Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Dấu ấn văn hóa miền núi trong văn xuôi của đỗ bích thủy
PREMIUM
Số trang
133
Kích thước
1.5 MB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1015

Dấu ấn văn hóa miền núi trong văn xuôi của đỗ bích thủy

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

ĐINH THỊ THU HOÀI

DẤU ẤN VĂN HÓA MIỀN NÚI

TRONG VĂN XUÔI CỦA ĐỖ BÍCH THÚY

Chuyên ngành : Văn học Việt Nam

Mã số : 60.22.34

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Đà Nẵng - Năm 2012

Công trình được hoàn thành tại

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ THỊ HƯỜNG

Phản biện 1: TS. TÔN THẤT DỤNG

Phản biện 2: TS. CAO THỊ XUÂN PHƯỢNG

Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn

thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp tại Đại học

Đà Nẵng vào ngày 01 tháng 12 năm 2012.

* Có thể tìm hiểu luận văn tại:

- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng

- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

1.1. Miền núi luôn là vùng đất lí tưởng cho văn chương nghệ

thuật đào sâu, khai thác. Lịch sử văn học từ rất sớm, đã ghi nhận

thành tựu của những cây bút viết về miền núi như Lan Khai, Nguyên

Ngọc, Tô Hoài , Ma Văn Kháng… Tiểu thuyết của Lan Khai đã góp

công “khai phá, vạch lau rẽ cỏ cho cánh rừng già”. Tiếp đó, Tô Hoài,

Nguyên Ngọc đã ngược lên miền cao và ra đời hàng loạt tác phẩm.

Chính họ đã làm nên bước tiến của văn xuôi viết về miền núi.

Sau năm 1975, văn học vùng cao đã bước sang một trang

mới. Văn học đề tài miền núi lúc này đã có sự góp sức của những con

người đại diện cho sức trẻ như: Vũ Xuân Tửu, Đỗ Bích Thúy, Sa

Phong Ba, Cao Duy Sơn, Niê Thanh Mai, Linh Nga Niê Kdăm, Hlinh

Niê, Phạm Duy Nghĩa..., trong đó có cả những cây bút là người dân

tộc thiểu số. Các sáng tác về đời sống vùng cao đã đạt được một số

những thành tựu đáng kể. Văn xuôi về đề tài miền núi đã góp một

phần không nhỏ trong việc đa dạng hoá đề tài, làm phong phú diện

mạo văn học Việt Nam đương đại.

1.2. Đỗ Bích Thúy là một trong những nhà văn đại diện cho

sức trẻ của miền núi. Sinh ra và lớn lên vào thời đại nhịp sống hối hả

quay cuồng nhưng vùng cao vẫn luôn là tiếng gọi không ngừng thôi

thúc trái tim chị tìm về và cống hiến. Bằng tài năng và tâm huyết của

mình, Đỗ Bích Thuý đã lần lượt cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm

có giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật sáng tác. Viết về chính quê

hương máu thịt của mình, văn xuôi của Đỗ Bích Thuý kết tinh những

nét đặc sắc về con người và văn hoá miền núi.

Tìm hiểu Dấu ấn văn hoá miền núi trong văn xuôi Đỗ

Bích Thúy là công việc có ý nghĩa trong việc khẳng định một tên

tuổi đã cống hiến hết mình cho vùng đất phía Tây Bắc tổ quốc. Qua

đó, chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn, hiểu sâu sắc hơn về con người và

văn hóa miền núi, tạo thuận lợi để tiếp cận và hiểu rõ hơn về một

vùng văn học dân tộc.

2. Lịch sử vấn đề

2.1. Những công trình, bài báo đề cập đến yếu tố văn hóa

trong văn học về đề tài miền núi

Phạm Duy Nghĩa trong bài Cốt truyện trong văn xuôi dân tộc

và miền núi in trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 11 năm 2008, đã

khái quát rất rõ về vấn đề cốt truyện trong văn xuôi viết về đề tài

miền núi. Sau đó, ở bài viết Diện mạo văn xuôi đương đại về dân tộc

và miền núi của tác giả Phạm Duy Nghĩa trên Tạp chí Văn nghệ quân

đội cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2010, các tác giả Đỗ Bích Thúy,

