Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Điều khiển thích nghi hệ truyền động cơ không đồng bộ sáu pha :Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật - Chuyên ngành: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI TP. HỒ CHÍ MINH
PHẠM THÚY NGỌC
ĐIỀU KHIỂN THÍCH NGHI HỆ TRUYỀN ĐỘNG
ĐỘNG CƠ KHÔNG ĐỒNG BỘ SÁU PHA
LUẬN ÁN TIẾN SĨ KỸ THUẬT
TP. HỒ CHÍ MINH- 2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI TP. HỒ CHÍ MINH
PHẠM THÚY NGỌC
ĐIỀU KHIỂN THÍCH NGHI HỆ TRUYỀN ĐỘNG
ĐỘNG CƠ KHÔNG ĐỒNG BỘ SÁU PHA
Chuyên ngành: Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá
Mã số: 9520216
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. NGUYỄN HỮU KHƯƠNG
TS. TRẦN THANH VŨ
TP. HỒ CHÍ MINH- 2020
I
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ với đề tài: “Điều khiển thích nghi hệ truyền
động động cơ không đồng bộ sáu pha” là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của
riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu trong luận án này là trung thực và chưa được công
bố trong bất kỳ nghiên cứu nào. Tất cả những tham khảo và kế thừa đều được trích
dẫn và tham chiếu đầy đủ.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 3 năm 2020
Nghiên cứu sinh
Phạm Thúy Ngọc
II
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người thầy của tôi: PGS.TS
Nguyễn Hữu Khương, TS. Trần Thanh Vũ – cùng các thầy trong Hội Đồng Khoa
Học Trường Đại học Giao Thông Vận Tải Thành Phố Hồ Chí Minh vì sự tận tâm đã
dành thời gian hướng dẫn và cho tôi những ý kiến đóng góp quý báu giúp tôi hoàn
thành tốt luận án.
Tôi xin gửi lời cảm ơn Ban lãnh đạo Trường Đại học Giao Thông Vận Tải
Thành Phố Hồ Chí Minh, Viện đào tạo sau đại học, Khoa Điện_ĐTVT, cùng các
phòng ban chức năng đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập
tại trường.
Tôi xin cảm ơn Ban lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí
Minh, lãnh đạo và các đồng nghiệp của tôi tại Khoa Công nghệ điện Trường Đại học
Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tạo điều
kiện hỗ trợ tôi trong thời gian học tập và cho tôi những ý kiến góp ý giúp tôi hoàn
thiện luận án.
Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn tới Bố, Mẹ của tôi, những người đã luôn hy
sinh thầm lặng và luôn dành tình yêu thương cho tôi, tới gia đình nhỏ, chồng và hai
con gái thân yêu của tôi, những người luôn tin tưởng, động viên tôi giúp tôi vượt qua
khó khăn để hoàn thành luận án này.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời tri ân tới một người bạn lớn, một người Thầy, người
đã luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng tôi, người mà thái độ làm việc,
nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đạo đức sống mẫu mực là tấm gương để tôi phấn
đấu noi theo, là động lực để tôi hướng tới cuộc sống tốt đẹp, cống hiến cho nghiên
cứu khoa học và các hoạt động có ích cho cộng đồng.
