Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hoàn thiện chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.doc
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
LỜI MỞ ĐẦU
Tại mọi quốc gia, trong mọi thời kỳ, hệ thống thuế luôn giữ một vai
trò hết sức quan trọng. Thuế vừa là nguồn thu ngân sách, vừa là công cụ
kinh tế để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế. Các
quốc gia luôn luôn hướng tới việc xây dựng một hệ thống chính sách thuế
phù hợp, đồng bộ và luôn theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Trong nhiều
năm qua, chính sách và cơ chế quản lý thuế nhập khẩu đã có những thay
đổi lớn và mang lại những kết quả đáng khích lệ cả về yêu cầu thu ngân
sách Nhà nước (NSNN) cũng như quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế đối
ngoại; góp phần quan trọng làm ổn định tình hình kinh tế- xã hội, tạo ra
những tiền đề cần thiết để chuyển nền kinh tế sang một thời kỳ phát triển
mới “ Thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và
hội nhập kinh tế trong khu vực ASEAN nói riêng, đặc biệt là khi tham gia
khu vực mậu dịch tự do ASEAN- AFTA và tương lai là gia nhập Tổ chức
thương mại thế giới WTO, chính sách thuế nhập khẩu ở nước ta đã bộc lộ
nhiều tồn tại, gây thất thu lớn cho NSNN và hạn chế kết quả của tiến trình
hội nhập.
Vì vậy, việc lựa chọn đề tài: “ Hoàn thiện chính sách thuế nhập
khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ” trong
bối cảnh hiện nay để nghiên cứu là việc làm cần thiết.
Nội dung nghiên cứu của chuyên đề bao gồm 3 chương:
Chương I: Thuế nhập khẩu với hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương II: Thực trạng chính sách thuế nhập khẩu ở Việt Nam.
Chương III: Hoàn thiện chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam đáp
ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
CHƯƠNG I
THUẾ NHẬP KHẨU VỚI HỘI NHẬP KINH TẾ
QUỐC TẾ
1.1.Tổng quan về thuế nhập khẩu.
1.1.1. Bản chất của thuế nhập khẩu.
a. Khái niệm.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng, thuế ra
đời là đòi hỏi cần thiết khách quan gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát
triển của Nhà nước. Để có nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu ( chi
cho việc duy trì và củng cố bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương
thuộc phạm vi lãnh thổ mà Nhà nước đó đang cai quản; chi cho các công
việc thuộc chức năng của Nhà nước như: quốc phòng, an ninh, xây dựng và
phát triển các cơ sở hạ tầng; chi cho các vấn đề phúc lợi công cộng.v.v...),
Nhà nước sử dụng ba hình thức động viên là: quyên góp của dân, vay dân
và dùng quyền lực bắt dân phải đóng góp. Trong đó, hình thức quyên góp
và vay của dân là những hình thức không mang tính ổn định lâu dài,
thường chỉ được sử dụng giới hạn trong những trường hợp đặc biệt. Để đáp
ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên, Nhà nước dùng quyền lực chính trị
buộc dân phải đóng góp. Đây chính là hình thức cơ bản nhất để huy động
tập trung nguồn tài chính Nhà nước. Hình thức này gọi là Thuế.
Từ những nội dung trên, chúng ta có thể nêu một khái niệm tổng
quát về thuế như sau: Thuế là khoản đóng góp bắt buộc do Nhà nước quy
định đối với các tổ chức và các nhân trong xã hội nhằm sử dụng cho mục
đích chung của toàn xã hội.
Thuế nhập khẩu là một phần thu nhập được tạo ra từ các hoạt động
nhập khẩu mà các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhập khẩu có nghĩa
vụ phải đóng góp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật thuế nhập
khẩu , nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cũng như các chính sách của Nhà
nước.
Nói cách khác, thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào mỗi đơn vị
hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào lãnh thổ của quốc gia hoặc từ khu
chế xuất xuất vào thị trường thuộc lãnh thổ của quốc gia đó.
b. Bản chất.
Thuế nhập khẩu là loại thuế gián thu, đánh vào hàng hóa nhập khẩu,
làm tăng chi phí của việc đưa hàng hoá đến một quốc gia. Người tiêu dùng
hàng hoá phải gánh chịu loại thuế này.
