Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Thế giới nghệ thuật thơ hoàng cẩm thạch
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRẦN THỊ NGỌC YẾN
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
THƠ HOÀNG CẨM THẠCH
LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRẦN THỊ NGỌC YẾN
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
THƠ HOÀNG CẨM THẠCH
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.01.21
LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN KHẮC SÍNH
Đà Nẵng - Năm 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được
ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận văn
Trần Thị Ngọc Yến
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài.................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ....................................................................................... 2
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát .......................................... 4
4. Nhiệm vụ nghiên cứu............................................................................ 4
5. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................... 5
6. Đóng góp của luận văn.......................................................................... 5
7. Cấu trúc của luận văn............................................................................ 5
CHƯƠNG 1. THƠ HOÀNG CẨM THẠCH TRONG THẾ HỆ NHÀ
THƠ NỮ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.................................................................. 7
1.1. THƠ NỮ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI - MỘT VÀI NÉT PHÁC THẢO ........ 7
1.1.1. Bối cảnh hiện thực và giới thuyết “thơ nữ Việt Nam hiện đại” ..... 7
1.1.2. Phác thảo bức tranh thơ nữ Việt Nam hiện đại............................. 11
1.2. CẨM THẠCH - GƯƠNG MẶT QUEN MÀ LẠ CỦA THẾ HỆ NHÀ
THƠ NỮ.......................................................................................................... 28
1.2.1. Quan niệm về nghệ thuật của tác giả ............................................ 28
1.2.2. Hành trình sáng tạo thơ Hoàng Cẩm Thạch.................................. 34
CHƯƠNG 2. CẢM XÚC CỦA HOÀNG CẨM THẠCH QUA CÁI NHÌN
VỀ BỨC TRANH THẾ GIỚI HIỆN THỰC, CON NGƯỜI.................... 38
2.1. THẾ GIỚI HIỆN THỰC, CON NGƯỜI TRONG CÁI NHÌN CỦA
HOÀNG CẨM THẠCH ................................................................................. 38
2.1.1. Núi rừng miền Tây Nghệ An trong cái nhìn lạ lẫm nhưng trong trẻo
của Hoàng Cẩm Thạch..................................................................................... 40
2.1.2. Con người QuỳChâu gần gũi, đôn hậu trong mắt Hoàng Cẩm Thạch.... 42
2.2. “BỨC TRANH THƠ” CỦA HOÀNG CẨM THẠCH VỀ XỨ NGHỆ.. 45
2.2.1. Về niềm say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây Nghệ An..... 45
2.2.2. Hình tượng con người trong thơ Cẩm Thạch................................ 52
CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC NGÔN TỪ TRONG THƠ
HOÀNG CẨM THẠCH ............................................................................... 72
3.1. THỂ LOẠI TRONG THƠ CẨM THẠCH - SỰ LỰA CHỌN PHÓNG
KHOÁNG NHƯNG TINH TẾ......................................................................... 72
3.1.1. Các thể thơ trong thơ Cẩm Thạch................................................. 72
3.1.2. Nghệ thuật tổ chức bài thơ............................................................ 82
3.2. NGÔN NGỮ THƠ ................................................................................... 90
3.2.1. Ngôn từ giản dị mà sâu lắng của một hồn thơ giàu cảm xúc........ 91
3.2.2. Các biện pháp tu từ ....................................................................... 97
3.3. GIỌNG ĐIỆU TRONG THƠ CẨM THẠCH ....................................... 104
3.3.1. Giọng cảm thông trước số phận người ....................................... 104
3.3.2. Giọng hào sảng, ngợi ca.............................................................. 107
3.3.3. Giọng thành kính, ngưỡng mộ .................................................... 109
3.3.4. Giọng khắc khoải, hướng nội...................................................... 112
KẾT LUẬN.................................................................................................. 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO
QUYẾT ĐỊNH GIAO ĐỀ TÀI (Bản sao)
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Sau năm 1975, xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển. Sự thay đổi
của hoàn cảnh xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của ý thức cá
nhân và đã tạo nên những tiền đề tích cực để đổi mới thơ ca. Đặc biệt, công
cuộc Đổi mới từ năm 1986 đã thực sự “cởi trói” cho mọi lĩnh vực xã hội,
trong đó có Văn học nghệ thuật. Trong dòng văn chương đồng hành cùng sự
đổi thay của xã hội đã khẳng định mạnh mẽ sự xuất hiện của nhiều cây bút
nữ, từ những cây bút trưởng thành trước 1975 đến những cây bút mới xuất
hiện. Không hừng hực, ồn ào, hay đằm thắm, sâu sắc như những tên tuổi:
Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Thị
Hồng Ngát, Lê Thị Kim, Thảo Phương, Thanh Nguyên, Đoàn Thị Lam
Luyến,… Cẩm Thạch lặng lẽ sáng tác, lặng lẽ sống và say mê với nghề giảng
dạy văn chương từ các trường miền ngược đến các trường miền xuôi, từ
Trung học phổ thông đến Cao đẳng sư phạm một cách hiền lành, dung dị.
