Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Thi pháp tiểu thuyết vũ bằng
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
HOÀNG HỮU NHẬT NAM
THI PHÁP TIỂU THUYẾT VŨ BẰNG
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60.22.34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng, Năm 2012
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN
PHONG NAM
Phản biện 1: PGS.TS. ĐOÀN LÊ GIANG
Phản biện 2: TS. BÙI THANH TRUYỀN
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm
Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ Khoa học Xã hội và
Nhân văn họp tại Đại học Đà Nẵng vào ngày 25
tháng 8 năm 2012
Có thể tìm luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà
Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại hoc Đà
Nẵng
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Vũ Bằng là một mẫu nhà văn – nhà báo khá điển hình, độc
đáo và tiên phong của làng văn, làng báo Việt Nam những năm đầu
thế kỷ hai mươi. Ông viết văn, viết báo từ rất sớm. Năm mười sáu
tuổi, còn đang là một học sinh trung học, ông đã có sách in Lọ văn.
Ông viết nhiều thể loại văn học: Tiểu thuyết, tùy bút, phóng sự, phê
bình, truyện ngắn, dịch thuật, hồi ký, khảo luận.
Trong dòng chảy của nền văn học hiện đại Việt Nam, nhà
văn Vũ Bằng là một hiện tượng. Suốt hành trình sự nghiệp đầy gian
nan của mình, Vũ Bằng đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm
không nhỏ với nhiều tác phẩm có giá trị. Nói đến Vũ Bằng, người ta
thường nghĩ đến những áng văn chương bất hủ mang nặng nỗi niềm
tâm sự rất thật, rất đời.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu về đặc điểm thi pháp tiểu thuyết
Vũ Bằng là việc không hề dễ dàng; từ trước đến nay vấn đề này vẫn
còn ít được đề cập đến. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Thi pháp tiểu
thuyết Vũ Bằng” với hy vọng sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn, đầy
đủ và toàn diện hơn về những giá trị nội dung và nghệ thuật tiểu
thuyết của ông. Ngoài ra đây còn là một cơ hội để chúng tôi có dịp
hiểu, khám phá thêm và góp phần vào khẳng định vị trí, tài năng của
nhà văn Vũ Bằng – một con người “đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy
về phần mình hơi thở của nghệ thuật” trong lịch sử văn học dân tộc.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Trong sự nghiệp của mình, Vũ Bằng đã để lại cho đời nhiều
tiểu thuyết có tính cách tân, hiện đại. Ở góc độ nào đó, Vũ Bằng
chính là người góp phần định hướng cho những nhà văn trẻ trong
sáng tác. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, thời kỳ trước
đổi mới việc nghiên cứu, đánh giá và giới thiệu Vũ Bằng còn rất hạn
chế. Ngược lại, sau khi được minh oan về thân thế, Vũ Bằng đã thu
hút sự quan tâm đông đảo công chúng cũng như các nhà nghiên cứu.
Trên nhiều sách, báo, tạp chí, Vũ Bằng được giới thiệu và nghiên cứu
về nhiều mặt, với nhiều góc độ khác nhau. Những phát hiện của
những nhà nghiên cứu về Vũ Bằng là nền tảng, là những gợi ý quý
báu để chúng tôi có thể vận dụng vào việc đánh giá những đặc điểm
thi pháp tiểu thuyết của Vũ Bằng.
Dựa trên tài liệu hiện có, dễ dàng nhận thấy quá trình nghiên
cứu về Vũ Bằng được chia thành hai giai đoạn rõ rệt: trước và sau
1990.
Cùng với Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Vỹ đã có những lời đánh
giá rất cao về Vũ Bằng, thậm chí còn đòi hỏi một vị trí văn học sử
cho Vũ Bằng. Trước 1990, có rất ít người quan tâm tìm hiểu, đánh
giá về các sáng tác văn chương của Vũ Bằng. Trong một số bài viết ít
ỏi, các tác giả cũng chỉ đưa ra những nhận xét sơ bộ về tác phẩm của
Vũ Bằng. Đáng chú ý là những ý kiến nhận xét, đánh giá của Khái
Hưng, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Vỹ, Phan Cự Đệ.
