Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

KỂ CHUYỆN ĐẤT NƯỚC - Nam Bộ ppt
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
VIII. Nam Bộ
Chiếc máy bay hai tiếng đồng hồ trước còn ở Hà Nội, khách ra đi vào tháng giêng,
tháng hai còn run rẩy trong áo len, áo bông, nay đã lượn vòng trên bầu trời Sài
Gòn. Nắng chói trên những rặng dừa, lúa chín vàng; lần đầu tiên sau giải phóng tôi
được vào Nam Bộ. Ngồi trên máy bay trầm ngâm ngắm cảnh, nhiều cảm nghĩ xôn
xao trong lòng. Vọng nghe lời ca:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng song
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng, ngày nay với ôtô, xe lửa, tàu thủy, tàu bay,
đâu còn khó khăn, nhưng quên sao được cảnh cha ông lặn lội sình lầy, len lỏi rừng
sâu, săn đuổi hổ báo, cá sấu rắn độc, chịu đựng muỗi mòng mấy trăm năm rồi để
tạo ra những thôn làng, thành phố ngày nay. Rồi giáp đến bờ sông Cửu Long, lúc
chuyến phà đưa qua những sông Tiền, sông Hậu mênh mông bát ngát, sống lại
cảm giác ngây ngất của tổ tiên đứng trước những dòng sông có bờ xa tít tắp, cuồn
cuộn tải đi những khối nước khổng lồ (500km3 hằng năm), những dòng sông đã
bồi đắp những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhìn không còn thấy đâu là chân trời
nữa. Lúc chiếc xuồng đưa qua những kênh rạch chi chít, tận mũi đất xa xôi nhất về
phía nam để thấy tận mắt cuộc tranh chấp còn tiếp diễn hàng ngày giữa đất liền và
biển cả. Lòng tràn ngập man mác tình đất nước cảm thấy như quyện chặt với
những dòng sông, những cánh đồng lầy, những rừng rậm. Con người Việt Nam
vào đây từ hơn ba trăm năm nay, cũng như mấy nghìn năm về trước giáp mặt với
châu thổ sông Hồng, không khoanh tay chờ cho bùn đất cứ tự nó bồi lên, biển cả
tự nó rút lùi đi, con người đã theo những dòng sông cùng chúng lấn ra biển, biến
sình lầy thành ruộng lúa. Rồi cũng như ngoài Bắc, lại phải bảo vệ miếng đất mới
tạo ra, đồng bào Nam Bộ, đi trước về sau, hơn một trăm năm liền, bao lần bao nơi
đổ máu để tạo nên mùa xuân 1975. Nam và Bắc cùng thống nhất một lối sống, một
phương thức cải tạo thiên nhiên, cải tạo đất và nước, xây thành một Tổ quốc, bất
khả xâm phạm, thành một dải sơn hà đi từ Cà Mau nắng sớm đến trăng tà Nam
Quan. Để nói lên tình đất nước ấy, để ôn lại quãng đường lịch sử của dân tộc, mở
rộng bờ cõi đến tận mũi Cà Mau, xin ghi lại câu chuyện mà anh chị em khoa Văn,
trường Đại học Cần Thơ đã kể tôi nghe.
Năm 1977 khi thầy trò khoa Văn rủ nhau về xã Thời Long (Hậu Giang) sự đón
tiếp của bà con lúc đầu không có gì niềm nở lắm. Bà con đang phân vân về việc
tập thể hóa nông nghiệp không biết đoàn cán bộ và sinh viên đông đảo này về xã
để làm gì? Đo đạc ruộng đất trước lúc ép vào hợp tác xã? Tịch thu máy móc?
Thăm dò dư luận? Có người chôn giấu luôn cả chiếc máy cày - Khó mà tin rằng cả
đoàn về chỉ để nghe câu ca câu vè, nhà nước nào lại nuôi một số người đông như
vậy để làm chuyện “vớ vẩn”.
Thầy trò không vội vàng lao vào việc sưu tầm, họ đã cùng với bà con cuốc đất,
làm thủy lợi, quét nhà, tắm rửa cho trẻ em. Thái độ dè dặt của bà con tan dần, lần
đầu tiên nhìn thấy cán bộ nhà nước ăn ở như vậy. Bản chất trung hậu của người
nông dân lao động, tính hiếu khách hào phóng của người dân Nam Bộ trỗi lên, họ
đối xử với giáo viên và sinh viên thân mật cởi mở.
Lúc gợi lên cho bà con nhớ lại câu ca, lời hò, bài vè để ghi chép lại, nhiều người
vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Đã bao nhiêu năm rồi cuộc sống dồn dập, đánh
Pháp, đánh Mỹ, còn ai đoái hoài đến những “chuyện xưa năm cũ” ấy nữa. Và họ
nghĩ rằng cách mạng lại càng không muốn nhắc đến nhưng chuyện “lạc hậu” ấy.
Không ngờ chính cách mạng lại cho thầy trò về khôi phục cái vốn cũ ấy, một kho
tàng lâu nay họ giữ kín trong đáy lòng. Cùng thanh niên trong xã, sinh viên tổ
chức những buổi văn nghệ, khuấy động không khí trầm lặng của thôn ấp. Những
người lớn tuổi, bâng khuâng nhớ lại thời son trẻ, những đêm trăng mấy chiếc ghe
xuồng tụ tập trên kênh rạch, đua nhau hò hát. Thầy trò gợi cho bà con tổ chức lại
những buổi liên hoan như vậy. Đúng là khuấy lên một nguyện vọng mấy chục năm