Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Nghệ thuật truyện ngắn hồng nhu
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
PHAN THỊ THANH HẢI
NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN HỒNG NHU
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60.22.34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2012
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HỒ THẾ HÀ
Phản biện 1: PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM
Phản biện 2: TS. LÊ THỊ HƯỜNG
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn
thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp tại Đại học
Đà Nẵng vào ngày 01 tháng 12 năm 2012.
* Có thể tìm hiểu luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Hơn thế kỉ qua, truyện ngắn viết về miền Trung đã có những
đóng góp quan trọng trong nền văn học hiện đại nước nhà. Thành tựu
của mảng đề tài này thể hiện ở cả đội ngũ sáng tác và kết tinh của
không ít tác giả, tác phẩm. Ngoài những tác giả và tác phẩm đã được
bạn đọc cả nước chú ý, vẫn còn rất nhiều tác giả và tác phẩm chưa
được giới thiệu rộng rãi. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhà văn Hồng
Nhu. Ánh lên trong truyện ngắn của ông là sự từng trải và tinh tế,
một lối viết đầy chiêm nghiệm về cuộc đời và số phận. Và cũng thật
thích thú khi chúng ta tìm thấy trong truyện ngắn Hồng Nhu một nền
văn hóa sông nước, những tập tục lễ hội gắn liền với đời sống tâm
linh của con người vùng phá Tam Giang nổi tiếng ở Huế. Nếu nói
đến văn học Huế, các nhà nghiên cứu và bạn đọc không thể quên cái
tên: Hồng Nhu.
Hồng Nhu là nhà văn thuộc hàng cao tuổi nhất ở Huế. Trong
cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã thể nghiệm qua
nhiều thể loại như sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, nghiên cứu
phê bình...Nhưng có lẽ hay nhất và đều tay nhất là khi ông viết
truyện ngắn.
Với những đóng góp của mình đối với nền văn học nước nhà,
Hồng Nhu đã nhận được nhiều giải thưởng của địa phương cũng như
trung ương: hai lần giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hai lần giải
thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ba lần giải thưởng Văn học
Nghệ thuật Cố đô...Đặc biệt, năm 2012, ông được giải thưởng nhà
nước về Văn học Nghệ thuật qua hai tập truyện Trà thiếu phụ và Vịt
trời lông tía bay về .
Những nguyên nhân trên cùng với lòng yêu mến truyện ngắn
Hồng Nhu là động lực khiến chúng tôi muốn đi sâu vào nghiên cứu
những đặc điểm truyện ngắn của ông, cũng như muốn khẳng định sự
đóng góp của ông cho văn học miền Trung nói riêng và văn học Việt
Nam hiện đại nói chung qua đề tài “Nghệ thuật truyện ngắn Hồng
Nhu”.
2. Lịch sử vấn đề
Hồng Nhu bắt đầu sáng tác văn nghệ (ca khúc) từ năm 1950,
viết truyện ngắn đầu tay năm 1955, khi ông còn là lính sư đoàn 325 -
đơn vị anh hùng từng lập những chiến tích lẫy lừng trên chiến trường
Bình Trị Thiên và Trung Lào, nhưng 15 năm sau, lúc ông “đầu quân”
vào Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, mới xuất bản được tác phẩm đầu tay.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên
biệt về truyện ngắn Hồng Nhu.
Cụ thể là:
Trên tạp chí Sông Hương, số 149, năm 2001, PGS.TS Hồ Thế
Hà có bài viết “Các nhà văn làm Tổng biên tập Tạp chí Sông
Hương”.
Năm 2002, trên báo Văn nghệ số 4, nhà văn Nguyễn Khắc Phê
đã có bài viết “Hồng Nhu tuổi hồi xuân”.
Trên tạp chí Sông Hương số 158, tháng 4 năm 2002 đăng bài
viết của Vọng Thảo với nhan đề “Hồng Nhu – ngọn gió chướng miệt
đầm” viết về tập truyện Lễ hội ăn mày.
Năm 2003, tập truyện ngắn Trà thiếu phụ ra đời đã gây tiếng
vang trong giới nghệ sĩ. Nhà thơ Võ Quê đã có những nhận định cho
tập truyện này. Cũng với tập truyện này, Nguyễn Thị Anh Đào đã
dành cho nhà văn những tình cảm chân thành qua bài viết “Chút tâm
tình với Trà thiếu phụ” đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 178.
