Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Thi pháp truyện ngắn nguyễn thị thu huệ
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
CAO THỊ HUYỀN TRÂN
THI PHÁP TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN THỊ THU HUỆ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60. 22. 34
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Đà Nẵng - Năm 2012
Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN THÀNH
Phản biện 1: TS. Lê Thị Hường
Phản biện 2: PGS.TS. Hồ Thế Hà
Luận văn đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận
văn tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn họp
tại Đại học Đà Nẵng vào ngày 25 tháng 8 năm 2012
Có thể tìm hiểu luận văn tại:
- Trung tâm thông tin – Học liệu, Đại học Đà Nẵng
- Thư viện trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau 1975, đặc biệt là từ năm 1986 trở đi, đời sống văn học
Việt Nam có nhiều thay đổi. Cùng với sự đổi mới của xã hội, văn học
cũng có sự chuyển biến tích cực, tạo được những thành tựu nổi bật
qua các thể loại. Trong bức tranh chung ấy, chúng ta rất dễ nhận ra sự
khởi sắc của thể loại truyện ngắn. Diện mạo truyện ngắn Việt Nam
đương đại có sự góp mặt của nhiều cây bút nữ như Phạm Thị Hoài,
Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban, Dạ Ngân,
Trần Thùy Mai… Trong đó, Nguyễn Thị Thu Huệ có những đóng
góp riêng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu truyện ngắn nói
chung, truyện ngắn của các nhà văn nữ nói riêng được quan tâm đặc
biệt. Thế nhưng, truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ thì dường
như vẫn còn nhiều khoảng trống. Một số nhà phê bình đã tiếp cận tác
phẩm của chị nhưng chỉ mới dừng lại ở những bài viết với dung
lượng không quá 5 trang. Một số luận văn chỉ mới nghiên cứu
Nguyễn Thị Thu Huệ trong nhóm tác giả.
Thời điểm chúng tôi tiến hành thực hiện luận văn này,
Nguyễn Thị Thu Huệ đã có trong tay gần 60 truyện ngắn và nhiều
kịch bản phim truyền hình với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng. Vì
vậy, chúng tôi thiết nghĩ việc tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Nguyễn
Thị Thu Huệ là một công việc có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ giúp chúng tôi hiểu
sâu sắc hơn về thế giới nghệ thuật của nhà văn, cũng như có những
nhìn nhận, đánh giá xác đáng hơn về quá trình vận động của văn xuôi
Việt Nam đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn có số lượng tác phẩm xuất
bản khá lớn, chị đã được trao tặng nhiều giải thưởng có uy tín cũng
như nhận được nhiều sự yêu mến, kỳ vọng của độc giả. Do đó, có lẽ
không quá võ đoán khi khẳng định nhà văn đã đạt được những thành
công nhất định ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, hiện tại những
công trình nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ lại chưa
nhiều. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã thu thập được một số tư
liệu sau:
2.1. Các bài viết trên báo, tạp chí
Trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 2 năm 1994, tác giả
Bùi Việt Thắng có bài viết Năm truyện ngắn dự thi của một cây bút
nữ trẻ về nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Bùi Việt Thắng đã có những
nhận xét về nhân vật trong tập truyện ngắn Hậu thiên đường - tác
phẩm đạt giải A Cuộc thi tiểu thuyết và tập truyện ngắn của Nhà xuất
bản Hà Nội: “Nhân vật của Thu Huệ không mấy khi được “thả” vào
trong bối cảnh xã hội rộng lớn phức tạp, mà được “nhốt” vào trong
những tình huống tuy hẹp nhưng đặc sắc. Và đây là cái cách của tác
giả đối xử với nhân vật “thu gom mọi thứ vào một bao tải to tướng
buộc chặt lại”. Giãy giụa để tung ra khỏi cái bao tải đó, nhưng rất
khó, đó là tình cảnh của các nhân vật nữ trong truyện Thu Huệ. Cây
bút trẻ này tỏ rõ sự chia sẻ cảm thông với người phụ nữ bởi vì “ai
cũng mang khuôn mặt con gái”. Và những nhận xét về nghệ thuật:
“Văn Thu Huệ có độ căng của nhịp điệu, câu thường ngắn, ít ẩn dụ
điển tích, cấu trúc đơn giản, thông tin cao… Đọc Thu Huệ, thấy rõ
một ngòi bút hoạt bát trong giọng điệu - lúc bạo liệt, lúc thật thà, lúc
thâm trầm triết lý, có lúc đỏng đảnh, lại có lúc dịu dàng đến bất
ngờ…”.
