Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam
Chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
DANH NGỌC BÌNH
CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG
LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở KHI LY HÔN
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG
LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở KHI LY HÔN
Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng dân sự
Định hướng ứng dụng
Mã số: 60380103
Người hướng dẫn khoa học : TS. Lê Vĩnh Châu
Học viên : Danh Ngọc Bình
Lớp : Cao học Luật, Kiên Giang Khóa 1
TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2022
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn thạc sĩ “Chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử
dụng đất ở khi ly hôn” là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn
khoa học của của TS. Lê Vĩnh Châu. Nội dung Luận văn do tôi nghiên cứu và soạn
thảo một cách độc lập, không sao chép bất kỳ Luận án, Luận văn hay các loại văn
bản tương tự khác. Tất cả những nội dung tham khảo, kế thừa đều được trích dẫn và
tham chiếu đầy đủ. Các dữ liệu và thông tin trong Luận văn hoàn toàn trung thực.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về các cam đoan nêu trên của mình.
Tác giả
Danh Ngọc Bình
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
TT CHỮ ĐƯỢC VIẾT TẮT CHỮ VIẾT TẮT
1 Bộ luật Dân sự BLDS
2 Bộ luật Tố tụng dân sự Bộ Luật TTDS
3 Luật Hôn nhân và gia đình Luật HNGĐ
4
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày
15/5/2014 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đất đai
Nghị định 43/2014/NĐ-CP
5 Tòa án nhân dân TAND
6
Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLTTANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06
tháng 01 năm 2016 của Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi
hành một số quy định của Luật Hôn
nhân và gia đình
Thông tư liên tịch 01/2016/TTLTTANDTC-VKSNDTC-BTP
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. XÁC ĐỊNH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở LÀ TÀI SẢN CHUNG
CỦA VỢ CHỒNG.....................................................................................................7
1.1. Xác định quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ chồng căn cứ
vào nguồn gốc tài sản..........................................................................................7
1.2. Xác định quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ chồng căn cứ
vào thời kỳ hôn nhân........................................................................................13
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1........................................................................................22
CHƯƠNG 2. CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG THỨC CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA
VỢ CHỒNG LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở KHI LY HÔN ............................23
2.1. Căn cứ chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly
hôn......................................................................................................................23
2.2. Phương thức chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở
khi ly hôn ...........................................................................................................30
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2........................................................................................40
KẾT LUẬN..............................................................................................................41
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, là sự tự nguyện liên
kết bền vững giữa một người nam và một người nữ trên nguyên tắc hoàn toàn tự
nguyện, bình đẳng, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Sự tự nguyện này
với ý chí cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền
vững. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quan hệ hôn nhân chịu sự tác động của
nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đã không giữ được ý nghĩa như mong muốn
ban đầu dẫn đến đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt
được và xảy ra tình trạng ly hôn.
Kết hôn là một hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly
hôn là một hiện tượng bất bình thường, là mặt trái hôn nhân nhưng đó lại là mặt
không thể thiếu khi hôn nhân tan vỡ. Vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng thì ly hôn là
sự cần thiết cho cả hai, vì nó giải phóng cho hai vợ chồng, các con cũng như thành
viên khác trong gia đình khỏi mâu thuẫn, xung đột, bế tắc trong cuộc sống.
Khi ly hôn, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng chấm dứt đồng thời cũng đặt
ra các vấn đề về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng cần được giải quyết. Quyền sử
dụng đất ở với tư cách là quyền tài sản, được phép tham gia trong giao lưu dân sự,
từ đó phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan. Nội dung quyền này không chỉ được
quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, mà còn có
một số nội dung quy định khá cụ thể trong chế định ly hôn của Luật Hôn nhân và
gia đình năm 2014. Tuy nhiên do quyền sử dụng đất ở là một loại tài sản mang tính
chất đặc biệt, thường có giá trị thực tế và giá trị sử dụng lớn, có ý nghĩa quan trọng
trong khối tài sản chung của vợ chồng nên tranh chấp về tài sản chung là quyền sử
dụng đất ở khi ly hôn diễn ra khá phổ biến về số lượng và phức tạp về nội dung.