Năm 2005, truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về đã được tuyển
chọn vào cuốn sách “Tổng tập truyện ngắn Việt Nam 1945 – 2005”.
Bùi Việt Thắng cũng dành cho Hồng Nhu những lời khen
ngợi khi đọc các truyện ngắn của ông trong bài “Đi trong mưa ngâu
cùng nhà văn Hồng Nhu” trên Tạp chí Sông Hương, số 217.
Năm 2010, trong bài viết “Hồng Nhu - nhà văn đầm phá”
trên Tạp chí Sông Hương, Mai Văn Hoan một lần nữa khẳng định
“Hồng Nhu còn là nhà văn viết về đời sống tâm linh của những
người dân ở vùng đầm phá ấn tượng nhất hiện nay”.
Ngoài những bài báo, bài phỏng vấn thì truyện ngắn Hồng
Nhu cũng đã có ba công trình nghiên cứu khoa học của các tác giả:
- Nguyễn Lan Anh qua đề tài “Thế giới truyện ngắn Hồng
Nhu”, luận văn tốt nghiệp, năm 2001.
- TS. Lê Thị Hường nghiên cứu “Truyện ngắn Hồng Nhu từ
góc nhìn văn hóa” đăng trong cuốn Kỷ yếu hội thảo văn học Thừa
Thiên Huế lần 2, năm 2003.
- Nguyễn Thị Quỳnh Hương có bài báo cáo tổng kết đề tài
nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Yếu tố dân gian trong Vịt trời lông
tía bay về của Hồng Nhu”, năm 2011.
Chúng tôi ghi nhận, tham khảo và học hỏi những ý kiến trên,
đồng thời bổ sung và đi đến thực hiện đề tài “Nghệ thuật truyện
ngắn Hồng Nhu”.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi tìm hiểu qua hai tập truyện ngắn Vịt trời lông tía
bay về (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2006) và Hồng Nhu tuyển tập
(Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi tập trung khảo sát các truyện
ngắn của nhà văn Hồng Nhu (thuộc cả hai giai đoạn trước và sau thời
kì đổi mới) để tìm ra những đặc điểm độc đáo về tư tưởng nội dung
(như cảm hứng sáng tác, thế giới nhân vật) và hình thức nghệ thuật (
đặc điểm cốt truyện, ngôn ngữ và giọng điệu) trong các sáng tác của
nhà văn.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
- Phương pháp so sánh – đối chiếu
- Phương pháp tiếp cận văn hóa học
4. Đóng góp của luận văn
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phụ lục,
phần nội dung chính của luận văn gồm có ba chương như sau:
Chương 1: Hồng Nhu và sự nghiệp văn chương
Chương 2: Cảm quan về hiện thực và thế giới nhân vật trong
truyện ngắn Hồng Nhu
Chương 3: Đặc điểm cốt truyện, ngôn ngữ và giọng điệu
truyện ngắn Hồng Nhu
Chương 1. HỒNG NHU VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG
1.1. Hồng Nhu – cuộc sống và duyên văn
1.1.1. Cuộc sống
Hồng Nhu tên thật là Trần Hồng Nhu, sinh ngày 1 – 12 –
1934 nhưng tuổi thật của ông là sinh vào năm Nhâm Thân (1932).
Nguyên quán ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa
Thiên Huế. Hiện trú tại số nhà 12/1/1 Xuân Diệu - Huế.
1.1.2. Duyên văn
Trước khi đi bộ đội, Hồng Nhu cũng có viết nhưng chỉ viết
lăng nhăng cho vui. Nhưng cũng từ đây nhen nhóm trong ông lòng
say mê văn chương.
Trong thời gian đi bộ đội từ năm 1948 – 1961, ý định viết văn
lại đến với ông. Sau đó, vào năm 1956, khi Hồng Nhu ở nông trường
ông đã viết truyện Những người trên đồng cỏ. Truyện ngắn này sau
được giải III Văn nghệ quân đội năm 1958. Từ đó, duyên viết truyện
ngắn cứ theo đuổi ông dường như suốt cuộc đời.
