Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Tín dụng đối với kinh tế tư nhân tại chi nhánh ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai: Luận văn thạc sĩ kinh tế / Nguyễn Kỳ
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN KỲ
TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TƯ NHÂN TẠI CHI NHÁNH
NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN GIA LAI
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
Chuyên ngành: Kinh tế tài chính, ngân hàng
Mã số: 60. 31. 12
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. LÊ THỊ HIỆP THƯƠNG
TP. Hồ Chí Minh - Năm 2011
- 1 -
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hoạt động tín dụng không thể tách rời với hoạt động sản xuất kinh doanh
hàng hóa. Sản xuất kinh doanh hàng hóa ra đời, phát triển kéo theo sự tất yếu ra đời
của các tổ chức tín dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống
của các tổ chức, các cá nhân thông qua việc cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ
thanh toán. Hoạt động tín dụng đã thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa phát
triển và sản xuất kinh doanh càng phát triển thì hoạt động tín dụng càng sôi động,
cứ như thế tạo ra mối quan hệ đan xen, biện chứng cùng thúc đẩy nhau phát triển.
Không thể có nền kinh tế phát triển mà ở đó tồn tại một hệ thống tín dụng
yếu kém và ngược lại. Hoạt động ngân hàng với các nội dung nhận tiền gửi tạo vốn,
sử dụng tiền gửi để cho vay cung cấp các dịch vụ thanh toán. Tín dụng ngân hàng
đã có vai trò đặc biệt quan trọng, là đòn bẩy kích thích và điều tiết quá trình sản
xuất kinh doanh thông qua sử dụng một số chính sách và chế tài tín dụng như chính
sách về vốn, lãi suất, thời hạn cho vay, các dịch vụ đi kèm khác…
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cùng với việc đổi mới
cơ chế quản lý kinh tế là quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Số liệu
thống kê hàng năm đã cho thấy sự lớn mạnh không ngừng về số lượng, chất lượng
và quy mô của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đóng góp một phần lớn trong tổng
sản phẩm quốc nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tháng 4 năm 2001 đã khẳng
định: " Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Các
thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành của nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa … khuyến khích phát triển kinh tế tư bản
tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không
cấm"
Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa IX có Nghị quyết
chuyên về kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh: "Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu
- 2 -
thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề
chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội
chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển
kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực đất nước trong hội nhập
kinh tế quốc tế"
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định về phát
triển kinh tế nhiều thành phần theo hướng: Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và
bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… Khuyến khích phát triển các loại hình
doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất
là các doanh nghiệp cổ phần. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh
tế tư nhân theo quy hoạch và quy định của pháp luật, thúc đẩy hình thành các tập
đoàn kinh tế tư nhân, khuyến kích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà
nước.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển, khắc
phục một trong những khó khăn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của khu
vực kinh tế tư nhân là vấn đề về vốn. Thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh là
hiện tượng phổ biến của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và được coi là một
trong những rào cản lớn nhất đến sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay.
Ngân hàng thương mại là nơi cung cấp nguồn vốn tương đối ổn định và lãi
suất phù hợp là chỗ dựa chính về vốn của doanh nghiệp, tuy nhiên không phải
doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận và vay vốn từ ngân hàng thương mại để có
đủ vốn cho hoạt động kinh doanh của mình. Vấn đề vốn tín dụng ngân hàng cho
khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề mà rất nhiều người đang quan tâm.
Nhận thức được vai trò của kinh tế tư nhân trong tiến trình đổi mới đất nước
nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng, vấn đề giải pháp để kinh tế tư nhân dễ tiếp
cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Học
viên mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu là “Tín dụng đối với kinh tế tư nhân tại Chi
nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai ” làm luận văn tốt nghiệp với
mong muốn những nghiên cứu trong học tập sẽ được vận dụng vào thực tế.
