Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
LÊ HOÀNG NAM
XÁC LẬP DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG
THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ
TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
XÁC LẬP DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG
THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Chuyên ngành: Luật Dân sự và Tố tụng dân sự
Định hướng nghiên cứu
Mã số: 8380103
Người hướng dẫn khoa học: TS. Phùng Văn Hải
Học viên: Lê Hoàng Nam
Lớp: Cao học Luật Dân sự, Khóa 34
Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan Luận văn Thạc sĩ “Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo
pháp luật Việt Nam” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, được thực hiện dưới
sự hướng dẫn khoa học của Tiến sĩ Phùng Văn Hải, đảm bảo tính trung thực và tuân
thủ các quy định về trích dẫn, chú thích tài liệu tham khảo. Tôi xin chịu hoàn toàn
trách nhiệm về lời cam đoan này.
Tác giả
Lê Hoàng Nam
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
STT Từ viết tắt Từ được viết tắt
1 BLDS Bộ luật Dân sự
2 DSDVVTC Di sản dùng vào việc thờ cúng
3 PLTK Pháp lệnh Thừa kế
4 TAND Tòa án nhân dân
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÁC LẬP DI SẢN DÙNG VÀO
VIỆC THỜ CÚNG ....................................................................................................9
1.1. Khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng, xác lập di sản dùng vào việc
thờ cúng .................................................................................................................9
1.1.1. Khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng ...........................................9
1.1.2. Khái niệm xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng ............................12
1.2. Căn cứ pháp lý xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng ...........................13
1.2.1. Khái niệm căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.................13
1.2.2. Phân loại căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng..................14
1.2.3. Các căn cứ cụ thể xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng ................17
1.3. Hệ quả pháp lý của việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng ............25
1.3.1. Không được chia thừa kế ..................................................................25
1.3.2. Không thể chuyển dịch di sản thông qua các giao dịch dân sự........27
1.3.3. Không thể xác lập quyền sở hữu di sản theo thời hiệu .....................28
1.4. Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam qua các
thời kỳ ..................................................................................................................28
1.4.1. Pháp luật thời kỳ phong kiến ............................................................28
1.4.2. Pháp luật thời kỳ thuộc địa ...............................................................31
1.4.3. Pháp luật do Nhà nước ta ban hành .................................................34
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 ...................................................................................37
CHƯƠNG 2. QUY ĐỊNH VỀ XÁC LẬP DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ
CÚNG, THỰC TIỄN VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT..............38
2.1. Quy định pháp luật hiện hành về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.38
2.1.1. Căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng .................................38
2.1.2. Điều kiện xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng..............................40
2.1.3. Hệ quả của việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng ...................46
2.2. Thực tiễn xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.....................................50
2.2.1. Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo di chúc.........................50
2.2.2. Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo các văn bản không phải là
di chúc ..........................................................................................................53
2.2.3. Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo sự thỏa thuận của những
người thừa kế ...............................................................................................55
2.2.4. Xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng do dòng họ truyền lại..........60
2.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng
......................................................................................................................66
2.3.1. Về căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng .............................67
2.3.2. Về điều kiện xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng .........................68
2.3.3. Sửa đổi quy định về giá trị “một phần” di sản.................................70
2.3.4. Về hệ quả của việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng...............71
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 ...................................................................................73
KẾT LUẬN..............................................................................................................74
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...................................................................
PHỤ LỤC.....................................................................................................................
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thờ cúng tổ tiên là một phong tục, tín ngưỡng lâu đời trong đời sống văn hóa
tinh thần của người Việt Nam, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên, ông
bà, cha mẹ là các bậc tiền nhân đã có công sinh thành, dưỡng dục nên mỗi người,
đồng thời thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Không giống
với các quốc gia có cùng phong tục, việc thờ cúng tổ tiên ở nước ta không chỉ dừng
lại là một hoạt động tín ngưỡng dân gian mà sớm đã được pháp luật ghi nhận và điều
chỉnh. Pháp luật của các triều đại phong kiến cũng như trong thời kỳ thuộc địa thông
qua các bộ luật như: Quốc triều Hình luật, Hoàng Việt luật lệ hay Bộ Dân luật Bắc
kỳ, Bộ Dân luật Trung kỳ, … đều có quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng thông
qua các quy định về “hương hỏa”, “phụng tự”, … rất cụ thể và chi tiết. Trên cơ sở kế
thừa quy định đó, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực thừa kế
do Nhà nước ta ban hành tiếp tục ghi nhận và bảo vệ quyền để lại di sản dùng vào
việc thờ cúng thông qua Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 cũng như các Bộ luật Dân sự
ra đời sau đó. Tuy nhiên, nhìn chung các văn bản này đã có sự thu hẹp phạm vi điều
chỉnh các vấn đề liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng nói chung và xác lập di
sản dùng vào việc thờ cúng nói riêng.
