Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Hình ảnh người nông dân mĩ trong tiểu thuyết chùm nho phẫn nộ của john steinbeck.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
ĐINH THỊ THÚY HẰNG
Hình ảnh người nông dân Mĩ trong tiểu thuyết
Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Nhà văn John Steinbeck (1902 – 1968)
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
John Steinbeck là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Mĩ.
Thời gian và bạn đọc là thước đo chính xác và công bằng nhất ngày càng khẳng
định vai trò quan trọng của John Steinbeck trong lịch sử văn học nhân loại.
Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian,
càng thử thách lại càng vang lên vẻ đẹp sáng ngời.
Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của ông lại càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu
sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện độc đáo.
Chùm nho phẫn nộ ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng trở thành cuốn sách gây
tiếng vang. Giải Pulitzer (1940) là một phần thưởng xứng đáng mà John
Steinbeck nhận được từ tác phẩm này. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài áp
bức bất công của xã hội Mỹ đối với những người dân nghèo. John Steinbeck đã
mô tả cuộc đấu tranh để bảo vệ phẩm giá và gia đình trước thảm họa thiên
nhiên và cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930.
John Steinbeck có nhiều tác phẩm hay, nhưng Chùm nho phẫn nộ là đỉnh cao
trong sự nghiệp văn chương của ông. Ngòi bút của John Steinbeck luôn sắc sảo,
mãnh liệt với khả năng tả thực hay đến “đau lòng”. Đọc tác phẩm này làm ta
liên tưởng đến nông thôn Việt Nam dưới bút pháp tả thực của Nam Cao: tối
tăm, đau đớn, phẫn nộ nhưng lẩn khuất sau đó là sự đồng cảm sâu sắc với cái
nghèo, cái khổ của giai cấp lao động. Lời đánh giá của Viện Khoa học Hoàng
gia Thụy Điển vào năm 1962 khi John Steinbeck đoạt giải Nobel Văn học:
“Sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài
hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội” ở mức độ
lớn là gắn với tác phẩm này.
Chùm nho phẫn nộ là tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn chương rất lớn diễn tả
chân thực những ảo tưởng tan vỡ, những nỗi đau khổ của con người, những
niềm hi vọng treo trên sợi chỉ mong manh. Trên thế giới vẫn còn quá nhiều khổ
đau, Chùm nho phẫn nộ cũng đã góp phần trong sự diễn tả một cách hiện thực
những nỗi cay đắng của con người ngay cả tại phần đất đã được coi là phồn
thịnh nhất thế gian này.
Tìm hiểu và nghiên cứu “ Hình ảnh người nông dân Mĩ trong tiểu thuyết Chùm
nho phẫn nộ của John Steinbeck” là điều kiện giúp chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về
nước Mỹ cũng như hình tượng người nông dân Mĩ những năm 30 của thế kỉ
XX.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Chùm nho phẫn nộ ra mắt nhân loại cách đây hơn 70 năm, và tức khắc đã gây
chấn động lớn. Suốt hơn 70 năm qua, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ lục địa
này qua lục địa khác, loài người đã đón chào cuốn tiểu thuyết xuất sắc ấy với
một niềm say mê lớn.
Dày trên 900 trang, Chùm nho phẫn nộ là cuốn tiểu thuyết phản ánh một giai
đoạn ngắn ngủi trong lịch sử Mỹ và trên địa điểm cụ thể là bang California,
nhưng ý nghĩa tác phẩm đã vượt xa hơn khi mang ý nghĩa của một sử thi bi kịch
về nhân dân Mỹ. Chùm nho phẫn nộ đã trở thành tiếng kêu cứu khẩn thiết của
nhân dân lao động bị thất nghiệp, sống trong những căn lều lụp xụp trên khắp
đất nước. Mặc dù có sức lao động phi thường và biết hy vọng vào tương lai,
nhưng cuộc đời của họ đang ngày càng dấn sâu hơn vào con đường khổ ải.
Ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà
nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trong lời mở đầu cuốn sách dịch giả Phạm Thủy Ba có viết: “Chùm nho phẫn
nộ là cuốn sách đau buồn về đất nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột
đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời nó đã gây nhiều cuộc
tranh cãi sôi nổi trong các giới bạn đọc, nhiều người hết lòng ca ngợi, nhưng
cũng nhiều người không tiếc lời nguyền rủa” [1, tr.7].
Lê Huy Bắc trong cuốn Văn học Mĩ (2002), đã giới thiệu rất kĩ về nhà văn John
Steinbeck. Ông nhấn mạnh rằng: “Là nhà văn của thời đại khủng hoảng, John
Steinbeck tận mắt chứng kiến hàng đoàn người lũ lượt từ nhiều nơi trên đất Mĩ
tìm tới California với hi vọng kiếm được miếng ăn, duy trì sự sống. Nhưng thực
tế không như họ mong ước. Steinbeck thấu hiểu nỗi đau của bi kịch vỡ mộng và
tái hiện rất thành công trong tác phẩm của mình” [2, tr.61-62].
Hay Lê Đình Cúc trong cuốn Lịch sử văn học Mỹ (2007) thì cho rằng: “Tác
phẩm của Steinbeck đã diễn tả chân thực những ước mơ tan vỡ, những nỗi đau
khổ của con người và những niềm hy vọng treo trên sợi chỉ mành mong manh.
