Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Y THƠM
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN CÔNG HOAN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2014
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Phong Nam
Phản biện 1: TS. Cao Thị Xuân Phượng
Phản biện 2: TS. Hà Ngọc Hòa
Luận văn đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt nghiệp
thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn họp tại Đại học Đà Nẵng vào
ngày 28 tháng 12 năm 2014
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là một trong những nhà văn
hiện thực xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là
người có công khai phá, mở đường cho dòng văn học hiện thực
phê phán Việt Nam với khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa.
Nguyễn Công Hoan đã để lại cho nền văn học nước nhà một số
lượng tác phẩm khá đồ sộ với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện
dài và nhiều công trình nghiên cứu văn học có giá trị. Trong đó,
truyện ngắn được coi là sở trường của ông. Nói đến Nguyễn Công
Hoan là nói đến một trong những tác giả nổi tiếng nhất về truyện
ngắn ở nước ta từ trước tới nay.
Thế giới truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong
phú về những cảnh ngộ, những kiểu người đang múa máy, khóc
cười trong xã hội cũ. Những câu chuyện độc ác, tàn nhẫn; những
chuyện thương tâm ai oán, cùng những câu chuyện nực cười, lố
lăng trong xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy bất công ngang
trái được nhà văn tái hiện một cách độc đáo. Tái hiện bức tranh xã
hội thực dân nửa phong kiến tạp nham, lố bịch, đầy rẫy bất công
dưới ngòi bút trào phúng, đả kích, châm biếm mạnh mẽ và sâu
cay, Nguyễn Công Hoan đã đạt được những thành công nhất định.
Có thể khẳng định, với những gì đã đóng góp cho nền văn học
nước nhà, Nguyễn Công Hoan đã tạo được dấu ấn về phong cách
của mình, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn. Truyện của ông luôn tạo
được một sự hấp dẫn đối với người đọc, bởi một lối kể chuyện có
duyên, chủ đề bao giờ cũng rõ ràng, bắt nguồn từ cuộc sống thực,
tình tiết truyện luôn mang tính hài hước.
2
Nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác gia là vấn đề
có tính lí luận sẽ giúp các nhà nghiên cứu có được một hệ thống
những luận điểm quan trọng để đánh giá giá trị của tác phẩm,
khám phá nét độc đáo trong sáng tác của nhà văn, cũng như sự đi
lên của một nền văn học.
Trong lịch sử nghiên cứu văn học, đã có rất nhiều công trình
nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nhưng riêng vấn
đề đi sâu khảo sát có hệ thống phương diện nghệ thuật truyện ngắn
của ông để thấy được đặc điểm riêng, thấy được những yếu tố đặc
sắc hình thành nên phong cách nghệ thuật của nhà văn vẫn chưa
có công trình nào thực hiện triệt để.
Với những lý do trên đây, chúng tôi đã lựa chọn đề tài Phong
cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công Hoan để nghiên cứu,
nhằm thấy được tài năng, sự cống hiến cũng như những nét độc
đáo trong sáng tác của ông.
2. Lịch sử vấn đề
Đã có rất nhiều công trình tìm hiểu nội dung cũng như hình
thức nghệ thuật của nhà văn. Có thể chia quá trình nghiên cứu ra
thành hai chặng:
2.1. Giai đoạn trước 1945
Trước cách mạng tháng Tám, khi truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan mới ra mắt bạn đọc, đã có rất nhiều bài viết khen ngợi nội
dung hiện thực và giá trị nghệ thuật truyện ngắn của nhà văn. Như
trong bài “Một ngọn bút mới” của Trúc Hà năm 1932 có viết:
“không réo rắt như một khúc đàn, không nhẹ nhàng như một bài
thơ, không man mác như gió thổi mặt nước, không bóng bẩy như
cành hoa trong gương, văn ông có cái hay, rõ ràng, sáng sủa, thiết
thực, hơi văn nhanh và gọn. Lời văn hàm một giọng trào phúng,
3
lại thường hay đệm vào một vài câu hoặc một vài chữ có ý khôi
hài, bông lơn thú vị”.