Nghiên cứu bản chất của thuế nhập khẩu, chúng ta có thể rút ra một
số kết luận sau:
Thứ nhất, thuế nhập khẩu là phần thu nhập được tạo ra từ các hoạt động
nhập khẩu.
Thứ hai, việc xây dựng thuế suất thuế nhập khẩu phải đảm bảo giải quyết
hài hoà quan hệ lợi ích kinh tế giữa Nhà nước với các doanh nghiệp tham
gia hoạt động nhập khẩu.
Thứ ba, thuế suất thuế nhập khẩu được xây dựng ở mức thấp nhưng hợp lý.
Thứ tư, chính sách thuế nhập khẩu của Nhà nước phải đảm bảo tính khả
thi và tính hiệu quả.
1.1.2. Những đặc điểm của thuế nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu là một loại thuế nên cũng mang các đặc điểm của
thuế nói chung:
Thứ nhất, mang tính quyền lực Nhà nước.
Đặc điểm này được thể chế hóa trong hiến pháp của mỗi quốc gia.
Đối với mỗi quốc gia, việc đóng thuế cho Nhà nước được coi là một trong
những nghĩa vụ bắt buộc của các tổ chức kinh tế và của mỗi công dân cho
Nhà nước. Các tổ chức kinh tế và công dân thực hiện nghĩa vụ thuế theo
các luật thuế cụ thể được cơ quan quyền lực tối cao ở quốc gia đó quy định
phù hợp với các hoạt động và thu nhập của từng tổ chức kinh tế và công
dân. Tổ chức và cá nhân nào không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình,
tức là họ đã vi phạm pháp luật của quốc gia đó.
Đặc điểm này phân biệt sự khác nhau giữa thuế với các khoản đóng
góp mang tính tự nguyện cho NSNN và thuế với các khoản vay mượn của
Chính phủ.
Thứ hai, thuế nhập khẩu là khoản đóng góp bắt buộc cho Nhà nước và
không mang tính hoàn trả trực tiếp.
Khác với các khoản vay, Nhà nước thu thuế từ các tổ chức kinh tế và
các cá nhân nhưng không phải hoàn trả lại trực tiếp cho người nộp thuế sau
một khoảng thời gian với một khoản tiền mà họ đã nộp vào NSNN. Số tiền
thuế thu được, Nhà nước sẽ sử dụng cho các chi tiêu công cộng, phục vụ
cho các nhu cầu của Nhà nước và của mọi cá nhân trong xã hội. Mọi các
nhân, người có nộp thuế cho Nhà nước cũng như người không nộp thuế,
người nộp nhiều cũng như người nộp ít đều bình đẳng trong việc nhận được
các phúc lợi công cộng từ phía Nhà nước. Số tiền thuế mà các đối tượng
phải nộp cho Nhà nước được tính toán không dựa trên khối lượng lợi ích
công cộng họ nhận được mà dựa trên những hoạt động cụ thể và thu nhập
của họ.
Đặc điểm này giúp phân biệt thuế với phí và lệ phí.
Thứ ba, chứa đựng các yếu tố kinh tế - xã hội.
Tuy thuế được coi là biện pháp tài chính mang tính chất bắt buộc của
Nhà nước, nhưng sự bắt buộc đó luôn được xác lập dựa trên nền tảng của
các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quan hệ kinh tế thế giới.
Nó thể hiện ý chí chủ quan của Nhà nước về việc muốn khuyến khích hay
hạn chế sự phát triển của bất cứ ngành nào hoặc lĩnh vực nào trong toàn bộ
nền kinh tế. Bên cạnh đó, thuế còn là công cụ để thực hiện việc kiểm tra,
kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu còn có các đặc điểm riêng của nó. Cụ thể là:
Thứ nhất, thuế nhập khẩu chỉ đánh vào hàng hoá và dịch vụ nhập
khẩu.
Thuế nhập khẩu chỉ đánh vào hàng hoá nhập khẩu ở khâu nhập khẩu
và hàng hoá từ khu chế xuất đưa vào thị trường trong nước, không thu vào
hàng hoá sản xuất hoặc lưu thông khác ở trong nước ( khác với thuế nhập
khẩu, thuế giá trị gia tăng cũng là một loại thuế gián thu nhưng thu cả vào
hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá sản xuất hoặc lưu thông trong nước ).