Trên báo Văn nghệ trẻ ra ngày 25/3/1996, trong bài Những
ngôi sao nước mắt, tác giả Đoàn Hương đã đánh giá Nguyễn Thị Thu
Huệ là một cây bút tài hoa với cách viết như “lên đồng” và mang
khuynh hướng hiện đại.
Năm 2003, trên trang http://vietbao.vn, ở bài viết Nguyễn Thị
Thu Huệ vẫn say sưa viết, tác giả Nhật Hào nhận xét: “Thời gian gần
đây, Thu Huệ có thay đổi trong phong cách sáng tác. Ngày trước, chị
hay viết về tình yêu, về những người phụ nữ yêu đến đam mê nhưng
luôn chịu thiệt thòi. Bây giờ, chị lại thiên về xu hướng hiện thực cuộc
sống, để rồi thoát ra khỏi cái hiện thực ấy và đưa nhân vật của mình
đến sự hoàn thiện hơn. Vốn sống, sự trải nghiệm và thực tế thay đổi
từng ngày đã tác động sâu sắc vào ngòi bút của chị”.
2.2. Các luận văn, luận án
Theo chúng tôi tìm hiểu, có một số luận văn nghiên cứu về
truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ:
- Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn
Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu - Khóa luận tốt nghiệp đại học của Lê
Thị Tuyết, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
- Hình tượng tác giả trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Luận văn thạc sĩ của Cao Thị Nga, Trường Đại học Vinh.
- Truyện ngắn của một số cây bút nữ thời kỳ đổi mới (qua sáng
tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan) -
Luận văn thạc sĩ của Lê Thị Hương Thủy, Trường Đại học Khoa học xã
hội và nhân văn Hà Nội.
- Âm hưởng nữ quyền trong truyện ngắn các nhà văn nữ thời
kỳ đổi mới (qua sáng tác của Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng
Diệu), Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Oanh, Trường Đại học Vinh.
- Khảo sát lời độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn
Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ - Luận
án tiến sĩ của Lê Thị Sao Chi, Đại học Vinh.
Nhìn chung, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu
một cách hệ thống về thi pháp truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Vì
vậy, luận văn của chúng tôi sẽ lấp đầy “khoảng trống” đó, nhằm
khám phá sâu các bình diện thi pháp của nhà văn và giúp người đọc
hình dung thế giới nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, từ
đó góp phần nhận diện phong cách nhà văn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng khảo sát của đề tài là toàn bộ truyện ngắn của
Nguyễn Thị Thu Huệ, trong đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu những
điểm nổi bật qua các phương diện: quan niệm nghệ thuật về con người,
giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu, không gian nghệ thuật để làm rõ những
đặc sắc về mặt thi pháp trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn khảo sát và phân tích các truyện ngắn của Nguyễn
Thị Thu Huệ được in trong các tập truyện: Cát đợi, NXB Văn học,
Hà Nội, 1992; Hậu thiên đường, NXB Văn học, Hà Nội, 1995; Phù
thủy, NXB Văn học, Hà Nội, 1997; Tuyển tập 37 truyện ngắn
Nguyễn Thị Thu Huệ, NXB Văn học, Hà Nội, 2010; Thành phố đi
vắng, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương
pháp nghiên cứu chính sau: phương pháp tiếp cận hệ thống; phương
pháp phân tích - tổng hợp; phương pháp so sánh, đối chiếu. Luận văn
sử dụng lý thuyết thi pháp học.
5. Đóng góp của luận văn
- Về mặt lí luận, luận văn là một công trình nghiên cứu có hệ
thống về thi pháp truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, làm rõ những nét
đặc sắc trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ dưới góc độ thi pháp.
