Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Đặc điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh qua cay đắng mùi đời.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
----------
PHẠM THỊ HỒNG
Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh qua
Cay đắng mùi đời
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một bộ phận máu thịt
của văn học dân tộc. Văn học giai đoạn này đã có một đời sống rất sôi nổi với hàng
trăm cây bút và hàng mấy trăm tác phẩm, cuốn hút hàng triệu độc giả và để lại
những vết son không phai mờ trong ký ức của nhiều người, nhất là những người lớn
tuổi ở Nam Bộ. Trong số hàng trăm cây bút đó, Hồ Biểu Chánh là một trong những
cây bút tiểu thuyết tiên phong “sáng giá” nhất ở Nam Bộ - mở đầu cho nền tiểu
thuyết văn học Việt Nam hiện đại.
Trong buổi bình minh của văn xuôi Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, khi mà cả
người sáng tác và người tiếp nhận văn chương đều còn bỡ ngỡ thậm chí có thành
kiến với các tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Quốc ngữ, thì Hồ Biểu Chánh đã ra
sức tạo dựng và bồi dưỡng cho nền tiểu thuyết mới, đưa nó lên gần với độc giả. Và
khi nói đến Hồ Biểu Chánh, người ta thường nhắc con người với phong thái của
một nhà hiền triết đem những bài học luôn lý của quá khứ để nhắc nhở hiện tại và
tưởng nhớ tương lai, khuyên con người phải biết “Vì nghĩa vì tình”, nhớ đến “Cha
con nghĩa nặng”, bởi mang “Nặng gánh cang trường”, khen người “Trọn nghĩa vẹn
tình” vì “Đại nghĩa diệt thân”, thương kẻ “Một đời tài sắc” mà “Chút phận linh
đinh”, căm ghét “Nhơn tình ấm lạnh”, chạy theo “Tiền bạc bạc tiền”, để đến nổi
“Kẻ làm người chịu”, thấy thân phận con người trong xã hội kim tiền chẳng khác
chi “Ngọn cỏ gió đùa” ông càng “Cay đắng mùi đời” trước bao điều “Thiệt giả giả
thiệt” nên ông “Tỉnh mộng”, ngoài tuy “Cười gượng” nhưng bên trong “Khóc
thầm”. Ông cũng thuộc số ít nhà văn sử dụng từ ngữ bình dân một cách tự nhiên,
phản ánh chính xác hiện thực xã hội, tình cảm và tâm lý con người miền Nam thời
thuộc địa; những cảnh, những tình, những người cùng với bao sự việc trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh rất gần gũi với quần chúng nhân dân.
Trong Cay đắng mùi đời – tiểu thuyết nổi danh nhất và có nhiều độc giả nhất
của Hồ Biểu Chánh không chỉ mô tả, phản ánh thái độ sống, mà qua đó hình ảnh
Nam Bộ; tính cách, ngôn ngữ của người dân Nam Bộ cũng được hiện lên rõ nét.
2
Chúng tôi nghiên cứu Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh qua Cay đắng
mùi đời, từ việc đi sâu vào một tác phẩm cụ thể để qua đó thấy được những đặc
điểm nổi bật và đồng thời thấy được những đóng góp của nhà văn trong nền văn học
hiện đại. Với khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi mong muốn sẽ đem lại cho bạn
đọc một cái nhìn toàn cảnh về hiện thực xã hội Nam Bộ đầu thế kỷ XX, thấy được
những nét truyền thống và cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.
Việc tìm hiểu đề tài giúp chúng tôi có thêm tư liệu, kiến thức phục vụ hữu
ích cho việc nghiên cứu, công tác và học tập sau này.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam Bộ và của cả nước, là một trong
những người đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ được phong phú. Vì vậy mà từ rất
sớm ông đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, giới thiệu và được đề cập đến, đã
có nhiều công trình tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tác phẩm của ông
được công bố. Nhưng tùy theo từng thời điểm, giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử xã hội
mà vấn đề này được quan tâm ở tầm mức này hay tầm mức khác. Nhìn từ góc độ
lịch sử - thời gian chúng ta có thể chia quá trình nghiên cứu về tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh thành các giai đoạn: từ năm 1945 trở về trước, từ 1945 đến 1975 và từ 1975
cho đến nay.
