Siêu thị PDFTải ngay đi em, trời tối mất

Thư viện tri thức trực tuyến

Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật

© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Sự tương tác về hành vi hỏi - đáp qua lời thoại trong tắt đèn và lều chõng của ngô tất tố.
MIỄN PHÍ
Số trang
71
Kích thước
673.8 KB
Định dạng
PDF
Lượt xem
1259

Sự tương tác về hành vi hỏi - đáp qua lời thoại trong tắt đèn và lều chõng của ngô tất tố.

Nội dung xem thử

Mô tả chi tiết

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

KHOA NGỮ VĂN

----------

NGUYỄN THỊ TIẾN

Sự tương tác về hành vi hỏi - đáp qua lời thoại

trong Tắt đèn và Lều chõng của Ngô Tất Tố

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài.

Trong cuộc sống, con người luôn có nhu cầu trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc

của mình, để thực hiện được những điều đó đòi hỏi con người phải hội thoại với

nhau. Hội thoại là một hình thức giao tiếp căn bản, thường xuyên, phổ biến trong mọi

hoạt động của con người. Muốn cho cuộc hội thoại thành công thì mỗi nhân vật giao

tiếp phải biết sử dụng các yếu tố ngôn ngữ vào lời thoại của mình một cách tốt nhất,

hiệu quả nhất. Ngôn ngữ hội thoại thể hiện rõ đặc điểm tính cách nhân vật hội thoại,

thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, trình độ, tâm lí của mỗi nhân vật.

Tuy nhiên trong giao tiếp hàng ngày, người ta nói ra không chỉ đơn thuần để

nói, để thông báo, thể hiện tình cảm mà còn để hỏi, để biểu thị những điều chưa biết,

cái không rõ và cần được giải đáp làm sáng tỏ vấn đề. Ngoài ra, thông qua hành vi hỏi

– đáp còn nhằm chuyển tải một thông tin ngầm, ẩn chứa đằng sau câu chữ cụ thể.

Ngô Tất Tố được xem là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực trước

Cách mạng, đồng thời cũng là một trong những tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng

trong nền văn học Việt Nam hiện đại, được đánh giá là hiện tượng độc đáo của văn

chương hiện thực. Ngô Tất Tố đã vận dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày vào trong tác

phẩm của mình một cách linh hoạt, uyển chuyển, tinh tế, tiêu biểu là trong Tắt đèn và

Lều chõng. Trong hai tiểu thuyết này, nhà văn chủ yếu để cho nhân vật tự hội thoại

với nhau. Cho nên, đi sâu tìm hiểu tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố chúng ta không

thể không tìm hiểu lời ăn tiếng nói của các nhân vật. Họ đã nói cái gì? Họ nói với

nhau như thế nào? Họ nói với nhau để làm gì? Từ những lí do trên chúng tôi lựa chọn

đề tài: “Sự tương tác về hành vi hỏi - đáp qua lời thoại trong Tắt đèn và Lều chõng

của Ngô Tất Tố” làm khóa luận tốt nghiệp.

Lựa chọn đề tài này sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn sâu sắc về đặc điểm tính

cách nhân vật, hiện thực cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm và phong cách sáng

tác của nhà văn. Đồng thời, chúng tôi có dịp được tìm hiểu sâu hơn về con người và

sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, góp phần khẳng định tài năng của nhà văn. Để

từ đó tích luỹ kiến thức nhằm phục vụ cho việc học tập, giảng dạy của bản thân sau

này.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu.

* Nghiên cứu vấn đề ở phương diện Văn học:

Văn nghiệp lớn, đa dạng của Ngô Tất Tố đã thu hút được sự quan tâm của giới

nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học và đông đảo công chúng. Mấy thập kỷ qua,

kể từ bài viết đầu tiên của Vũ Trọng Phụng về tiểu thuyết Tắt đèn (năm 1939) đến

nay, đã có cả trăm bài viết, công trình đi sâu khám phá các phương diện khác nhau

trong thế giới nghệ thuật đa dạng, độc đáo của nhà văn. So với nhiều cây bút cùng

thời (ngay cả các nhà văn cùng trào lưu văn học hiện thực trước cách mạng) những ý

kiến đánh giá về Ngô Tất Tố và văn nghiệp của ông khá ổn định, thống nhất, trong xu

hướng khẳng định những thành tựu, phần đóng góp lớn cả vị trí trang trọng của ông –

một nhà văn “thực học – thực tài”, một nhân cách trong sáng cao đẹp trong nền văn

học dân tộc.