Cao Duy Sơn, Bùi Thị Như Lan đã được đề cập đến như các thành

viên trong hàng ngũ nhà văn đương đại Việt Nam. Tác giả Đặng Văn

Lung trong bài viết: Giữ gìn và phát triển văn nghệ truyền thống của

các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chỉ rõ thấy tầm quan trọng cuả nền

văn hóa các dân tộc thiểu số và vấn đề được đặt ra ở đây là cần phải

giữ gìn và phát huy nó. Đinh Văn Định trong bài viết Văn học các

dân tộc thiểu số mười năm qua với vấn đề truyền thống và hiện đại

(Tạp chí văn học 5/1986) khẳng định tầm vóc và sức sống của nền

văn học dân tộc thiểu số trong sự gắn bó mật thiết với văn hóa dân

tộc. Ở bài viết Về bản sắc dân tộc trong sáng tác của các nhà thơ

dân tộc thiểu số (in trên Tạp chí Văn hóa dân gian các dân tộc ít

người ở Việt Nam, 1993), tác giả Nguyễn Duy Bắc đã chỉ ra hai đặc

trưng cơ bản của văn hóa- văn học hiện đại của các dân tộc thiểu số

đó là : “Sự gắn bó hết sức sinh động, sâu sắc và rõ nét bản sắc dân

tộc trong sáng tác nghệ thuật”.

2.2. Những công trình, bài báo đề cập dấu ấn văn hóa miền

núi trong văn xuôi của Đỗ Bích Thúy

Tạp chí Văn nghệ quân đội, số ra ngày 27/6/2009, nơi Đỗ

Bích Thúy công tác, cũng đã từng nhận định rằng từ cuộc sống yên ả

thanh bình của những con người chân chất vùng cao, bằng đời văn

quan sát tinh tế và những rung cảm chân thật của lòng mình, Đỗ Bích

Thúy góp nhặt để làm nên Vẻ đẹp một cây bút vùng cao (Bình

NguyênTrang, Blog Yahoo!360, 07/07/2006).

Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, trong cảm nhận “Từ

truyện ngắn một người viết trẻ” qua Lời giới thiệu tập truyện ngắn

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy đã sớm phát hiện cái

mạch nguồn chảy tràn qua mỗi sáng tác của nhà văn nữ này. Mặc dù

Lê Thành Nghị không đi sâu vào nghiên cứu tác phẩm của Đỗ Bích

Thúy dưới góc nhìn văn hóa nhưng đã chỉ ra những đối tượng mà

sáng tác của Đỗ Bích Thúy thường hướng tới. Đó là một bức tranh

văn hóa miền núi phong phú. Theo Nguyễn Xuân Thuỷ trong bài Nhà

văn Đỗ Bích Thuý và một miền kí ức: “Quê hương luôn là vùng miền

lưu dấu, mang sắc màu chủ đạo của ký ức, gắn với mỗi người như

một sợi dây vô hình. Với Đỗ Bích Thúy, thì còn một sợi dây hữu

hình là căn nhà mái ngói rêu phong trong thung lũng ba mặt là núi,

một mặt là sông ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Nơi ấy có bản người

Dao, người Tày, có những người phụ nữ Mông nhẫn nại và cam chịu

đã đi vào những trang văn của chị” (www.anninhthudo.vn, ngày đăng

26/09/2011).

Trong bài viết Đọc tiểu thuyết Bóng của cây sồi của Đỗ Bích

Thuý, Nguyễn Thị Thu Hiền nhận định: “Phải sống, cảm nhận sâu sắc

đời sống, tâm hồn người dân miền núi, hiểu đồng bào như hiểu mình

mới có được những dòng như vậy- những dòng như viết cho chính

mình, cho dân tộc mình chứ không phải đứng trong vai dân tộc khác

nhìn vào” (http//: www.vanchuongviet.org, ngày đăng 06/03/2006).

Dẫu có nhiều bài viết đề cập đến văn hoá miền núi trong tiểu

thuyết và truyện ngắn Đỗ Bích Thuý, nhưng chưa có công trình nào

nghiên cứu một cách hệ thống về Dấu ấn văn hoá miền núi trong văn

xuôi Đỗ Bích Thuý.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là văn xuôi (chủ yếu là

tiểu thuyết và truyện ngắn) viết về miền núi của Đỗ Bích Thuý, cụ

thể là các tác phẩm sau đây: Tiểu thuyết Bóng của cây sồi; Truyện

vừa Người đàn bà miền núi, Các tập truyện ngắn Sau những mùa

trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Tiếng đàn môi sau bờ

rào đá, Mèo đen và khảo sát thêm Tạp văn Trên căn gác áp mái .