1.2. Nhưng chính những tháng ngày vật lộn với “cái chữ” cùng các em
nhỏ miền Tây Nghệ An hoặc những năm tháng say mê đào tạo nghề cho
những sinh viên sư phạm lại chính là thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động
làm nên vốn sống, sự trải nghiệm của chị. Thực tế ấy cộng với nguồn xúc cảm
luôn thường trực và mãnh liệt đã quyện thành cảm hứng thơ nơi chị khiến chị
không thể lặng yên, ẩn mình mà phải để nó tuôn trào như muốn chia sẻ với
mọi người niềm say mê ấy. Thế là cô giáo ấy vừa dạy học vừa làm thơ, chẳng
biết bên nào “nặng” hơn bên nào, chỉ biết dạy học thì chị đã được nghỉ hưu
còn làm thơ (nay thêm làm từ thiện) thì chưa hề có dấu hiệu ngưng nghỉ, nếu
không muốn nói là ngày càng “dai dẳng” hơn, sung sức hơn! Chị đã có 7 tập
thơ được xuất bản tại các nhà xuất bản (NXB) Nghệ An, NXB Văn hóa dân
tộc, NXB Trẻ, NXB Hội Nhà văn,v.v nhiều bài thơ đã được đưa vào giảng
2
dạy chương trình phổ thông và hơn 20 bài được phổ nhạc cùng với nhiều giải
thưởng lớn. Bấy nhiêu đó đã đủ khẳng định được vị trí của Cẩm Thạch trên
thi đàn Việt và thơ chị xứng đáng là một đối tượng nghiên cứu.
1.3 Tình cờ tôi được đọc tập thơ Giá như em là biển của chị và tập thơ
này đã lay động tâm hồn tôi, để lại trong tôi nhiều xúc cảm mới lạ nên tôi
quyết định tìm hiểu về tác giả của nó. Càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra ở nhà
thơ này còn có nhiều điều cần nói hơn. Đấy là lý do khiến tôi chọn đề tài Thế
giới nghệ thuật thơ Hoàng Cẩm Thạch làm luận văn tốt nghiệp.
2. Lịch sử vấn đề
Hoàng Cẩm Thạch là cây bút nữ rất được yêu mến trên mảnh đất quê
Bác. Người phụ nữ duyên dáng này luôn dành cho thơ một tình yêu trong
trẻo, nồng nàn. Tìm hiểu các sáng tác của nhà thơ Cẩm Thạch, dù chưa nhiều,
nhưng thấy các nhà nghiên cứu phê bình đều dành cho thơ chị những lời trân
trọng và đầy ưu ái.
- Nhà phê bình - nghiên cứu Thái Doãn Hiểu, trước khi nói thơ là “vẽ”
con người Cẩm Thạch, một cô gái đẹp: “có đôi mắt lém dao cau, dưới đôi
chân mày giao nhau xếch đậm”, dẫn đến cái ngỡ ngàng sau 30 năm gặp lại và
đi đến nhận xét: “Tôi ngỡ ngàng trước một quý bà sang trọng như một khuê
phụ từ thơ Đường bước ra. Cô bé Lọ Lem ngày xưa đây ư? Lại còn là một nữ
thi sỹ nữa… Một cô gái Kinh có vẻ đẹp khỏe mạnh, dáng dấp vừa Thái vừa
Việt lên núi sống gần như trọn tuổi thanh xuân. Nàng được núi rừng Phủ Quỳ
thanh hóa tâm hồn. Cẩm Thạch nói tiếng Lào, tiếng Thái rất sõi. Vì thế nàng
có bút danh rất Lào: Bua xọn Bút Xao Đon. Rồi, cô gái như người trong tranh
ấy thành bà giáo mang hương rừng, thổi hồn núi xuống tận đồng bằng khi trở
về xuôi dạy khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An”, “Cẩm Thạch
thường có giọng điệu riêng thật thà của người dân tộc”. Ông đã trích dẫn hàng
loạt bài thơ Mùa trăng, Tình khăn Piêu, Tình Xuân, Tiếng chày cùm cụp mùa
3
xôi trăng, Tiếng mùa xuân, Xuân mười sáu,… của tác giả để dẫn đến kết luận
trong Lời giới thiệu tập thơ Tình khăn Piêu: “Cái gốc của thơ là sự sống, ý
tưởng là xương, cảm hứng là máu thịt. Cẩm Thạch đã biết cách dùng năng
lượng nội tại luyện tiếng nói đời thường thành ngôn ngữ thơ. Sự rung cảm
dung dị đạt đến mức hồn nhiên đã làm nên giá trị của tập thơ” [47, tr.5].