Di sản dùng vào việc thờ cúng có chế độ pháp lý riêng biệt, khác hẳn so với
các loại di sản thông thường. Di sản này không phải là di sản dùng để phân chia cho
những người thừa kế mà chỉ được dùng vào mục đích duy trì việc cúng tế tổ tiên.
Thực tiễn cho thấy, không ít các trường hợp phát sinh tranh chấp trong việc xác định
sự tồn tại của loại di sản này cùng với các yêu cầu phân chia di sản của người thừa
kế. Pháp luật điều chỉnh vấn đề này hiện nay chưa thật sự bao quát và còn nhiều bất
cập liên quan đến phương thức ấn định việc hình thành di sản dùng vào việc thờ cúng.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, di sản dùng vào việc thờ cúng
tồn tại khi người có tài sản lập di chúc và thể hiện trong nội dung di chúc về việc để
lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người
đã được chỉ định trong di chúc hoặc người được các đồng thừa kế thỏa thuận chỉ định
trong trường hợp di chúc không chỉ định để quản lý và thực hiện việc thờ cúng. Quy
định như trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 vô hình trung đã bỏ qua một số căn cứ
có thể làm hình thành nên di sản dùng vào việc thờ cúng khi người có tài sản không
2
lập di chúc hoặc lập di chúc nhưng không định đoạt phần di sản dùng vào việc thờ
cúng. Thực tiễn cho thấy, ngoài di chúc, di sản phục vụ cho việc thờ cúng còn có thể
được tạo lập từ nhiều phương thức khác như: do dòng họ truyền lại, người có tài sản
định đoạt việc sử dụng tài sản dùng vào việc thờ cúng thông qua văn bản ngoài di
chúc, những người thừa kế thỏa thuận trích lập di sản dùng vào việc thờ cúng, …
Việc pháp luật chưa ghi nhận không đồng nghĩa với việc các phương thức hình thành
di sản để phục vụ cho việc thờ cúng như đã nêu không tồn tại và không được áp dụng.
Điều này dẫn đến hệ quả, về mặt xã hội chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với
một phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc, về mặt lập pháp cho thấy pháp luật
quy định chưa bao quát và toàn diện trong việc điều chỉnh đối với di sản thờ cúng, dễ
phát sinh các tranh chấp liên quan đến yêu cầu phân chia di sản cũng như việc áp
dụng pháp luật không thống nhất trong việc thừa nhận các căn cứ mới trong việc xác
lập di sản dùng vào việc thờ cúng.
Vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài luận văn thạc sĩ “Xác lập di sản dùng vào việc
thờ cúng theo pháp luật Việt Nam” nhằm góp phần xây dựng một công trình nghiên
cứu toàn diện và có hệ thống về căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng, đồng
thời đóng góp một số kiến nghị tạo cơ sở khoa học cho các nhà lập pháp trong việc
nghiên cứu và xây dựng pháp luật trong tương lai cũng như thống nhất quan điểm áp
dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử của Tòa án.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Xuất phát từ tính chất đặc thù của di sản dùng vào việc thờ cúng, đã có nhiều
công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học pháp lý liên quan đến vấn đề này. Phần
lớn các công trình mới chỉ nghiên cứu khái quát về di sản dùng vào việc thờ cúng nói
chung mà chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ về xác lập
di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, trên cơ sở của các nghiên cứu đã có từ
trước, có thể dùng để tham khảo một số vấn đề, trong đó có thể kể đến các tác phẩm
tiêu biểu như sau:
Giáo trình:
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình Pháp luật
về tài sản, quyền sở hữu tài sản và thừa kế, Lê Minh Hùng chủ biên, Nxb. Hồng Đức
– Hội Luật gia Việt Nam: Giáo trình trình bày về phong tục thờ cúng tổ tiên và di sản
dùng vào việc thờ cúng thông qua quy định của luật tục và cổ luật, đồng thời phân
3
tích quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và chỉ ra một số bất cập. Mặc dù có nêu
lên cách thức lập di sản dùng vào việc thờ cúng, tuy nhiên giáo trình chưa phân tích
chuyên sâu về vấn đề này. Giáo trình có giá trị tham khảo về mặt lý thuyết đối với
việc nghiên cứu quy định cổ luật liên quan đến căn cứ xác lập di sản thờ cúng.