Sau hơn 20 năm xa quê, năm 1987, ông quyết định rời xứ
Nghệ trở về quê hương. Và cái quyết định táo bạo đó đã đưa Hồng
Nhu đến với thơ khi tuổi không còn trẻ nữa.Với những đóng góp của
mình cho nền văn học Việt Nam hiện đại, Hồng Nhu đã xét tặng rất
nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương. Năm 2012, ông
được giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật qua hai tập truyện
Trà thiếu phụ và Vịt trời lông tía bay về.
1.2. Quan niệm văn chương của Hồng Nhu
1.2.1. Quan niệm về nghề văn
Đối với Hồng Nhu, ông nghĩ rằng: “viết văn là một nghề
nghiệp. Đã là nghề nghiệp thì cần phải học tập không ngừng, rèn
giũa tay nghề không ngừng để sản phẩm mình làm ra ngày một đẹp
hơn, tốt hơn, có ích hơn. Vì vậy, tôi thường viết văn năm ba chọn lấy
một; tự mình sàng lọc mình…”. Qua đó cho ta thấy, nhà văn rất
nghiêm khắc với chính mình đồng thời cũng rất tôn trọng đọc giả.
Chính vì muốn tác phẩm của mình không để người đọc đọc một lần
rồi quên ngay sau đó nên Hồng Nhu có lần trình bày quan điểm của
mình “ Viết được non nửa, ông dừng lại, cảm thấy những trang viết
của mình sao mà nhạt nhẽo quá, bề ngoài quá. Ông xé bản thảo, viết
lại từ đầu. Ông thường có thói quen như thế, khi không vừa ý với tác
phẩm của mình, để bắt óc phải tìm tòi, khỏi lặp lại những giai điệu
ban đầu.”. Đọc tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Hồng Nhu, chúng
ta tâm đắc cái lối hành xử trong sáng tác của ông: “Viết năm, ba nên
chọn lấy một”.
Có người cho rằng, viết văn là một trò chơi nghệ thuật nhưng
với Hồng Nhu, ông quan niệm viết văn là một cái nghề hẳn hoi. Bùi
Việt Thắng cũng đồng tình quan niệm này của Hồng Nhu “Tôi cũng
muốn đứng về phía nhà văn Hồng Nhu để “phản kích” lại cái quan
niệm văn chương chỉ là “một trò chơi vô tăm tích”, viết chỉ để thoả
mãn cái tôi như hũ nút của tác giả.”. Nhà văn Hồng Nhu cho rằng
“kĩ thuật của nghề viết truyện ngắn thì nhiều chuyện, nhưng không có
vốn sống, chất sống, cùng lòng yêu da diết mà người viết từng trải
qua, thì không thể nào bày ra được văn chương cựa quậy, có hồn
trên trang giấy.”.
Với những quan niệm như trên, Hồng Nhu được đánh giá là
nhà văn thuộc “khuynh hướng phong cách cổ điển” là bởi nhà văn
quan tâm đến các yếu tố ổn định và truyền thống của thể loại truyện
ngắn (cốt truyện tiêu biểu, tính cách sắc nét, chi tiết điển hình...)”.
1.2.2. Quan niệm về thiên chức của nhà văn
Trò chuyện với nhà văn Hồng Nhu, ông đã rất thân tình “Kinh
nghiệm viết văn thì khó có thể nói được bằng lời, nhưng thời gian
chú viết, chú vừa học vừa viết, vừa tự biên tập bài cho riêng mình,
nếu không bằng lòng là chú bỏ ngay truyện ngắn ấy, dẫu đã cất công
rất nhiều, trăn trở rất nhiều”. Qua tâm sự của ông, chúng ta có thể
thấy Hồng Nhu là một nhà văn có tinh thần trách nhiệm cao đối với
ngòi bút của mình. Ông muốn những tác phẩm viết ra phải có ích cho
cuộc sống.
Nhà văn hiểu rõ trách nhiệm của người cầm bút là phải tích lũy
vốn sống và tiếp cận những nghệ thuật mới mẻ để làm giàu thêm
ngòi bút của mình. Và nhà văn mong muốn đứa con tinh thần của
mình “ làm ra ngày một đẹp hơn, tốt hơn, có ích hơn” .