Tập truyện ngắn Kép Tư Bền ra đời đã trở thành một sự kiện
gây xôn xao đời sống văn học và bắt đầu có những ý kiến khen
chê trái ngược nhau. “Phái nghệ thuật vị nghệ thuật” chê bai, tìm
cách làm giảm đi giá trị của nhà văn. Lê Tràng Kiều viết: “Ai có
đọc hết các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan thì thấy ông không
đáng là nhà văn xã hội” và “Nguyễn Công Hoan theo chúng tôi chỉ
là một anh kép hát vài câu bông lơn có duyên thế thôi.
Dưới mắt của Trương Chính : “Nguyễn Công Hoan là một
anh pha trò và một anh pha trò đậm. Anh pha trò ấy đã hiểu nghề,
đã thành thạo lắm, nên anh đã được khán giả hoan nghênh”.
Trương Chính cho rằng: Nguyễn Công Hoan là một nhà văn có tài
quan sát rất tinh vi, cách dùng chữ của ông ngộ nghĩnh, đôi khi
đến vui và cách kể chuyện của ông có duyên.
Năm 1944, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, cũng khen
về cách viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: "Nguyễn Công
Hoan sở trường về truyện ngắn hơn là truyện dài…ở truyện ngắn,
ông tỏ ra là một người kể chuyện rất có duyên. Phần nhiều truyện
ngắn của ông linh động lại có nhiều cái bất ngờ, làm người đọc
khoái trá vô cùng.” Ở nhận định này, những yếu tố mà ông Vũ
Ngọc Phan đã nói ra như: “Một người kể chuyện rất có duyên”,
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan “linh động”, “nhiều cái bất
ngờ” khiến cho người đọc “khoái trá”, Nguyễn Công Hoan chỉ
“vững vàng” trong “phạm vi tả chân và trào lộng” theo chúng tôi
đó là những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của Nguyễn
Công Hoan.
4
2.2. Giai đoạn sau 1945
Sau Cách mạng tháng Tám, sự nghiệp văn học của Nguyễn
Công Hoan được đánh giá cao hơn, xác đáng hơn. Về cơ bản đều
thừa nhận ông là nhà văn có biệt tài truyện ngắn và có một phong
cách nghệ thuật truyện ngắn riêng biệt.
Tác giả Nguyễn Đức Đàn nhận định: "Về nghệ thuật viết
truyện ngắn phải nói rằng Nguyễn Công Hoan là người có nhiều
khả năng và kinh nghiệm. Truyện của ông thường rất ngắn. Lời
văn khúc chiết, giản dị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ
thuật để hấp dẫn người đọc. Thường kết cục bao giờ cũng đột
ngột. Mỗi truyện thường như một màn kịch ngắn có giới thiệu,
thắt nút và mở nút."
Năm 1977, Lê Thị Đức Hạnh cũng có những nhận xét về tư
tưởng, chủ đề của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan: “Từ một thái
độ sống dứt khoát, từ một động cơ viết rõ ràng, Nguyễn Công
Hoan thường lập ý cho truyện của ông có tư tưởng, chủ đề cụ thể,
rõ ràng khiến người đọc dễ nhận thấy”. “Sau khi đã tìm được tư
tưởng, chủ đề rồi, Nguyễn Công Hoan biết cách tạo dựng một cốt
truyện, thường thường là sắc nhọn…Tạo được cốt truyện, Nguyễn
Công Hoan mới tập trung sức mạnh của ngòi bút vào việc thể hiện
những chi tiết.”
Năm 1978, trong Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của
nhà văn, có bài nghiên cứu của Nguyễn Đăng Mạnh về phong
cách Nguyễn Công Hoan. Ông viết: Nguyễn Công Hoan “thích
bốp chát, đánh vỗ ngay vào mặt đối phương. Tiếng cười đã kích
của Nguyễn Công Hoan thường là những đòn đơn giản mà ác
liệt”. “Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có một chủ đề rõ
ràng, đơn giản (…) gắn được với một mâu thuẫn trào phúng và
5
một tình thế có tính hài hước”. Về đại thể bí quyết chủ yếu vẫn là
nghệ thuật dẫn dắt tình tiết sao cho mâu thuẫn trào phúng, tình thế
hài hước bật ra ở cuối tác phẩm một cách đột ngột bất ngờ".