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Trọng tâm nghiên cứu của luận văn là biểu hiện của văn hoá

miền núi trong tác phẩm của Đỗ Bích Thuý trên bình diện cảm quan

hiện thực và con người lẫn phương thức biểu hiện. .

4. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp hệ thống- cấu trúc:

- Phương pháp so sánh (đồng đại, lịch đại

5. Đóng góp của đề tài

- Luận văn góp phần cung cấp một cái nhìn rõ nét, hệ thống

hơn về con người và văn hóa miền núi trong tác phẩm của Đỗ Bích

Thuý.

- Khẳng định phong cách của một nhà văn nữ tâm huyết với

đề tài miền núi; sự đóng góp của Đỗ Bích Thuý vào thành tựu của

văn học miền núi sau 1975.

6. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung

chính của luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Văn xuôi Đỗ Bích Thúy- những trang viết về núi

rừng

Chương 2: Cảm quan về con người và văn hóa miền núi

trong văn xuôi Đỗ Bích Thúy

Chương 3: Nghệ thuật thể hiện con người và văn hóa miền

núi trong văn xuôi Đỗ Bích Thúy

Chương 1

VĂN XUÔI ĐỖ BÍCH THUÝ

– NHỮNG TRANG VIẾT VỀ NÚI RỪNG

1.1. Đỗ Bích Thúy – người con của núi

Nhà văn Đỗ Bích Thúy quê gốc ở tỉnh Nam Định. Chị sinh

vào ngày 13 tháng 4 năm 1975, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Lớn lên trong một vùng văn hóa với điệp trùng núi cao, cây cỏ, hoa

lá, thiên nhiên núi rừng hoang dã đã trở thành một phần tâm hồn của

nhà văn và qua tâm hồn tinh tế và chan chứa yêu thương của chị đã đi

vào văn chương làm nên một bức tranh vô cùng đặc sắc.

Nặng món nợ ân tình với mảnh đất Hà Giang, Đỗ Bích Thúy

đã viết như một nhu cầu cần thiết của nội tâm. Hơn ai hết chị hiểu

quê mình, thấu hiểu người dân quê mình, hiểu để rồi thể hiện bằng

cách trải lòng mình trên từng trang viết.

Nếu như Tô Hoài là nhà văn Hà thành viết về Tây Bắc,

Nguyên Ngọc là nhà văn đất Quảng viết về Tây Nguyên thì Đỗ Bích

Thúy là đứa con của núi viết về quê hương mình; giữa lòng thủ đô Hà

Nội chị vẫn viết “dưới bóng cây sồi”, viết bằng tâm huyết, bằng tấm

lòng người con hướng về quê mẹ.

1.2. Mảnh đất Hà Giang- ngọn nguồn sáng tạo trong văn xuôi Đỗ

Bích Thuý

Những năm gần đây, việc phân vùng văn hóa trong lãnh thổ

Việt Nam được nhiều học giả bàn đến .Trong đó, cách phân chia sáu

vùng của Trần Quốc Vượng được xem là hợp lí nhất. Theo sự phân

chia này thì Hà Giang nằm trong vùng văn hóa Việt Bắc. Đây là

vùng núi non hiểm trở bên tả ngạn sông Hồng. Cư dân của vùng chủ

yếu là người Tày, Nùng trong trang phục giản dị, với lễ hội Lồng

Tồng nổi tiếng.

Hà Giang là một vùng đất với đặc trưng là đồi núi thấp, các

dãy núi hình cánh cung, diện tích đất rộng lớn. Tuy là vùng còn rất

nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng đây cũng chính là mảnh đất được

thiên nhiên vô cùng ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều

núi cao, nhiều hang động độc đáo.

Am hiểu đời sống cư dân ở Hà Giang, những trang viết của

Đỗ Bích Thuý thấm đẫm tình người và đa dạng các vùng văn hoá. Từ

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo; Lễ hội cầu mùa của dân tộc

Dao. Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông

đến nhưng phong tục, tập quán; trang phục, ẩm thực… ở mảnh đất

Hà Giang đều hiện lên sinh động qua những trang văn mượt mà của

nhà văn. Đỗ Bích Thuý đã bắc một cây cầu nối hai vùng xuôi- ngược,

đưa độc giả đến khám phá một vùng văn hóa điệp trùng núi cao cây

cỏ, hoa lá, hoang sơ và hùng vĩ.

