Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Chính sách phát triển văn hóa dưới thời lê thánh tông (1460 – 1497).
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA SỬ
----------
PHẠM VĂN BẰNG
Chính sách phát triển văn hóa dưới thời Lê
Thánh Tông (1460 – 1497)
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc ta từ thuở bình minh cho đến ngày
nay, văn hóa luôn phát triển vì nó luôn được bồi đắp, sáng tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử,
tạo nên một nền văn hóa mang tính dân tộc cao và đậm đà bản sắc. Nền văn hóa mà cha
ông ta đã dày công vun đắp dù trải qua những lúc thăng trầm của lịch sử dân tộc nhưng
cũng không hề mất đi những giá trị văn hóa truyên thống, những tinh hoa của dân tộc.
Nhìn lại quá khứ hơn 1000 năm Bắc thuộc cho đến sau này, cùng hòa trong dòng chảy
của lịch sử dân tộc, văn hóa của người Việt vẫn luôn được giữ vững và phát triển, không
ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa của những dân tộc khác để làm giàu cho nền văn hóa dân
tộc. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497), nước Đại Việt trở thành một
quốc gia hùng cường trong khu vực và là thời đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến
Việt Nam. Là một vị vua anh minh, sáng suốt trong cả đường lối trị nước lẫn các chính
sách xã hội, Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa lớn trong tiến trình lịch sử văn hóa
Việt Nam, là người: “Dám tuyên chiến với tất cả sự bảo thủ, trì trệ mà quá khứ để lại,
mạnh bạo tiến hành cải cách, canh tân toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực; từ thể chế
chính trị, điển chương, pháp luật đến kinh tế, văn hóa, giáo dục…” [26, tr.11]. Chính
những cải cách, canh tân hợp với quy luật và yêu cầu của lịch sử đó đã làm nên sự thịnh
trị đối với triều đại của ông. Thời Lê Thánh Tông, sự phát triển toàn diện của đất nước
gắn với nhiều chính sách phát triển văn hóa và làm cho văn hóa của dân tộc có nhiều bước
phát triển mới. Nó không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc mà còn góp
phần làm nên tên tuổi vĩ đại của Lê Thánh Tông và triều đại của ông trị vì.
Xây dựng và phát triển văn hóa ở thời kỳ nào trong lịch sử (cả thời chiến lẫn thời
bình) cũng là vấn đề cần thiết. Đặt vào thời đại ngày nay, vai trò của việc xây dựng và
phát triển văn hóa cần được đề cao. Trong Đại hội XI, Đảng ta đã nhấn mạnh rằng: “Xây
dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống
nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho
văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng
tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” [5, tr.26]. Đảng luôn
đặt mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này cho thấy
3
rằng, xây dựng và phát triển văn hóa luôn là vấn đề lớn và xuyên suốt lịch sử phát triển
của dân tộc ta.
Do đó, nghiên cứu về chính sách phát triển văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông
không chỉ làm sáng tỏ được những chính sách về văn hóa và những thành tựu đạt được
mà còn đánh giá được vai trò, tác động của văn hóa thời kì này trong dòng chảy lịch sử
của văn hóa dân tộc.
Chính vì những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài: “Chính sách phát triển
văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497)” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Văn hóa ở thời kì nào, giai đoạn nào cũng là một vấn đề lớn trong tiến trình phát
triển của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn và chủ trương phát triển của nhà
cầm quyền mà quyết định đến sự phát triển của văn hóa ở thời kì đó, có những đặc điểm
riêng của nó trong cái chung của nền văn hóa dân tộc. Dưới thời vua Lê Thánh Tông cũng
vậy, với những chính sách phát triển văn hóa đã xây dựng nên một nền văn hóa mới trên
cơ sở xóa bỏ cái cũ, lạc hậu, phát huy những giá trị vốn có và hình thành những giá trị văn
hóa mới tiến bộ hơn, có nhiều điểm mới hơn trong dòng chảy của lịch sử văn hóa dân tộc.
Một xã hội phát triển thịnh trị không thể tách rời với việc chăm lo phát triển văn hóa. Do
đó, vấn đề văn hóa đã được nhiều bộ sử ghi chép lại trong thời kì này.
Trong các tác phẩm cổ sử như: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử
thần triều Lê, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, hay cuốn Khâm định
Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, đã ghi lại những vấn đề
về văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, các cuốn sử này chỉ đề cập một cách sơ
lược theo kiểu biên niên và chưa trình bày một cách hệ thống về những chính sách đối với
văn hóa cũng như những thành tựu mới về văn hóa ở thời kì này.
Ngoài các tác phẩm cổ sử, hiện nay cũng đã có một số hội thảo khoa học và sách
báo nghiên cứu về vấn đề mở mang văn hóa dưới thời vua Lê Thánh Tông. Cụ thể như:
kỷ yếu hội thảo Lê Thánh Tông (1460 - 1497) con người và sự nghiệp kỉ niệm 500 năm
mất của Lê Thánh Tông, hay trong cuốn Hoàng đế Lê Thánh Tông do Nguyễn Huệ Chi
chủ biên. Các tác phẩm này đã đề cập đến vấn đề văn hóa và việc mở mang văn hóa cũng
như những thành tựu văn hóa mới dưới thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại
ở mức độ các bài viết với từng nội dung nhỏ chứ chưa đi sâu vào nghiên cứu một cách
đầy đủ và có hệ thống về chính sách phát triển văn hóa thời Lê Thánh Tông.