Như chúng tôi đã nói ở trên, văn nghiệp của Ngô Tất Tố đã tốn rất nhiều giấy

mực của giới nghiên cứu, phê bình văn học.

Trước hết, chúng ta phải kể đến cuốn Ngô Tất Tố về tác gia và tác phẩm

(2001), Nxb Giáo dục. Đây là cuốn sách tập hợp tương đối đầy đủ hệ thống những bài

nghiên cứu, phê bình cũng như hồi ức, kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp, người thân

về sự nghiệp văn chương và cuộc đời của tác giả. Các bài viết từ nhiều góc độ khác

nhau và cách tiếp cận khác nhau đã đi sâu vào phân tích, đánh giá những nét tiêu biểu

nhất trong thế giới nghệ thuật và vị trí của nhà văn trong nền văn học dân tộc, với

những bài viết tiêu biểu như:

- Nguyễn Đăng Mạnh với bài: Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

- Tắt đèn - cuốn tiểu thuyết hiện thực xuất sắc của Hoàng Chương.

- Vũ Ngọc Phan có bài: Lều chõng của Ngô Tất Tố.

Bên cạnh đó, trong cuốn Tác giả trong nhà trường Ngô Tất Tố (2006), Nxb

Văn học đã tập hợp các bài viết tiêu biểu về tác giả Ngô Tất Tố cũng như sự nghiệp

sáng tác của ông. Phan Cự Đệ đã có bài viết Ngô Tất Tố và một sự nghiệp đổi mới

hôm nay. Tác giả cho rằng: “Ngô Tất Tố đã nhiều lần kêu gọi trở về cội nguồn dân

tộc, trở về bản sắc văn hóa Việt Nam” [27, tr.50]. Tác giả còn cho rằng: “Đối với

cuộc sống, Ngô Tất Tố luôn có một cái nhìn hiện thực tỉnh táo, một thái độ dũng cảm,

dám phanh phui mọi mâu thuẫn phức tạp, dám vạch trần mọi mặt nạ giả dối, nhưng

đồng thời cũng luôn bộc lộ một niềm tin yêu nhân hậu và thiết tha vào bản chất tốt

đẹp của con người. Nhất là với người lao động nghèo khổ” [27, tr.51]. Tác giả Vũ

Ngọc Phan trong bài: “Lều chõng” của Ngô Tất Tố cũng đã có nhận xét về nghệ thuật

xây dựng tiểu thuyết: “Xây dựng tiểu thuyết Lều chõng, chủ ý của tác giả là làm cho

người đọc thấy được những nét chính của cái học và lối thi cử phong kiến với tất cả

những sự thối nát của nó” [27, tr.149]. Tác giả còn cho rằng: “Nghệ thuật phản ánh

hiện thực cũng có những chỗ tinh vi, đánh dấu hẳn một giai đoạn lịch sử vào giữa thế

kỷ XIX, người trí thức Việt Nam còn bị bả công danh cám dỗ…” [27, tr.152].

Phan Cự Đệ còn có bài viết Những khuynh hướng tiểu thuyết hiện đại trước

Cách mạng tháng Tám. Khi nói về ngôn ngữ trong sáng tác của Ngô Tất Tố tác giả

khẳng định: “Ngôn ngữ trong tác phẩm của Ngô Tất Tố là ngôn ngữ hàng ngày, của

quần chúng nhân dân đã được nghệ thuật hóa”.

Trong cuốn Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo (2003), Nxb Văn

học. Tác giả Trần Đăng Suyền có bài Nghệ thuật tự sự của Ngô Tất Tố trong tiểu

thuyết Tắt đèn. Trần Đăng Suyền nhận định với nghệ thuật kể chuyện sắc sảo trong

Tắt đèn: “Chứa đựng thời gian rất ngắn và không gian rất hạn hẹp. Một sự dồn nén

cao độ về không gian và thời gian, các biến cố sự kiện dồn nén hết sức căng thẳng”

[25, tr.248].

Như vậy, những công trình nghiên cứu về các sáng tác của Ngô Tất Tố khá

phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, những công trình đó chủ yếu nghiên cứu ở khía

cạnh nội dung của tác phẩm chứ chưa đi sâu vào khám phá thế giới nghệ thuật đặc

sắc, đặc biệt là ngôn ngữ hội thoại của các nhân vật.

