Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Tìm hiểu hiện trạng phát triển nông nghiệp thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình giai đoạn 2006-2012. định hướng và giải pháp phát triển đến năm 2020.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA ĐỊA LÝ
----------
ĐOÀN THỊ THU HƯƠNG
Tìm hiểu hiện trạng phát triển nông nghiệp thành phố
Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2012.
Định hướng và giải pháp phát triển đến năm 2020
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
CỬ NHÂN KHOA HỌC
2
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngay từ khi xuất hiện, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng
trong cuộc sống con người, tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người. Ngày
nay nông nghiệp trở thành ngành kinh tế không thể thiếu của mỗi quốc gia, là ngành
sản xuất vật chất cơ bản nhất của xã hội.
Đối với những quốc gia thuần nông như Việt Nam, đời sống của khoảng 70% dân
số chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực
phẩm cho người dân trong nước cũng như tạo nền tảng vững chắc phát triển các ngành
công nghiệp, dịch vụ, hướng đến xuất khẩu, Đảng và nhà nước ta đã luôn chú trọng
phát triển nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Trong thời
gian vừa qua tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khá cao, cơ cấu ngành có sự
chuyển dịch theo hướng tích cực, một số mặt hàng nông sản đã có chỗ đứng trên thị
trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam
vẫn đang gặp phải nhiều hạn chế như chuyển dịch cơ cấu chậm, sản xuất manh mún,
người lao động chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm trong khi khoa học công nghệ chưa
thực sự được ứng dụng phổ biến, sản xuất nông nghiệp chưa đạt hiệu quả tối đa.
Từ tình hình phát triển chung của nền nông nghiệp thế giới và Việt Nam, với
mong muốn áp dụng những kiến thức đã được học trong suốt bốn năm ở trường Đại
học vào thực tiễn địa phương, tôi đã quyết định thử sức với đề tài “Tìm hiểu hiện trạng
phát triển nông nghiệp thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2012.
Định hướng và giải pháp phát triển đến năm 2020”. Hi vọng với đề tài khóa luận tốt
nghiệp này, tôi có cơ hội tìm hiểu, phân tích thực trạng phát triển nền nông nghiệp của
3
thành phố Đồng Hới – đô thị lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Qua đây tôi cũng mong
muốn giới thiệu, cập nhật thông tin, số liệu mới về tình hình phát triển nông nghiệp của
thành phố Đồng Hới - trung tâm kinh tế đầu tàu của tỉnh Quảng Bình đến thầy cô và
bạn bè.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Vận dụng cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển nông nghiệp vào địa bàn thành phố
Đồng Hới – tỉnh Quảng Bình nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng phát triển
nông nghiệp của thành phố. Từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy
sự phát triển nông nghiệp của thành phố.
2.2. Nhiệm vụ
- Hệ thống hóa kiến thức liên quan đến phát triển nông nghiệp.
- Tìm hiểu hiện trạng phát triển nông nghiệp của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng
Bình với các vấn đề cơ bản: điều kiện sản xuất, tình hình sản xuất, phân bố. Qua đó
đánh giá thành tựu, hạn chế phát triển nông nghiệp của thành phố Đồng Hới trong giai
đoạn 2006-2012.
- Căn cứ vào thực trạng để đưa ra các định hướng và giải pháp phù hợp cho sản xuất
nông nghiệp của thành phố Đồng Hới đến năm 2020.
3. Lịch sử nghiên cứu
Nông nghiệp là ngành có lịch sử phát triển lâu đời, do vậy trên thế giới cũng như ở
Việt Nam đều đã có rất nhiều công trình nghiên cứu. Đó là các công trình đại cương
nông nghiệp, sinh thái nông nghiệp, ngành nông nghiệp chung của từng vùng, từng
quốc gia, lãnh thổ hoặc thậm chí là các phân ngành nông nghiệp cụ thể như trồng trọt,
chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy hải sản,… với các khía cạnh như điều kiện phát triển, tình
hình phát triển, phân bố, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.
Ở nước ta, có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như:
4
- Địa lý kinh tế -xã hội đại cương, Nguyễn Minh Tuệ (Chủ biên), Nhà xuất bản
Đại học sư phạm, 2005.
- Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam, Lê Thông (Chủ biên), Nhà xuất bản Đại học
sư phạm, 2005.
- Kinh tế nông nghiệp, Nguyễn Thế Nhã, Nhà xuất bản nông nghiệp Hà Nội,
2005.
- Các báo cáo phát triển hàng năm của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ở phạm vi thành phố Đồng Hới, cũng đã có một số công trình nghiên cứu liên
quan đến nội dung nông nghiệp, chủ yếu là các báo cáo hàng năm của phòng Kinh tế
trực thuộc UBND thành phố. Tuy nhiên các công trình này mang tính khái quát, chưa
thực sự đi sâu phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng và đặc biệt là xu hướng phát
triển nông nghiệp của thành phố. Chính vì vậy, trên cơ sở kế thừa và phát triển các
công trình trên, tôi đã đi sâu nghiên cứu vấn đề nông nghiệp của thành phố Đồng Hới.
Từ đó đưa ra định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thành phố Đồng Hới cho
phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung của đất nước.
4. Phạm vi nghiên cứu
- Thực trạng phát triển ngành nông nghiệp (theo nghĩa rộng)
- Không gian: Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
- Thời gian: Giai đoạn 2006-2012. Định hướng và giải pháp phát triển đến năm
2020.