Sách tham khảo, chuyên khảo:
Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận khoa học về thừa kế trong luật dân sự,
Nxb. Trẻ: Tác phẩm trình bày về các vấn đề liên quan đến di sản thờ cúng, bao gồm:
xác lập và chế độ pháp lý của di sản thờ cúng. Tuy nhiên, tác giả không tập trung đối
với vấn đề xác lập và chủ yếu phân tích trên nền tảng di sản thờ cúng được hình thành
theo di chúc. Tác phẩm có giá trị tham khảo chính đối với các vấn đề lý luận chung
về di sản thờ cúng đặc biệt là hệ quả pháp lý của việc xác lập di sản thờ cúng.
Phạm Văn Tuyết, Lê Kim Giang (2017), Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải
quyết tranh chấp, tái bản lần thứ 1, Nxb. Tư pháp: Tác giả trình bày về di sản thờ
cúng trong phần quyền của người để lại di sản trên cơ sở phân tích quy định của Bộ
luật Dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra nhiều nhận định về ý nghĩa
cũng như mục đích của việc tạo lập di sản thờ cúng. Tác phẩm có giá trị tham khảo
đối với những kiến thức cơ bản về di sản thờ cúng.
Đỗ Văn Đại (2019), Luật Thừa kế Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án, tập
1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam: Tác phẩm có một chủ đề với tên gọi là
“hình thành di sản dùng vào việc thờ cúng” phân tích chi tiết về cách thức hình thành
di sản thờ cúng bên cạnh quy định về căn cứ hình thành di sản dùng vào việc thờ cúng
theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, tác giả còn bình luận phương
hướng giải quyết của Tòa án thông qua một số bản án trong việc xác định sự tồn tại
của di sản dùng vào việc thờ cúng để từ đó chỉ ra các phương thức hình thành trong
thực tiễn nhưng chưa được pháp luật ghi nhận. Tác phẩm có giá trị tham khảo chính
về đường lối xét xử của Tòa án trong vấn đề đang được nghiên cứu.
Phùng Trung Tập (2022), Pháp luật thừa kế ở Việt Nam – Nhận thức và áp
dụng, Nxb. Sự thật: Tác phẩm trình bày một cách toàn diện về pháp luật thừa kế tại
Việt Nam đặt trong nhiều mối liên hệ với quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, quan
hệ pháp luật sở hữu trí tuệ, ... Đối với vấn đề di sản thờ cúng, tác phẩm cung cấp
nhiều kiến thức quan trọng thông qua việc phân tích chi tiết quy định của pháp luật
hiện hành bên cạnh việc bình luận các vấn đề còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.
4
Luận văn:
Võ Thị Cẩm Tú (2013), Di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt
Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: Luận văn trình
bày các vấn đề lý luận chung về di sản thờ cúng. Đồng thời, phân tích quy định của
Bộ luật Dân sự năm 2005 và trình bày thực tiễn xét xử thông qua các tranh chấp về
di sản thờ cúng để chỉ ra những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật và đưa
ra một số kiến nghị. Công trình mới chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề chung mà
chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu đối với các phương thức xác lập di sản thờ cúng.
Trần Khánh Huyền (2022), Di sản thờ cúng theo pháp luật Việt Nam, Luận
văn thạc sĩ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Công trình cung cấp các kiến thức
lý luận cơ bản và cơ chế điều chỉnh của pháp luật về di sản thờ cúng. Tuy nhiên, đề
tài mới chỉ dừng lại ở việc trình bày tổng quan một số khía cạnh liên quan đến di sản
thờ cúng mà chưa phân tích cụ thể và toàn diện về đối tượng nghiên cứu. Mặc dù vậy,
vẫn có thể tham khảo nội dung liên quan đến quá trình phát triển của quy định về di
sản thờ cúng trong các thời kỳ trước tại nước ta.
Tạp chí khoa học:
Phùng Trung Tập (2013), “Từ quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng và
di tặng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 09: Bài viết cung cấp kiến thức tổng quan
về di sản dùng vào việc thờ cúng như: căn cứ xác lập, loại tài sản và giá trị tài sản,
nghĩa vụ của người quản lý di sản và xử lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Tác giả tập
trung phân tích về căn cứ xác lập di sản thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự
mà chưa phân tích nhiều về khả năng tạo lập di sản thờ cúng thông qua các phương
thức khác trong thực tiễn, đồng thời đưa ra phương pháp nhận diện di sản thờ cúng
thông qua việc so sánh với di sản dùng để thờ cúng.