Gần đây còn có một số khóa luận tốt nghiệp bàn về những khía cạnh khác

nhau của tiểu thuyết Ngô Tất Tố như: Câu đặc biệt trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô

Tất Tố của Nguyễn Thị Kim Cúc. Nguyễn Thị Hằng với Bi kịch kẻ sĩ phong kiến

trong tiểu thuyết Lều chõng của Ngô Tất Tố. Hay khóa luận của Lê Thị Liễu về vấn

đề Lều chõng – Tiểu thuyết phụng sự xuất sắc của Ngô Tất Tố.

* Nghiên cứu vấn đề ở phương diện Ngữ dụng học:

Trên thế giới đã từ lâu, ngữ dụng học phát triển một cách mạnh mẽ và ngày

càng có vị trí đặc biệt trong ngôn ngữ học. Số lượng các chuyên khảo cũng như các

công trình đề cập tới những phương diện khác nhau của ngành này ngày một tăng. Có

thể nói rằng ngày nay, không một công trình nghiên cứu ngôn ngữ học nào lại không

ít nhiều đề cập đến ngữ dụng học.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, ngữ dụng học cũng được các nhà ngôn

ngữ đặc biệt quan tâm. Các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về ngữ dụng học như

Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo, Lê Đông, Đỗ Thị Kim Liên,

Nguyễn Thiện Giáp,… đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc về phân ngành

ngữ dụng học cũng như các phương diện khác nhau của ngành này.

Lý thuyết hội thoại là một trong những vấn đề trung tâm của ngữ dụng học. Ở

bình diện này, trước hết phải kể đến tác giả Đỗ Hữu Châu. Ông có các công trình tiêu

biểu về ngữ dụng học như: Cơ sở ngữ dụng học (2003), Đại cương ngôn ngữ học

(2006), Giáo trình ngữ dụng học (2007). Các vấn đề về lý thuyết hội thoại, vận động

hội thoại, quy tắc hội thoại, thương lượng hội thoại, cấu trúc hội thoại được tác giả

Đỗ Hữu Châu trình bày một cách có hệ thống, đầy đủ, giúp cho người đọc có những

cách tiếp cận mới đối với một lĩnh vực vừa mới vừa khó.

Bên cạnh đó còn có một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như Ngữ pháp

chức năng tiếng Việt (2000) và Tiếng Việt sơ khảo ngữ pháp chức năng (2006) của

GS. Cao Xuân Hạo, Ngữ dụng học của GS.TS Nguyễn Đức Dân. Dụng học Việt ngữ

(2007), Giáo trình Ngữ dụng học (2008), 777 khái niệm ngôn ngữ học (2010) của

Nguyễn Thiện Giáp. Tác giả Đỗ Thị Kim Liên cũng đã cho ra đời 2 công trình nghiên

cứu có giá trị Ngữ nghĩa lời hội thoại (1999) và Giáo trình ngữ dụng học (2005).

Ngoài các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên, khi bàn về hội thoại và các

hành vi ngôn ngữ còn có nhiều bài viết liên quan của các tác giả Nguyễn Thị Thìn,

Mai Ngọc Chừ, Diệp Quang Ban,… nhằm cung cấp các khái niệm về hội thoại, cặp

thoại, ngữ cảnh giao tiếp, hành vi ngôn ngữ.

Lê Anh Xuân với bài viết Tại lời dưới dạng câu nghi vấn để thể hiện hành vi

khẳng định một cách gián tiếp. Trong bài viết này tác giả đã trình bày một cách cụ thể

và ngắn gọn những cách thể hiện gián tiếp dưới dạng câu nghi vấn. Cũng trong nội

dung này Nguyễn Thị Thìn có bài viết Tác dụng báo hiệu hành vi ngôn ngữ gián tiếp

của một số kiểu cấu trúc nghi vấn. Hay bài viết Chức năng thực hiện các hành vi

ngôn ngữ tại lời gián tiếp của câu hỏi tu từ của Lê Thị Thu Hoài. Lê Anh Xuân còn

có bài viết Các dạng trả lời gián tiếp cho câu hỏi chính danh, trong bài viết này tác

giả đã trình bày một cách cụ thể các dạng trả lời gián tiếp bằng dạng câu tường thuật,

câu nghi vấn, câu cầu khiến và dạng câu đặc biệt. Như vậy, tất cả các bài viết này chỉ

dừng lại ở việc nghiên cứu hành vi ngôn ngữ gián tiếp và họ chỉ lấy các ví dụ để minh

họa cho công trình nghiên cứu của mình chứ chưa đi sâu và nghiên cứu một tác phẩm

văn học cụ thể nào.