4
Tác giả Nguyễn Minh Tường với bài viết Vua Lê Thánh Tông, nhà văn hóa lớn
trên tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, đăng trên tạp chí Xưa và Nay (số 114), cũng nói
về văn hóa thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, bài viết này đề cập một cách khái quát về
những cải cách, thay đổi của Lê Thánh Tông về văn hóa, nhưng không đi sâu cụ thể vào
vấn đề chính sách cũng như tác động của những chính sách văn hóa đó đối với văn hóa
Việt Nam trong giai đoạn này.
Tóm lại, những bài viết và những tác phẩm kể trên vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ và
cụ thể về văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông mà chỉ dừng lại ở mức độ khảo lược hay trình
bày những nội dung nhỏ của vấn đề. Song đó cũng là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích và
cần thiết để giúp chúng tôi hoàn thành đề tài này.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu vấn đề này nhằm mục đích làm sáng tỏ các chính sách phát triển văn
hóa cũng như những thành tựu văn hóa mới mà Lê Thánh Tông đã dày công tạo dựng.
Mặt khác, cho chúng ta thấy được những thay đổi mang tính chất tiến bộ, cũng như thấy
được hiệu quả và hạn chế của các chính sách văn hóa để từ đó rút ra những kinh nghiệm
cho công cuộc xây dựng văn hóa mới hiện nay.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng mà đề tài tập trung hướng đến để nghiên cứu là những chính sách phát
triển văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung nghiên cứu
những mặt tích cực của các chính sách phát triển văn hóa, cũng như tác động của nó đối
với sự phát triển văn hóa thời Lê Thánh Tông nói riêng và văn hóa của dân tộc Việt Nam
nói chung.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian: từ năm 1460 đến năm 1497, là khoảng thời gian vua Lê Thánh Tông
trị vì.
Về nội dung nghiên cứu: đề tài chỉ tập trung nghiên cứu chính sách, thành tựu và
những tác động của lĩnh vực văn hóa tinh thần với lịch sử văn hóa dân tộc.
5. Nguồn tư liệu, phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tư liệu
5
Để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài này, chúng tôi dựa vào các nguồn tư liệu
sau:
- Các cuốn cổ sử như: Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám
cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí,…; các tác phẩm nghiên cứu về Lê Thánh
Tông mà đặc biệt là liên quan đến vấn đề văn hóa có ở các thư viện trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng, thư viện trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, các thư viện ở các tỉnh và thành
phố khác.
- Các bài viết đăng trên các tạp chí Xưa và Nay, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử…
- Các bài viết liên quan có trên mạng internet…
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi nghiên cứu dựa trên quan điểm sử học Mácxit, đồng thời
sử dụng và kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp lịch sử, phương pháp
logic, phương pháp thống kê, phân tích và tổng hợp để đánh giá sự việc. Ngoài ra còn sử
dụng phương pháp đối chiếu, so sánh,…
6. Đóng góp của đề tài
Ở thời kì nào trong lịch sử phát triển của dân tộc ta thì văn hóa cũng là một lĩnh
vực rất quan trọng và nó luôn luôn được gìn giữ và phát triển. Dưới thời phong kiến, các
triều đại đã rất chú ý xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, ngày càng văn
minh và phát triển hòa vào dòng chảy của lịch sử văn hóa của dân tộc một cách có kế thừa
và phát huy. Do đó, đề tài hoàn thành sẽ góp phần làm sáng tỏ chính sách phát triển văn
hóa dưới thời vua Lê Thánh Tông, vai trò và tác động của văn hóa thời kì này đối với sự
phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.
Mặt khác, nghiên cứu và làm rõ những chính sách phát triển văn hóa dưới thời Lê
Thánh Tông giúp cho chúng ta thấy được sự tài trí và sáng suốt của ông trong việc đưa ra
các chính sách này cũng như những đóng góp của vua Lê Thánh Tông và triều đại của
ông đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc. Qua đó, cũng giúp chúng ta thấy những
đóng góp lớn về thành tựu văn hóa ở thời kì này trong sự phát triển của văn hóa dân tộc.
Đồng thời, đề tài này hoàn thành sẽ là một tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai
quan tâm đến vấn đề văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông.
7. Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài gồm có 3 chương:
6
Chương 1: Vua Lê Thánh Tông và cơ sở để chính quyền Lê Thánh Tông thực thi
chính sách phát triển văn hóa (1460-1497)
Chương 2: Chính sách phát triển văn hóa dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497)
Chương 3: Thành tựu và vai trò của chính sách phát triển văn hóa dưới thời vua Lê
Thánh Tông (1460-1497)
NỘI DUNG
Chương 1:
LÊ THÁNH TÔNG VÀ CƠ SỞ ĐỂ CHÍNH QUYỀN LÊ THÁNH TÔNG