Nguyễn Thanh Tú đã nhận xét về một số thủ pháp nghệ thuật
biểu hiện cái hài trong câu văn của Nguyễn Công Hoan: “Ngôn
ngữ của Nguyễn Công Hoan là một thứ ngôn ngữ suồng sã để lật
ngửa, lộn trái, nhòm ngó từ dưới và từ trên, đập vỡ vỏ ngoài để
nhìn vào bên trong. Đó chính là một thái độ không biết sợ (…) câu
văn của ông thường mang tính hài hước và đối chọi bên trong
(…); ông có những lối ví von so sánh độc đáo những liên tưởng
bất ngờ, thú vị (…); lối chơi chữ và ghép nghĩa rất phổ biến”.
Tóm lại, trong số bài nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan từ
sau Cách mạng tháng Tám đến nay, phần lớn thống nhất ở chỗ: coi
Nguyễn Công Hoan là nhà văn có biệt tài về truyện ngắn, đặc biệt
là truyện ngắn trào phúng. Truyện của ông luôn tạo ra được sự hấp
dẫn đối với người đọc bởi một lối kết chuyện có duyên, chủ đề
bao giờ cũng rõ ràng, tình thế truyện mang tính hài hước.
Nghiên cứu Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan là đề tài có ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc, cụ thể hơn
nhiều vấn đề về truyện ngắn và về phong cách nghệ thuật của nhà
văn. Và từ những kết quả nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi
có được những gợi mở, nhận xét, đánh giá tin cậy để triển khai
nghiên cứu đề tài này.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp tiếp cận hệ thống
3.2. Phương pháp so sánh đối chiếu
3.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp
6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng khảo sát của chúng tôi là phong cách nghệ thuật
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan (gồm những nét độc đáo, đặc sắc
về tư tưởng và hình thức nghệ thuật).
4.2. Phạm vi nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài, chúng tôi lựa chọn những truyện ngắn
tiêu biểu trong tập Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan, Nhà
xuất bản Thời đại, Hà Nội 2010 làm đối tượng khảo sát chính để
viết luận văn này.
5. Đóng góp của luận văn.
Đề tài: “Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan” nhằm khẳng định những giá trị đặc sắc cũng như phong
cách nghệ thuật đầy cá tính riêng trong truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan, và đóng góp của ông vào truyện ngắn Việt Nam, văn xuôi
Việt Nam hiện đại.
6. Bố cục luận văn.
Ngoài mở đầu và kết luận, luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1: Nguyễn Công Hoan – cây bút truyện ngắn đặc sắc
của văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 2: Nét độc đáo của thế giới nghệ thuật trong truyện
ngắn Nguyễn Công Hoan
Chương 3: Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan nhìn từ phương thức thể hiện
7
CHƯƠNG 1
NGUYỄN CÔNG HOAN – CÂY BÚT TRUYỆN NGẮN ĐẶC
SẮC CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
1.1. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN
CÔNG HOAN
1.1.1. Cuộc đời
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6 tháng 3 năm 1903 tại làng
Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Nghĩa Trụ,
huyện Văn Giang, tỉnh Hải Hưng) trong một gia đình nho học, có
truyền thống yêu nước và đóng góp cho cách mạng nhiều người
con ưu tú. Ông thân sinh ra Nguyễn Công Hoan là Nguyễn Đạo
Khang, đỗ tú tài, làm chức huấn đạo, lương ít lại đông con nên
người anh ruột là Nguyễn Đạo Quán, đỗ phó bảng, làm tri huyện
đã nuôi đỡ em mấy người con, trong đó có Nguyễn Công Hoan.
Tuy con cháu nhà quan nhưng Nguyễn Công Hoan lại có tâm lý
ghét quan, thấy được sự bóc lột tàn nhẫn, dã man và đê tiện của
bọn quan lại, đồng thời cũng tự cao về sự “nghèo trong” của gia
đình mình. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã được bà nội dạy
truyền khẩu nhiều thơ phú, truyện cổ dân gian, những giai thoại có
tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích bọn quan lại và người bác
của ông luôn chăm sóc việc học hành cho con cháu, thích sưu tầm
phương ngôn, tục ngữ, ca dao, ngụ ngôn, soạn sách dạy chữ Nho
với đề tài Việt Nam. Vì thế, niêm luật của thơ ca, thanh điệu của
ngôn ngữ và sự say mê văn học đã thấm dần vào ông ngay từ hồi
thơ ấu. Những thơ ca và giai thoại trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến
lối viết của ông sau này.
