [6, tr.178]. Từ bài viết này, Đỗ
Đức Hiểu đã ít nhiều mở ra những vấn đề về khai thác thiên truyện cũng như
đi sâu giải quyết nghệ thuật xây dựng truyện Phiên chợ Giát. Những gợi mở
quý báu này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu.
Trên cái nền chung ấy, Hoàng Ngọc Hiến trong bài Đọc Nguyễn Minh
Châu (từ Bức tranh đến Phiên chợ Giát) cũng thu hút được sự quan tâm của
nhiều độc giả. Tác giả Hoàng Ngọc Hiến đã đưa ra ý kiến của mình về Phiên
chợ Giát và nhấn mạnh “Trong truyện Phiên chợ Giát, có những chi tiết,
những hình ảnh khiến người đọc nghĩ ngợi về thân phận con người (nói
chung). Nhưng toàn bộ truyện là một giả thuyết văn học về bản chất và thân
phận người nông dân. Truyện Phiên chợ Giát là một tác phẩm có tính chất
vấn đề, không phải với ý nghĩa là nêu vấn đề mà với ý nghĩa như Kant hiểu từ
này: nêu vấn đề và làm sáng tỏ cốt lõi của vấn đề”. Bên cạnh đó, người viết
cũng đề cập tới phong cách truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu: “Trong
truyện của Nguyễn Minh Châu không có những nhận định “đơn nghĩa” có
tính chất “kết luận khép kín” [6, tr.192]. Từ mọi góc nhìn, Hoàng Ngọc Hiến
ít nhiều mở ra vấn đề về hình tượng nhân vật và phong cách truyện ngắn
Nguyễn Minh Châu.
Nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn cho rằng trong bài viết Đường
tới Cỏ lau đã đề cập rất nhiều về thân phận người phụ nữ, ông đặt nhân vật nữ
trong Cỏ lau vào “chủng loại nhân vật vọng phu” với cách đưa ra mới mẻ và
độc đáo giúp ta có cái nhìn sâu sắc hơn về người phụ nữ trong sáng tác của
Nguyễn Minh Châu. Không chỉ dừng lại ở đó, Chu Văn Sơn còn phát hiện ra
“vẻ đẹp mẫu tính” trong tác phẩm. Bởi tác giả cho rằng “Ngay từ khi mới cầm
bút, Nguyễn Minh Châu đã nguyện đi tìm những hạt ngọc trong tâm hồn con
người và cuộc đời này. Viên ngọc quý giá nhất, trong sáng nhất có lẽ nào
không phải là mẫu tính này đây” [6, tr.200]. Từ những nghiên cứu, tác giả đã
làm nổi bật “vẻ đẹp mẫu tính” trong truyện ngắn và là cơ sở quan trọng để
nghiên cứu “vẻ đẹp mẫu tính” trong truyện ngắn của nhà văn.
Nguyễn Tri Nguyên với bài viết Những đổi mới về thi pháp trong sáng
tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đã giúp người đọc có cái nhìn vừa khái
quát vừa cụ thể về thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh
Châu: “Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, đặc biệt ở trong truyện ngắn,
thường xuất hiện những ẩn dụ, biểu tượng đa nghĩa không tham gia vào cốt
truyện và hành động nhân vật nhưng nó giải bày được nhiều suy nghĩ của tác
giả, nâng tác phẩm lên ý nghĩa triết học và tượng trưng” [6, tr.221]. Đồng thời
tác giả bài viết đã khơi dòng cho việc nghiên cứu: “ngôn ngữ phức điệu và đa
thanh ngày càng được gia tăng và trở nên hoàn hảo đó là sự đan chéo của
nhiều độc thoại và đối thoại” [6, tr.223]. Nhận định của tác giả đã cho bạn đọc
thấy được việc vận dụng độc đáo các loại ngôn ngữ trong sáng tác. Đây là tư
liệu quý giúp chúng tôi tiếp tục khám phá nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn
Minh Châu.
