Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Thành ngữ trong hai tiểu thuyết thiên thần sám hối và giã biệt bóng tối của tạ duy anh.
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
KHOA NGỮ VĂN
THÀNH NGỮ TRONG HAI TIỂU THUYẾT THIÊN THẦN SÁM HỐI VÀ
GIÃ BIỆT BÓNG TỐI CỦA TẠ DUY ANH
(Đề cương chi tiết)
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Giáo viên hướng dẫn : ThS. Nguyễn Trí Tân
Sinh viên thực hiện : Nguyễn Thanh Hiếu
ĐÀ NẴNG - 10/2011
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Năm 1986 luôn được coi là điểm mốc quan trọng trong văn học Việt Nam.
Từ sau 1986, một làn sóng nhà văn mới xuất hiện với tư tưởng và kỹ thuật viết
được đổi mới một cách đáng kể. Chúng ta có thể kể đến một số tên tuổi của giai
đoạn này như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài … và chúng ta
không thể không nhắc đến một tên tuổi khác, đó là nhà văn Tạ Duy Anh. Như
nhà phê bình Phùng Gia Thế đã nói trong bài viết “Dấu ấn hậu hiện đại trong văn
chương Việt Nam sau 1986” về Tạ Duy Anh như sau “Văn chương Tạ Duy Anh
là nỗi khắc khoải đi tìm bản ngã, tìm một giá trị thật sự nhân bản trên cái đời
sống đổ nát, điêu tàn, là sự loay hoay lý giải, hóa giải những nỗi đọa đày con
người từ tiền kiếp”. Đọc các tiểu thuyết của Tạ Duy Anh chúng ta nhận thấy
được lời nhận xét của nhà phê bình Phùng Gia Thế quả thật vô cùng chính xác.
Trân trọng niềm hoài cảm với cuộc đời và những đóng góp của Tạ Duy Anh
cho sự đổi mới nền văn học nước nhà, chúng tôi chọn đề tài “Thành ngữ trong
hai tiểu thuyết Thiên thần sám hối và Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh” để góp
phần làm rõ một phương diện nào đó trong ngôn ngữ văn chương Tạ Duy Anh.
Đồng thời việc nghiên cứu đề tài này giúp chúng tôi có thêm những kiến thức,
hiểu biết vô cùng hữu ích cho việc học hiện tại và trong công tác sau này.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Xung quanh các vấn đề về thành ngữ trong tiếng Việt có rất nhiều tác giả
quan tâm, nghiên cứu, chúng ta có thể kể đến các công trình sau :
Cuốn Từ điển giải thích thành ngữ Tiếng Việt (1995) do NXB Giáo dục ấn
hành của PGS, PTS Nguyễn Như Ý chủ biên; cuốn Thành ngữ Tiếng Việt của hai
tác giả Nguyễn Lực và Lương Văn Đang (1978), NXB Khoa học xã hội; Thành
ngữ học tiếng Việt của tác giả Hoàng Văn Hành (2004) … Trên đây là những
công trình nghiên cứu chung về thành ngữ tiếng Việt, có thể thấy các nhà ngôn
ngữ dành sự quan tâm không nhỏ đối với thành ngữ tiếng Việt.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi còn khảo sát và tiếp cận một số
công trình, bài viết, buổi tọa đàm về hai tiểu thuyết Thiên thần sám hối và Giã
biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, cụ thể như sau :
Vương Thị Phương Linh : “Tính trò chơi trong tiểu thuyết Thiên thần sám
hối – Tạ Duy Anh”. Bài viết đã chứng minh được tiểu thuyết Thiên thần sám hối
là một tiểu thuyết độc đáo, ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt là cách “chơi với ngôn
từ” xuất sắc của tác giả.
Đỗ Ngọc Thống : “Âm hưởng nhân bản từ tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của
Tạ Duy Anh”. Tác giả đã đọc và phân tích kỹ lưỡng những ngôn từ, tình huống
truyện để có thể làm nổi bật tính nhân bản trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối.
Nghiên cứu về Tạ Duy Anh thì từng có một buổi tọa đàm do Viện văn học tổ
chức vào ngày 15/5/2008 với chủ đề “Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu
thuyết đương đại Việt Nam”. Và phần tài liệu của cuộc tọa đàm này cũng giúp
ích rất nhiều cho tôi trong quá trình nghiên cứu.
Cuối cùng, theo chúng tôi khảo sát thì đến thời điểm này chưa có tác giả
nào nghiên cứu riêng về thành ngữ trong hai tiểu thuyết Thiên thần sám hối và
giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh. Tuy nhiên, những công trình, bài viết trên
cũng là cơ sở vững chắc để chúng tôi đến với đề tài này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là thành ngữ trong tiểu thuyết của Tạ
Duy Anh.
- Phạm vi nghiên cứu : Khóa luận khảo sát hai tiểu thuyết Thiên thần sám hối
, NXB Hội nhà văn – 2006 và Giã biệt bóng tối, NXB Hội nhà văn – 2010.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để đáp ứng yêu cầu của đề tài chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên
cứu sau:
- Phương pháp khảo sát , thống kê.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1. Những cơ sở lý luận chung của đề tài
1.1 Khái niệm thành ngữ
Thành ngữ là đối tượng thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên
cứu ngôn ngữ và các nhà nghiên cứu văn chương. đã có rất nhiều cuộc tranh
luận nhiều ý kiến xoay xung quanh vấn đề xác định khái niệm thành ngữ, nhưng
rút cục vẫn chưa đưa ra một lý giải thỏa đáng nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng
phải thừa nhận là mỗi một lĩnh vực nghiên cứu, mỗi một nhà nghiên cứu sẽ có
cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề. Sau đây chúng tôi xin
giới thiệu một số quan niệm khác nhau về thành ngữ để có thể đưa ra một khái
niệm mà chúng tôi cho rằng đầy đủ và đúng đắn nhất.
Trong cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” tác giả Dương Quảng Hàm đã viết
“Thành ngữ là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể
mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn” [6; tr.9].
Mặc dù những kiến giải, khái niệm về thành ngữ của Dương Quảng Hàm còn
chưa thật đầy đủ nhưng là một công trình có tác dụng định hướng rất tốt cho
nghiên cứu về thành ngữ sau này.
Trong cuốn “Thành ngữ tiếng Việt”, hai tác giả Nguyễn Lực – Lê Văn Đang
đã đưa ra quan niệm cho rằng: “Thành ngữ là sự miêu tả những hiện tượng tự
nhiên và xã hội, là những khái niệm, những đơn vị nghĩa sẵn có, được cô đúc
chặt chẽ. Thành ngữ có nghĩa bóng bẩy”. [10, tr.21]
Sau khi đưa ra khái niệm về thành ngữ: “Là một loại đơn vị ngôn ngữ có sẵn.
Chúng là những ngữ có kết cấu chặt chẽ và ổn định, mang một ý nghĩa nhất
định, có chức năng định danh và được thực hiện trong giao tế”. Trong bài viết
“Vài suy nghĩ góp phần xác định khái niệm thành ngữ Tiếng Việt” trên tạp chí
ngôn ngữ số 3/1986, tác giả Nguyễn Văn Mệnh cũng đưa ra ba tiêu chí để xác
định ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ: tiêu chí ý nghĩa, ngữ pháp, chức năng.