- Về mặt thực tiễn, luận văn góp phần tìm hiểu, nghiên cứu
một cách sâu hơn truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, một cây bút nữ
tiêu biểu của văn học Việt Nam sau 1975. Kết quả của luận văn sẽ là
tài liệu tham khảo cho sinh viên chuyên ngành Văn học Việt Nam và
Lý luận văn học.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội
dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và hành trình sáng
tạo nghệ thuật
Chương 2: Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện
ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
Chương 3: Đặc điểm phương thức thể hiện trong truyện ngắn
Nguyễn Thị Thu Huệ
Chương 1
NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
1.1. Hành trình sáng tạo nghệ thuật
1.1.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ sinh ngày 12 tháng 8 năm
1966 tại Khe Hùm, Quảng Ninh, lớn lên ở Hà Nội. Thu Huệ được
sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học. Bố là cán bộ
miền Nam tập kết, nguyên là nhà báo; mẹ là nhà văn có dấu ấn trong
nền văn học hiện đại - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.
1.1.2. Hành trình sáng tác truyện ngắn
Nguyễn Thị Thu Huệ là cây bút thuộc “thế hệ thứ ba” (Bùi
Việt Thắng) trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Chị viết ở nhiều
thể loại từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, kịch bản phim truyền
hình nhưng cái làm nên tên tuổi của chị chính là truyện ngắn.
Đề tài trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chủ yếu
xoay quanh vấn đề tình yêu, hôn nhân - gia đình, những mối quan hệ
xã hội cùng những trăn trở, những nghĩ suy, chiêm nghiệm về cuộc
sống và con người, những khát vọng cùng với nỗi cô đơn của con
người ở cuộc sống thực tại.
Viết về tình yêu, Nguyễn Thị Thu Huệ đã đi vào khám phá
các ngõ ngách của tâm hồn con người để những khát khao, mong ước
của con người được bộc bạch một cách thành thực. Chị đã viết bằng
cả trái tim nhạy cảm của một người phụ nữ.
Văn học phản ánh hiện thực. Vì thế, Nguyễn Thị Thu Huệ
không thể không quan tâm đến những vấn đề xô bồ của cuộc sống
thời hiện đại. Viết về vấn đề này, nhà văn mạnh dạn bóc trần một sự
thực phũ phàng: những con người hôm nay dường như sống thờ ơ
hơn, lạnh nhạt hơn trong mọi mối quan hệ và lẽ dĩ nhiên, trong xã hội
ấy sẽ xuất hiện sự rạn vỡ về trách nhiệm gia đình, rạn vỡ trong nhân
cách con người.
Viết về người phụ nữ, Thu Huệ đã cảm thông chia sẻ với
những con người gặp phải cảnh đời trớ trêu đau khổ, bế tắc trong
cuộc sống. Họ là những con người bị sa vào những mê cung của số
phận, có những hoàn cảnh éo le chông chênh.
Lấy hiện thực cuộc sống xung quanh làm điểm tựa cho cảm
xúc sáng tạo, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ chính là đời sống của
những con người xung quanh chị, là những tâm trạng, xúc cảm, trăn
trở của bản thân trước cuộc sống.
1.1.3. Hành trình sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình
Không chỉ tạo được tên tuổi ở thể loại truyện ngắn mà Nguyễn
Thị Thu Huệ còn thử sức và khá thành công ở lĩnh vực viết kịch bản
phim truyện truyền hình. Đầu tiên là sự chuyển thể từ những truyện
ngắn của mình thành những kịch bản phim và tác phẩm của chị đã đạt
được những giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan phim như Của để
dành, Nước mắt đàn ông, Xin hãy tin em. Sau đó chị còn viết những
kịch bản phim mới và biên tập lại những tác phẩm của người khác để
cho ra đời những kịch bản phim truyền hình thu hút được một lượng
khán giả khá lớn như Chuyện làng Nhô, Gọi giấc mơ về, Ngõ vắng…
Qua những kịch bản phim của Nguyễn Thị Thu Huệ, có thể
nhận thấy rằng, dù ở vai trò nào, là nhà văn hay là tác giả kịch bản
phim truyền hình thì chúng ta đều thấy một Nguyễn Thị Thu Huệ
đam mê, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm với công việc.
Với những nỗ lực, sáng tạo không ngừng ở vai trò một nhà
biên kịch, Thu Huệ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển
của nền điện ảnh nước nhà.
