Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Luận văn Bảo hiểm xã hội ở tỉnh Ninh Bình hiện nay
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
Luận văn
Bảo hiểm xã hội ở tỉnh Ninh
Bình hiện nay
2
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Bảo hiểm xã hội là một chính sách trong những nội dung của hệ thống tài
chính Nhà nước nhằm góp phần thực hiện ổn định kinh tế - xã hội, không
ngừng nâng cao đời sống người lao động. Cùng với các nội dung nhiệm vụ và
chính sách kinh tế Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến công tác bảo
hiểm xã hội (BHXH).
Bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động bảo hiểm nói chung, bảo hiểm xã
hội nói riêng đã có bước phát triển khá, tăng nguồn thu quỹ BHXH hàng năm
để sử dụng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời BHXH góp phần đảm bảo chi cho các đối tượng được hưởng
chính sách, không ngừng nâng cao đời sống, ổn định kinh tế - xã hội.
Những năm qua cùng với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN, các thành phần kinh tế trong nước phát triển cả về số lượng và
chất lượng, công tác BHXH càng có cơ hội tạo địa bàn hoạt động, tăng nguồn
thu, mở rộng đối tượng thu không những trong khu vực kinh tế Nhà nước mà
lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác. Nhận thức của nhân dân về bảo
hiểm và BHXH ngày càng cao, ý thức chấp hành ngày càng tốt, hoạt động
BHXH ngày càng phát triển.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách BHXH đối với
người lao động thuộc các thành phần kinh tế. Bước vào thời kỳ đổi mới, để
phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN,
Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật lao động và Điều lệ BHXH nhằm thống nhất
thực hiện BHXH trong phạm vi toàn quốc đối với mọi người lao động. Từ
tháng 7 năm 1995, quỹ BHXH được hình thành từ nguồn đóng góp của người
lao động, người sử dụng lao động và độc lập với ngân sách nhà nước. Hướng
phát triển sẽ trở thành nguồn tài chính chủ yếu bảo đảm cho các nhu cầu hoạt
3
động và chi trả cho các đối tượng của BHXH trong tương lai. Khác với các
loại hình bảo hiểm khác, quỹ BHXH được Nhà nước bảo trợ để bảo đảm ổn
định và tăng trưởng quỹ.
Ninh Bình là một tỉnh được tái lập từ năm 1992, công tác BHXH được
đặc biệt quan tâm. Từ đó đến nay hoạt động thu - chi, đảm bảo chính sách cho
đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng trưởng khá. Tuy nhiên, so với yêu
cầu đổi mới, BHXH chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt từ khi
có quyết định 20/TTg/2002 của Thủ tướng chính phủ về việc sát nhập Bảo
hiểm Y tế vào BHXH, mặc dù đối tượng phát triển ngày một tăng nhưng
nhiều vấn đề phát sinh bên cạnh đó gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Để có đánh giá khách quan, khoa học về BHXH nói chung và BHXH ở
tỉnh Ninh Bình, vấn đề “Bảo hiểm xó hội ở tỉnh Ninh Bình hiện nay” được
chọn làm đề tài nghiên cứu của Luận văn. Nhằm góp phần sáng tỏ hơn về mặt
lý luận, đánh giá khách quan khoa học về bảo hiểm Ninh Bình hiện nay. Từ
đó đề xuất các giải pháp có hiệu quả đối với loại hình này.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến luận văn
ở nước ta trong những năm gần đây đã có nhiều đề tài, công trình nghiên
cứu về BHXH nhằm phân tích những ưu điểm và hạn chế của chính sách, chế
độ và đề ra những giải pháp hoàn thiện chính sách BHXH đã được nhiều cơ
quan, các bộ ngành BHXH thực hiện, cụ thể:
- Đỗ Văn Sinh: “Hoàn thiện quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam”, Luận án
tiến sỹ kinh tế, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2005. Luận án
đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quỹ Bảo hiểm Việt Nam.
- Đặng Ngọc Liên: “ Quản lý thu BHXH đối với khu vực kinh tế tư nhân tại
Hà Nội”. Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2004. Luận
văn nghiên cứu BHXH dưới góc độ quản lý nguồn thu trên địa bàn Hà Nội, thời
gian 1997 - 2004 và các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thu bảo hiểm.
4
- Đỗ Minh Cương, Mạc Văn Tiến: “góp phần đổi mới và hoàn thiện
chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta hiện nay”, sách tham khảo, NXB
Chính trị Quốc gia, năm 1996. Tác giả đề xuất những giải pháp góp phần đổi
mới và hoàn thiện chính sách bảo hiểm ở nước ta hiện nay.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Lộ trình mở rộng đối tượng tham gia
BHXH theo nghị định 01/2003/NĐ - CP”. Các tác giả đã đề xuất lộ trình mở
rộng đối tượng tham gia BHXH.