8
Năm lên 6 tuổi, Nguyễn Công Hoan học chữ Nho, rồi chuyển
sang học chữ Pháp. Khi 9 tuổi ông mới bắt đầu lên Hà Nội học
trường Bưởi. Tháng 9 năm 1922, Nguyễn Công Hoan trúng tuyển
vào trường Nam sư phạm ở Hà Nội. Những năm ở trường, Nguyễn
Công Hoan được học văn học một cách tương đối có hệ thống,
nhất là văn học Pháp.
Năm 1926, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, làm
nghề dạy học ở nhiều nơi (như Hải Dương, Nam Sách, Kinh Môn,
Lào Cai, Nam Định, Trà Cổ…) cho đến ngày Cách mạng Tháng
Tám thành công.
Ông bắt đầu viết văn từ 1920 (17 tuổi) lúc đang học ở trường
Bưởi. Năm 1923 (20 tuổi), ông có tập truyện ngắn đầu tiên “Kiếp
hồng nhan” được xuất bản. Đầu năm 1930, ông có nhiều truyện
đăng báo, được mọi người chú ý và đến năm 1935, tập Kép Tư
Bền ra đời thì nổi tiếng khắp Trung, Nam, Bắc.
Sau cách mạng, ông giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí
Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập quân đội, là
biên tập viên báo Vệ quốc quân, Giám đốc trường Văn hóa quân
nhân, Chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Năm 1948
ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1952 ông
làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, viết sách giáo khoa và
biên soạn cuốn “Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm
1950”.
Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề viết văn với cương vị Chủ
tịch Hội nhà văn (khóa đầu tiên 1957-1958), ủy viên Ban Thường
vụ trong các khóa chấp hành Hội tiếp sau đó, đồng thời là ủy viên
Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tên
9
tuổi của ông đã được ghi trong Từ điển Bách khoa toàn thư của
Liên Xô từ những năm 60 và cũng ngay những năm 60 giáo sư
tiến sĩ Niculin đã gọi ông là “bậc thầy về truyện ngắn châm biếm”.
Khi hòa bình lập lại (1954), ông trở về Thủ đô, làm việc ở Hội
văn nghệ Việt Nam và từ đây ông mới thật sự trở lại viết văn liên
tục. Đến năm 1957, khi Hội nhà văn Việt Nam được thành lập,
ông được bầu làm Chủ tịch Hội khóa đầu tiên và tiếp tục làm Uỷ
viên thường vụ trong các khóa tiếp theo. Sau gần 60 năm cầm bút,
ngày 6/6/1977 Nguyễn Công Hoan mất tại Hà Nội, thọ 74 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã vinh dự được là một trong
14 nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX được
tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.
1.1.2. Sự nghiệp
Nguyễn Công Hoan viết văn rất sớm, từ khi còn ngồi trên ghế
nhà trường và ngay từ những ngày đầu cầm bút, ông đã xác định
được hướng đi và phong cách viết. Ông chuyên viết về những đề
tài phản ánh hiện thực xã hội, sở trường là bút pháp hiện thực trào
lộng. Ông đã vẽ lên bức tranh sinh động về xã hội thực dân nửa
phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công, giả dối. Ông đả kích không
thương tiếc bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, chức cao nhưng ít tài
đức, bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt, bọn tư sản vô lương
tâm chỉ biết chạy theo đồng tiền và lối sống tư sản lố lăng, đồi bại,
đồng thời ông rất thương cảm với cảnh cơ cực của những người
nghèo khổ, bênh vực họ.