Vào năm 1930, Vũ Bằng đã được mọi người biết đến với
truyện Con ngựa già đăng trên mục “Bút mới” báo Đông Tây. Năm
1937 khi Một mình trong đêm tối của Vũ Bằng được in ra, Khái
Hưng đã viết ngay bài giới thiệu trên báo Ngày nay trong đó công
nhận đây là một cuốn sách “không tầm thường chút nào”. Từ đó đến
1945, Vũ Bằng viết nhiều (cả báo, cả văn) lại xuất hiện với tư cách
một ông lớn làm nghề báo, từng giữ chân Thư ký tòa soạn các tờ báo
như Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá,
Trung Bắc chủ nhật, “vậy mà hầu như không có nhà nghiên cứu nào
khi xem xét lai lịch văn học 1932 – 1945 để công viết riêng viết kĩ về
ông” ngoại trừ trường hợp Vũ Ngọc Phan. Tại chương: “Tiểu thuyết
tả chân” của Nhà văn hiện đại, có bốn nhà văn được Vũ Ngọc Phan
đề cập đến là Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Lạp và Tô
Hoài. Trong phần viết về Vũ Bằng, ông đã nhiều lần nhấn mạnh đến
“một lối văn ngộ, làm cho người ta thích đọc” của Vũ Bằng. Tuy
nhiên có thể do chưa nhận thức hết nên ông đánh giá không cao chất
lượng tiểu thuyết của Vũ Bằng.
Khi giới thiệu về Vũ Bằng trong Văn thi sĩ tiền chiến (1969),
Nguyễn Vỹ viết: “Trong văn học sử Việt Nam thế kỷ XX, Vũ Bằng
phải có một địa vị xứng đáng. Cứ đọc hết các tác phẩm của Vũ Bằng,
thì ai cũng phải công nhận rằng Vũ Bằng để lại một sự nghiệp văn
học nếu không nói là thật lớn lao, thì cũng là nổi bật thời tiền chiến”
[32, tr.125]. Tuy nhiên, trái với ý kiến của Nguyễn Vỹ, nhà nghiên
cứu Phan Cự Đệ trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, viết
vào những năm 70 của thế kỷ XX đã không đánh giá cao vị trí, vai
trò của Vũ Bằng trong dòng chảy văn học sử Việt Nam. Cụ thể,
“trong cuốn Khảo về tiểu thuyết, Vũ Bằng đưa ra một quan điểm lỗi
thời cho rằng tiểu thuyết là một thể loại văn học để “tiêu khiển”, để
làm cho người đọc “quên mình đi” trong chốc lát.
Từ sau năm 1990, vấn đề nhân thân của Vũ Bằng được nhìn
nhận lại. Đặc biệt vào năm 2000, thân thế của Vũ Bằng được làm
sáng tỏ khi Bộ Quốc phòng xác nhận quá trình hoạt động tình báo
cách mạng của ông từ 1952 – 30/04/1975. Đây là sự kiện đặc biệt
quan trọng và ý nghĩa đối với hương hồn nhà văn cũng như người
thân của ông. Công lao của nhà văn kiêm tình báo cách mạng họ Vũ
được Nhà nước xác nhận đã xóa tan những dè dặt trong giới nghiên
cứu để con người và văn nghiệp của Vũ Bằng được công chúng biết
đến nhiều hơn, nghiên cứu ở nhiều góc độ sâu rộng hơn.
Những bài viết của các tác giả như Mã Giang Lân, Bùi Việt
Thắng, Văn Giá, Vương Trí Nhàn,… đã đưa Vũ Bằng trở lại vị trí
văn học sử của mình. Tô Hoài trong bài viết: Vũ Bằng “Thương nhớ
mười hai” đăng trên Tạp chí Văn học, số 1 năm 1991 đã bảo vệ các
giá trị văn chương đích thực của Vũ Bằng. Ông thấy “mỗi trang của
Vũ Bằng là một ưu uẩn, một ước mong tức tưởi không tới được,
không bao giờ tới được, không thể cầu được thấy”. Ông đã viết về
Vũ Bằng với sự trân trọng và khâm phục một văn tài, nâng niu một
tâm hồn, một nhân cách.