Mọi hàng hoá được phép nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt
Nam, hàng hoá từ khu chế xuất đưa vào thị trường trong nước đều là đối
tượng chịu thuế nhập khẩu. Ngoài những đối tượng nêu trên, số còn lại sẽ
không chịu sự tác động của loại thuế này.
Thứ hai, thuế nhập khẩu là loại thuế gián thu.
Thuế gián thu là loại thuế mà đối tượng nộp thuế có thể chuyển dịch
số thuế mình đã nộp cho Nhà nước sang cho một đối tượng khác. Điều đó
có nghĩa là người tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu phải gánh chịu loại thuế
này. Người nộp thuế nhập khẩu nếu không đồng thời là người tiêu dùng
hàng hoá nhập khẩu thì không phải gánh chịu mà chỉ nộp thuế thay cho
người tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu đó.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu đã chuyển
dịch số thuế phải nộp sang cho người tiêu dùng chịu. Nói cách khác, người
nộp thuế và người chịu thuế không đồng thời là một. Người nộp thuế là
người kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu, còn người chịu thuế là người
tiêu dùng các hàng hoá đó. Nhà kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu đứng
ra thu hộ thế cho Nhà nước và nộp hộ người tiêu dùng số thuế thu được vào NSNN.
Thứ ba, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Khác với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, trong cơ chế kinh tế thị
trường, Nhà nước không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động kinh tế - xã
hội bằng các mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó, Nhà nước thực hiện điều
tiết nền kinh tế ở tầm vĩ mô, tức là Nhà nước chỉ đưa ra các chuẩn mực
mang tính định hướng lớn trên một diện rộng và bằng các công cụ đòn bẩy
để hướng các hoạt động xã hội đi theo nhằm đật được các mục tiêu đề ra,
tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh tế - xã hội được thực hiện
trong khuôn khổ luật pháp.
Nhà nước sử dụng nhiều công cụ để quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh
tế như các công cụ tài chính, tiền tệ, tín dụng… Trong đó, thuế được coi là
một trong những công cụ sắc bén nhất. Bằng việc ban hành hệ thống Luật
thuế, Nhà nước sẽ quy định việc đánh thuế hoặc không đánh thuế, đánh
thuế với thuế suất cao hoặc thuế suất thấp vào các ngành nghề, các mặt
hàng cụ thể thuộc lĩnh vực nhập khẩu nhằm thực hiện chính sách thương
mại quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; thông qua đó mà tác động và làm
thay đổi mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường, nhằm góp phần điều
tiết vĩ mô.
Thứ tư, thuế nhập khẩu chỉ do cơ quan Hải quan thu, cơ quan thuế các
cấp không thu ( thuế GTGT, thuế TTĐB vừa do cơ quan hải quan thu vừa
do cơ quan thuế thu; thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân,
thuế môn bài… chỉ do cơ quan thuế các cấp thu ), nhằm gắn công tác quản
lý thu thuế nhập khẩu với công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động
nhập khẩu.
1.1.3. Vai trò của thuế nhập khẩu.
Thứ nhất, thuế nhập khẩu đóng vai trò là nguồn thu quan trọng của
ngân sách Nhà nước.
Nhà nước ra đời, dựa vào quyền lực chính trị của mình, Nhà nước đã
đặt ra các thứ thuế để bắt buộc các thành viên trong xã hội đóng góp một
phần thu nhập của họ cho Nhà nước. Nhờ có khoản đóng góp đó, bộ máy
Nhà nước mới tồn tại và hoạt động được.
Lịch sử phát triển của ngành thuế qua các thời kỳ đã cho thấy: Tỷ
trọng thu bằng thuế chiếm phần lớn trong tổng thu NSNN, tỷ trọng này
thường chiếm tới trên 90% tổng số thu, trong đó, thuế nhập khẩu đóng vai
trò là một nguồn thu quan trọng.
Vai trò truyền thống của thuế quan là động viên một phần thu nhập
cho NSNN từ hoạt động ngoại thương. Tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế
đối ngoại và quan điểm sử dụng thuế quan của mỗi nước mà thuế quan có
vai trò khác nhau trong việc tạo lập nguồn thu cho NSNN.