Ông được đánh giá là một trong những nhà văn xuất sắc nhất
của dòng văn học hiện thực phê phán. Tác phẩm in đầu tay “Kiếp
hồng nhan” (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm
1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng tiếng
10
quốc ngữ. Đến “Kép Tư Bền” (viết năm 1927, xuất bản năm 1935)
thì ông thực sự trở thành “một nhà văn bậc thầy về truyện ngắn và
nghệ thuật trào phúng (Lê Thị Đức Hạnh)”. Đây cũng chính là đề
tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm “nghệ thuật vị nghệ
thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Nguyễn Công Hoan viết nhiều trong những năm 1920 – 1945.
Truyện dài của ông cũng chiếm khối lượng lớn, song cái phần đặc
sắc chỉ riêng Nguyễn Công Hoan mới có lại ở truyện ngắn. Từ sau
năm 1954, ông cũng có nhiều truyện ngắn viết về cải cách ruộng
đất và chiến sĩ cách mạng.
1.2. NGUYỄN CÔNG HOAN – NHÀ VĂN TIÊU BIỂU GIAI
ĐOẠN 1930 -1945
1.2.1. Cây bút truyện ngắn xuất sắc
Ngay từ buổi đầu cầm bút, Nguyễn Công Hoan đã tự vạch cho
mình một con đường đi riêng, một mạch riêng với những nét đặc
sắc, độc đáo trong sáng tác.
Cụ thể, thời kỳ (1929 - 1935) là thời kỳ nở rộ với những sáng
tác khẳng định vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan trên văn đàn.
Riêng về truyện ngắn, ông thường lấy đề tài từ những tin tức thời
sự hằng ngày, hoặc mô tả những việc thật mắt thấy tai nghe hoặc
đọc được ở trên sách báo. Nhiều đề tài tác giả khai thác từ sự đối
lập giữa hai loại người và nói lên được phần nào bản chất xấu xa,
đê tiện của tầng lớp quan lại như trong Thật là phúc, Đàn bà là
giống yếu, Một tấm gương sáng, Chánh bá mất giày, Răng con
chó của nhà tư sản, Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa
mẹ,….Ông đã công kích sâu cay bọn nhà giàu chuyên sống bằng
cách áp bức, bóc lột những người nghèo khổ với những hành động
vô lương tâm nhưng lại ra vẻ đạo đức.
11
Mỗi truyện ngắn của ông có thể coi là một màn hài kịch được
xây dựng trên cơ sở những tình huống gây cười và kịch hóa trần
thuật có thể xem là một yếu tố đổi mới trong văn học Việt Nam
mà trước đó hầu như chưa xuất hiện và sau này cũng ít ai theo kịp
Nguyễn Công Hoan.
Từ những điều trên, chúng ta có thể khẳng định Nguyễn Công
Hoan là một bậc thầy của truyện ngắn hiện đại.
1.2.2. Một đỉnh cao của văn chương trào phúng
Để tạo nên tiếng cười, Nguyễn Công Hoan “lôi cuốn đối
tượng” vào những tình huống phi lý, nghịch lý về đạo lý như trong
Báo hiếu: Trả nghĩa cha và Báo hiếu: trả nghĩa mẹ không còn là
“báo hiếu” nữa mà là bất hiếu, đại bất hiếu; Răng con chó của nhà
tư sản; Chiếc quan tài; Thịt người chết; Kép Tư Bền; Ngựa người
và người ngựa; Cái vốn để sinh nhai; Được chuyến khách,…tất cả
đều là những tình huống nghịch lý. Bên cạnh đó, truyện cười phải
sử dụng cái ngẫu nhiên cho các yếu tố được gặp nhau để hình
thành nên cốt truyện. Trong truyện Đồng hào có ma, Samandji,
Cái nạn ô tô…
Có thể nói, mỗi nhà văn có những sắc thái riêng trong việc thể
hiện tiếng cười và Nguyễn Công Hoan có chút khác biệt so với hai
nhà văn cùng thời Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng. Bằng ngòi bút
của mình, Nguyễn Công Hoan đã đóng góp vào lịch sử văn học
nhiều bức tranh trào lộng sinh động có khi đẫm nước mắt và máu
của những ngày nhân dân ta phải sống cuộc đời nô lệ lầm than. Từ
những điều trên, chúng ta có thể thấy Nguyễn Công Hoan có
những cách tân độc đáo, đặc sắc về mặt nghệ thuật và có sự đổi
mới về quan niệm, về cái nhìn nghệ thuật.