- 3 -
2. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Mục đích nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ hơn những vấn đề lý luận cơ
bản về kinh tế tư nhân và tín dụng ngân hàng, vai trò của tín dụng ngân hàng đóng
góp sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và những đóng
góp của BIDV Gia Lai trong việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho kinh tế tư nhân
thời gian qua, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp để mở tín dụng hợp lý vừa tăng
trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân
phát triển trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Với mục đích nghiên cứu nêu trên, đối tượng nghiên cứu của Luận văn là
những vấn đề cơ bản về kinh tế tư nhân và tín dụng ngân hàng. Phạm vi nghiên cứu
là tập trung vào các vấn đề lý thuyết và thực tiễn của kinh tế tư nhân trên địa bàn
tỉnh Gia Lai, không đi sâu vào một ngành hay một số ngành cụ thể. Luận văn sử
dụng số liệu tổng hợp có nguồn gốc đáng tin cậy từ năm 2007 đến năm 2010 và
khảo sát thực tế tại doanh nghiệp để phân tích đánh giá thực trạng và đưa ra một số
giải pháp mở rộng tín dụng tại BIDV Gia Lai đối với khu vực kinh tế tư nhân trên
địa bàn trong thời gian đến.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử của chủ nghĩa Mác Lê Nin, sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp,
phương pháp thống kê, diễn giải và quy nạp, phương pháp so sánh. Ngoài ra luận
văn còn sử dụng phương pháp khảo sát thực tế, điều tra chọn mẫu thông qua bảng
câu hỏi. Dựa trên số liệu thu thập được từ bảng câu hỏi khảo sát, tác giả phân tích
dữ liệu với sự hỗ trợ của EVEIWS. Nhờ những phương pháp này có thể nghiên cứu
được sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó thấy được những khó khăn trong
quá trình phát triển kinh tế tư nhân và vai trò của tín dụng ngân hàng đối với sự phát
triển của kinh tế tư nhân để làm rõ nội dung nghiên cứu của để tài.
- 4 -
5. Kết cấu của luận văn
Tên luận văn: “Tín dụng đối với kinh tế tư nhân tại Chi nhánh Ngân
hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai ”
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ TÍN DỤNG
NGÂN HÀNG
Chương 2: THỰC TRẠNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TƯ NHÂN
TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN GIA LAI
Chương 3: GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG CỦA BIDV GIA LAI ĐỐI
VỚI KINH TẾ TƯ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
- 5 -
CHƯƠNG 1
LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ
KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
1.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG NỀN KINH TẾ HIỆN
ĐẠI
1.1.1. Khái niệm về kinh tế tư nhân
Thuật ngữ “kinh tế tư nhân” gắn liền với vấn đề sở hữu tư nhân. Sở hữu tư
nhân về quá trình sản xuất là cơ sở ra đời của kinh tế tư nhân. Sở hữu tư nhân là
quan hệ sở hữu xác nhận quyền hợp pháp của tư nhân trong việc chiếm hữu, quyết
định cách thức tổ chức sản xuất, chi phối và hưởng lợi từ kết quả của quá trình sản
xuất đó.
Hiện nay chưa có một khái niệm thống nhất về KTTN, mà có các cách hiểu
khác nhau về KTTN:
Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, mọi hoạt động kinh tế không thuộc
khu vực kinh tế nhà nước thì đều được xem là khu vực KTTN.
Ở Việt Nam cũng có những cách hiểu khác nhau về KTTN:
- Trong nền kinh tế nhiều thành phần, KTTN là khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh. Khu vực kinh tế quốc doanh là kinh tế nhà nước dựa trên sở hữu công hữu
về tư liệu sản xuất. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh dựa trên sở hữu tư nhân về tư
liệu sản xuất.
- KTTN bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động
dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân.
Từ nhiều cách hiểu khác nhau về KTTN, có thể đưa ra khái niệm riêng về
KTTN để phục vụ nghiên cứu của đề tài đó là:
Khái niệm KTTN được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ
sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư
nhân.
1.1.2. Các loại hình kinh tế tư nhân
1.1.2.1. Công ty cổ phần
- 6 -
CTCP là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần
bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức của KTTN, cá nhân, số lượng
cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách
nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp
vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho
người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Lợi thế của CTCP là chế độ trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách
nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp; Khả
năng hoạt động của CTCP rất rộng, trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề (trừ lĩnh
vực kinh doanh có điều kiện); Mô hình tổ chức chặt chẽ ( Đại hội đồng cổ đông,
Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát); Cơ cấu vốn của CTCP hết sức linh hoạt tạo điều
kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty; Khả năng huy động vốn của CTCP rất
cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng có của
CTCP; Việc chuyển nhượng vốn trong CTCP là tương đối dễ dàng. Đối với những
CTCP được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tiết kiệm được chi phí
quảng cáo, nhưng ngược lại cũng chịu áp lực lớn đối với nhà đầu tư về giá cổ phiếu
trên thị trường, về công bố thông tin…
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, loại hình CTCP cũng có những hạn chế
nhất định như: việc quản lý và điều hành CTCP rất phức tạp do số lượng các cổ
đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có
sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích; Việc thành lập và
quản lý CTCP cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt
chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.