1.3. Sự nghiệp văn chương Hồng Nhu
1.3.1. Giai đoạn trước thời kì đổi mới
Chúng ta có thể kể những tác phẩm đã xuất bản trong giai
đoạn này như: Rừng thông cao vút ( ký, 1969), Ý nghĩ mùa thu (tập
truyện ngắn, 1971), Tiếng nói chìm sâu (tập truyện ngắn, 1976), Đêm
trầm (truyện ngắn, 1976), Gió đồi (truyện ngắn, 1978), Cây tâm hồn
trắng (tập truyện ngắn, 1984), Vẫn chuyện phiêu lưu (truyện thiếu
nhi, 1985), Hai giọt sương (truyện thiếu nhi, 1986).
1.3.2. Giai đoạn sau thời kì đổi mới
Hồng Nhu tiếp tục xuất bản các tác phẩm mang đậm hơi thở
của quê hương như : Ngẫu hứng về chiều (thơ, 1988), Nước mắt đàn
ông (thơ, 1992), Chiếc tàu cau (thơ, 1995), Thuyền đi trong mưa
ngâu (tập truyện ngắn, 1995), Rêu đá (thơ, 1998), Mưa gió đầy trời
(truyện ngắn, 1999), Lễ hội ăn mày (tập truyện ngắn, 2001), Trà thiếu
phụ (tập truyện ngắn, 2003), Vịt trời lông tía bay về (tuyển truyện,
2006), Chuyện một tình yêu (truyện ngắn, 2007), Đồi trở gió (tiểu
thuyết, 2008), Hồng Nhu tuyển tập (2011).
Hồng Nhu là nhà văn Huế dày dạn kinh nghiệm và vốn sống.
Đến cuối đời, ông đã nhận được phần thưởng lớn vì những cố gắng
không mệt mỏi: 2 tập truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về và Trà
thiếu phụ được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Chương 2. CẢM HỨNG VỀ HIỆN THỰC VÀ THẾ GIỚI
NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN HỒNG NHU
2.1. Cảm hứng về hiện thực trong truyện ngắn Hồng Nhu
2.1.1. Cảm hứng về hiện thực cuộc sống khốc liệt của chiến tranh
Hồng Nhu viết về chiến tranh tuy không nhiều nhưng những
cảm hứng về cuộc chiến đã khơi nguồn cho mạch cảm xúc trong ông.
Một lẽ đơn giản nữa ông là người lính, đã từng vào sinh ra tử ở các
chiến trường, những kỉ niệm vui buồn ấy khiến ông không thể không
viết. Chiến tranh trong truyện ngắn Hồng Nhu cũng đủ mọi cung bậc
thông qua dòng ký ức của ông.
Trong mạch truyện của mình, Hồng Nhu thường kể về “những ngày
cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt ở miền Bắc” hay cuộc chiến
chống Mỹ gian khổ với không gian rộng lớn, bao trùm, thời gian trải
dài như nhân lên nỗi đau. Có lẽ chỉ những người đã đi qua những trận
chiến thực sự mới miêu tả tỉ mỉ và chính xác đến vậy. Hồng Nhu đi
sâu vào những chi tiết đắt nhất giúp người đọc hình dung dễ dàng ra
cảnh tượng trước mắt. Ông đã nhìn thấy bộ mặt ghê gớm của chiến
tranh, những sự tàn phá không có gì sánh nổi. Tất cả mọi thứ đều trở
thành tro bụi, kể cả con người.
Số phận con người trong chiến tranh cũng thật bất hạnh. Cuộc
sống đối với họ ngắn ngủi, cái chết luôn cạnh kề bên mình. Cảm
quan về hiện thực chiến tranh được thể hiện trong các truyện Mùa
tôm, Gió thổi chéo mặt hồ, Đường viền của thành phố, Lưu lượng lớn
nhất của dòng chảy, Tiếng nói chìm sâu,… Quả thật, Hồng Nhu đã
biết đào sâu hiện thực chiến tranh bằng những trải nghiệm cá nhân để
làm phong phú thêm cái nhìn về hiện thực lịch sử. Ông dám nhìn
thẳng vào bộ mặt tàn khốc của chiến tranh, về những hiểm họa, di
chứng để lại sau chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi rất lâu, thế hệ sau
chưa từng nếm trải nhưng thông qua những trang viết của nhà văn,
chúng ta như hiểu hơn về những gian khổ của cha anh đi trước. Đồng
thời, nhà văn đã dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu
đựng và sức mạnh đã vượt qua nỗi đau làm nên chiến thắng hôm nay.