- Viết Lời tựa cho tập thơ Mùa Chămpa, nhà thơ lão thành Thạch Quỳ cho
rằng: “Ở thời điểm thơ đang được thôi thúc bởi tiếng gọi của cái mới, dường
như Cẩm Thạch vẫn hồn nhiên, dung dị trong vẻ đẹp hướng tới của thơ mình.
Chị không thiên về cái tứ của toàn bài, không cố tình nói một tiếng nói mới lạ
trong kết cục, thơ chị “hồn nhiên nhi nhiên” đối cảnh sinh tình.” [46, tr.5]
- Cũng trong Lời tựa cho tập thơ Thao thức trăng ngàn, Nguyễn Quốc
Anh viết “Hơn hai mươi năm ròng sống trong bóng lá mây ngàn, Hoàng Thị
Cẩm Thạch (Cẩm Thạch) thấm đẫm tâm hồn những sơn nữ. Sau này khi về
Vinh dạy học, lại được dạy các bạn Lào, được tiếp xúc nhiều với người dân
tộc nên tâm hồn sơn nữ lại thức tỉnh chị: khao khát một điều gì đó, nuối tiếc
một điều gì đó mà tự thân không nắm bắt được. Và rồi lại day dứt, lại bối rối,
lại muốn tự trò chuyện với mình. Tập thơ Thao thức trăng ngàn đã ra đời
trong những khoảnh khắc như vậy” [45, tr.6]
- Nữ thi sĩ Bích Thủy khi đọc bài thơ Chỉ mình anh mới hiểu đã chia sẻ:
“Đọc bài thơ của Hoàng Cẩm Thạch như thấy giảm đi được mấy tuổi em ạ.
Cám ơn người đẹp thơ hay nhé”.
(http://hoangcamthach.vnweblogs.com/post/27936/484737#comments)
- Nhà thơ Mai Nam Thắng khi chọn và giới thiệu thơ Hoàng Cẩm Thạch
cũng nhận xét: “Thơ Cẩm Thạch khá chân thật và… “hồn nhiên”, khiến người
đọc rất dễ nhận ra giới tính và nghề nghiệp của tác giả.”
(http://www.baomoi.com/Tho-Cam-Thach/c/1123409.epi)
- Và chính nữ sĩ cũng tự nhận về thơ mình khi trả lời phỏng vấn của báo
4
chí: “Thơ mạnh mẽ, táo bạo đã có nam làm rồi, còn mình là phụ nữ thì nên
thể hiện nữ tính trong thơ.” [58]
Có thể thấy, dù thơ Hoàng Cẩm Thạch đã được rất nhiều bạn đọc tiếp
nhận và yêu mến, nhưng cho đến nay chưa có công trình nào có tính chất
nghiên cứu sâu, tập trung về thơ chị cũng như thế giới nghệ thuật thơ Cẩm
Thạch. Tiếp thêm những ý kiến, bài viết đánh giá của người đi trước, chúng
tôi mong muốn góp cái nhìn sâu hơn về vấn đề cảm xúc của Hoàng Cẩm
Thạch trước hiện thực, con người, qua đó thấy được đóng góp của thơ chị
trong tiến trình phát triển thơ Việt Nam hiện đại.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát
3.1. Đối tượng nghiên cứu: là thế giới nghệ thuật thơ Cẩm Thạch, cụ thế
là bức tranh thế giới hiện thực tạo nên xúc cảm lớn lao trong chị và được biểu
hiện qua thơ.
3.2. Phạm vi khảo sát: là các tập thơ của Hoàng Cẩm Thạch đã xuất bản
- Cẩm Thạch, 2002, Giá như em là biển, NXB Văn hoá Dân tộc, HN.
- Cẩm Thạch, 2004, Thao thức trăng ngàn, NXB Nghệ An, Nghệ An.