Thực tế giải quyết loại tài sản này trong những năm vừa qua cho thấy Toà án gặp
không ít khó khăn, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do
còn tồn tại một số bất cập từ pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng, trong đó
bao gồm chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở, như:
Một là, pháp luật quy định chưa cụ thể về xác định công sức đóng góp của vợ,
chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Đặc biệt là trường
hợp vợ chồng sống cùng gia đình khi ly hôn yêu cầu chia tài sản là nhà ở, quyền sử
dụng đất chung của gia đình.
2
Hai là, pháp luật hiện hành chưa quy định hình thức của thoả thuận phân chia
tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn là quyền sử dụng đất ở.
Ba là, nhận định của các cấp Tòa án chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong
việc chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở bằng hiện vật hay bằng
giá trị.
Bốn là, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở bằng hiện vật
vẫn còn một số vụ án áp dụng chưa thống nhất và đồng bộ. Trong đó, việc chia tài
sản chung của vợ chồng bằng hiện vật khi một bên là người nước ngoài vẫn còn
những tồn tại, hạn chế.
Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chia tài sản chung của vợ
chồng, trong đó cũng đã có các công trình nghiên cứu chuyên sâu về chia tài sản
chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tuy nhiên, số lượng công trình nghiên
cứu về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở chưa nhiều.
Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích để làm sáng tỏ những quy định của Luật
Hôn nhân và gia đình hiện hành về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử
dụng đất ở là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Từ thực tiễn nêu trên, tác giả chọn đề tài “Chia tài sản chung của vợ chồng là
quyền sử dụng đất ở khi ly hôn” để làm luận văn cao học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Qua tìm hiểu, thời gian qua việc nghiên cứu về đề tài “Chia tài sản chung của
vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn” đã được nhiều tác giả trong giới khoa
học pháp lý nói đến qua nhiều công trình, ở các cấp độ khác nhau như:
(i) Nhóm giáo trình và sách chuyên khảo
- Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Luật
Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam. Nội
dung của giáo trình có đề cập đến những vấn đề chung về hôn nhân và gia đình,
chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan đến
chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn. Công trình đã nêu ra những vấn
đề mang tính chất giáo khoa về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, đây là
nguồn tư liệu quan trọng để tác giả triển khai một số vấn đề cần nghiên cứu trong
luận văn của mình.
- Lê Vĩnh Châu (Chủ biên), (2018), Sách tình huống (bình luận bản án)
Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam. Cuốn sách
này là tập hợp những bản án, quyết định mà nhóm tác giả đã lựa chọn liên quan
3
đến những vấn đề pháp lý phát sinh trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, đặc biệt
là vấn đề liên quan phương thức chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, xác
định tài sản chung của vợ chồng do được tặng cho, xác định tài sản chung và tài
sản riêng khi giải quyết tranh chấp tài sản của vợ chồng. Đây là nguồn tài liệu có
giá trị thực tiễn cao và thật sự rất hữu ích cho người viết tham khảo trong quá trình
tham gia nghiên cứu.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình
Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân. Giáo trình cũng trình bày các vấn đề pháp lý cơ
bản về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói chung cũng như vấn đề chia
quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn. Tuy nhiên, nghiên cứu này hướng đến
việc phục vụ cho việc giảng dạy trong cơ sở đào tạo Luật, vì vậy chưa đánh giá thực
tiễn, chỉ ra bất cập, vướng mắc.
(ii) Nhóm bài viết nghiên cứu, bài báo trên tạp chí
Nguyễn Xuân Bình, Lê Vân Anh (2019), “Nguyên tắc chia tài sản chung của
vợ chồng khi ly hôn”, Tạp chí Tòa án nhân dân. Bài viết có nội dung phân tích quy
định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly
hôn, đồng thời chỉ ra những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Vũ Thị Thanh Huyền (2018), “Thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng khi
ly hôn”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 (318). Bài viết đã phân tích về chế định
thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng và phân chia tài sản chung của vợ
chồng khi ly hôn.
Đỗ Văn Nhật (2012), “Một số vấn đề về chia tài sản của vợ chồng khi ly
hôn”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 3 (240). Bài viết có phân tích quy định
pháp luật, nêu lên một số quan điểm liên quan đến chia tài sản của vợ chồng khi ly
hôn. Tuy nhiên, các vấn đề phân tích trên được thể hiện ở thời điểm Luật Hôn nhân
và gia đình năm 2000 có hiệu lực.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến những vấn đề pháp
lý cơ bản, nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong đó có
quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền sử dụng đất ở với những đặc điểm pháp lý riêng
được quy định tại Luật Đất đai lại chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết
với tư cách là một quyền tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được phân chia
như thế nào. Do đó, việc nghiên cứu chuyên sâu phạm trù quy định này sẽ tạo thuận
lợi nhất định, giúp cho quá trình xác định và phân chia tài sản chung của vợ chồng
khi ly hôn được giải quyết nhanh chóng, bảo vệ hài hòa lợi ích của các bên.
