Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH Chương 2: Mọi vật ngang nhau pdf
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
TRANG TỬ VÀ NAM HOA KINH
Chương 2: Mọi vật ngang nhau
1
Nam Quách Tử Kì[1] ngồi tựa cái bàn con, ngước mắt lên trời, thở dài, như người
mất hồn.
Nhan Thành Tử Du[2] đứng hầu một bên, hỏi:
- Sao thầy tới nỗi như vậy? Hình hài như một cây khô mà tinh thần thì như tro tàn?
Người tựa vào bàn lúc này với người tựa vào bàn lúc nãy, không phải là cùng một
người sao?
Tử Kì đáp:
- Anh Yển, anh hỏi như vậy là phải? Thầy đã tự quên thầy, anh biết không? Anh
đã được nghe tiếng sáo của người mà chưa được nghe tiếng sáo của đất; hoặc đã
được nghe tiếng sáo của đất mà chưa được nghe tiếng sáo của trời (thiên lại).
- Xin thầy giảng cho con thế nào là nghĩa làm sao?
- Đất thở thì thành gió. Gió không thổi thì thôi, đã thổi thì cả vạn hang lỗ đều gào
thét lên. Anh có nghe gió hú bao giờ chưa? Trên rừng núi cao ghê gớm có những
cây lớn chu vi được cả trăm gang tay[3], thân cây có hang có lỗ, như lỗ mũi, lỗ tai
hoặc miệng người; lại có những lỗ (vuông) như lỗ đục trong các đà ngang, hoặc lỗ
mắt cáo; có lỗ như miệng cối, như ao sâu, như vũng cạn. Gió thổi thì những lỗ ấy
phát ra những tiếng khác nhau, có khi như tiếng nước chảy ào ào, có khi như tiếng
tên bay vút vút; có khi như tiếng thú gầm, như tiếng thở nhẹ; có khi như tiếng
người mắng mỏ, khóc lóc, than thở; có khi như tiếng chim ríu rít, như tiếng người
đi trước hô, người đi sau đáp. Gió hiu hiu thổi thì nghe du dương; gió lớn nổi lên
thì nghe ào ào. Gió lớn ngừng rồi, các hang lỗ lại im lặng, mà anh có thấy cành lá
lúc đó chỉ hơi lay động không?[4]
Tử Du thưa:
- Vậy tiếng sáo của đất (tức âm nhạc của đất) là do các hang lỗ cả, cũng như tiếng
sáo của người là do các ống trúc. Thế còn tiếng sáo của trời, xin thầy giảng cho
con.
Tử Kỳ đáp:
- Tiếng sáo của trời gồm những thanh âm biến hóa cả vạn cách mà mỗi thanh âm
chỉ tự nó phát ra mà thôi. Nhưng ai khiến cho các thanh âm đó tự nhiên phát ra
như vậy?[5]
2
Đại trí thì bao quát, tiểu trí thì phân biệt những cái nhỏ nhặt; lời nói sâu sắc thì
sáng rõ, lời nói thô thiển thì rườm, tế toái.
Khi ngủ thì tinh thần hôn mê, khi tỉnh dậy thì thân thể cử động.
Tiếp xúc với người khác thì tự nhiên dụng tâm mưu mô. Do đó mà sinh ra do dự,
giả dối, ẩn ý.