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng tiếp tục gợi mở nhiều vấn đề qua bài
viết Vấn đề tình huống trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Tác giả nhận
định, Cỏ lau và Mùa trái cóc ở miền Nam thuộc kiểu tình huống thắt nút, còn
Phiên chợ Giát thuộc tình huống luận đề. Khác với Nguyễn Huy Thiệp
thường tạo ra tính bất ngờ cho tình huống, thì Nguyễn Minh Châu trái lại, cố
gắng tạo tính chất tự nhiên cho tình huống. Vì thế truyện ngắn của Nguyễn
Minh Châu như một “mũi khoan” ngày càng xoáy sâu vào người đọc. Người
viết còn khẳng định: “Những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu
như Bức tranh, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát với những tính cách
nhân vật mang hơi thở tầm cỡ thời đại chứa đựng những vấn đề nhân sinh,
đạo đức” [6, tr.265]. Đây là bài viết công phu về vấn đề tình huống truyện,
qua đó đã tạo đà cho chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu đề tài.
Để bày tỏ tình cảm của mình đối với nhà văn Nguyễn Minh Châu, Văn
Chinh đã gửi tới độc giả bài Nguyễn Minh Châu và tập truyện cuối cùng: Cỏ
lau như lời giới thiệu cho sự ra đời của tập truyện. Người viết phân tích: “Cỏ
lau gồm ba truyện ngắn bị phá cách để thích nghi với thời giờ hiếm hoi của
người hiện đại dành cho tiểu thuyết văn chương trong khi sự hàm chứa hoàn
cảnh và số phận nhân vật trót đã dồn tích quá nhiều của một nhà văn đã nhạy
cảm còn cần kiệm quý báu đời sống” [6, tr.202]. Tuy nhiên, do dung lượng
quá ít (hơn ba trang giấy), bài viết của Văn Chinh mới chỉ khơi lên cái nhìn
chung chung chứ chưa giúp người đọc nhìn ra từng vấn đề cụ thể trong mỗi
tác phẩm.
Tôn Phương Lan với công trình Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh
Châu đã đem đến cho người đọc nhiều vấn đề mới mẻ về phong cách nghệ
thuật Nguyễn Minh Châu. Theo người viết: “hai loại nhân vật đặc trưng nhất
thể hiện được phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu. Đó là nhân vật tư
tưởng và nhân vật tính cách - số phận” [6, tr.73]. Bên cạnh đó “những câu văn
và sử dụng những chữ cứ y như túm lấy tâm hồn người đọc mà tra hỏi” [6,
tr.175]. Đã góp phần không nhỏ để làm nên những thành công trong các sáng
tác của Nguyễn Minh Châu.
Nhà nghiên cứu văn học Trịnh Thu Tuyết trong bài viết Một số cốt
truyện trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu là một bài viết khá quan trọng,
giúp tôi tìm hiểu về kiểu cốt truyện chủ yếu trong các sáng tác của nhà văn.
Điều này liên quan trực tiếp đến việc phân tích nghệ thuật truyện ngắn trong
Cỏ lau. Theo tác giả: “Khuynh hướng tiếp cận hiện thực mới mẻ đã dẫn đến
sự xuất hiện một dạng cốt truyện mới trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu -
kiểu cốt truyện đời tư. Đó là dạng cốt truyện chủ yếu tái hiện những bước
thăng trầm, uẩn khúc trong số phận cá nhân, dạng cốt truyện của Cỏ lau,
Phiên chợ Giát, Mùa trái cóc ở miền Nam…” [6, tr.330]. Qua bài viết này, tác
giả đã minh chứng những nét độc đáo có trong tập truyện Cỏ lau đó là kiểu
“cốt truyện đời tư” được nhà văn sử dụng một cách khéo léo và đầy dụng ý
nghệ thuật.
Có thể khẳng định rằng, từ khi tập truyện Cỏ lau ra đời đã gây một
tiếng vang lớn trên văn đàn. Số lượng các công trình và bài viết của các nhà
nghiên cứu phê bình ngày càng nhiều và đem lại những giá trị to lớn khi đánh
giá về tập truyện. Tuy mỗi bài viết mới chỉ khơi sâu vào một hoặc hai truyện,
nghệ thuật trong tập truyện, những bài viết trên là cuốn cẩm nang vô cùng giá
trị để cho những ai yêu mến, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự
nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Nhìn chung, các tác giả đã nghiên cứu và tìm hiểu tập Cỏ lau ở phương
diện nghệ thuật truyện ngắn với mức độ nông sâu khác nhau. Nhưng, các
công trình, bài viết kể trên vẫn chưa thực sự khơi sâu vào đề tài và còn nhiều
vấn đề khả thủ bị bỏ ngỏ. Trong đề tài này, trên cơ sở tiếp thu những thành
tựu đã đạt được của giới nghiên cứu văn học. Điều này tạo tiền đề để chúng