Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

KỂ CHUYỆN ĐẤT NƯỚC - Rừng núi Việt Bắc pdf
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
VII. Rừng núi Việt Bắc
Cái tên Việt Bắc này trở nên thân thương đối với mỗi người Việt Nam ấy, xuất
hiện chưa lâu: Từ đầu những năm 40 trong những năm tháng chuẩn bị Cách mạng
tháng Tám.
Việt Bắc - Việt Minh - Khu Giải Phóng, những cái tên đã đi vào lịch sử, quyện
chặt lấy nhau.
Thăm Việt Bắc là thăm cái nôi của Cách mạng Việt Nam.
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
(Tố Hữu)
Việt Bắc là cái tên gọi để chỉ một số địa phương ở miền Bắc, gần biên giới giáp
với Trung Quốc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà
Giang.
Nói đến Việt Bắc nhiều người thường nghĩ tới một vùng núi rừng âm u. Đặt chân
lên vùng này, rời khỏi các đường cái lớn là bắt gặp ngay những rừng rậm, nhiều
nhất là rừng nứa. Và nếu len lỏi đi theo những con đường mòn ngoắt ngoéo để vào
bên trong, cũng lại gặp những vùng cây rậm rạp hai bên. Nhiều nơi rừng dày đến
nỗi khi tìm thấy một bầu trời mắt như bị rừng bưng lại. Đâu cũng là rừng và rừng.
Đã thế, những đường mòn ấy lại quanh co theo những núi, những khe, những đồi,
những thung thung lũng, nhiều khi tưởng đã đi được những khoảng cách không
gian dài nhưng hóa ra chỉ cách chỗ xuất phát ban đầu không được mấy chút. Vẻ bí
hiểm của núi rừng Việt Bắc một phần cũng vì thế.
Một bài thơ của Xuân Diệu viết trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã
gọi xứ sở này là "u tì quốc" (Sáng nay ra cửa u tì quốc...), tưởng đã lột tả được vẻ
âm u và bí hiểm ấy của Việt Bắc theo lối hài hước, đối với thanh niên bỏ thành
phố về đây theo kháng chiến.
Thật ra Việt Bắc không chỉ toàn núi và núi. Nếu tính từ bờ trái sông Lô đến bờ
phải sông Thương (theo chiều đông tây của Việt Bắc), chỉ có ba dãy núi đáng kể
mà sách địa lí thường gọi là 3 vòng cung: vòng cung sông Gâm, vòng cung Ngân
Sơn và vòng cung Yên Lạc nằm theo hướng bắc – nam tạo thành những "nếp lồi"
và "nếp lõm" của địa hình. "Nếp lồi" là những dãy núi cao, còn "nếp lõm" này tạo
nên những thung lũng lớn, đó là những vùng núi thấp và đồi, có mạng lưới sông,
suối dày đặc, giống như những "trận đồ bát quái". Đi trong lòng Việt Bắc, hết
những rừng cây trùng điệp, ta lại bắt gặp những ngọn núi đá vôi có tuổi rất cổ, xen
lẫn những thứ đá khác. Cảnh núi thật lôi cuốn: những vạch đá xám trắng bên cạnh
lớp cỏ mượt mà phủ lên những mảng đá phiến, những hang động lấp lánh thạch
nhũ; những hẻm vực hẹp và dài, trên cao nhìn xuống sâu hun hút, trông như những
bức tranh thủy mặc ẩn ẩn hiện hiện những đường nét trong suốt hoặc mơ hồ.
Nói cho đúng, Việt Bắc cùng với toàn bộ địa hình phía Bắc nước ta nói chung vốn
là những rìa của các khối cao nguyên lớn ở Nam Trung Quốc, nhưng có những sắc
thái riêng về cảnh quan.
Việt Bắc thu hút sự chú ý của nhiều người nghiên cứu về thành phần tộc người
phong phú của nó. Đây là nơi cư trú của những tộc người lâu đời, ngoài Việt ra:
người Tày, người Nùng, người Dao, người Hmông (Mèo), người Sán Chay...
Trong đó có những tộc người gắn bó với tộc người Việt từ xa xưa.