- Phạm Duy Đỉnh: Nghiên cứu “Dịch vụ BHXH Hà Nội”. Luận văn thạc
sỹ kinh tế, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2006.
Luận văn nêu rõ dịch vụ BHXH là một loại hình dịch vụ đặc thù. Những
thành công phát triển dịch vụ BHXH của Hà Nội và đề xuất giải pháp mở
rộng dịch vụ trong giai đoạn đến 2010.
- Trần Quang Lâm: “Bảo hiểm Y tế trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa”. Luận văn thạc sỹ kinh tế, Học Viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh, năm 2006. Luận văn nêu BHXH Việt Nam, chương trình
phát triển ngành BHXH Việt Nam đến 2010. Chương trình đề cập mục tiêu,
quy hoạch và phương hướng phát triển ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở
phân tích dự báo xu hướng phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
và gia nhập WTO.
Ngoài ra còn nhiều bài báo, tạp chí chuyên ngành nghiên cứu đánh giá
những vấn đề BHXH đang đặt ra như quản lý, mở rộng đối tượng tham gia
BHXH. Đề xuất các giải pháp chi trả bảo hiểm đúng đối tượng, thời gian.
Cũng như biện pháp hành chính, chế tài đối với những đối tượng trốn tránh
trách nhiệm BHXH. Tuy nhiên, vấn đề BHXH ở tỉnh Ninh Bình hiện nay
chưa có đề tài trùng lắp.
5
Với đề tài luận văn này, mong muốn từ thực tiễn việc thực hiện công tác
BHXH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong những năm vừa qua. Trên cơ sở đó
đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác BHXH đối với
người lao động trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
* Mục đích nghiên cứu:
- Hệ thống và hoàn thiện thêm những vấn đề lý luận về BHXH trong nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Phân tích thực trạng thực hiện chính sách BHXH trong thời gian qua.
- Đề xuất những giải pháp nhằm phát triển BHXH ở Ninh Bình giai đoạn
hiện nay đến 2015
* Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về BHXH, các chế độ
chính sách BHXH đang thực hiện ở nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Phân tích thực trạng của BHXH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ rõ các
thành tựu, những tồn tại và nguyên nhân.
- Đề xuất các giải pháp thiết thực, có khả thi nâng cao hiệu quả kinh tế
xã hội của BHXH tỉnh Ninh Bình.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu BHXH ở Ninh Bình thể hiện trong việc thực hiện
các quy định của pháp luật về BHXH trên địa bàn các mặt công tác chủ yếu:
- Thu BHXH.
- Chi trả các chế độ BHXH.
- Công tác giải quyết chế độ chính sách.
- Công tác quản lý đối tượng đóng và hưởng BHXH.
- Công tác khai thác mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
6
Các nội dung trên được nghiên cứu trong điều kiện phát triển kinh tế
nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian nghiên cứu chủ yếu từ năm 2000 đến nay, đặc biệt các số liệu
từ năm 2003 khi có sát nhập bảo hiểm y tế.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của
Đảng ta đã đề ra trong các kỳ Đại hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới kể từ Đại
hội VI đến nay về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội.
Phương pháp nghiên cứu: Chủ yếu tổng kết đánh giá thực trạng, kết hợp
lý luận với thực tiễn, thông qua việc phân tích, so sánh các số liệu thống kê để
làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu của luận văn.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
- Làm rõ thêm các khái niệm, phạm trù về bản chất, vai trò, vị trí của
BHXH trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Mối quan hệ
giữa BHXH với các loại hình bảo hiểm khác.
- Khẳng định sự cần thiết, vai trò và giải pháp cụ thể của việc mở rộng đối
tượng tham gia BHXH trong các thành phần kinh tế trước yêu cầu phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
về BHXH theo xu hướng phát triển và hội nhập. Các quan điểm chỉ đạo của
tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện BHXH ở Ninh Bình.
- Luận văn là công trình nghiên cứu khá toàn diện về BHXH tại Ninh
Bình sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH mới trong cơ chế thị
trường. Đặc biệt từ khi sát nhập bảo hiểm y tế vào BHXH. Từ đó đề xuất các
giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác
BHXH trên địa bàn tỉnh.