1.2. Nguyễn Thị Thu Huệ trong dòng mạch truyện ngắn nữ sau
1986
1.2.1. Khái lược về truyện ngắn nữ sau 1986
Trong dàn hợp xướng nhiều âm sắc với các thế hệ nhà văn
sáng tác truyện ngắn, bên cạnh đội ngũ đông đảo các nhà văn nữ đã
được bạn đọc biết đến, sau 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới trở về
sau, người ta gọi riêng cho lĩnh vực truyện ngắn là “âm thịnh dương
suy” với gần 75% người viết truyện ngắn là nữ (theo thống kê của
Bùi Việt Thắng). Họ được biết đến với rất nhiều gương mặt tiêu biểu:
Võ Thị Hảo, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Dạ Ngân,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị
Ấm, Đỗ Bích Thủy, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư…Họ đã đem
đến cho văn đàn một tiếng nói mới mẻ, táo bạo, đầy cá tính.
Sự phá cách về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật
của các cây bút nữ đã tạo nên màu sắc mới cho truyện ngắn, thể hiện ở
sự đa dạng, phong phú về đề tài, cách thể hiện độc đáo về con người.
Các tác giả nữ viết truyện ngắn trong thời kỳ đổi mới đã thổi
vào truyện ngắn một luồng gió mới, trần trụi hơn, thật hơn, đời hơn.
Họ viết về cuộc sống trong mọi khía cạnh, trên mọi phương diện của
nó. Họ viết về con người ở các cấp độ bên trong và bên ngoài của nó.
Nhưng cách viết của họ là dưới cách nhìn phụ nữ và theo cách thể
hiện phụ nữ. Vẫn những con người, sự kiện bình thường hàng ngày
xung quanh ta đấy thôi nhưng khi vào tác phẩm lại mang một đường
nét khác lạ. Chức phận nhà văn và thiên chức phụ nữ đã giúp họ biết
phát hiện vấn đề của cuộc sống, biết nói ra chúng ở mức nhạy cảm và
rung động cao nhất. Khi đi sâu vào đời sống con người, các chị lại
bộc lộ những nét nữ tính vừa táo bạo quyết liệt song lại mềm mại,
duyên dáng, trong sáng đến lạ thường.
Mạch lạc và sâu sắc, mạnh mẽ và táo bạo, dịu dàng và đằm
thắm, mỗi người tạo nên một phong cách làm cho truyện ngắn giống
một nguồn mạch có nhiều dòng chảy, bởi vậy tạo được sự đa chiều
và phong phú, không đơn điệu tẻ nhạt. Tập hợp lại, truyện ngắn nữ
sau 1986 là một bức tranh tổng thể nhiều gam màu, nhiều sắc độ, có
hình khối, có chiều sâu, làm hoàn hảo thêm bức tranh chung về
truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới.
1.2.2. Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trong diện mạo truyện
ngắn nữ Việt Nam sau 1986
Trong giai đoạn văn học từ sau 1986 đến nay, Nguyễn Thị
Thu Huệ được đánh giá là một cây bút nữ đầy tài năng, sáng tạo.
Ngòi bút của chị đã được thử thách qua thời gian với nhiều đề tài,
chủ đề khác nhau. Dù ở đề tài nào chị cũng viết khá thành công vì chị
đã biết tìm cho mình một hướng đi riêng.
Ở đề tài về người phụ nữ trên hành trình đi tìm tình yêu và
hạnh phúc, Nguyễn Thị Thu Huệ hay nói về người đàn bà từng trải
(Mùa thu vàng rực rỡ, Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này, Một
trăm linh tám cây bằng lăng, Dĩ vãng), những cô gái háo hức vào
đời, nhưng đều khát khao hạnh phúc, tình yêu trong xã hội hiện đại
(Tình yêu ơi, ở đâu, Biển ấm, Huyền thoại...). Cùng với các nhà văn
nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ đã góp phần vẽ lên chân dung những người
phụ nữ và số phận, cuộc đời của họ trong cuộc sống hiện đại.
Cũng đề cập đến vấn đề bản năng, tính dục của con người,
nhưng so với nhiều cây bút trẻ cùng thời như Y Ban với Người đàn
bà và những giấc mơ, Tự, I am đàn bà…, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng
đè…, thì trong truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ, yếu tố sex không
được thể hiện một cách táo bạo mà nhẹ nhàng, kín đáo nhưng cũng
chứa đựng rất nhiều nội dung, ý nghĩa.
Nguyễn Thị Thu Huệ còn góp phần cùng với các nhà văn
cùng thời như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái…
tái hiện nên một xã hội xô bồ, phức tạp với những mặt trái của nó, ở
đó con người đang trên đà tha hóa, biến chất.