- Cẩm Thạch, 2006, Mùa Chăm Pa, NXB Hội Nhà văn, HN.
- Cẩm Thạch, 2008, Tình khăn Piêu, NXB Hội Nhà văn, HN.
- Cẩm Thạch, 2010, Phía không anh, NXB Hội Nhà văn, HN.
- Cẩm Thạch, 2014, Mắt núi, NXB Hội Nhà văn, HN.
- Cẩm Thạch, 2015, Dấu chân còn ấm hơi Người, NXB Trẻ, TP. HCM.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Chỉ ra những đóng góp của thơ Cẩm Thạch nhìn trên phương diện chủ
đề, nội dung.
- Chỉ ra những đóng góp của thơ Cẩm Thạch nhìn trên phương diện kết
cấu, ngôn ngữ, giọng điệu.
- Khẳng định vị trí thơ Cẩm Thạch trong dòng thơ nữ Việt Nam hiện đại.
5
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: do luận văn khảo sát đến 7 tập thơ
nên chúng tôi sử dụng thao tác chia tách các tập thơ/ câu thơ biểu hiện cảm
xúc trong các thế giới khác nhau, tạo điều kiện nhìn nhận sâu hơn, chi tiết
hơn. Sau đó tổng hợp lại để có cái nhìn tổng thể, toàn diện.
- Phương pháp so sánh - đối chiếu: Luận văn sử dụng phương pháp này để
tạo nên sự so sánh nội tại (giữa các tập thơ của Cẩm Thạch) và so sánh ngoại vi
(thơ Cẩm Thạch với một số nhà thơ khác cùng thời) để có cái nhìn về diện.
- Phương pháp thống kê: bên cạnh thống kê về hệ thống đề tài, thao tác
này được sử dụng chủ yếu ở thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ (từ, tu từ, các thể
thơ, v.v).
- Phương pháp thi pháp thể loại: Luận văn sử dụng phương pháp thi
pháp thơ qua tham khảo, tiếp thu vấn đề này ở các chuyên luận của các tác
giả: Trần Đình Sử, Hồ Thế Hà, Đỗ Lai Thúy, Phan Huy Dũng, v.v làm nền
tảng cho khảo sát, đánh giá.
6. Đóng góp của luận văn
- Đây là luận văn đầu tiên khảo sát một cách toàn diện về con đường thơ
Hoàng Cẩm Thạch nhằm góp phần đánh giá, dù tương đối nhưng toàn diện,
những khám phá, tìm tòi, sáng tạo của Cẩm Thạch đối với thơ ca Việt Nam
hiện đại.
- Luận văn chỉ ra được những đặc điểm cơ bản của thơ Cẩm Thạch cả về
nội dung và hình thức.
- Luận văn sẽ là tài liệu tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên
cứu hoặc giảng dạy thơ Cẩm Thạch.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn được triển khai qua 3 chương:
6
Chương 1: Thơ Hoàng Cẩm Thạch trong thế hệ nhà thơ nữ Việt Nam
hiện đại.
Chương 2: Cảm xúc của Hoàng Cẩm Thạch qua cái nhìn về bức tranh
thế giới hiện thực, con người.
Chương 3: Nghệ thuật tổ chức ngôn từ trong thơ Hoàng Cẩm Thạch.
7
CHƯƠNG 1
THƠ HOÀNG CẨM THẠCH TRONG THẾ HỆ
NHÀ THƠ NỮ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
1.1. THƠ NỮ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI - MỘT VÀI NÉT PHÁC THẢO
1.1.1. Bối cảnh hiện thực và giới thuyết “thơ nữ Việt Nam hiện đại”
Suốt mười thế kỷ, từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX, nền văn học viết
Việt Nam hình thành và phát triển trong môi trường xã hội phong kiến trung
đại, đã đạt được những thành tựu xã hội to lớn, đặc biệt là ở giai đoạn thế kỷ
XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Nhưng trong giai đoạn này, xuất phát từ ý
thức hệ phong kiến, nhất là quan niệm “trọng nam khinh nữ” (Nhất nam viết
hữu thập nữ viết vô: một con trai cũng được coi là có, mười con gái cũng
bằng không) nên những người phụ nữ làm thơ chỉ được đếm trên đầu ngón
tay, hầu hết là những người phụ nữ quý tộc hoặc dính dáng đến tầng lớp quý
tộc để được học hành, còn thì vắng bóng những thôn nữ chân lấm tay bùn,
mắt toét răng đen, lại bị đè nặng bởi thói quen phụ nữ chỉ quanh quẩn nơi xó
bếp nên hầu như không được đi học. Có thể kể đến một vài nhà thơ nữ:
Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân công chúa, Hồ Xuân
Hương. Nếu ba nhà thơ đầu có chung một giọng thơ là nỗi buồn tâm cảnh, là
tâm trạng nhớ thương người đi xa, là nỗi đau mất mát người chồng, người
anh hùng, v.v và được viết chủ yếu bằng thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú
hoặc song thất lục bát v.v thì Hồ Xuân Hương đứng tách ra một mảng riêng.