7
- Đây là đề tài nghiên cứu việc thực hiện một chính sách xã hội lớn của
Đảng và Nhà nước ở tỉnh Ninh Bình nhìn dưới góc độ BHXH là một bộ phận
của hệ thống tài chính phục vụ người lao động trong các thành phần kinh tế.
Có thể làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy môn Kinh tế chính trị.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 3 chương, 7 tiết.
Chương 1
Một số vấn đề lý luận cơ bản về bảo hiểm xã hội
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa
1.1. Bảo hiểm xã hội và những đặc trưng cơ bản của bảo hiểm xã hội
1.1.1. Bảo hiểm xã hội, vị trí, vai trò của bảo hiểm xã hội
1.1.1.1. Bảo hiểm và bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm ra đời, tồn tại và phát triển là do trong thực tế cuộc sống có
nhiều rủi ro xảy ra, gây nên tổn thất về người và của. Mặc dù con người đã
luôn chú ý phòng tránh nhưng những rủi ro bất ngờ vẫn có thể xảy ra, do
nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do thiên nhiên gây ra, do môi trường
kinh tế, chính trị, xã hội, do sự biến động và phát triển không ngừng của khoa
học và công nghệ…
Để đối phó với các rủi ro, con người đã có nhiều biện pháp khác nhau
nhằm kiểm soát cũng như khắc phục hậu quả của chúng gây ra. Ví dụ như
phòng ngừa và hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra; tự bảo hiểm (tự bỏ ra
nguồn tài chính nhất định để bù đắp những thiệt hại xảy ra với mình trong
cuộc sống cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh); mua bảo hiểm
(đóng một số tiền nhất định cho người quản lý bảo hiểm và người quản lý bảo
8
hiểm sẽ chịu trách nhiệm về rủi ro). Bảo hiểm là sự chuyển giao rủi ro trên cơ
sở hợp đồng. Bảo hiểm ra đời, tồn tại và phát triển là do đòi hỏi khách quan
của cuộc sống, của hoạt động sản xuất kinh doanh.
BHXH xuất hiện và phát triển cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội
của mỗi quốc gia. Theo tổ chức lao động Quốc tế (ILO), Phổ là quốc gia đầu
tiên trên thế giới ban hành chế độ bảo hiểm ốm đau vào năm 1883, đánh dấu
sự ra đời của BHXH bằng luật định.
Đồng thời tổ chức này cũng khuyến nghị quỹ BHXH được sử dụng để
trợ cấp cho các đối tượng tham gia BHXH, nhằm ổn định cuộc sống cho bản
thân và gia đình họ, khi đối tượng tham gia BHXH gặp rủi ro. Theo Công ước
số 102, ngày 04 tháng 6 năm 1952 của Tổ chức lao động quốc tế về quy phạm
tối thiểu về an toàn xã hội, trong đó quy định 9 chế độ về trợ cấp sau đây:
1. Chăm sóc y tế
2. Trợ cấp ốm đau
3. Trợ cấp thất nghiệp
4. Trợ cấp tuổi già
5. Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
6. Trợ cấp gia đình
7. Trợ cấp sinh đẻ
8. Trợ cấp khi tàn phế
9. Trợ cấp cho người còn sống (trợ cấp mất người nuôi dưỡng) [14, tr.286].
Chín chế độ trên hình thành một hệ thống các chế độ BHXH. Tuỳ điều
kiện kinh tế xã hội mà mỗi nước tham gia công ước Giơnevơ thực hiện
khuyến nghị đó ở mức độ khác nhau, nhưng ít nhất phải thực hiện được ba
chế độ. Trong đó, ít nhất phải có một trong năm chế độ (3), (4), (5), (8), (9).
Mỗi chế độ trong hệ thống trên khi xây dựng đều dựa trên những cơ sở kinh
9
tế xã hội tài chính, thu nhập, tiền lương v v... Đồng thời tuỳ từng chế độ khi
xây dựng còn phải tính đến các yếu tố sinh học; tuổi thọ bình quân của quốc
gia, nhu cầu dinh dưỡng; xác suất tử vong...