Trần Thị Huệ (2014), “Bất cập trong quy định của Bộ luật dân sự về di sản thờ
cúng”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07: Tác giả trình bày quy định của cổ luật
cũng như quy định của các Bộ luật Dân sự về di sản dùng vào việc thờ cúng, đồng
thời chỉ ra một số “điểm trống” của pháp luật trong việc không quy định loại di sản
thờ cúng đã được đời trước lập sẵn cho người quản lý di sản (di sản tổ truyền), đồng
thời nêu lên hệ quả về phương thức chuyển dịch di sản thờ cúng cho người quản lý
di sản tiếp theo khi không có sự ghi nhận đối với loại di sản đó. Bài viết là cơ sở để
phát triển nghiên cứu về căn cứ xác lập di sản thờ cúng do dòng họ truyền lại.
5
Hồ Thị Vân Anh (2015), “Hoàn thiện quy định về di sản dùng vào việc thờ
cúng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 03: Bài
viết chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
về quyền để lại di sản thờ cúng bao gồm: việc giới hạn quyền định đoạt tài sản, giá
trị di sản, người quản lý di sản và chấm dứt di sản thờ cúng. Từ đó, đưa ra các đề xuất
nhằm hoàn thiện quy định pháp luật có thể cân nhắc khi trình bày các kiến nghị của
đề tài nghiên cứu.
Võ Nguyễn Nam Trung, Lâm Thị Thu Thảo, Trần Thị Cẩm Nhung (2019), “Di
sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí
Tòa án nhân dân, số 04: Tác phẩm phân tích một số hạn chế và đề xuất giải pháp
hoàn thiện đối với các vấn đề giới hạn tỷ lệ định đoạt, quản lý và thời điểm kết thúc
di sản thờ cúng. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến vấn đề đăng ký sở hữu đối với di
sản thờ cúng thuộc loại tài sản phải đăng ký chưa được pháp luật quy định rõ ràng,
có giá trị tham khảo.
Hồ Thị Bảo Ngọc (2020), “Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của
pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Nghề Luật, số 06: Bài tạp chí trình bày một số vướng
mắc về chủ thể có quyền đối với di sản thờ cúng, khai thác di sản dùng vào việc thờ
cúng, thời điểm chấm dứt việc thờ cúng và đề xuất các kiến nghị. Tác giả cũng đặt ra
vấn đề có nên thừa nhận các căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng theo ý chí
của người thừa kế di sản hay không. Vấn đề này hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan
điểm và có khả năng tiếp tục khai thác.
Nhìn chung, mặc dù có nhiều công trình, tuy nhiên chưa có công trình nào tập
trung nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về vấn đề xác lập di sản dùng vào việc thờ
cúng. Do đó, việc lựa chọn đề tài về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng để triển
khai vẫn đảm bảo tính mới của đối tượng nghiên cứu.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Tác giả nghiên cứu đề tài nhằm hướng đến các mục đích sau đây:
Thứ nhất, đề tài nghiên cứu nhằm làm rõ về mặt lý luận các vấn đề cơ bản liên
quan đến việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng, đồng thời nghiên cứu quy định
của pháp luật thời kỳ trước để làm sáng tỏ các căn cứ xác lập di sản dùng vào việc
thờ cúng.
6
Thứ hai, trên cơ sở những vấn đề khái quát chung, đề tài nghiên cứu quy định
của pháp luật hiện hành về căn cứ xác lập, điều kiện và hệ quả pháp lý của việc xác
lập di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ ra những điểm bất cập.
Thứ ba, tiến hành khảo sát phương thức xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng
trong thực tiễn thông qua thực tiễn xét xử của Tòa án để phân tích việc vận dụng pháp
luật trong thực tế, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định
trong pháp luật dân sự hiện hành về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.
Để thực hiện được mục đích nêu trên đề tài có các nhiệm vụ sau:
(i) Làm sáng tỏ các vấn đề mang tính chất lý luận chung về di sản dùng vào
việc thờ cúng và xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng. Tham khảo pháp luật thời kỳ
phong kiến và thuộc địa, từ đó tiến hành phân tích và so sánh nhằm chỉ ra những điểm
tích cực, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề đang được nghiên
cứu và rút ra kinh nghiệm.
(ii) Phân tích, đánh giá việc áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử
liên quan đến việc xác định căn cứ xác lập, điều kiện xác lập và hệ quả pháp lý của
việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng, từ đó chỉ ra những điểm phù hợp và sự
cần thiết trong việc đề xuất ghi nhận những căn cứ xác lập mới.