Thơ Hồ Xuân Hương tiếp cận hiện thực nhiều hơn, trực tiếp hơn, nhìn thẳng
vào thực tế xã hội để phán xét nó, giễu nhại nó. Giọng chủ âm thơ Xuân
Hương là giọng trào tiếu, giễu nhại, nếu có những tâm sự về phận, về giới
mình thì những đau xót thân phận ấy cũng được giấu trong cái nhìn hài
hước, trào lộng. Thể thơ Hồ Xuân Hương sử dụng cũng là thể thơ Nôm thất
8
ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt chứ không phải kiểu trường thiên như Chinh phụ
ngâm (Đoàn Thị Điểm) hay Ai tư vãn (Ngọc Hân Công chúa). Hồ Xuân
Hương cũng không phải là nhà thơ xuất thân từ tầng lớp quý tộc mà là nhà
thơ lăn lộn nhiều ở cuộc sống nơi thôn dã nên bà không bị ràng buộc nhiều
bởi lễ giáo phong kiến nên thơ bà thuộc dòng phong cách bình dân (Không
có nhưng mà có mới ngoan; Này của Xuân Hương mới quệt rồi, v.v). Đây
cũng là người làm thơ duy nhất thời ấy được Xuân Diệu phong danh hiệu
“Bà chúa thơ Nôm”.
Những năm đầu thế kỷ XX, với sự mò mẫm ban đầu của nền văn học
quốc ngữ nên chưa có thành tựu gì lớn, đặc biệt không xuất hiện nhà thơ nữ
nào. Chỉ đến khoảng thập niên 30 của thế kỷ, khi thực dân Pháp đã hoàn
thành xong bước xâm chiếm, giờ ra sức củng cố địa vị thống trị và khẩn
trương bắt tay vào khai thác thuộc địa. Cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam bắt
đầu có những biến đổi theo xu hướng tư bản chủ nghĩa ở một nước thuộc địa.
Cùng với đó, luồng văn hóa phương Tây thổi sang tạo nên sự biến đổi lớn
trong tư duy, lối sống và cảm quan nghệ thuật, ví dụ, xu thế cổ vũ cho tình
yêu lứa đôi công khai, xu thế đập vỡ hạt nhân gia đình kiểu phong kiến để
chuyển sang gia đình dựa trên cơ sở tự nguyện lựa chọn từ tình yêu được
hoan nghênh nhiệt liệt, loại thơ trữ tình điệu ngâm chuyển sang trữ tình điệu
nói được hưởng ứng mạnh mẽ, dòng văn học lãng mạn trở thành dòng chủ lưu
với Thơ Mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn bên cạnh dòng văn học hiện thực
và dòng văn học Cách mạng. Bối cảnh hiện thực này tạo điều kiện cho việc
xuất hiện khá nhiều nhà thơ nữ với những thành tựu được công chúng đón
nhân và đánh giá cao. Đó là các nữ sĩ: Anh Thơ (Chiều xuân, Bến đò ngày
mưa, Đêm trăng mờ, v.v), Vân Đài (Tiếng đêm, Cảm hai giọt lệ, Chiều quê,
v.v), Hằng Phương (Lòng quê, Tư cố hương, Quán cũ trong sương, v.v),
Mộng Tuyết (Em xấu hổ, Làm cô gái Huế, v.v) rồi Mộng Huyền, Ngân Giang,
9
Mai Đình, v.v. Những nữ sĩ này cùng với các “liền anh” Xuân Diệu, Nguyễn
Bính, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Cận, Đinh Hùng, v.v làm nên
“Một thời đại mới trong thi ca” (chữ của Hoài Thanh - Hoài Chân) bất hủ cho
đến tận ngày nay.