Tuy nhiên, cơ sở để xác định điều kiện hưởng BHXH phải tính đến một
loạt các yếu tố liên quan đến toàn bộ hệ thống các chế độ cũng như từng chế
độ BHXH cụ thể. Chẳng hạn khi xác định điều kiện hưởng trợ cấp BHXH
tuổi già phải dựa vào cơ sở sinh học là tuổi đời và giới tính, của người lao
động là chủ yếu. Bởi vì tuổi già để hưởng trợ cấp hưu trí của mỗi giới, mỗi
vùng, mỗi quốc gia có những khác biệt nhất định. Do đó, có những nước quy
định: nam 65 tuổi và nữ 55 tuổi sẽ được nghỉ hưu. Nhưng cũng có những
nước quy định: nam 65 tuổi và nữ 60 tuổi... Hoặc khi xác định điều kiện
hưởng trợ cấp cho chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp phải tính đến
các yếu tố như: điều kiện môi trường lao động, bảo hộ lao động,... Các yếu tố
này thường có quan hệ và tác động qua lại với nhau và ít nhiều ảnh hưởng đến
điều kiện BHXH của từng chế độ và toàn bộ hệ thống các chế độ BHXH.
Thời gian hưởng trợ cấp và mức hưởng trợ cấp BHXH nói chung phụ
thuộc vào từng trường hợp cụ thể và thời gian đóng phí BHXH của người lao
động trên cơ sở tương ứng giữa đóng và hưởng. Đồng thời mức trợ cấp còn
phụ thuộc vào khả năng thanh toán chung của từng quỹ tài chính BHXH; mức
sống chung của các tầng lớp dân cư và người lao động. Nhưng về nguyên tắc,
mức trợ cấp này không cao hơn mức tiền lương hoặc tiền công khi người lao
động đang làm việc và nó chỉ bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức
tiền công hay tiền lương. ở các nước kinh tế phát triển do mức lương cao nên
tỷ lệ này thường thấp và ngược lại ở những nước đang phát triển do mức
lương còn thấp nên phải áp dụng một tỷ lệ khá cao. Ví dụ, ở Pháp mức trợ cấp
hưu trí chỉ bằng 50% mức lương cao nhất (với điều kiện đóng BHXH đủ 37,5
năm), ốm đau được hưởng trợ cấp bằng 50% tiền lương, thời gian nghỉ ốm
10
được hưởng trợ cấp không quá 12 tháng. Sinh con được hưởng trợ cấp BHXH
bằng 90% tiền lương trong vòng 16 tuần... Còn ở Philipin, mức trợ cấp hưu trí từ
42% đến 102%, tuỳ thuộc từng nhóm lương khác nhau, ốm đau được hưởng
65%, sinh con được nghỉ 45 ngày và được hưởng trợ cấp bằng 100% tiền
lương...
Tuy vậy, việc các nước quy định trợ cấp BHXH bằng tỷ lệ phần trăm so
với tiền lương hay tiền công thường dẫn đến bội chi quỹ BHXH. Vì vậy, một
số nước đã phải tìm cách khắc phục như: trả ngay 1 lần khi nghỉ hưu, hoặc
suốt đời đóng theo tỷ lệ phần trăm của một mức thu nhập quy định và hưởng
cũng theo tỷ lệ phần trăm của mức quy định.
Ngoài việc chi trả trợ cấp theo các chế độ BHXH, quỹ BHXH còn được
sử dụng cho chi phí quản lý như: Tiền lương cho những người làm việc trong
hệ thống BHXH; khấu hao tài sản cố định, văn phòng phẩm và một số khoản
chi khác... Phần quỹ nhàn rỗi phải được đem đầu tư sinh lợi. Mục đích đầu tư
quỹ BHXH là nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn quỹ. Quá trình đầu tư quỹ
BHXH phải đảm bảo nguyên tắc: an toàn, có lợi nhuận, có khả năng thanh
toán và đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội.
Từ những quan niệm, các cách hiểu và các cách tiếp cận khác nhau ở
các nước và các thời kỳ nhất định, vì vậy cho đến nay đã có nhiều định nghĩa
khác nhau về bảo hiểm. ở Việt Nam, trong sách “Giáo trình bảo hiểm” của
trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhà xuất bản thống kê xuất bản năm 2005,
khái niệm chung nhất về bảo hiểm được định nghĩa như sau: “Bảo hiểm là hoạt
động thể hiện người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người tham gia bảo hiểm
trong trường hợp xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm với điều kiện người tham
gia nộp 1 khoản phí cho chính anh ta hoặc người thứ ba” [45, tr.13].
Định nghĩa trên mang tính chung nhất của bảo hiểm, nó chỉ rõ việc người
tham gia bảo hiểm chuyển rủi ro cho người bảo hiểm (thường là một tổ chức
11
kinh doanh) thông qua việc nộp một khoản phí để hình thành quỹ dự trữ. Khi
người tham gia bảo hiểm gặp khó khăn dẫn đến tổn thất, cơ quan bảo hiểm
lấy quỹ dự trữ trợ cấp hoặc bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm cho
người tham gia bảo hiểm đăng ký với tổ chức bảo hiểm.