Từ năm 1945 trở về trước:
Đây là giai đoạn mà tiểu thuyết chữ Quốc ngữ Nam Bộ hình thành, phát triển
và chấm dứt vai trò mở đường của nó. Do vậy, để có một công trình nghiên cứu
chuyên về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh trong giai đoạn này là rất hiếm vì chưa có
một độ lùi thời gian nhất định. Tuy nhiên rải rác đây đó vẫn có những bài phê bình
hay nhận xét về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.
Thiếu Sơn trong một bài viết Lời phê bình nhơn vật: ông Hồ Biểu Chánh trên
báo Phụ Nữ Tân Văn số 106, ngày 2 - 9 - 1931 có nêu tên Hồ Biểu Chánh như là đại
diện cho lối viết văn theo kiểu phê bình nhân vật và ông không ngần ngại ca tụng
“Ông Hồ Biểu Chánh chẳng những đã biết do sự quan sát và sáng tạo ra được
những nhân vật đúng với các khuôn mẫu người đời, biết những nhân vật đó sống
3
theo với cái tính cách riêng, cái thái độ riêng, trong mỗi hoàn cảnh riêng của họ, mà
ông còn khéo cho những nhân vật đó hiệp thành một cái xã hội gần giống như cái xã
hội của ta, cho kẻ giầu gặp kẻ nghèo, người hèn đụng người sang, kẻ gian hùm quỷ
quyệt với bậc nữ sĩ anh hào, vị gia nhân tài nữ với kẻ vô học phàm phu, vì những sự
xung đột về danh, về lợi, về tư tưởng, tánh tình, về tinh thần khí tiết, mà quay cuồng
vật lộn, mà chiến đấu cạnh tranh, gây nên cái vẻ hoạt động trong đời, cho độc giả
được thỏa lòng quan sát”. Có thể nói rằng, Thiếu Sơn là người mở đầu cho việc
nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh. Với bài viết này, tuy tác giả không đi sâu vào một
tác phẩm cụ thể nào của Hồ Biểu Chánh, nhưng với sự khởi đầu của Thiếu Sơn đã
giúp cho chúng tôi hiểu hơn về tiểu thuyết ông, đặc biệt là về phương diện nhân vật
và bước đầu có được tư liệu phục vụ cho đề tài Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
qua Cay đắng mùi đời.
Trong Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan cũng đã có đề cập đến Hồ
Biểu Chánh, nhà văn đưa ra những nét phác giới thiệu chung chứ chưa phải là
những bài nghiên cứu đủ kích thước, đi sâu vào một khía cạnh đặc điểm tiểu thuyết
của Hồ Biểu Chánh. Tuy cuốn sách viết về Hồ Biểu Chánh còn rất sơ lược, nhưng
nó đã góp phần thúc đẩy cho các tác giả giai đoạn sau này có những công trình
nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh được hoàn thiện, đầy đủ và có chiều sâu hơn.
Nhìn chung, trước 1945, cũng có một số bài viết về tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu, đề cập đến đặc điểm
tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh qua tiểu thuyết Cay đắng mùi đời.
Từ 1945 đến 1975:
Đây là giai đoạn có nhiều sự kiện lịch sử xảy ra và đánh dấu những bước
ngoặc vĩ đại của dân tộc ta. Vào năm 1945, nước ta giành được độc lâp từ tay thực
dân Pháp. Nhưng đến năm 1954, đất nước ta lại bị chia cắt thành hai miền Nam –
Bắc. Do đó, việc nghiên cứu các nhà văn Nam Bộ nói chung và Hồ Biểu Chánh nói
riêng cũng được tiến hành ở cả hai miền.