Giai đoạn 1945 - 1975 làm nên một “thời đại lớn” - thời đại sử thi của 30
năm đánh giặc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giống như thời kỳ 1932-1945,
giai đoạn này hoàn toàn xứng đáng được coi là một thời kỳ đặc biệt, “thời đại
lớn” với những đặc trưng riêng mà trước đó chưa có và cũng khác với giai
đoạn sau Đổi mới 1986 (thời kỳ 1975 - 1985 thực tế là thời kỳ kéo dài của dư
âm 1945 - 1975 mà lịch sử văn học hay gọi là “quán tính sử thi”). Đây là một
giai đoạn đặc biệt không chỉ dài nhất (40 năm) mà còn vì mang hai dấu ấn vĩ
đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cả nhân loại:
- Hai cuộc chiến tranh chống “Hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” (Lời Hồ
Chủ tịch) với sự ác liệt riêng biệt trong cuộc chiến với mỗi loại đế quốc.
- Miền Bắc bước vào xây dựng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) làm chỗ dựa
chắc chắn cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc - một chế độ chưa có tiền
lệ trong lịch sử nước nhà.
Thời đại đó tạo nên một ý thức hệ riêng, một nếp sống riêng, một lý
tưởng riêng, một thẩm mỹ riêng… tạo nên một phong cách thời đại riêng.
Chẳng hạn, tinh thần công dân nổi trội về trách nhiệm và thái độ: mọi người
đều nhìn về một hướng của vận mệnh và tương lai của đất nước, dân tộc; lý
tưởng về tổ quốc và CNXH làm nên ý thức hệ thống soái cả giai đoạn; Tâm lý
thích đám đông “Ở đồn Mang cá/ Thích hơn ở nhà” (Lượm - Tố Hữu) trở
thành phổ biến; cái đẹp được tôn vinh là cái đẹp phục vụ nhiều nhất, cao nhất
cho đất nước, cộng đồng, v.v. Từ đây tạo ra một nền văn học nghệ thuật riêng
phục vụ cho thời đại ấy. Có thể còn những hạn chế không tránh khỏi của nền
nghệ thuật ấy, còn gây tranh cãi về bản chất văn nghệ của thời đại ấy (quan hệ
10
giữa văn nghệ và chính trị, nền văn nghệ này tiến bộ hay là “khúc gãy” của
nền văn học Việt v.v), nhưng không thể phủ nhận được thành tựu, tầm vóc
lớn lao của nó trong nền văn nghệ nước nhà. Chỉ xét riêng về thơ và cụ thể
hơn là đội ngũ cùng những sáng tác của các nhà thơ nữ thời kỳ này cũng đã
cho chúng ta thấy rõ điều ấy.
Bằng cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, chúng ta đã giải phóng dân tộc
thoát khỏi ách thống trị của chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Nhưng khác với
các cuộc khởi nghĩa của các triều đại trước đó trong lịch sử dân tộc (thay thế
triều đại này bằng thời đại khác mà số phận người dân không hề thay đổi),
cuộc cách mạng này giải phóng người dân từ kiếp nô lệ lầm than đứng lên
làm chủ vận mệnh của mình, tức giải phóng xiềng xích nô lệ hàng ngàn năm
trước đó. Nhờ thế, lần đầu tiên người phụ nữ được giải thoát thân phận “khinh
nữ”, sẵn sàng tham gia vào mọi công cuộc kháng chiến, dựng xây. Hình ảnh
những người du kích nữ, dân công nữ tham gia kháng chiến chống Pháp; hình
tượng nữ thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ tự vệ, nữ chiến sĩ giải phóng
quân trong kháng chiến chống Mỹ; hình tượng nữ cán bộ trí thức, cán bộ khoa
học tham gia vào công cuộc dựng xây XHCN, v.v hiện lên đông đảo và góp
phần không nhỏ vào thành công của đất nước, dân tộc chính là được xuất phát
từ quan niệm mới của cuộc Cách mạng tháng Tám. Hiện thực này chính là
nguồn cảm hứng mãnh liệt cho dòng thơ nữ, tạo nên thành công cả về đội ngũ
và tác phẩm như một dòng thơ riêng. Có thể nhắc đến những nhà thơ nữ lần
lượt qua các thế hệ: Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương, Ngân Giang,... Xuân
Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Kim, Đoàn Thị Lam
Luyến, Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, Nguyễn Thị Vân Anh, Hoàng Thị Cẩm Thạch,
Nguyễn Thị Phước, Thanh Nguyên, Phạm Thị Ngọc Liên,... Phan Huyền Thư,
Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Thị Vàng Anh, v.v
Cũng phải đến thời đại này, với đội ngũ đông đảo, với những sáng tác gây