5. Quan điểm nghiên cứu
5.1. Quan điểm hệ thống
Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi sự vật, hiện tượng đều là một hệ thống
hoàn chỉnh thuộc về một hệ thống cấp cao hơn và được cấu tạo từ nhiều hệ thống cấp
thấp hơn. Đối với nông nghiệp thành phố Đồng Hới, nó thuộc hệ thống nông nghiệp
chung của tỉnh Quảng Bình, nhưng mặt khác lại là được cấu thành từ các phân ngành
5
nông – lâm – ngư. Chính vì vậy trong quá trình nghiên cứu, cần xem xét nông nghiệp
thành phố Đồng Hới trong tổng thể các yếu tố có liên quan.
5.2. Quan điểm lãnh thổ
Đây là đặc trưng của ngành khoa học Địa lý, mỗi đối tượng Địa lý đều gắn với
một địa chỉ trong không gian. Riêng ngành nông nghiệp có sự phụ thuộc chặt chẽ vào
các yếu tố như khí hậu, đất, nước, địa hình và các nhân tố khác…chính vì vậy nó có sự
phân hóa cụ thể trong không gian. Khi nghiên cứu nông nghiệp thành phố Đồng Hới,
cần đi sâu phân tích, làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp của vùng. Đó là yếu
tố tạo nên tính đặc trưng của nông nghiệp thành phố Đồng Hới.
5.3. Quan điểm tổng hợp
Các sự vật, hiện tượng trên bề mặt Trái Đất không hề tồn tại độc lập mà có mối
quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy trong quá trình nghiên cứu nông nghiệp thành
phố Đồng Hới cần xem xét đến nhiều yếu tố, hai nhóm căn bản là yếu tố tự nhiên và
yếu tố kinh tế xã hội. Ngoài ra, sự phát triển của một nông nghiệp thành phố Đồng Hới
còn là kết quả của sự giao thoa, tiếp xúc với các vùng nông nghiệp xung quanh, chính
vì vậy cũng cần xem xét nó trong mối quan hệ không gian với các vùng lân cận.
5.4. Quan điểm lịch sử, viễn cảnh
Mỗi sự vật, hiện tượng Địa lý đều có quá trình hình thành và phát triển. Thực
trạng là sự kế thừa của lịch sử và nền tảng của tương lai. Chính vì vậy, khi tìm hiểu về
hiện trạng nông nghiệp thành phố Đồng Hới cần đặt nó trong sự vận động và phát triển.
Vận dụng quan điểm này có thể dự đoán xu hướng phát triển trong tương lai của ngành
nông nghiệp thành phố Đồng Hới.
5.5. Quan điểm phát triển bền vững
Đây là quan điểm chung cho sự phát triển trên toàn thế giới. Phát triển bền vững
phải đảm bảo cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Có thể nói ngắn gọn là
đảm bảo hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống con người, không làm tổn hại đến môi
trường, tài nguyên của thế hệ tương lai, hướng đến sự phát triển lâu dài. Vì vậy quan
điểm này sẽ được vận dụng trong việc xác định các giải pháp phát triển cho ngành
nông nghiệp thành phố Đồng Hới đến năm 2020 và cả trong tương lai xa.
6
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Để có bằng chứng xác thực và thuyết phục thì số liệu là yếu tố hết sức quan trọng.
Các số liệu được sử dụng trong công trình nghiên cứu này được lấy ở các nguồn đáng
tin cậy, chủ yếu là từ phòng Nông nghiệp, UBND thành phố Đồng Hới cùng Niên giám
thống kê thành phố Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình năm 2011. Sau đó được tổng hợp,
xử lý và phân tích, hệ thống hóa nhằm phục vụ cho nội dung nghiên cứu khóa luận.
6.2. Phương pháp bản đồ - biểu đồ
Đây là phương pháp cơ bản của ngành khoa học địa lý. Trong quá trình hoàn
thành đề tài này, tôi đã thành lập một số bản đồ đồng thời dựa trên một số bản đồ có
sẵn để phân tích, đánh giá nhằm làm sáng tỏ mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài.
Các bảng số liệu cũng được chuyển hóa thành các biểu đồ để người đọc dễ dàng
nhận biết và phân tích.
6.3. Phương pháp thực địa
Bên cạnh việc thu thập số liệu, tôi đã tiến hành thực địa. Với hiểu biết của bản
thân sau 3 năm sống ở thành phố Đồng Hới (từ 2006-2009) cùng khoảng thời gian
nghiên cứu đề tài, tôi đã được tận mắt chứng kiến sự đổi thay trong phát triển nông
nghiệp của thành phố Đồng Hới. Phương pháp này đã giúp tôi xác nhận thực tế, đối
chiếu với số liệu, tài liệu cũng như bổ sung các yếu tố cần thiết cho việc hoàn thiện
khóa luận.
6.4. Phương pháp chuyên gia
Kiến thức là vô tận, có những nghi hoặc tôi phải nhờ đến chuyên gia. Đó là những
chuyên gia am hiểu về vấn đề nông nghiệp, sẵn sàng tư vấn, giải đáp các thắc mắc của
tôi xung quanh nội dung đề tài. Các chuyên gia mà tôi hướng đến chủ yếu là các
chuyên viên của phòng Nông nghiệp thành phố và một số cán bộ khuyến nông.
7. Cấu trúc đề tài
Cấu trúc đề tài gồm có 3 chương chính:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của phát triển nông nghiệp.
7
Chương 2: Hiện trạng phát triển nông nghiệp tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
giai đoạn 2006-2012.
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp tại TP. Đồng Hới, tỉnh
Quảng Bình đến năm 2020.