Người Tày (dân số gần 1,2 triệu) thuộc ngôn ngữ Tày - Thái, là cộng đồng tộc
người thuần nhất và có ý thức tộc thuộc rất rõ. Từ thời Hùng Vương, đã có sự liên
minh giữa người Việt cổ và người Tày cổ, sự liên minh này đạt tới trình độ cao với
quốc gia Âu Lạc.Và trong lịch sử Việt Nam hiện đại người Tày tham gia các cuộc
đấu tranh cách mạng rất tích cực dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản. Trong
đoàn giải phóng quân kéo về thủ đô Hà Nội những ngày Cách mạng tháng Tám, số
đông là những chiến sĩ người Tày cũng như người Việt. Người Tày có nghề làm
ruộng nước lâu đời bên cạnh những nghề gắn với rừng núi: săn bắn, chăn nuôi, thu
lượm lâm sản... họ sống thành từng bản, từ 20 đến 60 -70 nhà ở ven chân núi, ven
sông suối, trên các cánh đồng nhỏ. Phổ biến nhất là nhà sàn dựng bằng gỗ tốt, có
ván bưng quanh và sàn gỗ hoặc sàn nứa. Gần đây người Tày dựng nhà gạch ngày
càng nhiều. Trang phục truyền thống (nam cũng như nữ) chủ yếu là áo quần màu
chàm. Quần lá tọa, áo năm thân. Nghệ thuật dân gian khá phát triển, từ văn học
truyền miệng đến những làn điệu hát lượn. Rất nhiều nơi, người Tày nói khá thành
thạo tiếng Việt bên cạnh tiếng mẹ đẻ của mình; trong các tộc người thiểu sổ ở Việt
Nam, người Tày tiến sát gần với trình độ phát triển của người Việt hơn cả. Họ là
cư dân chủ yếu của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Thái (gọi tắt là Cao Bắc
Lạng).
Người Nùng cũng là một thành phần tộc người cơ bản của Việt Bắc (hơn 70 vạn,
cư trú tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn và vài tỉnh khác). Nhìn chung, họ cũng đạt
tới trình độ phát triển giống người Tày, nhưng vì cư trú chủ yếu ở những khu vực
chuyển tiếp giữa vùng thấp và vùng cao nên ruộng nước ít hơn, nương rẫy nhiều
hơn. Họ cũng ở thành từng bản (5 - 7 đến vài chục nhà) nhà sàn, nhà đất hoặc nhà
nửa sàn nửa đất. Họ sống xen ghép với người Tày, vẫn giữ bản sắc riêng của mình.
Trước kia, họ dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm Nùng để ghi chép thơ ca và truyện cổ
dân gian. Hát sli đối đáp giữa nam nữ rất thịnh hành. Người Nùng cũng tham gia
cách mạng rất tích cực và đã ghi nhiều tên tuổi trong lịch sử cách mạng hiện đại,
nổi bật nhất là Kim Đồng, người thiếu niên liên lạc đầu tiên của Việt Minh đã hy
sinh vì đạn thù.
Người Hmông (Mèo) sống rải rác trên những triền núi cao ở phía Bắc Việt Nam. ở
Việt Bắc, có thể gặp họ ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Giang, với những làng
từ vài nhà đến vài chục nhà (làng Hmông gọi là giao) trên những sườn núi hay
thung lũng ở độ cao 800 - l.500m, địa hình hiểm trở (ở Hà Giang, lên vùng người
Hmông phải qua Cổng Trời). Người Hmông di cư từ vùng Tây Nam Trung Quốc
(Tứ Xuyên, Quí Châu) xuống phía Bắc Việt Nam từ nhiều thế kỷ này. Họ sống
bằng nương rẫy theo lối du canh du cư. Ngoài ngô lúa làm lương thực, họ trồng
nhiều vừng, đậu, cây ăn quả, cây làm thuốc. Vùng Hmông cũng là vùng trồng
thuốc phiện. Họ ở nhà đất, thường là ba gian hai chái (giữa đặt bàn thờ, hai bên là
bếp và buồng ngủ). Nghệ thuật dân gian Hmông khá phong phú, dân ca không chỉ
hát bằng lời mà có thể giãi bày bằng khèn, đàn môi, kèn lá.