1.1.2.2. Công ty trách nhiệm hữu hạn
- Cty TNHH có hai thành viên trở lên
Cty TNHH có hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên
chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp
trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Thành viên của công ty có thể
là tổ chức của KTTN, cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là hai và tối đa không
vượt quá năm mươi.
- 7 -
Cty TNHH là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, là
mô hình doanh nghiệp có sự giao thoa giữa DNTN và CTCP. Cty TNHH có quan
hệ đối nhân giữa người với người rất quan trọng, khả năng kiểm soát vốn của các
thành viên cao vì luôn là thành viên của hội đồng thành viên. Hoạt động kinh doanh
dưới hình thức Cty TNHH đem lại cho nhà đầu tư nhiều lợi thế, do có tư cách pháp
nhân nên các thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong
phạm vi số vốn góp vào công ty; Số lượng thành viên của Cty TNHH không nhiều
và các thành viên thường là người quen biết, cùng chí hướng, tin cậy nhau nên việc
quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp; Chế độ chuyển nhượng vốn được
điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành
viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
Tuy nhiên, hình thức Cty TNHH cũng có những hạn chế nhất định do chế độ
trách nhiệm hữu hạn nên uy tín của công ty trước các đối tác, bạn hàng cũng phần
nào bị ảnh hưởng; Việc huy động vốn của Cty TNHH bị hạn chế do không có quyền
phát hành cổ phiếu.
- Công ty TNHH một thành viên
Cty TNHH một thành viên là một hình thức đặc biệt của Cty TNHH. Cty
TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức của KTTN hoặc một cá nhân
làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài
sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Cơ cấu tổ chức của Cty TNHH một thành viên phụ thuộc vào thành viên là tổ
chức hay cá nhân. Nếu thành viên là tổ chức, cơ cấu tổ chức nội bộ của công ty
gồm: Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc, Kiểm soát
viên. Nếu thành viên là cá nhân, cơ cấu tổ chức nội bộ của công ty gồm: Chủ tịch
công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc.
Lợi thế của Cty TNHH một thành viên là chủ sở hữu công ty có toàn quyền
quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty nên rất chủ động trong
quản lý và điều hành. Tuy nhiên, Cty TNHH một thành viên cũng có những hạn chế
như khó khăn trong huy động vốn vì không được phát hành cổ phiếu; chủ sở hữu
không được rút bớt vốn kinh doanh, nếu rút bớt một phần vốn kinh doanh chủ sở
- 8 -
hữu vẫn liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và tài sản khác của công ty, còn
nếu chuyển nhượng một phần vốn cho cá nhân hoặc tổ chức khác để rút bớt vốn
kinh doanh thì phải đăng thay đổi thành Cty TNHH ít nhất từ 2 đến 50 thành viên.
1.1.2.3. Công ty hợp danh
CTHD là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu
chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung; ngoài các thành viên
hợp danh, có thể có thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có
trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ
tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn chỉ chịu trách
nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
CTHD có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh và không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn.
Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty, tiến hành các hoạt động kinh
doanh nhân danh công ty, cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công
ty. Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại
Điều lệ công ty, không được tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh
nhân danh công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định
các vấn đề quản lý công ty.
Ưu điểm của CTHD là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế
độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà CTHD dễ dàng
tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành, quản lý
công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy
tín, tuyệt đối tin tưởng nhau. Hạn chế của CTHD là không được phát hành bất kỳ
loại chứng khoán nào để huy động vốn và do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô
hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.
1.1.2.4. Doanh nghiệp tư nhân
DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng
toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu duy nhất
của DNTN là một cá nhân. DNTN không có tư cách pháp nhân.