Ở miền Bắc, do điều kiện tư liệu ít ỏi, lượng thông tin hạn hẹp có lẽ là
nguyên nhân chính khiến cho các nhà nghiên cứu ở miền Bắc ít chú ý đến mảng tiểu
4
thuyết chữ Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng như tiểu thuyết
của Hồ Biểu Chánh. Nhưng ít không có nghĩa là không có.
Năm 1962, trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập IV, Nguyễn Đình
Chú đã dành hẳn một chương để giới thiệu về Hồ Biểu Chánh. Tuy vậy, nằm trong
quy mô và theo chuẩn mực của một giáo trình Đại học nên cuốn sách chỉ dừng lại ở
những nhận xét chung mang tính thận trọng và dè dặt, Nguyễn Đình Chú chưa đi
sâu vào khai thác vấn đề đặc điểm tiểu thuyết cũng như một tác phẩm nào cụ thể
nào của Hồ Biểu Chánh.
Trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974) của Phan Cự Đệ, tác
giả có nhắc đến một số tiểu thuyết tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh nhưng vẫn giữ ý
kiến cho rằng “Tố Tâm là tác phẩm mở đầu cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam”.
Ở giai đoạn này, có lẽ do thiếu tư liệu hoặc do quá trình đánh giá khác nhau,
nên các nhà nghiên cứu miền Bắc không có được cái nhìn toàn diện về tiểu thuyết
của Hồ Biểu Chánh.
Ở miền Nam, do có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt tư liệu hơn so với miền
Bắc, đây cũng là vùng đất sinh ra và nuôi dưỡng tài năng của nhà tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh nên các nhà nghiên cứu ở miền Nam có nhiều công trình, chuyên khảo
đi sâu vào nghiên cứu tác giả Hồ Biểu Chánh cũng như tác phẩm của ông. Có thể kể
ra những công trình nghiên cứu có đề cập và liên quan đến đặc điểm tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh.
Công trình Việt Nam văn học sử yếu của Nguyễn Toản (1949), Việt Nam văn
học sử giản ước tân biên của nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ (1965). Đặc biệt, Chân
dung Hồ Biểu Chánh (1974) của Nguyễn Khuê là một công trình khảo cứu khá dày
về cuộc đời và văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh. Trong phần tổng kết cuối sách
Nguyễn Khuê đã khẳng định “là nhà văn lớn ở miền Nam và có khuynh hướng đạo
lí, Hồ Biểu Chánh đã đi tiên phong và lập công đầu trong việc đưa tiểu thuyết mới
từ tình trạng phai thai tiến đến giai đoạn thành lập và thịnh hành. Tiểu thuyết Việt
Nam từ Hồ Biểu Chánh mới bắt đầu bước những bước vững chắc và ông là nhà tiểu
thuyết quan trọng bậc nhất ở giai đoạn 1913 – 1932”.
5
Từ sau năm 1975 đến nay:
Năm 1975, đất nước thống nhất, nước ta không còn chia cắt hai miền, điều
kiện nghiên cứu thuận lợi hơn trước rất nhiều, nguồn tư liệu cũng khai thác dễ dàng
hơn. Do vậy, nhiều công trình có giá trị liên tiếp ra đời. Trong giai đoạn này, hầu
như mọi nghiên cứu đều quy tụ vào một tác giả là Hồ Biểu Chánh. Nhiều công trình
được nghiên cứu riêng lẻ, có chiều sâu và đi sâu vào đặc điểm tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh.
Trong Từ điển văn học (tập I) của Đỗ Đức Hữu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng
Văn Tửu do nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội (1983), Hồ Biểu Chánh là tác giả
tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX duy nhất được đưa vào cuốn từ điển
này. Cuốn sách đã dành một mục riêng và đánh giá về Hồ Biểu Chánh “Chủ yếu,
đóng góp của ông vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai
này là ở mấy phương diện: nội dung đề tài, xây dựng nhân vật, kết cấu ngôn ngữ”.