Không giống như Võ Thị Hảo - nữ văn sĩ luôn trăn trở với đề
tài chiến tranh và những hậu quả của cuộc chiến mà con người phải
gánh chịu, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng ghé ngòi bút của mình đến
mảng đề tài này nhưng rất ít, chỉ vỏn vẹn hai tác phẩm, nhưng tác giả
cũng đã phần nào phản ánh được sự tàn khốc của cuộc chiến và tác
động của nó đến con người trong cuộc sống thời bình.
Đặc biệt, sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, thời gian
gần đây Nguyễn Thị Thu Huệ đã “trở lại” với tập truyện Thành phố
đi vắng. Có thể nói, với Thành phố đi vắng, người đọc đã cảm nhận
được một Nguyễn Thị Thu Huệ rất khác, chất trữ tình, đằm thắm đã
nhường chỗ cho những hiện thực nhức nhối của cuộc sống hiện đại,
giọng điệu cũng lạnh lùng, buồn bã, xót xa hơn.
Có thể khẳng định rằng với ngòi bút sắc sảo, tinh tế và trái
tim mẫn cảm với cuộc đời, Nguyễn Thị Thu Huệ đã có những đóng
góp nhất định cho nền văn học Việt Nam đương đại.
Chương 2
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
2.1. Cảm quan của nhà văn về xã hội và con người
Điều đầu tiên có thể thấy trong quan niệm về xã hội và con
người của Nguyễn Thị Thu Huệ đó là cuộc sống xã hội đương đại nhiều
xáo trộn, bất ổn nên con người trong xã hội ấy thường đa đoan, bi kịch.
Không chỉ là đa đoan, bi kịch mà con người trong truyện
ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thường được miêu tả trong sự phức tạp,
đa diện. Vì thế nên thế giới nhân vật trong truyện ngắn của chị rất đa
dạng, phong phú.
Một đặc điểm nữa dễ dàng nhận thấy trong sáng tác của
Nguyễn Thị Thu Huệ là con người trong truyện ngắn của chị không
nghiêng về con người hành động mà là con người tâm lý, tâm trạng.
Bằng những trải nghiệm và sự thấu hiểu đời sống tâm hồn con người,
Thu Huệ đã đưa vào tác phẩm của mình quan niệm về con người
trong quan hệ phức tạp của đời sống. Do vậy con người trong tác
phẩm đã được nhà văn nhìn nhận ở nhiều vị thế trong tính đa chiều
của mọi mối quan hệ để được khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện,
nhiều tầng bậc khác nhau. Với cái nhìn đó, nhà văn đã thể hiện một
quan niệm nghệ thuật về xã hội và con người thật mới mẻ, sâu sắc.
2.2. Các kiểu con người tiêu biểu trong truyện ngắn Nguyễn Thị
Thu Huệ
2.2.1. Con người cô đơn, bất an
Trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta bắt gặp
nhiều dạng con người cô đơn. Dường như nỗi cô đơn luôn hiện diện
trên từng trang văn, trong từng nhân vật của nhà văn.
Dạng con người cô đơn xuất hiện khá nhiều trong sáng tác
của chị đó là con người cô đơn trên con đường đi tìm tình yêu, hạnh
phúc. Đa số là nhân vật nữ.
Không chỉ cô đơn, bất an trên con đường đi tìm tình yêu,
hạnh phúc, con người trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ còn cô
đơn, luôn cảm thấy bất an trong mối quan hệ gia đình, giữa các thành
viên với nhau. Họ cô đơn bởi lẽ trong cái gia đình ấy họ không tìm
thấy sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ của những người thân.
Trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, con người còn cô
đơn với cuộc sống hiện tại bởi lẽ họ luôn bị ám ảnh bởi quá khứ.
Ở những sáng tác gần đây của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta còn
bắt gặp con người cô đơn trong mối quan hệ xã hội. Trước đây nhà
văn chỉ viết về con người cô đơn trên chặng đường đi tìm tình yêu,
hạnh phúc, trong mối quan hệ gia đình, thì giờ đây con người còn cô
đơn cả trong một không gian lớn hơn - không gian xã hội.
Con người cô đơn được Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện khá
nhiều, nó trải dài theo những sáng tác của chị từ những năm 90 của
thế kỷ trước cho đến nay. Ở đâu, ở hoàn cảnh, ở thời điểm nào ta