1.3. Hành trình sáng tác của Đỗ Bích Thúy

Đỗ Bích Thúy là thế hệ nhà văn trẻ khám phá và đưa bức

tranh miền núi rực rỡ sắc màu bước vào văn học sau những năm

1975. Năm 19 tuổi, Đỗ Bích Thúy đã bén duyên văn chương bằng

truyện ngắn đầu tay Chuỗi hạt cườm màu xám in trên Báo Tiền

Phong. Truyện ngắn đầu tiên có vai trò như một cú hích và là bước

ngoặt quan trọng, đã mở ra cho đời chị một hướng đi mới để trở

thành nhà báo, nhà văn.

Cho đến nay, Đỗ Bích Thuý đã có trong tay số lượng tác

phẩm tương đối nhiều như tập truyện ngắn Sau những mùa trăng

(2001), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời (2002), Tiếng đàn môi

sau bờ rào đá (2005) và tập truyện vừa Người đàn bà miền núi

(2008)… Mỗi tác phẩm của Đỗ Bích Thuý là một tiếng lòng, một sợi

dây gắn chặt tâm hồn nhà văn với quê hương. Nó gánh được linh

hồn, dáng vóc, hơi thở, màu sắc, mùi vị... của miền núi cao; Nó là

một bức thông điệp chuyển tải được nhiều nhất những điều tôi muốn

nói, cũng như những dấu ấn cá nhân, khát vọng và tấm tình của một

đứa con đã đi ra khỏi nhà”.

Bóng của cây sồi là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đỗ Bích

Thuý. Tác phẩm đã đoạt giải ba cuộc thi Văn học cho tuổi trẻ do

NXB Thanh niên và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2005. Bóng

của cây sồi phản ánh đời sống của người Dao trong sự xâm lấn của

kinh tế thị trường.

Về sau Đỗ Bích Thúy lại tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập

truyện ngắn Mèo đen (2011). Tác phẩm vẫn đề cập đến hiện thực

cuộc sống nơi vùng cao đá núi và thông điệp mà chị muốn nhắn nhủ

là: sự phát triển của xã hội vùng cao đang có nguy cơ, nhuốm màu

sắc thị trường. Cần phải có một giải pháp cho sự phát triển bền vững,

để hiện đại tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc vùng

miền.

Đỗ Bích Thúy cũng viết sách cho thiếu nhi. Chị cho ra mắt

bạn đọc cuốn sách có nhan đề Em Béo và hội Cầu Vồng. Tác phẩm

chỉ gần trăm trang gồm những mẩu chuyện nho nhỏ về hội Cầu

Vồng. Trong hội gồm sáu bạn nhỏ lớp 2, trong đó có Em Béo, anh

chàng duy nhất của hội. Vui có, buồn có, dở khóc dở cười cũng có,

tác phẩm "nói" bằng tâm hồn và suy nghĩ của chính trẻ con này có

thể gợi mở nhiều điều về sự khơi dậy của dòng văn học viết cho thiếu

nhi hôm nay…

Tạp văn của Đỗ Bích Thuý cũng tập trung viết về miền núi,

về những trăn trở trước những vấn đề thời sự ở một vùng văn hóa hóa

mới. Đọc Trên căn gác áp mái của Đỗ Bích Thúy gần đây ta có thể

hiểu được phần nào suy tư của một nhà văn nữ. “Quê hương bản

quán và trách nhiệm, tấm lòng của mỗi cá nhân” là vấn đề được lặp

lại nhiều lần trong sách.

Đỗ Bích Thúy cũng thử sức mình trong lĩnh vực làm kịch

bản sân khấu.Vở diễn Diễm 500 USD của chị do Nhà hát Tuổi trẻ dàn

dựng, khi ra mắt công chúng cũng đã nhận được sự đón chào vô cùng

nồng nhiệt.

Trong hành trình sáng tác, Đỗ Bích Thúy vẫn luôn thủy

chung với đề tài miền núi. Đã từng thừa nhận mình là nhà văn “viết

không mới, viết những điều gần như đã cũ” nhưng phải thừa nhận

rằng tác phẩm viết về miền núi của chị không hoang sơ, huyền bí,

hoang đường như truyện đường rừng trước 1945; không đậm chất sử

thi như văn học viết về miền núi từ 1945- 1975, mà ngồn ngộn bao

nhiêu chất liệu đời thường, ngòi bút nhà văn đã khơi sâu vào thế giới

đời tư phong phú.

Nhìn chung, văn xuôi của Đỗ Bích Thúy đều thể hiện ý thức:

trang viết phải không chỉ mang theo không chỉ hơi thở đời sống mà

còn mang theo một vùng văn hóa.