4
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Trên cơ sở phân tích lý luận, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật, chỉ ra bất
cập, vướng mắc về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly
hôn, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng
pháp luật về chia tài sản chung là quyền sử dụng đất ở của vợ chồng khi ly hôn.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Với mục đích nghiên cứu nêu trên, đề tài có nhiệm vụ phân tích, đánh giá làm
sáng tỏ các vấn đề sau:
- Phân tích, làm sáng tỏ các quy định pháp luật hiện hành về cách xác định tài
sản chung là quyền sử dụng đất ở của vợ chồng khi ly hôn; nguyên tắc chia tài sản
chung là quyền sử dụng đất ở của vợ chồng khi ly hôn;
- Phân tích, đánh giá về thực trạng áp dụng các quy định pháp luật hiện hành,
chỉ ra các bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về xác định, phân
chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn;
- Đề xuất một số quan điểm và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xác
định, phân chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là quy định của pháp luật về căn cứ, phương thức chia
tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn. Các quy định này
được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm
2014, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành về các luật trên.
Thực tiễn thi hành, vướng mắc, bất cập về việc chia tài sản chung của vợ chồng là
quyền sử dụng đất ở khi ly hôn qua các vụ án dân sự cũng được khắc họa để làm
căn cứ kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Công trình chỉ nghiên cứu về việc chia tài sản chung của vợ chồng là quyền
sử dụng đất ở khi ly hôn. Trọng tâm là ở quan điểm áp dụng pháp luật khi xét xử
của hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Nghiên cứu của tác giả dựa trên quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình
năm 2014 cùng văn bản hướng dẫn cho Luật này. Tuy nhiên để làm rõ hơn từng vấn
đề pháp lý nêu ra, tác giả có sử dụng quy định của pháp luật dân sự, pháp luật đất
đai cũng như các văn bản pháp luật hôn nhân và gia đình các giai đoạn trước đây
5
Về địa bàn, tác giả nghiên cứu ở nhiều địa phương khác nhau qua các vụ án
dân sự.
Phạm vi nghiên cứu về thời gian: Thực tiễn áp dụng pháp luật từ 2014 đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Đề tài được triển khai trên cơ sở vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp
nghiên cứu khoa học khác nhau như phương pháp phân tích, phương pháp diễn giải,
phương pháp so sánh, phương pháp chứng minh, phương pháp tổng hợp. Dựa trên
kết cấu thành hai chương của đề tài là xác định và phân chia tài sản chung của vợ
chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn. Mỗi chương sẽ giải quyết dứt điểm một
vấn đề, do đó trong từng chương tác giả sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương pháp
khác nhau, cụ thể như sau:
Phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp chứng minh,
phương pháp tổng hợp được sử dụng ở Chương 1 để: Phân tích các quy định của
các điều luật có liên quan, chỉ ra những vấn đề còn chưa rõ ràng, đi sâu làm rõ việc
xác định tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn; dùng
phương pháp chứng minh để chứng minh cho các nhận định, lập luận của tác giả;
sau cùng là sử dụng phương pháp tổng hợp để tổng kết lại những vấn đề, lập luận
mà tác giả đã nêu tra trong các tiểu mục và toàn chương, nêu ra quan điểm cá nhân
về các vấn đề cần nghiên cứu.
Phương pháp phân tích, diễn giải, phương pháp chứng minh, phương pháp
tổng hợp được sử dụng ở Chương 2, việc sử dụng kết hợp tương tự như ở Chương
1, trong đó tác giả sẽ sử dụng phương pháp diễn giải khi trình bày nội dung được
nêu ra trong vấn đề cần giải quyết, diễn giải về nội dung điều luật; sử dụng phương
pháp chứng minh để chứng minh cho những điều vừa diễn giải, chứng minh cho
những lập luận, nhận định và quan điểm của tác giả; phương pháp phân tích dùng để
phân tích các nội dung của bản án làm rõ thêm vấn đề pháp lý được nêu ra trong các
dẫn chứng là các bản án thực tế; phương pháp tổng hợp để đúc, rút lại vấn đề và đưa
ra kết luận.