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 3 năm 2020
Nghiên cứu sinh
Phạm Thúy Ngọc
III
TÓM TẮT
Trong những thập kỷ gần đây, việc nâng cao chất lượng của hệ thống điều
khiển, nhận dạng trong các hệ truyền động không cảm biến tốc độ nhiều pha nói
chung và động cơ không đồng bộ sáu pha không đối xứng (SPIM) nói riêng nhận
được sự quan tâm rất lớn từ các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu hệ truyền động SPIM
cho thấy, bên cạnh những ưu điểm vượt trội so với các hệ truyền động không đồng
bộ ba pha, hệ truyền động SPIM cũng phải đối mặt với những vấn đề điều khiển như
trong các hệ truyền động ba pha truyền thống do tính chất phi tuyến của SPIM, thông
số không chắc chắn, nhiễu tải,… Thậm chí các vấn đề về điều khiển của hệ truyền
động SPIM còn phức tạp hơn do có sự gia tăng về số pha. Trong luận án này, tác giả
đề xuất một cấu trúc điều khiển phi tuyến kết hợp giữa điều khiển Backstepping và
điều khiển cổng Hamiltonian (BS_PCH) nhằm cải tiến chất lượng của điều khiển
vector (IFOC) hệ truyền động SPIM. Bộ điều khiển tốc độ vòng ngoài của hệ truyền
động SPIM được đề xuất sử dụng BS cải tiến bổ sung thêm thành phần tích phân sai
số theo dõi để tăng độ chính xác và cải thiện tính bền vững của bộ điều khiển. Bộ
điều khiển PCH được đề xuất cho điều khiển dòng vòng trong để tăng khả năng bám
đuổi theo tham chiếu, tốc độ đáp ứng và đảm bảo tính ổn định, bền vững trước thay
đổi của tham số máy điện, nhiễu tải,…
Trên thực tế, như chúng ta đã biết, các bộ điều khiển không thể đảm bảo chất
lượng điều khiển tốt cho điều khiển không cảm biến tốc độ hệ truyền động SPIM nếu
không sử dụng các bộ quan sát trạng thái phù hợp và chính xác. Nhiều nghiên cứu đã
được thực hiện để cải thiện chất lượng của các bộ quan sát, nâng cao chất lượng của
các hệ truyền động SPIM không cảm biến tốc độ. Trong số các kỹ thuật được đề xuất,
MRAS là chiến lược phổ biến nhất do việc thực hiện đơn giản và đòi hỏi nỗ lực tính
toán thấp. Các bộ quan sát dựa trên MRAS được áp dụng thành công ở khu vực tốc
độ trung bình và cao, tuy nhiên khi hoạt động ở dải tốc độ thấp và tốc độ bằng không
vẫn là một thách thức lớn. Vấn đề này liên quan đến độ nhạy thông số máy điện, sai
số và nhiễu đo lường khi đo dòng và điện áp stator, các vấn đề tích phân thuần túy,...
Do đó, luận án đưa ra đề xuất thứ hai để cải thiện chất lượng của bộ quan sát tốc độ,
bộ nhận dạng từ thông rotor, đặc biệt là ở vùng tốc độ thấp và tốc độ gần bằng không.
Trong bộ quan sát tốc độ thích nghi dựa trên mô hình tham chiếu dòng stator cải tiến
IV
sử dụng mạng nơ ron và mô hình trượt (NNSM_SC MRAS) được đề xuất: Thứ nhất,
tác giả đề xuất một bộ quan sát tốc độ dựa trên mô hình tham chiếu dòng stator
(SC_MRAS), trong MRAS dòng này các thành phần dòng điện stator đo được sử
dụng trực tiếp làm mô hình tham chiếu để tránh các vấn đề tích phân thuần túy và ảnh
hưởng của thay đổi tham số động cơ. Mô hình thích nghi của bộ quan sát được đề
xuất sử dụng mạng nơ ron tuyến tính Adaline với thuật toán LS để ước tính tốc độ
rotor. Giải thuật LS đơn giản và hoàn toàn phù hợp với bài toàn ước lượng tốc độ khi
hàm ước lượng trên thực tế có thể được xem như là một hàm tuyến tính. Đề xuất này
nhằm giảm nỗ lực tính toán và khắc phục một số nhược điểm gây ra do tính phi tuyến
khi sử dụng giải thuật phi tuyến BPN trong các nghiên cứu đã đề xuất trước đó. Thứ
hai, bộ quan sát dòng đề xuất làm việc trong chế độ dự báo thay vì chế độ mô phỏng
như trong các nghiên cứu đã được công bố, dẫn đến sự hội tụ nhanh hơn của thuật
toán, sai số ước lượng tốc độ thấp hơn trong cả trạng thái quá độ và xác lập. Thứ ba,
bộ nhận dạng từ thông rotor để cung cấp cho mô hình thích nghi dòng và bộ điều
khiển được đề xuất sử dụng SM. Bộ nhận dạng từ thông được thiết kế dựa trên các
điều kiện ổn định Lyapunov. Điện trở stator cũng được ước lượng và cập nhật online
cho bộ ước lượng dòng stator và bộ điều khiển BS_PCH để giảm ảnh hưởng của thay
đổi thông số máy đến quá trình ước lượng và điều khiển tốc độ. Các giải pháp này cải
thiện độ chính xác và ổn định của bộ nhận dạng từ thông rotor, và do đó cải thiện độ
chính xác của tốc độ ước tính, chất lượng điều khiển của hệ truyền động, đặc biệc ở
tần số làm việc thấp. Cuối cùng, tác giả đề xuất sử dụng Euler điều chỉnh tăng thêm
2 biến trạng thái đầu vào để tăng độ chính xác cho bộ quan sát dòng trong mô hình
thích nghi của bộ quan sát.