Hoạt động bảo hiểm thực chất là quá trình phân phối lại thu nhập giữa
những người tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính phát sinh khi tai nạn
rủi ro gây tổn thất đối với người tham gia bảo hiểm. Điều này thể hiện trong
việc hình thành quỹ bảo hiểm từ sự đóng phí của người tham gia bảo hiểm.
Khi người tham gia bảo hiểm gặp biến cố theo hợp đồng sẽ được quỹ bảo
hiểm đền bù theo thoả thuận. Như vậy, phần thu nhập của nhiều người sẽ
được chuyển cho một người, điều này thể hiện tính nhân văn. Quá trình phân
phối lại thu nhập trong bảo hiểm được thực hiện.
Sự phân phối trong bảo hiểm là sự phân phối không đều, không bằng
nhau, nghĩa là không phải ai tham gia cũng được phân phối và phân phối một
số tiền bằng nhau. Chỉ có một số ít người tham gia bảo hiểm không may gặp
rủi ro theo hợp đồng bảo hiểm mới nhận được sự phân phối, cũng có nghĩa
phân phối trong bảo hiểm không mang tính bồi hoàn, tức là dù có tham gia
đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không tổn thất thì không được phân phối. Tuy
nhiên, trong các loại hình bảo hiểm, đặc điểm này cũng thể hiện khác nhau.
Cụ thể, với đa số các loại hình BHTM, sự phân phối không mang tính bồi
hoàn thể hiện rõ. Ví dụ: bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách
nhiệm dân sự, bảo hiểm tài sản. bảo hiểm sức khoẻ… phần đông người mua
bảo hiểm không được phân phối vì không gặp biến cố, chỉ có một số ít người
được đền bù. Trong một số dịch vụ bảo hiểm nhân thọ đang thực hiện như
bảo hiểm tuổi già, bảo hiểm Đại học, bảo hiểm khi kết hôn (do hãng bảo hiểm
quốc tế Prudential thực hiện) hoặc bảo hiểm hưu trí trong BHXH, tính chất
bồi hoàn trong phân phối thể hiện khá rõ. Trong các hình thức bảo hiểm này,
12
những người tham gia bảo hiểm hầu hết được bảo hiểm khi đạt đến các điều
kiện do hai bên thoả thuận.
Qua sự phân tích trên ta thấy, hoạt động bảo hiểm dựa trên nguyên
tắc "số đông bù số ít" thể hiện trong qúa trình lập quỹ dự trữ bảo hiểm cũng
như quá trình phân phối bồi thường. Nguyên tắc này còn thể hiện tính tương
trợ, tính xã hội và nhân văn sâu sắc của xã hội trước rủi ro của mỗi thành
viên.
Trong hoạt động kinh tế - xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển
được trước hết phải ăn, mặc, ở và đi lại… Để thoả mãn những nhu cầu tối
thiểu đó, người ta phải lao động để làm ra những sản phẩm cần thiết. Khi sản
phẩm tạo ra ngày càng nhiều thì đời sống con người ngày càng đầy đủ và
hoàn thiện, xã hội ngày càng văn minh hơn. Như vậy, việc thoả mãn nhu cầu
sinh sống và phát triển của con người phụ thuộc vào chính khả năng lao động
của họ. Nhưng trong thực tế, con người không chỉ lúc nào cũng gặp thuận lợi,
có đầy đủ thu nhập và mọi điều kiện sinh sống bình thường. Trái lại, có rất
nhiều trường hợp khó khăn bất lợi, ít nhiều ngẫu nhiên phát sinh làm cho con
người ta bị giảm hoặc mất thu nhập hoặc các điều kiện sinh sống khác. Chẳng
hạn, bất ngờ bị ốm đau hoặc bị tai nạn trong lao động, mất việc làm hay khi
tuổi già đến khả năng lao động hay khả năng tự phục vụ bị suy giảm… Khi
rơi vào những trường hợp này, các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống không vì
thế mà mất đi, trái lại có cái còn tăng lên, thậm chí còn xuất hiện thêm một số
nhu cầu mới như: cần được khám và điều trị khi ốm đau; tai nạn thương tật
nặng cần phải có người chăm sóc nuôi dưỡng… Bởi vậy, muốn tồn tại và ổn
định cuộc sống, con người và xã hội loài người phải tìm ra nhiều cách giải
quyết khác nhau như: san sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong một nội bộ cộng đồng;
đi vay, đi mượn hoặc dựa vào sự cứu trợ của nhà nước… Rõ ràng, những
cách đó là hoàn toàn thụ động và không chắc chắn.