Phương pháp tổng hợp để đúc kết lại các vấn đề đã giải quyết tại phần Tổng
kết Chương 1, Tổng kết Chương 2 và Tổng kết toàn luận văn.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Kết quả nghiên cứu của luận văn là tài liệu tham khảo cho cá nhân, tổ chức
trong công tác nghiên cứu, học tập, áp dụng thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề
liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn.
6
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần cung cấp cái nhìn sâu và thực tế
đối với việc chia tài sản chung của vợ là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn.
Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn
thiện pháp luật, đảm bảo tính thi hành cao trong thực tế về việc chia tài sản chung
của vợ chồng là quyền sử dụng đất ở khi ly hôn.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn
bao gồm 02 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Xác định quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ chồng.
Chương 2: Căn cứ và phương thức chia tài sản chung của vợ chồng là quyền
sử dụng đất ở khi ly hôn.
7
CHƯƠNG 1
XÁC ĐỊNH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở
LÀ TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG
Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33 của Luật HNGĐ năm
2014, cụ thể:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do
lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng
và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định
tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc
được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung
của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho
riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để
bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang
có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Từ quy định trên có thể thấy, tài sản chung của vợ chồng có thể được hình
thành từ các căn cứ: Căn cứ vào thời kỳ hôn nhân, căn cứ vào ý chí của vợ chồng,
căn cứ vào nguồn gốc của tài sản và căn cứ vào sự suy đoán pháp lý, đó là trường
hợp vợ, chồng không chứng minh được là tài sản riêng của các bên khi có tranh
chấp, thì tài sản này cũng được xác định là tài sản chung. Với quy định trên của
Luật về tài sản chung, trong thực tiễn giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là
quyền sử dụng đất ở, việc xác định quyền sử dụng đất ở khi được người khác tặng
cho có là tài sản chung của vợ chồng hay không; xác định quyền sử dụng đất ở của
vợ chồng trong khối tài sản chung với gia đình và xác định thế nào là tài sản có
được trong thời kỳ hôn nhân là những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất. Vì vậy
trong chương này, tác giả tập trung nghiên cứu về các nội dung này.
1.1. Xác định quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ chồng căn cứ
vào nguồn gốc tài sản
Việc tặng cho một tài sản chung cho cả vợ và chồng rất thường được ghi
nhận trong thực tiễn Việt Nam. Người tặng cho thường là cha mẹ của vợ hoặc
chồng và việc tặng cho được thực hiện như một biện pháp khích lệ đối với cả vợ và
chồng trong việc duy trì và củng cố cuộc sống chung.
8
Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014: tài sản mà vợ chồng được tặng cho
chung là tài sản chung của vợ chồng. Tài sản mà vợ chồng được tặng cho riêng là tài
sản riêng1
. Đối với việc tặng cho nhà ở, quyền sử dụng đất, phải lập thành văn bản,
hợp đồng phải được công chứng chứng thực trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 459 của BLDS năm 2015 “Tặng cho bất động sản
phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu
theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.”
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay, rất nhiều trường hợp ông bà, cha mẹ
tặng cho con cháu tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất ở lại không lập thành văn
bản mà chỉ thực hiện thông qua lời nói hoặc hành vi. Vì vậy, khi vợ chồng người
con, người cháu ly hôn và xảy ra tranh chấp giữa gia đình chồng (hay gia đình vợ)
với con dâu (hay rể) về việc đã cho hay chưa cho tài sản. Đó là một trong những
vấn đề có rất nhiều vướng mắc, rất khó giải quyết. Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra
“Pháp luật có thừa nhận việc tặng cho thực tế quyền sử dụng đất, nhà ở? Nếu việc
tặng cho vi phạm quy định về hình thức xử lý như thế nào?”.
Luật HNGĐ hiện hành không quy định cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, Luật
Dân sự và Luật Đất đai có điều chỉnh vấn đề này, cụ thể:
(i) Theo Điều 129 BLDS năm 2015 quy định “Giao dịch dân sự vi phạm quy
định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng
văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất
hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên,
Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định
bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất
hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên,
Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này,
các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
(ii) Tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính
phủ hướng dẫn Luật Đất đai quy định như sau: “Các trường hợp đang sử dụng đất
sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định
tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai,
cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
1 Điều 33, Điều 43 và Điều 44 Luật HNGĐ năm 2014.