2.1.2. Cảm hứng về hiện thực muôn màu của thời bình
Hòa nhập trong khí thế đổi mới của dân tộc, những tác phẩm
của Hồng Nhu cũng mang sắc thái mới, lấy cảm hứng từ thời bình
với việc sản xuất nông nghiệp (Cây tâm hồn, Sắc gió, Rì rào đồng
lúa, Mùa tôm), không khí làm việc hăng say, tích cực của những
người lao động (Lưu lượng lớn của dòng chảy, Thuyền đi trong mưa
ngâu), tình yêu và các mối quan hệ phức tạp của con người (Giếng
loạn, Láng giềng, Nhà, Trà thiếu phụ)…Cuộc sống vốn muôn màu,
muôn vẻ. Đây cũng là một đề tài vô cùng rộng lớn để các nhà văn
khai thác. Bởi cuộc sống con người rất phức tạp, đặc biệt là đời sống
nội tâm của các nhân vật. Nhà văn quan tâm đến cuộc sống của người
dân lao động, thông qua đó phát hiện ra bản chất tốt đẹp của con
người.
Lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động, Hồng Nhu đã xây dựng
nhân vật theo hướng tích cực, luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân và
đấu tranh mạnh mẽ cho hạnh phúc. Trong những ngày đầu mới xây
dựng đất nước, nổi lên là những con người tích cực, luôn phấn đấu
hết mình cống hiến cho xã hội, không ngần ngại bất cứ việc gì dù khó
khăn, gian khổ.
Ngoài những cảm hứng trên thì những mối quan hệ phức tạp
của con người cũng được nhà văn khai thác triệt để như trong các
truyện Bao nhiêu là cát, Láng giềng, Nhà, Trà thiếu phụ…. Trong
thời bình, khi chiến tranh không còn là mối bận tâm của con người
nữa thì đời sống nội tâm lại được coi trọng. Không riêng gì tình yêu
mà tất cả những mối quan hệ, cách ứng xử giữa người với người trở
thành cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn. Hồng Nhu cũng tìm cho
mình những cái riêng trong vô vàn cái chung ấy.
Trong tất cả những truyện ngắn của ông, khi đọc lên ta thấy
phảng phất đâu đấy tiếng gọi của quê hương thân thương. Điều đó
cũng dễ hiểu vì bao nhiêu năm xa quê, Hồng Nhu luôn canh cánh
trong lòng. Thông qua các nhân vật, ông muốn bày tỏ nỗi lòng sâu
kín của mình như trong các tác phẩm Giếng loạn, Giao thừa, Lễ hội
ăn mày...
2.1.3. Cảm hứng về hiện thực văn hóa tâm linh của người dân đầm
phá
Khi khám phá thế giới truyện ngắn của Hồng Nhu, chúng ta
thấy nhà văn đã dành rất nhiều trang viết về đời sống của người dân
đầm phá Tam Giang. Không phải tự nhiên mà Mai Văn Hoan đánh
giá “Hồng Nhu còn là nhà văn viết về đời sống tâm linh của những
người dân ở vùng đầm phá ấn tượng nhất hiện nay.”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đầm phá nên những phong tục, lễ
nghi của chốn sông nước này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhà văn.
Và trong các sáng tác của mình, Hồng Nhu đã tái hiện lại không gian
huyền bí, trang trọng ấy trong hàng loạt lễ nghi gắn bó mật thiết với
đời sống của người dân đầm phá. Người Việt có truyền thống thờ
ông bà, tổ tiên nên bất cứ việc gì từ ma chay, cưới hỏi đều thắp
hương cầu xin. Những người dân ở đầm phá cũng vậy nhưng họ còn
thờ thần Đầm, Thủy Vương Hà Bá.
Trong truyện ngắn Cổ tích làng, Hồng Nhu đã nhắc đến lễ
cúng cá voi trôi dạt vào bờ của người dân đầm phá. Đây là một lễ
cúng lớn và rất được coi trọng.