Chương 2

CẢM QUAN VỀ CON NGƯỜI VÀ VĂN HOÁ MIỀN NÚI

TRONG VĂN XUÔI CỦA ĐỖ BÍCH THUÝ

2.1. Con người miền núi- một biểu hiện của văn hoá vùng cao

2.1.1. Vẻ đẹp văn hoá của con người miền núi

2.1.1.1. Trong các mối quan hệ nghĩa tình

Trong tình yêu, hôn nhân, gia đình người miền núi thể hiện

vẻ đẹp chân chất. Tác phẩm của Đỗ Bích Thúy đề cập nhiều đến vẻ

đẹp của văn hóa trong tình yêu, đến những con người thiếu thốn,

khốn khổ về thân xác nhưng hơi ấm hạnh phúc của tình yêu vẫn soi

sáng và nâng niu họ vượt qua mọi gian nan để vươn lên, sinh tồn. Cột

đá treo người có những giây phút tràn ngập trong hạnh phúc tình yêu.

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá có những run rẩy, ngập ngừng của tình

yêu. Từ quan niệm về tình yêu, hôn nhân của mình, con người miền

núi đã tạc riêng một tính cách cao đẹp, có nhiều điều đáng phải trân

trọng và phát huy trong đời sống xã hội hiện nay.

Không chỉ đẹp trong tình yêu hôn nhân, người vùng cao

luôn sẵn lòng dành cho người thân của mình những tình cảm dạt dào,

sâu thẳm (Giống như cái cối nước). Không chỉ có tình cảm yêu

thương giữa cha mẹ với con đẻ, ngòi bút của Đỗ Bích Thúy còn đưa

bạn đọc đến với tình cảm của người cha, người mẹ đối với những đứa

con riêng của vợ, chồng mình (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Gió

không ngừng thổi). Đến cả mối quan hệ cũng không kém phần phức

tạp như quan hệ chị dâu em chồng cũng được Đỗ Bích Thúy thể hiện

qua cái nhìn nhân hậu (Lặng yên dưới vực sâu).

Đối với cộng đồng, người miền núi còn rất đẹp ở tấm lòng

hiếu khách. Một người khách đến nhà, dù xa hay gần, thân hay sơ

cũng đều được chào đón một cách nồng nhiệt (Mần tang mọc trong

thung lũng). Sự mến quý khách không chỉ xuất hiện ở vùng đồng bào

dân tộc phía Bắc mà dường như là đặc trưng của tất cả những người

dân tộc thiểu số trên khắp đất nước Việt Nam. Với người Tây

Nguyên, có một người khách đến cả làng rộn ràng lắm, khách được

coi như là khách của cả làng. Người vùng cao nương náu thân mình

giữa đại ngàn hoang vu, cây rừng, gió núi. Họ làm bạn với muông

thú và cây rừng. Có khách đến, thì vui lắm, mừng lắm, cả nhà phải

vui lên thôi, để khách được ấm lòng khi ra về và sớm có ngày quay

lại. Từ cách cư xử thường ngày của mình, con người miền núi đã tạo

ra được một nét đặc trưng rất riêng, rất đẹp, không lẫn vào đâu được.

Sống trong đá, chết cũng vùi trong đá, từ đá núi gian nan

vươn lên để sinh tồn, người miền núi dành rất nhiều tình cảm cho

hàng xóm láng giềng để cùng nương tựa lẫn nhau trong hoàn cảnh

khắc nghiệt để tồn tại và phát triển (Gió không ngừng thổi, Mần tang

mọc trong thung lũng).

Không chỉ đẹp trong mối quan hệ với người còn đang sống,

mà người miền núi còn rất tình nghĩa với cả những người đã khuất.

Khi một gia đình trong bản có tang thì quan tài được giữ lại trong nhà

để thể hiện niềm thương tiếc của người sống dành cho người chết

(Bóng của cây sồi, Như một con chim nhỏ, Đêm cá nổi)…

2.1.1.2. Trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

Con người miền núi sống giữa núi cao vực sâu hòa mình vào

thiên nhiên cây cỏ. Họ dựa vào thiên nhiên mà lao động, mà chiến

đấu để sinh tồn. Thiên nhiên cũng đóng góp một phần nuôi dưỡng thể

chất, bồi đắp tình cảm và thanh lọc tâm hồn họ. Sự hùng vĩ, uy nghi

của núi rừng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của con người,

nhất là người đàn ông. Điều này ta có thể thấy rõ qua tiểu thuyết

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!