Bài viết của Vương Trí Nhàn trong lời dẫn giới thiệu công
trình Khảo về tiểu thuyết của Vũ Bằng chỉ rõ: “nhà văn họ Vũ đã nắm
được điểm quan trọng nhất của tiểu thuyết là tính tự do của nó. Nó là
một cái gì triệt để phi quy phạm”. Ở lời giới thiệu cuốn Tạp văn Vũ
Bằng, Nguyễn Ánh Ngân kể lại: “Trong ký ức của các nhà văn đương
thời, Vũ Bằng được nhắc đến với lòng trìu mến và ít nhiều tri ân. Đó
là một nhà văn mang nặng nỗi niềm xa quê đau đáu, về cuối đời
ngậm ngùi an phận mà hồi tưởng quá khứ tung hoành” [22, tr.9].
Cuốn Từ điển văn học (bộ mới), ghi nhận: “Văn hồi ký của
ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm,
hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn
đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế”. Nguyễn Ngọc Thiện trong Phong
cách và đời văn đã khen ngợi: “Trên lĩnh vực văn chương, Vũ Bằng
là một nhà văn độc đáo, tài hoa, mang dấu ấn phong cách rõ rệt. Ông
thành công trên hai thể loại chính là tiểu thuyết và ký, đặc biệt về hồi
kí tùy bút, tạp văn” [29, tr.420 – 421].
Năm 2008, nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn giới thiệu cuốn tài
liệu Vũ Bằng – các tác phẩm mới tìm thấy của nhà sưu tầm Lại
Nguyên Ân. Theo Lại Nguyên Ân, đây không chỉ là các tác phẩm mà
còn là những tư liệu, thậm chí là loại tư liệu hiếm, quý về nhiều
phương điện khác nhau.
Một trong những người có công trong quá trình “Đi tìm chỗ
đứt gãy trong lý lịch nhà văn Vũ Bằng” là Văn Giá. Văn Giá đã đánh
giá rất cao về Vũ Bằng. Với ông, Vũ Bằng “không những là nhà báo
bậc thầy mà còn là một nhà văn đầy tài năng”.
Nhìn chung, các bài nghiên cứu trên cho chúng ta thấy rằng:
dung lượng khảo sát các bài nghiên cứu chưa bao quát, hầu hết chỉ
xét từ một tác phẩm (trường hợp Vương Trí Nhàn giới thiệu tác phẩm
Cai ) hay một phần tác phẩm (trường hợp Văn Giá nghiên cứu Tháng
ba rét nàng Bân); có khi đưa ra đoạn văn và lời nhận xét rút ra tuy
sâu sắc nhưng phần lớn mang tính chất tổng quát, giới thiệu tùy theo
góc nhìn của từng tác giả (trường hợp Vương Trí Nhàn so sánh văn
Vũ Bằng với Nam Cao, Văn Giá so sánh Vũ Bằng với Nguyễn Tuân,
Thạch Lam). Do đó, các bài nghiên cứu Vũ Bằng mới chỉ dừng ở
mức “Phác thảo một chân dung”, tập trung chủ yếu vào hồi ký, tản
văn, tác phẩm báo chí nhiều hơn so với nghiên cứu về tiểu thuyết,
nhất là nghiên cứu dưới góc nhìn thi pháp.
Có thể nói, Vũ Bằng và tác phẩm của ông đã được dư luận
quan tâm nghiên cứu từ lâu. Lí luận tiểu thuyết và tiểu thuyết Vũ
Bằng tuy đã được giới thiệu và bàn luận khá nhiều nhưng còn sơ
lược. Việc nghiên cứu một cách có hệ thống về tiểu thuyết Vũ Bằng
từ lý luận tới đến tác phẩm vẫn còn bỏ ngỏ. Kế thừa thành quả nghiên
cứu của những người đi trước, trong luận văn này, chúng tôi nghiên
cứu các đặc điểm thi pháp tiểu thuyết của Vũ Bằng với hy vọng có
được một nhìn nhận đầy đủ, thấu đáo sâu sắc hơn trong sự nghiệp
cầm bút của ông.
3. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các phương diện liên
quan đến tiểu thuyết của nhà văn Vũ Bằng: từ lý luận về tiểu thuyết
đến thực tiễn sáng tác của ông. Thông qua việc khảo sát các phương
diện kỹ thuật, thủ pháp của nhà văn khi viết tiểu thuyết như cốt
truyện, nhân vật tiểu thuyết, thời gian, không gian nghệ thuật, ngôn
ngữ, giọng điệu tiểu thuyết rất riêng của Vũ Bằng để thấy được nhận
thức của tác giả về thể loại. Từ đó, có đánh giá về những đóng góp
của Vũ Bằng đối với tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
Đề tài tập trung nghiên cứu một số văn bản chủ yếu như
chuyên luận Khảo về tiểu thuyết và các tiểu thuyết của Vũ Bằng gồm:
Truyện hai người (1940), Tội ác và hối hận (1940), Để cho chàng
khỏi khổ (1941), Bóng ma nhà mệ Hoát (1973), Nước mắt người tình
(1973). Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của đề
tài chúng tôi cũng sử dụng một số văn bản văn xuôi khác của Vũ
Bằng.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi chủ yếu sử dụng
phương pháp cấu trúc. Nhờ đó, chúng tôi dễ dàng chọn lọc được các
dẫn chứng cần thiết trong quá trình nghiên cứu văn bản tác phẩm tiểu
thuyết của Vũ Bằng.
Ngoài ra, trong chừng mực nào đó, chúng tôi còn kết hợp sử
dụng các phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ mang
lại những đóng góp nhất định trong việc làm rõ hơn những giá trị của
tiểu thuyết Vũ Bằng. Từ việc phân tích các tác phẩm, chúng tôi sẽ
giúp bạn đọc có cái nhìn tương đối toàn diện về vấn đề đặt ra, mạnh
dạn đưa ra những ý kiến bổ sung trên cơ sở những gợi ý từ các công
trình đi trước. Đồng thời, luận văn đưa ra và làm sáng tỏ hơn những
đặc điểm thi pháp tiểu thuyết Vũ Bằng, từ đó góp thêm một tiếng nói
khẳng định tài năng của Vũ Bằng đối với nền văn xuôi hiện đại Việt
Nam.
Luận văn cũng là một trong những tài liệu tham khảo hữu ích
cho sinh viên trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về nhà văn Vũ
Bằng.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận và Danh mục tài liệu tham
khảo, phần chính văn gồm ba chương:
Chương 1: Nhà văn Vũ Bằng và một quan niệm mới mẻ, hiện
đại về tiểu thuyết
Chương 2: Đặc điểm thế giới hình tượng trong tiểu thuyết
Vũ Bằng
Chương 3: Nét riêng của ngôn ngữ và giọng điệu tiểu thuyết
Vũ Bằng
Chương 1
NHÀ VĂN VŨ BẰNG VÀ MỘT QUAN NIỆM MỚI MẺ
HIỆN ĐẠI VỀ TIỂU THUYẾT
1.1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng
1.1.1. Chân dung nhà văn Vũ Bằng
Vũ Bằng là một nhà báo, nhà văn tài năng. Trong thời gian
hoạt động tình báo, Vũ Bằng phải lặng lẽ gánh chịu nhiều đau khổ, cả
gia đình ông cũng phải chịu những thiệt thòi. Một thời gian dài, cuộc
đời và sự nghiệp văn chương nghệ thuật của Vũ Bằng tưởng như
chìm vào quên lãng và dường như bị phủ nhận bởi án “quay lưng lại
với kháng chiến”, “di cư vào Nam theo giặc”… Nhưng bằng nghị lực
phi thường của một nhà cách mạng, ông đã vượt qua mọi điều tiếng,
hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cách mạng tin tưởng giao. Vì thế, khi
danh phận được làm sáng tỏ, người đời càng ngưỡng mộ và khâm
phục ông gấp bội lần.