Mặt khác, trong các hệ truyền động sử dụng SPIM, việc sử dụng biến tần
nguồn áp sáu pha là một lựa chọn tất yếu vì nguồn sáu pha không có sẵn. Các phương
pháp điều chế độ rộng xung (PWM) cho biến tần nguồn áp sáu pha gây ra xung điện
áp common mode cao. Mục tiêu của điều khiển điện áp bộ biến tần là triệt tiêu ảnh
hưởng bất lợi gây ra bởi điện áp common mode, tức giảm điện áp common mode ở
mức thấp nhất có thể hoặc triệt tiêu chúng bằng zero. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa
chất lượng của hệ truyền động SPIM, luận án đề xuất một kỹ thuật điều rộng xung
sóng mang mới làm giảm điện áp common mode (Reduced Common Mode Voltage
-RCMV) áp dụng cho hệ truyền động SPIM. Kỹ thuật sóng mang mới được đề xuất
V
đơn giản và đòi hỏi khối lượng tính toán ít, có thể dễ dàng phát triển trong các trường
hợp mở rộng kỹ thuật PWM cho các bộ biến tần đa bậc hoặc biến tần nhiều pha.
Phương pháp này có hiệu quả kinh tế cao, điện áp common mode được giảm và kiểm
soát thành công trong phạm vi ±Vd/6.
Việc kết hợp thành công giữa bộ quan sát NNSM_SC_MRAS và cấu trúc điều
khiển phi tuyến BS_PCH, giải thuật giảm điện áp common mode cho điều khiển
vector không sử dụng cảm biến tốc độ hệ truyền động SPIM đã góp phần nâng cao
chất lượng điều khiển tổng thể của hệ thống, làm gia tăng khả năng bám đuổi theo tín
hiệu đặt, độ ổn định, bù đắp cho sự không chắc chắn gây ra bởi độ nhạy tham số của
SPIM, lỗi đo lường và nhiễu tải. Ứng dụng hệ truyền động đề xuất kết hợp điều khiển
BS_PCH, bộ quan sát tốc độ NNSM_SC _MRAS và giải thuật giảm điện áp common
mode cho hệ thống đẩy trong xe điện cũng được thực hiện và được tác giả trình bày
trong luận án. Các kết quả thu được cho thấy hệ thống truyền động được đề xuất đáp
ứng rất tốt những yêu cầu của hệ thống đẩy trong xe điện. Kết quả này cho phép thúc
đẩy các nghiên cứu ứng dụng thực tế hệ truyền động SPIM cho phương tiện và thiết
bị ngành giao thông vận tải cũng như các lĩnh vực công nghiệp, v.v…
Bên cạnh việc trình bày, dẫn giải về lý thuyết, các mô phỏng sử dụng
MATLAB/ Simulink cũng được thực hiện. Các kết quả mô phỏng chiến lược đề xuất
được so sánh với các phương pháp truyền thống và các phương pháp hiện đại được
công bố gần đây để chứng minh tính hiệu quả của các giải pháp được đề xuất.
Từ khóa: Hệ truyền động động cơ không đồng bộ sáu pha, điều khiển thích nghi,
MRAS, bộ quan sát tốc độ MRAS dòng stator, bộ nhận dạng từ thông sử dụng SM,
điều khiển phi tuyến BS_PCH.