Đối với các nước phát triển, số thu từ thuế nhập khẩu chiếm một tỷ
lệ không đáng kể trong tổng thu NSNN ( 1%-5% ). Còn ở các nước đang
phát triển thì thuế nhập khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đem
lại nguồn thu cho NSNN. Đối với Việt Nam, nguồn thu từ thuế xuất, nhập
khẩu chiếm khoảng 19%-20% tổng số thu về thuế và phí của Nhà nước; số
thu này có xu hướng giảm dần do việc Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế
suất thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế kể từ năm 1999.
Thứ hai, là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, kiểm soát và điều tiết đối với
hoạt động nhập khẩu hàng hóa.
Để quản lý hoạt động ngoại thương, Nhà nước đã sử dụng nhiều
công cụ khác nhau trong đó có thuế nhập khẩu. Đây được coi là một trong
những công cụ hữu hiệu nhất. Thông qua thuế nhập khẩu, Nhà nước có thể
tác động một cách trực tiếp vào hoạt động nhập khẩu của quốc gia bằng
cách thay đổi mức thuế suất đối với từng mặt hàng, từ đó có thể điều chỉnh
cơ cấu nhập khẩu theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mình
trong từng giai đoạn phát triển. Nhà nước sử dụng thuế nhập khẩu để điều
tiết hoạt động nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại quốc tế, tăng dự trữ
ngoại tệ cho đất nước, thực hiện chiến lược phát triển kinh đối ngoại.
Thứ ba, thuế nhập khẩu giữ vai trò bảo hộ sản xuất trong nước.
Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội thế giới đã chứng minh rằng: cho đến
nay, không một quốc gia nào là không sử dụng công cụ thuế quan để bảo
hộ sản xuất trong nước, giữa các nước chỉ khác nhau về mức độ bảo hộ mà
thôi. Ở các nước phát triển, người ta hạ thấp hoặc xoá bỏ hàng rào thuế
nhập khẩu; còn ở các nước đang phát triển thì hoàn toàn ngượcc lại, thuế
nhập khẩu lại được sử dụng như một hàng rào đắc lực nhất che chắn cho
sản xuất trong nước phát triển, chống lại sự cạnh tranh và thâm nhập của
hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài tràn vào.
Thuế nhập khẩu là một bộ phận cấu thành trong giá cả hàng hoá
nhập khẩu. Vì vậy, việc quy định thuế suất thuế nhập khẩu cao hay thấp có
ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong
nước. Đồ thị dưới đây sẽ minh hoạ rõ hơn cho những tác động ấy:
Giả sử một quốc gia A nào đó đứng trước một mức giá quốc tế Pw
của sản phẩm X, theo đó quốc gia A có thể mua bao nhiêu sản phẩm X từ
nước ngoài. Các đường D, S biểu thị mức cầu của người tiêu dùng quốc gia
A về sản phẩm X và mức cung sản phẩm X của các nhà sản xuất ở quốc gia
A. Ta giả thiết rằng, sản phẩm X nội địa và sản phẩm X nước ngoài hoàn
toàn có thể thay thế cho nhau, người tiêu dùng chắc chắn sẽ mua loại nào
có giá bán rẻ hơn.
Tại mức giá Pw, người tiêu dùng quốc gia A sẽ mua Qd sản phẩm X
( họ muốn ở điểm G trên đường cầu D ), trong khi các doanh nghiệp nội
địa chỉ sản xuất Qs sản phẩm X ( họ muốn tại điểm C trên đường cung S ).
Do vậy, sẽ có sự chênh lệch giữa mức cung trong nước Qs và mức cầu
trong nước Qd, mức chênh lệch này được bù đắp thông qua nhập khẩu
hàng hoá.
Bây giờ, chính phủ quốc gia A đánh thuế Nhập khẩu đối với sản
phẩm X là t%. Sau khi có thuế, giá sản phẩm X sẽ là Pt : Pt = Pw ( 1+ t
% ) cao hơn Pw.
Như vậy, ảnh hưởng của thuế nhập khẩu là nâng giá hàng hoá nước
ngoài nhập khẩu cao hơn mức giá quốc tế.