(iii) Tổng hợp nội dung nghiên cứu và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn
thiện pháp luật về căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là các căn cứ xác lập cùng với điều kiện
và hệ quả của việc xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng trên cơ sở nghiên cứu quy
định của Bộ luật Dân sự hiện hành trong sự đối chiếu với pháp luật các thời kỳ trước.
Đồng thời, phân tích một số bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để xem xét
việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn để từ đó đánh giá hiện trạng quy định xác lập
di sản dùng vào việc thờ cúng hiện hành và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Phạm vi nghiên cứu:
Đề tài giới hạn trong phạm vi hoàn thiện quy định của pháp luật quốc gia về
xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì vậy, tác giả giới hạn và tập trung nghiên
7
cứu những vấn đề trọng tâm về lý luận như: khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng,
xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng; căn cứ xác lập; hệ quả pháp lý của việc xác
lập di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong vấn đề thực tiễn, đề tài tập trung trình bày
những điểm vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật thông qua các bản
án đã có hiệu lực của Tòa án để dẫn giải các phương án giải quyết tranh chấp cũng
như cách thức vận dụng pháp luật để từ đó chỉ ra những bất cập trong quy định pháp
luật và đề xuất những giải pháp thích hợp.
Đề tài không nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề liên quan đến quản lý, chấm
dứt của di sản dùng vào việc thờ cúng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết vấn đề nghiên cứu, tác giả sẽ sử dụng kết hợp các phương pháp
nghiên cứu sau:
Phương pháp phân tích được sử dụng tại Chương 1 nhằm trình bày khái quát
các vấn đề lý luận, nền tảng về các khái niệm, căn cứ cũng như hệ quả của việc xác
lập di sản dùng vào việc thờ cúng. Đồng thời, tác giả tiếp tục sử dụng phương pháp
này ở Chương 2 trong việc phân tích thực trạng pháp luật cũng như một số bản án
trong thực tiễn xét xử của Tòa án, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Đây là phương pháp cốt lõi được sử dụng để nghiên cứu đề tài.
Phương pháp lịch sử được tác giả sử dụng ở mục mục 1.4 Chương 1 để trình
bày quá trình phát triển và biến đổi trong cách thức quy định về căn cứ xác lập di sản
dùng vào việc thờ cúng theo trình tự lịch sử lập pháp từ thời kỳ phong kiến đến cận
đại và cuối cùng là pháp luật hiện nay.
Phương pháp so sánh cũng được sử dụng trong luận văn nhằm đối chiếu quy
định của pháp luật hiện hành với cổ luật, từ đó chỉ ra những điểm tương đồng hoặc
khác biệt đồng thời tham khảo những nội dung tiến bộ của cổ luật nhằm kiến nghị
tiếp thu và hoàn thiện pháp luật.
Phương pháp tổng hợp được tác giả sử dụng nhằm tập hợp các tài liệu đã thu
thập được để hoàn thành luận văn.
6. Dự kiến các điểm mới, đóng góp mới về mặt lý luận
Thông qua việc thực hiện đề tài, tác giả dự kiến các điểm mới và đóng góp
mới về mặt lý luận như sau:
8
Thứ nhất, đề tài nghiên cứu góp phần trong việc làm rõ các vấn đề lý luận
chung liên quan đến xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong đó, trình bày một
cách khái quát và có hệ thống về căn cứ xác lập và hệ quả pháp lý của việc xác lập di
sản dùng vào việc thờ cúng cũng như cơ chế điều chỉnh của pháp luật đối với việc
xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa trong việc đánh giá khung
pháp lý liên quan đến căn cứ, điều kiện và hệ quả pháp lý của việc xác lập di sản dùng
vào việc thờ cúng để từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp và có giá trị góp phần hoàn
thiện pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, luận văn cung cấp một lượng thông tin đáng kể về thực tiễn xét xử của
Tòa án trong việc xác định di sản dùng vào việc thờ cúng. Cùng với đó, luận văn sẽ
phân tích những vướng mắc, bất cập trong những phương thức xác lập di sản dùng
vào việc thờ cúng trong thực tiễn. Thông qua đó, đưa ra các kiến nghị và định hướng
hoàn thiện pháp luật dựa trên cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện các
quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh đối với việc xác lập di sản dùng vào việc
thờ cúng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận
văn có kết cấu bao gồm hai chương, cụ thể như sau:
Chương 1. Những vấn đề cơ bản về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng.
Chương 2. Quy định về xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng, thực tiễn và
kiến nghị hoàn thiện pháp luật.