Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Những đóng góp của nguyễn xuân khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết việt nam đương đại (qua hai
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào
tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương
đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu
Thượng Ngàn)
Tống Thị Thanh
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Luận văn ThS ngành: Ngữ văn; Mã số: 60 22 34
Người hướng dẫn: TS. Phạm Xuân Thạch
Năm bảo vệ: 2010
Abstract: Chương 1- Nguyễn Xuân Khánh trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt
Nam đương đại: Tiểu thuyết Việt Nam đương đại – những tìm tòi đổi mới;
Nguyễn Xuân Khánh và văn học Việt Nam đương đại. Chương 2- Những chiều
sâu mới về tư tưởng và nội dung trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua:
Phương thức tiếp cận lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh trong các tiểu thuyết lịch
sử; các chủ đề trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh; vai trò của hư cấu
trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh. Chương 3- Những đổi mới trong
tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh nhìn từ góc độ thể loại: Những vấn đề thi
pháp thể loại; những vấn đề mỹ học thể loại
Keywords: Nguyễn, Xuân Khánh; Tiểu thuyết; Văn học Việt Nam; Nghiên cứu
văn học
Content
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học, sự vận động của thể loại bao giờ cũng giữ
một vị trí quan trọng. Trong mối tương quan giữa các thể loại, tiểu thuyết hội tụ đủ trong
mình tư cách của một thể loại lớn mang chức năng đa dạng nhất và chưa ổn định nhất
“đang biến chuyển và còn chưa định hình” [7, tr.23]. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI
(1986), sự nghiệp Đổi mới đất nước diễn ra trên mọi cấp độ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư
tưởng tình cảm và tư duy sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Cùng với sự thay đổi diện mạo
của đất nước, sự thay đổi trong cách quan niệm về giá trị và bản chất nghệ thuật là những
nhân tố quan trọng tạo nên những chuyển biến có tính chất bước ngoặt của văn học nói
chung, tiểu thuyết nói riêng. Hơn bao giờ hết, tiểu thuyết – đã và đang là một thể loại tiên
phong trong tiến trình cách tân, đổi mới thể loại. Chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi năm
kể từ 1986 đến nay, với sự ra đời của các loạt tác phẩm có giá trị, tiểu thuyết là một trong
những thể loại đóng vai trò tích cực nhất vào thành tựu chung của văn học thời kì Đổi
mới.
Chưa bao giờ ý thức cách tân và đổi mới thể loại lại thu hút đông đảo đội ngũ những
người cầm bút như lúc này. Thế hệ các nhà văn Cách mạng trưởng thành trong kháng
chiến chống Pháp như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, v.v. là những
người mở đường tinh anh và đặt những dấu mốc đầu tiên cho quá trình cách tân thể loại.
Với các tác phẩm Bến quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1989), Thời gian
của người (1985), Thượng đế thì cười (2003), Đi tìm cái tôi đã mất (2006), v.v, Nguyễn
Minh Châu và Nguyễn Khải đã dành trọn vẹn cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp đổi
mới văn học. Và tại thời điểm hiện tại, những cá nhân còn lại của thế hệ ấy như Nguyên
Ngọc vẫn đang tiếp tục có những đóng góp cho đổi mới tiểu thuyết, không chỉ bằng sáng
tác mà còn bằng lý luận, phê bình, tiểu luận, dịch thuật. Tiếp nối “con đường” mà những
nhà văn đi trước đã “khai phá”, thế hệ các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống
Mỹ và sau hoà bình đã không ngừng vươn lên trở thành lực lượng sáng tác trụ cột trong
nền văn học như Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Phạm Thị Hoài,
Nguyễn Quang Thân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Hồ
Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, v.v. với những đóng góp xuất sắc Thân phận của tình
yêu, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Thiên sứ, Con ngựa Mãn Châu,
Hội thề, Tiễn biệt những ngày buồn, Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Thiên thần sám
hối, Đi tìm nhân vật, Giàn thiêu, Cõi người rung chuông tận thế, Người đi vắng, Thoạt kỳ
thuỷ, Ngồi, v.v. Và, đặc biệt, từ năm 1986 đến nay còn có sự xuất hiện trở lại đầy “ngoạn
mục” của một thế hệ nhà văn mà do những thử thách (hoặc bất trắc) của thời cuộc dường
như đã có một quãng “ngừng nghỉ” dài trong quá khứ. Đó là những nhà văn như Bùi
Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, v.v. với các sáng tác của mình đã tạo nên những dấu ấn
đặc sắc trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết nửa sau thế kỉ XX.