Rồi sẽ ra sao khi con người lại tiếp tục trên những chiếc xe đời thổ tả ai oán và
duy trì cuộc sống trong từng ngày? Rồi sẽ thế nào khi mọi mơ ước chính đáng
của con người vẫn mãi mãi là ảo tưởng? Cuộc đời có còn tươi đẹp nếu con
người không thoát ra khỏi những bi kịch cay đắng của tâm hồn?…”[4, tr.395].
Với cuốn Văn học Mỹ quá khứ và hiện tại do Nguyễn Thị Khánh chủ biên, tác
giả lại có một góc nhìn khá mới mẻ: “ Chùm nho phẫn nộ chịu ảnh hưởng của
Thánh Kinh, đặc biệt là Kinh Cựu Ước với lễ ban thánh thể qua đó bánh mì và
rượu nho tượng trưng cho thân thể và máu huyết của Chúa Ki-tô. Tác phẩm này
cũng mang tính ẩn dụ từ Thánh Kinh, một tác phẩm mô tả cảnh xuất hành
(exodus) của dân tộc Do Thái, đi từ xứ Ai Cập, một miền đất của cảnh nô lệ tới
miền đất hứa đầy sữa và mật ong” [9, tr.185].
Tạp chí Time liệt kê tác phẩm này trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay
nhất từ năm 1923 đến nay. Kết quả tuyển chọn dựa theo tiêu chí bình chọn
Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ
chức những năm 1980-1981 xếp Chùm nho phẫn nộ là một trong 100 cuốn sách
ảnh hưởng khắp thế giới.
Lời đánh giá của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vào năm 1962 khi
Steinbeck đoạt giải Nobel văn học: “ Sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực,
giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát
nhạy bén đối với xã hội”, ở mức độ lớn là gắn với tác phẩm này.
Chùm nho phẫn nộ không chỉ chân thực phản ánh sự tàn khốc của một thời kỳ
lịch sử Mỹ quốc, mà còn chú trọng trình bày tình cảm đối với quê hương, sự lưu
luyến đối với đất đai, tâm lý chống đối cách mạng công nghiệp, tình cảm đối
địch với bộ máy quốc gia cảnh sát và nhà ngục. Tác phẩm cũng đồng thời phản
ánh phương diện lạnh lùng khắc nghiệt của cách mạng công nghiệp.
Chùm nho phẫn nộ được John Ford và hãng Century-Fox chuyển thể thành
phim năm 1940. Bộ phim cũng thành công vang dội khi đoạt 2 giải Oscars và
được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ.
Như vậy, theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được thì việc nghiên cứu về
“Hình ảnh người nông dân Mỹ trong tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ của John
Steinbeck” chưa phải là nhiều. Vấn đề đó mới chỉ được nhìn nhận ở những góc
độ khái quát chung mang tính định hướng chứ chưa có một cái nhìn cụ thể và
sâu sắc. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến và những thành tựu mà các công trình trước
mang lại, ở đề tài này chúng tôi hi vọng sẽ phân tích và đánh giá một cách rõ
nét hơn về hình ảnh người nông dân Mĩ mà John Steinbeck đã khắc họa trong
tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Với đối tượng chính là tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ, qua việc tìm hiểu
và nghiên cứu những nét chính trong tác phẩm, chúng tôi đưa ra và phân tích
những yếu tố cơ bản tạo nên “Hình ảnh người nông dân Mĩ trong tiểu thuyết
Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck”.
- Phạm vi nghiên cứu là tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ của dịch giả Phạm
Thủy Ba (2000), Nxb Hội nhà văn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Do tính chất của đề tài nên các phương pháp nghiên cứu là đa dạng và tùy
thuộc vào nội dung, mục đích của từng chương, từng mục, từng vấn đề…
Chúng tôi đã vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm: Chúng tôi căn cứ trên những
nét chính về cuộc đời, phong cách sáng tác của tác giả để rút ra những yếu tố
ảnh hưởng đến hình ảnh người nông dân mà tác giả xây dựng trong tác phẩm.
Đồng thời dựa vào văn bản tác phẩm để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề được
nghiên cứu.
- Phương pháp thống kê: Chúng tôi thống kê lại những tình tiết sự kiện
quan trọng trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề nghiên cứu theo những
nhóm khác nhau cùng phục vụ cho một ý lớn trong nội dung của đề tài để làm
sáng tỏ đề tài một cách toàn diện, khái quát.
- Phương pháp phân tích, chọn lọc, đánh giá.
- Phương pháp quy nạp chủ yếu dùng trong việc khái quát lại một vấn đề
và trong phần kết luận của đề tài.
5. Bố cục khóa luận
Để phục vụ tốt yêu cầu mà đề tài đưa ra, chúng tôi có thể xác định bố cục
của khóa luận bao gồm những điểm chính sau. Ngoài phần mở đầu và phần kết
luận, thư mục tài liệu tham khảo, mục lục, thì phần nội dung gồm có ba chương:
- Chương Một. Chân dung nhà văn John Steinbeck và tiểu thuyết Chùm nho
phẫn nộ