Việc phân tích các hành vi ngôn ngữ tại lời trong các tác phẩm văn học còn khá

ít. Nguyễn Thị Én có bài Hành vi cầu khiến qua lời thoại nhân vật nữ trong truyện

ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong bài viết của mình, tác giả chỉ dừng lại ở việc nghiên

cứu hành vi cầu khiến của nhân vật nữ ở cả hành vi gián tiếp và trực tiếp.

Ngoài ra còn có nhiều luận văn, khóa luận tốt nghiệp đã đi vào giải quyết các

vấn đề riêng lẻ trong hành vi ngôn ngữ và lý thuyết hội thoại như: Hoàng Thị Nguyệt

với Hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong hội thoại qua truyện ngắn Nam Cao . Trần Thị

Minh Toan với Hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong hội thoại qua truyện ngắn Nguyễn

Công Hoan. Hay Đặc trưng ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Nam Cao của Vũ

Thị Hạnh. Phan Khắc Luận với Đặc trưng ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn

Nguyễn Huy Thiệp, Đặc trưng ngôn ngữ hội thoại trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội

của Phùng Quán của Dương Thị Thanh Huyền, Võ Thị Hạnh với Tìm hiểu hành vi

khen ngợi trong văn học hiện thực phê phán, Hoàng Thu Huyền với Tìm hiểu cách

thể hiện hành vi chửi mắng trong văn học hiện thực phê phán, Tìm hiểu cách thể hiện

hành vi chê trách trong văn học hiện thực phê phán của Phạm Khắc Kiên,…

Như vậy, hành vi tại lời là một vấn đề lí thú và được nhiều người quan tâm

nghiên cứu. Tuy nhiên các bài viết trên chỉ đề cập đến một khía cạnh của hành vi

ngôn ngữ trong văn học hiện thực phê phán nói chung hay là những vấn đề về hành vi

tại lời gián tiếp trong tác phẩm văn học. Còn với đề tài: “Sự tương tác về hành vi hỏi

– đáp qua lời thoại trong Tắt đèn và Lều chõng của Ngô Tất Tố” khách quan mà nói

thì chưa có một công trình nghiên cứu nào khai thác một cách trọn vẹn, cụ thể và sâu

sắc. Dựa trên cơ sở tiếp thu thành công của những người đi trước, chúng tôi mong

muốn được góp một phần bé nhỏ của mình để làm phong phú, hoàn thiện hơn việc

nghiên cứu và tìm hiểu về sự tương tác hành vi hỏi – đáp trong tác phẩm văn học của

nhà văn Ngô Tất Tố.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.

- Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là: Sự tương tác về hành vi hỏi - đáp

qua lời thoại trong Tắt đèn và Lều chõng của Ngô Tất Tố.

- Phạm vi nghiên cứu của đề tài này: chúng tôi đi vào khảo sát hai tiểu thuyết

của Ngô Tất Tố là Tắt đèn và Lều chõng, Nxb Văn học (1977)

Tư liệu mà chúng tôi khảo sát là các lời thoại của các nhân vật giao tiếp theo

từng cặp thoại (hỏi - đáp) với sự tương tác của chúng.

4. Phương pháp nghiên cứu

Đi vào nghiên cứu đề tài này chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:

* Phương pháp khảo sát.

* Phương pháp thống kê, phân loại.

* Phương pháp so sánh, đối chiếu.

* Phương pháp phân tích – tổng hợp.

5. Bố cục của khóa luận

Đề tài mà chúng tôi nghiên cứu ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham

khảo. Phần nội dung được chia làm ba chương:

Chương I: Những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài.

Chương II: Các kiểu tương tác về hành vi hỏi - đáp qua lời thoại trong Tắt

đèn và Lều chõng của Ngô Tất Tố.

Chương III: Vai trò, tác dụng của sự tương tác về hành vi hỏi – đáp qua lời

thoại trong Tắt đèn và Lều chõng của Ngô Tất Tố.

Tải ngay đi em, còn do dự, trời tối mất!