Cuốn Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Nguyễn Kim
Anh chủ biên, nghiên cứu sưu tầm và giới thiệu đã tập hợp một số tác phẩm tiêu
biểu của Hồ Biểu Chánh. Trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX cũng đã tuyển chọn
một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh, trong đó có tiểu thuyết Cay đắng
mùi đời, cuốn sách đã cung cấp văn bản tác phẩm giúp cho việc nghiên cứu và tìm
tư liệu được thuận lợi hơn.
Gần đây, vị trí văn học sử của Hồ Biểu Chánh đã được xác định, tiểu thuyết
của ông được xuất bản lại khá nhiều, một số nhà nghiên cứu đã có nhiều suy nghĩ,
nhận xét về đặc điểm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Như cuốn Hồ Biểu Chánh
người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại do nhóm Trang Quang Sen,
Phan Tấn Tài, Nguyễn Văn Nở của nhà xuất bản Văn nghệ (2006) đã sưu tầm được
rất nhiều bài viết súc tích của các nhà văn, học giả Việt Nam viết về Hồ Biểu Chánh
trong nhiều khuynh hướng khác nhau.
Đặc biệt, trong Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện
đại của Giáo sư Hoàng Nhân, nhà xuất bản Mũi Cà Mau (1998), đã đề cập đến Đối
chiếu chuyện “Vô gia đình” của Hector Malot và Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu
6
Chánh, Hoàng Nhân đã đem hai tiểu thuyết ra để đối chiếu và ông cho rằng “Hồ
Biểu Chánh chỉ lấy cốt truyện của Hector Malot: giữ một số nét chính và đôi khi cả
chi tiết của những nét chính được giữ lại, bỏ một số nét chính khác, thêm bớt một số
nhân vật, đặt câu chuyện vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, với những chủ đề tư
tưởng, với một mục đích và lối thoát khác hẳn”. Bài viết của Giáo sư Hoàng Nhân
đã đi sâu vào nghiên cứu một khía cạnh cụ thể của tiểu thuyết Cay đắng mùi đời và
đã cung cấp tư liệu rất hữu ích cho việc hoàn thành khóa luận.
Hội thảo khoa học về nhà văn Hồ Biểu Chánh được tổ chức lần đầu tiên tại
Tiền Giang vào hai ngày 17 và 18 tháng 11 năm 1988. Ba mươi bản tham luận của
các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở Thành phố Hồ Chí Minh
và các tỉnh phát biểu tại hội thảo đã đề cập nhiều khía cạnh về cuộc đời và sự
nghiệp văn chương của Hồ Biểu Chánh như về “Mối quan hệ giữa con người và tác
phẩm Hồ Biểu Chánh”, “Về việc đánh giá sự nghiệp văn chương của Hồ Biểu
Chánh”, “Vấn đề công chúng văn học đối với tác phẩm của Hồ Biểu Chánh”. Các
luận điểm mà hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh đưa ra đã cho chúng ta thấy
được tầm ảnh hưởng của Hồ Biểu Chánh cũng như các tác phẩm của ông là rất lớn.
Có thể nói, những tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX nói chung và tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nói riêng là một phần
quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy nhiên đến nay nhiều vấn đề vẫn bị
bỏ ngỏ. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mà cụ thể là tác phẩm Cay đắng mùi đời được
các nhà nghiên cứu chú ý từ lâu, nhưng chưa được nghiên cứu một cách hệ thống
mà mới chỉ dừng lại ở những đánh giá, nhận xét mang tính khái quát. Cho đến nay,
vẫn còn thiếu những công trình mang tính vĩ mô tương xứng với sự nghiệp tiểu
thuyết lớn lao mà Hồ Biểu Chánh đã để lại cho đời. Từ thực tế đó, khi nghiên cứu
đề tài Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh qua Cay đắng mùi đời, với việc đi sâu
vào một tác phẩm, chúng tôi mong muốn sẽ đưa đến cho mọi người thấy rõ hơn đặc
điểm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, đồng thời sẽ có thêm nhiều hiểu biết về tác
giả, tác phẩm Hồ Biểu Chánh cũng như tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX.