Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Không - thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
HOÀNG THỊ NHÀN
KHÔNG - THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH
Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60.22.34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2012
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: TS. NGÔ MINH HIỀN
Phản biện 1: TS. PHAN NGỌC THU
Phản biện 2: TS. NGUYỄN THÀNH
Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận
văn tốt nghiệp thạc sỹ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp
tại Đại học Đà Nẵng vào ngày 01 tháng 12 năm 2012
Có thể tìm luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại hoc Đà Nẵng
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tiểu thuyết là một thể loại ra đời khá muộn ở Việt Nam
nhưng có tốc độ phát triển mạnh mẽ và sớm khẳng định được thành
tựu. Trong văn học Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện nhiều
khuynh hướng tìm tòi mới lạ vượt khỏi mô hình tiểu thuyết quen
thuộc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thể loại này, ngày càng có
nhiều nhà văn khẳng định được tên tuổi và phong cách của mình.
Nguyễn Xuân Khánh được coi là một "hiện tượng văn học
mới" trên văn đàn, một nhà văn luôn mang đến cho người đọc cảm
giác mới mẻ, sự khác lạ, bất ngờ mỗi khi "trình làng" một tác phẩm
mới. Với sự thành công liên tiếp của ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly,
Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa, nhà văn "lão thành" này đã
khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình văn học Việt Nam
đương đại.
Chọn con đường sáng tác tiểu thuyết lịch sử và bằng sự mới
mẻ trong khám phá và thể hiện các vấn đề lịch sử cũng như các giá trị
văn hóa truyền thống của dân tộc, bên cạnh những thành công về mặt
nội dung và nghệ thuật nói chung, Nguyễn Xuân Khánh đã tạo được
dấu ấn riêng qua việc xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật
cho các tác phẩm của mình. Xem xét, tìm hiểu Không - thời gian
nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh ngoài việc làm rõ
sự thành công của tác giả qua hai phương thức nghệ thuật đặc biệt
này, luận văn còn muốn chỉ ra những đóng góp của tác giả ở loại hình
tiểu thuyết lịch sử nói riêng và văn xuôi Việt Nam nói chung, từ đó
góp phần xác định những đặc điểm nổi bật về phong cách và vị thế
tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong dòng chảy văn học Việt Nam
đương đại.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Những đặc điểm của không gian và thời gian nghệ thuật
trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Các tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nxb Phụ nữ, 2010), tiểu thuyết
Mẫu Thượng Ngàn (Nxb Phụ nữ, 2009) và tiểu thuyết Đội gạo lên
chùa (Nxb Phụ nữ, 2011).
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp cấu trúc - hệ thống
3.2. Phương pháp thống kê- phân loại
3.3. Phương pháp phân tích - tổng hợp
3.4. Phương pháp so sánh - đối chiếu
4. Bố cục đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội
dung luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh trong dòng
chảy văn xuôi Việt Nam đương đại.
Chương 2: Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh.
Chương 3: Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh.
5. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Được xem là "hiện tượng văn học mới", các sáng tác của
Nguyễn Xuân Khánh đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên
cứu. Trong đó, có những nghiên cứu đánh giá quan trọng sau:
Tác giả Trần Thị An với nghiên cứu về Sự ám ảnh của tín
ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn khẳng định
"Nguyễn Xuân Khánh đã dựng lại một không gian tinh thần của
người Việt, đó là không gian văn hóa làng mà hạt nhân quan trọng
nhất là tín ngưỡng dân gian" [1, tr.2].
Nguyễn Văn Dân khi tìm hiểu về Mấy xu hướng chủ yếu
trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại lại phát hiện Nguyễn
Xuân Khánh "không mô tả sự kiện theo thời gian tuyến tính mà thực
hiện việc triển khai một thời gian đa chiều, hiện tại đan xen quá
khứ...". Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh vì thế "như một bản giao
hưởng chương hồi với một chủ đề lặp đi lặp lại" [8].
Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
trong bài viết Ông Phật văn Nguyễn Xuân Khánh" khi lý giải tính căn
Việt ở sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh đã làm rõ những không gian
chính trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Đó là " không gian địa -
văn hóa, địa - chính trị trong một khoảng thời gian tao loạn" [42,tr.2].
Từ việc soi xét lịch sử trong các tiểu thuyết Nguyễn Xuân
Khánh (chủ yếu qua tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn),
tác giả Đỗ Hải Ninh với nghiên cứu Quan niệm về lịch sử trong tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh, đánh giá Nguyễn Xuân Khánh đã có sự
phá vỡ cấu trúc truyền thống tiểu thuyết lịch sử theo lối biên niên để
trở nên linh hoạt "...trục thời gian xáo trộn, điểm nhìn trần thuật liên
tục luân chuyển, đan xen điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong,
tâm điểm của mạch trần thuật cũng luân chuyển khiến cho người đọc
phải luôn tự bổ sung và phán xét lại... Các tiểu thuyết của Nguyễn
Xuân Khánh là sự mở rộng từ chiều dài thời gian đến bề rộng không
gian..." [43,tr.8].
Hoàng Thị Thúy Hòa với đề tài Đặc điểm tiểu thuyết lịch sử
Nguyễn Xuân Khánh (qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng
Ngàn) cũng đề cập đến yếu tố không gian và thời gian trong tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Tuy nhiên, ở công trình này, người viết
mới chỉ dừng lại ở việc khái quát các thủ pháp "dồn nén và giãn
cách" thời gian; sự phân chia "không gian lịch sử và không gian văn
hóa" [24, tr.85] trong hai tiểu thuyết ( Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng
Ngàn).
Như vậy có thể thấy vấn đề không - thời gian trong tiểu
thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Tuy nhiên, vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống
để làm nổi bật được tính bản chất của nó trong tiểu thuyết Nguyễn
Xuân Khánh. Do đó, việc nghiên cứu đề tài Không - thời gian trong
tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là việc làm cần thiết. Bởi nó không
chỉ góp phần làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
Nguyễn Xuân Khánh mà còn giúp khẳng định thêm tài năng, phong
cách tác giả trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, từ đó lý giải sự thành
công của Nguyễn Xuân Khánh trong văn xuôi Việt Nam đương đại.
CHƯƠNG 1
TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH TRONG DÒNG
CHẢY VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Những đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại
1.1.1. Sự mới mẻ trong hiện thực phản ánh
Sau 1986, với việc phát triển đề tài thế sự, đời tư, tiểu thuyết
có thể đi sâu vào những ngóc ngách sâu kín của tâm hồn con người,
suy nghĩ cặn kẽ về các trạng thái nhân thế, nhất là trong hoàn cảnh
một xã hội từ trong chiến tranh kéo dài bước sang đời sống hòa bình
đầy phức tạp và thử thách. Con người bình thường, đời thường được
chú ý và thể hiện sâu sắc với những số phận bất hạnh, những thân
phận bi kịch... Bên cạnh đó, cảm hứng phê phán, cảm hứng chiêm
nghiệm, suy tư, cảm hứng về thân phận cá nhân là những nguồn cảm
hứng chính của các nhà văn đương thời.
Các nhà văn tập trung khai thác các tầng vỉa của hiện thực
đời sống, dám nhìn thẳng vào những "mảnh vỡ", những bi kịch nhân
sinh, mổ xẻ, phơi bày nó bằng cái nhìn trung thực, táo bạo. Họ đã xây
dựng thành công hình tượng con người trong thời buổi kinh tế thị
trường với lối sống thực dụng, những số phận bất hạnh, những kiếp
sống vừa đáng giận vừa đáng thương... Các nhân vật hiện ra ở ranh
giới mong manh giữa cao cả và thấp hèn, hạnh phúc và khổ đau, gánh
nặng mưu sinh và lương tri... Chính thực tế cuộc sống đã thôi thúc
các nhà tiểu thuyết hướng tới miêu tả số phận con người bình thường
với những bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn
lên và cái kìm hãm, giữa nhân bản và phi nhân bản.
1.1.2. Sự cách tân mạnh mẽ về nghệ thuật
Tiểu thuyết trong những năm gần đây đã có sự phá cách so
với truyền thống, thể hiện rõ nét quan niệm về lối viết mới của tiểu
thuyết. Xuất hiện những tiểu thuyết có dung lượng ngắn nhưng khái
niệm "ngắn" không phải là sự "non yếu" của nhà văn mà nó biểu hiện
một dấu hiệu quan trọng của sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới kỹ thuật -
nghệ thuật tự sự của các nhà văn đương đại.
Văn xuôi đương đại, đặc biệt là tiểu thuyết đề xuất tính "phân
mảnh" như là một đặc điểm nổi trội. Cùng với kiểu kết cấu phân
mảnh là sự tồn tại của kiểu kết cấu theo xu hướng mở thay vì khép
kín trong tự sự. Về nghệ thuật trần thuật, bên cạnh ngôn ngữ đối thoại
là ngôn ngữ độc thoại nhằm đi sâu khám phá thế giới nội tâm đầy bí
ẩn của con người được kết hợp nhuần nhuyễn với thủ pháp dòng ý
thức như một phương tiện khám phá thế giới tâm linh. Sự xâm nhập
của các thể loại khác vào tiểu thuyết cũng làm co giãn cốt truyện, tạo
nên những tiếng nói khác nhau, nới rộng cấu trúc thể loại, mở rộng
trường nhìn cho tác phẩm. Sự đan xen giữa điểm nhìn bên trong và
điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của người trần thuật và điểm nhìn
của nhân vật đã tạo ra khả năng đồng sáng tạo ở độc giả. So với các
giai đoạn trước, đây là một sự đổi mới gắn liền với tư tưởng về một
hiện thực đa chiều, không thể biết hết.
1.2. Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh
1.2.1. Từ những chặng đường văn nghiệp gian nan
Nguyễn Xuân Khánh bắt đầu sự nghiệp viết văn từ năm 1955,
tuy nhiên, mãi đến năm 1957, truyện ngắn đầu tay Một đêm của ông
mới giành được giải nhì (không có giải nhất) trên báo Văn nghệ quân
đội. Sau thời gian công tác tại đơn vị pháo binh và dạy văn hóa ở
trường Sĩ quan lục quân, đến năm 1960, Nguyễn Xuân Khánh về làm
việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Với bản tính "lông bông tình
tang" (chữ dùng của Nguyễn Xuân Khánh khi tự nói về mình), không
phù hợp với "nơi quy phạm và chuẩn mực như quân đội" [5], năm
1965, Nguyễn Xuân Khánh chuyển về làm phóng viên cho báo Thiếu
niên tiền phong. Tới năm 1969, ông về hưu non và sáng tác ít với các
bút danh khác nhau. Trong hoàn cảnh những năm khó khăn ấy,
Nguyễn Xuân Khánh đã lao vào cuộc vật lộn mưu sinh, làm đủ nghề,
từ cao sang như dịch thuật các sách Triết học và Tâm lý xã hội học
cho viện Thông tin đến làm thợ may, rồi nuôi lợn, gác nhà kho, thậm
chí là phải bán máu để kiếm sống nuôi gia đình... Nhưng vượt lên
trên tất cả sự khốn đốn, chật vật của cuộc sống, ông vẫn kiên trì nhẫn
nại với nghề.
Tuy có hành trình văn nghiệp gian nan, thăng trầm, nhưng
Nguyễn Xuân Khánh là người "đến muộn có duyên". Và cái duyên
đầu khi cầm bút là các đề tài lịch sử. Nguyễn Xuân Khánh đã miệt
mài trong sáng tạo nghệ thuật để sinh thành những tiểu thuyết thể
hiện đậm nét phong cách nghệ thuật của ông. Điều đặc biệt là những
tác phẩm làm nên diện mạo phong cách Nguyễn Xuân Khánh cũng
chính là những tác phẩm góp phần làm nên diện mạo của văn học
Việt Nam đương đại.
1.2.2. Đến sự “xuất hiện mới của một nhà tiểu thuyết”
Nguyễn Xuân Khánh sáng tác từ trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, nhưng phải sang thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, ông mới
được biết đến như một cây bút hàng đầu của nền tiểu thuyết Việt
Nam đương đại. Với bộ ba tiểu thuyết văn hóa lịch sự đồ sộ Hồ Quý
Ly (Nxb Phụ nữ, Hà Nội 2000, Mẫu Thượng Ngàn (Nxb Phụ nữ, Hà
Nội, 2006) và Đội gạo lên chùa (Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2011),
Nguyễn Xuân Khánh đã khẳng định được bút lực dồi dào ở thể loại
tiểu thuyết. Mặc dù sáng tác không nhiều nhưng ông lại buộc người
đọc phải nhớ đến mình với tư cách là một nhà tiểu thuyết thành công.
1.3. Những thành công của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
1.3.1. Mô hình tiểu thuyết lịch sử
Trong tiểu thuyết của mình, cách xử lý lịch sử của Nguyễn
Xuân Khánh khá tự do và đầy tính chủ quan. Sự đào sâu vào những
toan tính của con người, nhu cầu cắt nghĩa đời sống theo những suy
ngẫm, trải nghiệm đã khiến người đọc nghĩ rằng lịch sử đích thực của
tác phẩm là hư cấu. Điều này phù hợp với tinh thần của tiểu thuyết,
“không ngừng nhận thức lại” bằng thái độ hoài nghi khoa học.
Nguyễn Xuân Khánh đã khái quát được cái hằng số lịch sử từ những
hình tượng văn học, tìm thấy những điểm tương đồng giữa quá khứ
và hiện tại, dùng hiện tại soi tỏ quá khứ, từ đó nêu ra được những
chân lý có tính phổ quát.
Nguyễn Xuân Khánh không chấp nhận một lịch sử đã hoàn
tất, không để cho các nhân vật, sự kiện trở thành những bức tranh
được “đóng khung”, ổn định trong kinh nghiệm cộng đồng. Nhà văn
luôn có ý thức đặt nhân vật trong những mối quan hệ phức tạp của
gia đình và xã hội để tạo nên những hình tượng sống động cho văn
học. Khi khai thác đề tài lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh không phải chỉ
nhằm để nói chuyện sử mà cái chính ông muốn nói đến là chuyện đời,
chuyện người trong xã hội. Những cuộc đời, những con người trong
tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không phải chỉ là những con
người của một thời đã qua mà là cả mọi thời.
1.3.2. Những dấu ấn văn hóa đậm nét
Là nhà văn có vốn sống dày dặn và hiểu biết sâu sắc về lịch
sử văn hóa Việt, Nguyễn Xuân Khánh luôn day dứt trước những biến
đổi của xã hội và nguy cơ dần mai một của các giá trị văn hóa. Với
các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Xuân Khánh cho chúng ta thấy sự
lưu giữ những bản sắc văn hóa, những sinh hoạt, phong tục văn hóa
rất đẹp và có giá trị của người Việt. Điều quan trọng mà nhà văn
muốn gửi gắm cho chúng ta đó chính là sự tiếp biến văn hóa trong
quá trình giao lưu với những nền văn hóa khác nhau và trong quá
trình biến thiên của lịch sử.
Trong Hồ Quý Ly văn hóa truyền thống dân tộc với các lễ hội,
thú chơi mai, vẽ tranh, đối, thơ, vịnh cảnh... hiện ra nguyên vẹn như
sợi dây duy nhất gắn kết con người với nhau - dù họ không cùng một
chỗ đứng. Nguyễn Xuân Khánh cũng đặc biệt quan tâm tới mối quan
hệ giữa đạo Phật, đạo Lão... trong sự biến động của lịch sử. Ở Mẫu
Thượng Ngàn, tác giả muốn lý giải vấn đề gốc rễ, bản sắc, hành trình
vận động và phát triển của dân tộc. Nhân vật chính của cuốn tiểu
thuyết này chính là nền văn hóa Việt. Nguyễn Xuân Khánh đã để
nhân vật này vào tình thế nguy cơ bị đồng hóa khi dân tộc phải đối
mặt mất còn với thực dân phương Tây và sự xâm thực của Thiên
chúa giáo trong đời sống tinh thần, coi thử thách gay cấn này là cơ
hội để văn hóa Việt bộc lộ sức mạnh và vẻ đẹp riêng của mình. Đến
Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh hướng về ảnh hưởng của
Phật giáo trong đời sống cư dân nông nghiệp Bắc Bộ. Chọn Phật giáo
làng quê làm đối tượng triển khai, khám phá, Nguyễn Xuân Khánh
một lần nữa tiếp tục khảo sát các lớp lang và giá trị văn hóa Việt với
một cảm quan dân tộc chủ nghĩa.
Viết nên những tác phẩm đậm sắc màu văn hóa như thế, tác
giả đã thể hiện một vốn sống dày dặn, một trường cảm xúc bền bỉ và
mạnh mẽ. Bởi thực chất, đi sâu tìm hiểu, khai thác hai mảng đề tài
lịch sử và văn hóa là cách Nguyễn Xuân Khánh đối thoại với người
đọc về những vấn đề của cuộc đời, về lẽ sống của con người.
CHƯƠNG 2
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH
2.1. Không gian - "Thế giới người đầy biến động"
2.1.1. Những cuộc kiếm tìm, giành đoạt ngôi vị
Nguyễn Xuân Khánh là một nhà tiểu thuyết lịch sử thành
công trong việc tạo dựng những giai đoạn có tính chất trọng đại của
lịch sử dân tộc, những xung đột giữa các thế lực, các phe phái... Bao
trùm tiểu thuyết của ông là không gian của những cuộc tìm kiếm và
giành đoạt ngôi vị của các triều đại, các thế lực.
Trước hết, đó là không gian chốn quan trường với muôn vàn
mưu mô, quỷ kế. Bên cạnh không gian giành giật vị thế chốn quan
trường, trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh người đọc còn bắt gặp
không gian chiến trận với những cuộc đấu tranh giữa các thế lực
trong nước và cuộc đấu tranh của dân tộc với ngoại bang.
Với phông nền là những sự kiện lịch sử có thật của dân tộc,
bằng tài năng và nhiệt huyết của nhà tiểu thuyết tài ba, "lão mai"
Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến cho người đọc những "thước phim"
chân thực nhưng không kém phần hấp dẫn về quá khứ lịch sử đầy
biến động của dân tộc. Đằng sau lịch sử đó là hình tượng những con
người với muôn màu muôn vẻ, những cuộc kiếm tìm và giành đoạt
ngôi vị... Đó không chỉ là vấn đề của quá khứ mà nó còn có ý nghĩa
với xã hội thời đại hôm nay và cả mai sau.
2.1.2. Những nẻo đường sinh - tử của con người
Trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, sự sống, cái chết của
con người được nhà văn đặc biệt quan tâm. Xuyên suốt tiểu thuyết