Trong số các nhà văn, nhà báo Việt Nam, Vũ Bằng là một
trường hợp đặc biệt. Tên thật của ông là Vũ Đăng Bằng, sinh ngày 3
tháng 6 năm 1913 tại Hà Nội.
Từ những năm 30 đầu thế kỷ XX, Vũ Bằng liên tục viết cho
nhiều báo, sáng tác nhiều tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau. Sau
hơn 40 năm cầm bút, Vũ Bằng đã để lại cho đời (nếu in thành sách)
cũng được gần 100 cuốn, “trong đó có hàng ngàn trang sách văn học
lấp lánh tài hoa và chứa chan lòng nhân ái”.
Năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hầu hết người
Hà Nội đều tản cư về các miền quê, tránh xa vùng chiến sự, Vũ Bằng
và gia đình cũng tản cư. Với Vũ Bằng những ngày ở vùng kháng
chiến là những ngày cực khổ, nhưng cũng đầy vui vẻ: ông vừa làm
báo, vừa cùng vợ kéo sợi đem ra chợ bán. Cuộc sống vùng tản cư
ngày càng gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Họ luôn phải đối mặt với
vấn đề nan giải: ở lại hay về thành ? Trên thực tế, nhiều người vì
động cơ khác nhau đã “dinh tê”, có người chỉ vì miếng cơm manh áo,
có người vì sự an toàn tính mạng, có người lại vì động cơ chính trị sa
ngã vào con đường làm tay sai cho địch… tất cả những người chịu án
“dinh tê” đều bị mang tiếng xấu, mang cái tội quay lưng với kháng
chiến, Vũ Bằng cũng là một trong số đó.
Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông đành để lại
vợ, con trai ở lại Hà Nội để vào Nam làm nhiệm vụ. Số phận đặt ông
vào những thử thách mới đầy khó khăn và oan nghiệt mà chỉ ông mới
thấu hiểu.
Năm 1975, đất nước thống nhất, mặc dù hoài hương đất Bắc
nhưng Vũ Bằng vẫn sinh sống tại miền Nam với cuộc đời chật vật
chuyện cơm áo và khổ đau, nhất là thân phận chưa được làm sáng tỏ.
Ngày 8/4/1984, ông đã bỏ tất cả ở lại trần thế, trút hơi thở cuối cùng,
đi vào cõi vĩnh hằng.
Ngày 1 tháng 3 năm 2000, Tổng cục II của Bộ Quốc phòng
đã xác nhận Vũ Bằng là nhà văn - chiến sĩ tình báo của ta hoạt động
trong lòng địch theo sự phân công của cấp trên. Ngày 13 tháng 2 năm
2007, Vũ Bằng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học
nghệ thuật.
1.1.2. Sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng
1.1.2.1. Lĩnh vực báo chí
Ở nước ta đầu thế kỷ XX, kiểu nhà báo - nhà văn trở nên phổ
biến trong giới văn nghệ. Những năm ba mươi và những năm bốn
mươi, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tam
Lang, Vũ Bằng… đều có những sáng tác phổ biến qua báo chí. Vũ
Bằng là hình ảnh tiêu biểu cho kiểu nhà văn – nhà báo giai đoạn này.
Trên cương vị một nhà văn hay nhà báo, ông đều có những đóng góp
tích cực và quan trọng, những đóng góp đó đã xác lập nên vị trí nhất
định của Vũ Bằng trong lịch sử văn nghệ Việt Nam.
Vũ Bằng có những luận thuyết và quan niệm về nghề báo
thật là nghiêm cẩn. Con người ấy trong suốt cuộc đời cầm bút đã âm
thầm chịu đựng nhiều tai tiếng. Triệu Xuân từng nói: Vũ Bằng là
“người lữ hành đơn côi”. Mặc dù vậy, sau chặng đường dài hơn 40