Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 4: Học thuyết của Trang ppt
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH
Chương 4: Học thuyết của Trang
UYÊN NGUYÊN TỪ ĐÂU?
Từ khi Tư Mã Thiên chép chung tiểu sử của Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn
Phi trong một chương thì hễ nhắc tới Lão, chúng ta nghĩ ngay tới Trang, tưởng đâu
giữa Lão và Trang có một sự liên hệ chặt chẽ cũng như giữa Khổng và Mạnh, và
Trang chỉ chịu ảnh hưởng của Lão cũng như Mạnh chỉ chịu ảnh hưởng của Khổng.
Sự thực không phải vậy. Lão và Trang chỉ đại biểu cho tư tưởng lãng mạn, khoáng
đạt, vô vi của phương Nam cũng như Khổng và Mạnh đại biểu cho tư tưởng thực
tế của phương Bắc (tức miền ở phía Bắc sông Hoàng Hà), còn xét về ảnh hưởng
thì Trang nhận di sản tinh thần của nhiều nhà, từ Dương Chu sống trước Trang
khoảng một trăm năm tới Lão tử, Liệt tử, có lẽ cả Điền Biền và Thận Đáo sống
cùng thời với Trang và lớn hơn Trang khoảng mười tuổi, cho nên có tác giả đã nói
rằng: Trang tập đại thành các học thuyết của phương Nam.
Mà di sản đó cũng là thứ di sản gián tiếp chứ không trực tiếp như Khổng để lại Tử
Tư rồi Tử Tư truyền lại cho Mạnh tử hai ba thế hệ sau. Nghĩa là Mạnh tử có thể
coi là môn đồ xa của Khổng tử; Trang tử thì tuyệt nhiên không phải là môn đồ của
Lão tử. Hơn nữa, Mạnh tử được đọc các kinh Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu của Khổng
tử, có thể cả Luận ngữ cùng Đại học, Trung dung nữa; còn Trang chỉ nghe được
học thuyết của Lão tử thôi chứ không được đọc vì, như chương I tôi đã nói, thời
ông, bộ Đạo Đức kinh chưa xuất hiện hoặc mới xuất hiện mà không tới tay ông,
cho nên trong Nội thiên ông không dẫn một câu nào trong bộ đó cả, còn những lời
ông cho Lão đáp Dương Tử Cư trong bài VII.4, có phần chắc là tư tưởng của Liệt
tử hoặc của chính ông hơn là của Lão, vì tư tưởng trong bài đó không hợp với Lão,
mà truyện chỉ là một “trọng ngôn” tức một thứ ngụ ngôn thôi.
Tuy gián tiếp, ảnh hưởng của Lão tới Trang cũng rõ rệt chẳng hạn trong quan niệm
về vũ trụ (Đạo, sự biến hoá của sự vật, lẽ qui căn), về nhân sinh (vô vi); nhưng khi
ứng biến với sự vật, Trang có thái độ khác Lão: Lão còn phân biệt mình và vật
(tiếng vật này trỏ các ngoại vật, tức những cái gì không phải là ta, từ người cho tới
vật) và trọng các đức khiêm, nhu, bất tranh, cư hạ (ở dưới người), cư hậu (ở sau
người), để bảo toàn thân mình; còn Trang “tề sinh tử”, “đồng nhân ngã”, coi tử
cũng như sinh, người cũng như mình, cứ theo luật tự nhiên mà biến hoá và để cho
vật biến hoá, không cho cái gì là hại cả (bất dĩ hại vi hại).
Đi ngược lên nữa, chúng ta thấy cả Lão và Trang đều chịu ảnh hưởng của Dương
tử về điểm “quí sinh” (trọng đời sống). Dương tử bảo dù mất một sợi lông chân
mà làm lợi được thiên hạ, ông cũng không chịu, như vậy là ông “quí kỉ” – quí thân
ông – và quí sinh – quí đời sống – đến cực điểm, quí kỉ nên khinh vật, quí sinh nên
khinh lợi (danh lợi).
Lão tử cũng bảo: “Danh với thân cái nào quí hơn? Thân và của, cái nào trọng hơn?
(Đạo Đức kinh – chương 44). Và nếu ta hiểu câu: “Quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược
khả kí thiên hạ” (Đạo Đức kinh chương 13) như Phùng Hữu Lan là: “Người nào
cho thân mình quí hơn thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được” thì rõ
ràng Lão tử cũng “khinh vật, trọng sinh” như Dương tử.
Còn Trang chỉ mong không có tài gì, không ai biết tới mình để “hưởng tận tuổi
trời” thì cũng là quí sinh nữa. (Điểm này tôi sẽ xét thêm ở một đoạn sau).
Nhưng tiếng “ảnh hưởng” tôi dùng ở đây có lẽ không đúng. Cái quan niệm “trọng
sinh”, nhất là trong một thời loạn, thời mà sinh mạng con người có thể bị cướp bất
kì lúc nào, là một quan niệm rất phổ biến, chẳng cần phải chịu ảnh hưởng của
Dương Chu mà Lão và Trang cũng có thể có được. Mà chính Dương Chu cũng
chẳng cần phải chịu ảnh hưởng các ẩn sĩ từ đời Khổng tử, như Sở Cuồng Tiếp Dư,
Trường Thư, Kiệt Nịch (coi Luận ngữ - chương Vi tử) mới biết “vị ngã”, “vô
quân”, “quí sinh”. Phùng Hữu Lan chắc cũng nghĩ vậy cho nên trong Trung Quốc
triết học sử - chương 7 – chỉ coi các ẩn sĩ đó và Dương Chu là các bậc “tiền khu”
(đi trước mở đường) cho Lão, Trang thôi.
Một nhà nữa cũng ảnh hưởng ngang Lão tử tới Trang tử là Liệt tử.
Trong bộ Liệt tử và Dương tử (Lá Bối – 1972) trang 30 tôi có dẫn lời của Trương
Trầm: “(học thuyết của Liệt tử) đại khái giống với Lão, Trang, nhất là giống với
Trang”, và từ trang 30 tới trang 56 tôi đã vạch ra nhiều chỗ Liệt giống Trang:
- quan niệm tề vật – tr. 31.
- quan niệm tề thị phi – tr. 33.
- tinh thần hoài nghi mộng và thực – tr. 33.
- không phân biệt nội ngoại – tr. 35 và 42.
Đặc biệt là Liệt tử chủ trương rằng “người nào hoà đồng với vạn vật thì hoá đồng
với vạn vật, vạn vật không là thương tổn, trở ngại được mình mà có thể xuyên vô
kim thạch, đi trong nước lửa”. (bài II.12 – tr. 129). Trang cũng bảo các thần nhân
ở núi Cô Dạ hoà đồng được với vạn vật nên không có vật gì làm hại họ được,
xuống nước không chìm, vô lửa không cháy. (bài 3 chương Tiêu dao du).