Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Văn 9 40 de doc hieu ngoài sgk
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐỀ SỐ 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Bạn sẽ làm gì khi có một ngày thức dậy thấy bên mình không còn việc gì nữa cả. Tiền trong túi
không còn, việc làm không có, người yêu chia tay, bạn bè, gia đình ở xa… Cuộc sống coi như mất hết
ý nghĩa. Vậy mà đến lúc đó, tôi lại tự dưng mỉm cười.
Con số không tròn trĩnh để người ta soi mình vào đó và chợt nhận ra những thất bại. Như một
chiếc gương soi trung thực để thấy ta từ thuở tập bò, tập đi, vội vàng tập chạy, rồi thì… vấp ngã. Có kẻ
ngã rồi nằm luôn, có kẻ gượng dậy để… ngã tiếp. Trong suốt cuộc đời bao nhiêu lần ta ngã, bao nhiêu
lần đứng dậy, ta có nhớ hết không?
Khi tiền trong túi không còn, tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới vẫn còn đang đói khát.
Khi việc làm không có, tôi tin cũng có hàng triệu người khác cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm việc
như mình. Khi tình yêu tan vỡ, tôi viết thêm vào thời gian biểu của mình một số giờ học thêm hoặc đi
ngủ. Và rồi tôi mỉm cười. Cuộc sống vẫn cứ trôi. Đôi khi ta chao đảo. Rồi sau đó ta sẽ nhận ra và lấy
lại thế cân bằng. Một câu danh ngôn nào đấy đại ý là như vậy. Hình như tôi là người lạc quan.
Và khi người ta no đủ, người ta sẽ không thể có được cảm giác thử sức khao khát và hy vọng.
Bởi vậy cho đến già ta vẫn cứ là bé thơ khi chơi thứ đồ chơi này đến chán ngấy rồi lại đòi thứ khác.
Tôi khao khát no đủ nhưng sẽ chẳng bao giờ no đủ. Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn của con số
không, tôi sẽ hít một hơi dài rồi vùng vẫy.
Có biết bao nhiêu người trên trái đất này tìm ý nghĩa cuộc sống bằng cách ban tặng cuộc đời
mình đến những nơi xa xôi, những người cùng khổ. Thế thì tại sao ta thấy đời mất hết ý nghĩa khi lại
bắt đầu bằng bàn tay trắng?
Hãy cứ tin đi, bằng cách mỉm cười khi mình thất bại, sẽ thấy cuộc đời lại mỉm cười. Khi ta
không còn gì hết, không có gì hết, đời sẽ ban tặng ta một cái gì đó mới mẻ hơn, hạnh phúc hơn. Sau
hạnh phúc là bất hạnh, đi hết bất hạnh rồi sẽ gặp hạnh phúc. Điều đó chẳng phải là quy luật hay sao?
(Trích Bài học của thầy - Trang 32 - NXB Hà Nội - Năm 2016)
Câu 1: Chỉ ra một biểu hiện của thái độ sống lạc quan được nêu trong đoạn trích.
Câu 2: Hình ảnh “con số không” trong đoạn tríchcó ý nghĩa như thế nào?
Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về quan niệm của tác giả: “Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn
của con số không, tôi sẽ hít một hơi dài rồi vùng vẫy”.
Câu 4: Anh/ chị rút ra thông điệp nào có ý nghĩa nhất từ đoạn trích trên? Vì sao?
GỢI Ý:
Câu 1:
Học sinh nêu được một trong các biểu hiện của thái độ sống lạc quan:
- Khi tiền trong túi không còn, tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới vẫn còn đang đói khát.
- Khi việc làm không có, tôi tin cũng có hàng triệu người khác cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm việc
như mình.
- Khi tình yêu tan vỡ, tôi viết thêm vào thời gian biểu của mình một số giờ học thêm hoặc đi ngủ.
Câu 2:
Hình ảnh “con số không” tượng trưng cho những mất mát, thất bại mà con người cần phải đối diện và
vượt qua trong cuộc sống.
Câu 3:
Giải thích quan niệm “Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn của con số không, tôi sẽ hít một hơi dài
rồi vùng vẫy”:
- “Bước vào vòng số không” là khi cuộc sống rơi vào khó khăn, thất bại thậm chí bế tắc, tuyệt vọng.
- “Hít một hơi dài rồi vùng vẫy” là nỗ lực để thoát ra tìm cơ hội vươn lên.
Ý kiến đưa lời nhắc nhở về lối sống chủ động, tích cực, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách.
Câu 4:
Rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất:
-Thí sinh có thể lựa chọn một thông điệp rút ra từ đoạn trích như:
+ Sống lạc quan, luôn hướng về tương lai
+ Sống mạnh mẽ vượt lên hoàn cảnh…
-Thí sinh nêu rõ vì sao thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân một cách thuyết phục.
ĐỀ SỐ 2
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Cả một thế giới rộng lớn ngoài kia đang chờ bạn, mặc dù con đường tới đó không hiện ra cho
những ai chỉ muốn đi trên các lối mòn quen thuộc và làm những công việc quen thuộc. Với những
người này thì thế giới cũng chật hẹp giống như những lối mòn quen thuộc của họ và công việc của họ
cũng hạn chế như những thói quen của họ vậy. Còn với những người tiên phong quyết tâm đi trên
những con đường mới và thử làm những cái mới với tinh thần cầu tiến và chấp nhận thử thách, thế giới
thật sự là một địa bàn rộng lớn và có vô số công việc để làm. Đó là cách thức mà tôi đã và sẽ tiếp tục
sống – đi tìm những công việc mới và dồn tất cả những gì tôi có cho chúng.
Bạn là thanh niên. Vậy hãy trở thành người đi tiên phong. Đi tiên phong mới là cách sống thực
sự. Thế giới đang trở nên khá nhỏ để có thể gọi là “Cái làng địa cầu” nhưng vẫn còn rất nhiều nơi để
khám phá. Hành tinh chúng ta có rất nhiều người đang làm rất nhiều việc vẫn chưa ai từng làm. Hãy
nghĩ đến cả thế giới và có những dự định to lớn, và đừng sợ thất bại. Con đường của những người đi
tiên phong là một con đường đơn độc, nhưng bạn phải tự mở đường cho tương lai của chính mình. Đó
là tất cả những gì gọi là một cuộc sống thực sự”.
(Trích Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm, Kim Woo Chung – Nguyên Giám đốc
Tập đoàn Deawoo, NXB Văn hóa thông tin, tr.159,160)
Câu 1: Với những người tiên phong quyết tâm đi trên những con đường mới và thử làm những cái
mới, thế giới trong mắt họ là gì?
Câu 2: Xác định và phân tích giá trị của biện pháp từ từ được sử dụng trong câu: “Với những người
này thì thế giới cũng chật hẹp giống như những lối mòn quen thuộc của họ và công việc của họ cũng
hạn chế như những thói quen của họ vậy”.
Câu 3: Theo anh/ chị, tại sao tác giả lại cho rằng “Con đường của người đi tiên phong là một con
đường đơn độc, nhưng bạn phải tự mở đường cho tương lai của chính mình”?
Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị?
GỢI Ý:
Câu 1:
Với những người tiên phong quyết tâm đi trên những con đường mới và thử làm những cái mới, thế
giới thật sự là một địa bàn rộng lớn và có vô số công việc để làm.
Câu 2:
- Biện pháp tu từ: so sánh
- Giá trị của biện pháp tu từ: Bằng việc so sánh “thế giới cũng chật hẹp như những lối mòn quen thuộc
và công việc của họ cũng hạn chế như những thói quen của họ”, câu văn trở nên giàu hình ảnh, sinh
động hơn.
Câu 3:
Tác giả cho rằng “Con đường của người đi tiên phong là một con đường đơn độc, nhưng bạn phải tự
mở đường cho tương lai của chính mình”, vì:
- Người đi tiên phong là người tự mình mở ra một con đường mới, một hướng đi mới mà trước đó
chưa có ai từng đi, hoàn toàn khác biệt với những hướng đi trong truyền thống. Đó là hướng đi mới
nên chưa được kiểm chứng, chính vì vậy có thể không được mọi người đồng tình và ủng hộ.
- Nhưng tương lai mỗi người là do chính mình quyết định, vì vậy mỗi người “phải tự mở đường cho
tương lai của mình”. Dẫu con đường ấy có đơn độc nhưng có thể đưa mỗi người đến thành công trong
tương lai.
Câu 4:
HS có thể lựa chọn thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân nhưng cần đảm bảo các yêu cầu:
- Thông điệp phải có trong đoạn trích.
- Nêu được ý nghĩa của thông điệp đó với bản thân.
- Trình bày rõ ràng, mạch lạc.
ĐỀ SỐ 3
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò...sung chát đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?
Câu 2: Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết nào?
Câu 3: Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?
Câu 4: Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ gì về
lời ru của mẹ đối với những đứa con?
GỢI Ý:
Câu 1:
Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2:
Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết: “không có yếm đào”, “Nón mê thay nón
quai thao đội đầu”, “Rối ren tay bí tay bầu”, “váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Đó là một
người mẹ nghèo, lam lũ, vất vả.
Câu 3:
Tâm tư, tình cảm của tác giả: Nỗi nhớ, lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu thương to lớn dành cho người
mẹ.
Câu 4:
Lời ru của mẹ không xa lạ trong thi ca như ta thường thấy, vậy mà những ngôn ngữ rất đời thường của
Nguyễn Duy lại khiến ta xốn xang trước phận mình bởi nhà thơ đã nhận ra “kiếp con người” dễ gì sánh
được “mấy lời mẹ ru”. “Mấy lời” thôi nhưng là sự kết tinh của một cuộc đời và cả nhiều cuộc đời. Nó
không chỉ chứa đựng tình mẹ bao la mà còn là những bài học làm người vô cùng quý giá mà chúng ta
phải dành cả cuộc đời để học, để thấm và để biết ơn. Nói cách khác, hai câu thơ đã thức tỉnh muôn
người, hãy nhìn lại mình trên nẻo về với cõi thiêng liêng.