Đặc biệt, trong các truyện ngắn của Hồng Nhu nổi lên những
phong tục đậm chất đầm phá Tam Giang, không phải nơi nào cũng
có như tục bắt vợ. Ngoài ra, đời sống tâm linh của người dân đầm
phá còn được Hồng Nhu phác họa qua các lễ nghi như lễ nhập vạn
đò rồi lễ hợp cẩn, lễ Thần Đầm, lễ cầu ngư và lễ hạ thủy.
Thông qua những phong tục, lễ hội, Hồng Nhu khắc họa rõ
nét không gian mênh mông của vùng đầm phá Tam Giang. Nhà văn
đã tái hiện những phong tục, lễ hội ấy khá tỉ mỉ, chi tiết trong từng
truyện ngắn, tạo nên một không gian huyền bí và đặc trưng của
người dân đầm phá. Do đó, chúng ta không thể không ghi nhận sự
đóng góp của ông trong việc giữ gìn và quảng bá những nét văn hóa
độc đáo của vùng đầm phá.
2.2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Hồng Nhu
2.2.1. Những con người vượt khó để tồn sinh
Truyện ngắn Hồng Nhu đã thể hiện rất nhiều mặt của cuộc
sống, trong đó có những khó khăn, gian nan buộc nhân vật phải biết
chấp nhận để vươn lên. Đó là Hồi và vợ trong truyện Thuyền đi trong
mưa ngâu, Túc và Thao trong Dốc vui, Vũ trong Lưu lượng lớn nhất
của dòng chảy, Hạ trong Sắc gió, anh thương binh trong Ngoại
thành, Lệ trong Giếng loạn, Miên trong Ai đi về đâu chiều tối, Uyên
trong Người không bao giờ tắm biển, o Giêng trong Người ở…
Hồng Nhu đã rất thành công trong việc xây dựng con người
mới. Hồi và vợ của anh trong truyện Thuyền đi trong mưa ngâu là hai
người hăng say, luôn cố gắng hết mình vì công việc. Vũ là một kỹ sư
giàu tinh thần trách nhiệm. Anh tiêu biểu cho người lính luôn phấn
đấu cho sự nghiệp dân tộc. Để cải tiến lò than cho năng suất cao, cả
Túc và Thao đã phải vắt óc suy nghĩ. Mỗi người mỗi công việc khác
nhau, Túc lo việc khai thác than ở trong hầm còn Thao vận chuyển
than ra khỏi hầm.
Không chỉ biết vượt qua những thách thức trong cuộc sống, họ
còn biết vượt qua những đau đơn về thể xác và tinh thần. Uyên trong
truyện Người không bao giờ tắm biển và O Giêng trong truyện Người
ở là những người như thế. Trong tình yêu, con người cũng phải luôn
đấu tranh để giành lấy hạnh phúc cho chính mình. Hai nhân vật Lệ và
Giành trong truyện Giếng loạn là minh chứng cho điều đó. Cuộc
sống của con người vốn không như mong muốn. Không có ai hoàn
thiện, hạnh phúc và may mắn suốt đời được. Trước bao nhiêu khó
khăn của cuộc sống, con người phải tự mình giành lấy. Những nhân
vật trong truyện ngắn Hồng Nhu đã cho chúng ta những bài học quí.
Hạnh phúc hay khổ đau không phải do thiên mệnh, chúng ta có thể
thay đổi cuộc đời của mình bằng sự nỗ lực, cố gắng của chính mình.
2.2.2. Những con người quả cảm, đầy tình nghĩa
Trong những tác phẩm viết trước thời kì đổi mới, các nhân vật
điển hình thường là những con người dũng cảm trong chiến đấu và
giàu tinh thần trách nhiệm trong lao động. Họ cũng là những người
có tấm lòng nhân hậu, đầy tình nghĩa. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi
những tính cách ấy là truyền thống của người dân Việt Nam. Nó đã
ăn sâu vào máu thịt của nhân dân ta nên khi Hồng Nhu tái hiện lại
trong truyện của ông một cách nghệ thuật là một cảm thức tái sinh rất
xúc động, có ý nghĩa nhận thức cao.
Hai truyện ngắn Tiếng nói chìm sâu và Đường viền của thành
phố đều kể về cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ của nhân dân ta.
Đó là những con người không biết sợ cái chết. Họ chỉ mong sao hoàn
thành nhiệm vụ, góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho đất
nước như trong các truyện ngắn Mùa tôm, Những giọt mưa, Vịt trời