Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Tài liệu Marie Curie - Nữ bác học lừng danh nhất thế giới pptx
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
Marie Curie - Nữ bác học lừng danh nhất thế giới -
Marie Curie (1867 - 1934) là một trong các nhà bác học
tiền phong nghiên cứu về chất phóng xạ. Các thành tích
của bà rất lớn lao, đã ảnh hưởng tới các nhà vật lý
nguyên tử sau này và đã được xác nhận bằng hai Giải
Thưởng Nobel lừng danh. Việc khám phá ra neutron của
Sir James Chadwick và tính phóng xạ nhân tạo của Irène
và Fréderic Jolio Curie đều bắt nguồn từ các công trình
khảo cứu của bà Curie.
1. Thuở thiếu thời.
Ngày 7 tháng 11 năm 1867 tại Cracovie, một thị trấn nhỏ gần thủ đô Varsovie nước Ba Lan, vợ
chồng giáo sư khoa học Wladislaw Sklodowski đã cho chào đời cô gái út đặt tên là Marya Sklodowski.
Từ khi có mặt cô bé này, gia đình Sklodowski đã không gặp may mắn và bà mẹ lại mắc chứng bệnh
nan y: bệnh ho lao, vì vậy, tuy yêu thương các con, bà Sklowdowski không bao giờ dám ôm hôn
chúng. Do thiếu tình thương của mẹ, cô bé Marya thường quấn quít bên người chị cả là Zosia để nghe
các câu chuyện cổ tích. Ngoài ra, Marya còn ưa thích đứng ngắm cái tủ đựng các dụng cụ khoa học
của cha cô trong đó có bày nhiều thứ: nào các ống nghiệm, phong vũ biểu, cân tiểu li, những cục đá
địa chất…
Cuộc sống gia đình của Marya đã ít vui vẻ, tình hình quốc gia cũng chẳng sáng sủa hơn. Vào khoảng năm 1872,
khi Marya lên 5 tuổi, nước Ba Lan của cô bị sâu xé bởi ba đế quốc: Nga, Đức và Áo. Miền quê hương của cô thuộc
khu vực ảnh hưởng của Sa Hoàng. Sau cuộc cách mạng nhân dân thất bại năm 1831, vua Nicolas nước Ba Lan,
dưới sự giật dây của nước Nga, đã thẳng tay đàn áp các phần tử cách mạng ái quốc: cầm tù, đầy ải, tịch biên gia
sản… Ngoài ra, chính quyền còn cố tình áp dụng một đường lối giáo dục rất vô nhân đạo: Chính sách ngu dân.
Thời bấy giờ, khoa học và triết học bắt đầu phát triển rất mạnh tại châu Âu, vậy mà các tư tưởng của Auguste
Comte, Darwin, những phát minh của Pasteur, Faraday… không thể lọt nổi vào nước Ba Lan.
Trong hoàn cảnh đó, cô bé Marya đã cắp sách đi học. Mới trông bề ngoài, cô bé không có vẻ gì là thông minh,
xuất chúng mà trái lại, với khuôn mặt hơi dài, với đôi mắt nâu mơ màng, cô bé còn tỏ lộ vẻ hơi đần. Tuy nhiên cô
bé Marya nổi tiếng học giỏi từ thuở nhỏ. Luôn luôn kém các bạn từ 2 tới 3 tuổi mà với môn học nào cô cũng đứng
đầu lớp: Từ các môn học chính như toán học, lịch sử, văn chương đến những môn phụ như tiếng Pháp, tiếng Đức
và cả Thánh Kinh nữa.
Năm Marya lên 10 tuổi, người chị thân yêu và cũng là người bạn tâm sự của cô, chị Zosia, đã bị thiệt mạng vì mắc
phải một bệnh truyền nhiễm do các bạn cùng lớp mang tới: bệnh chấy rận. Rồi ít lâu sau, bà mẹ sau nhiều năm bị
vi trùng lao phổi tàn phá, đã từ giã cõi đời, để lại cho người chồng gánh nặng nuôi dạy 4 đứa con thơ: một trai
Joseph và 3 gái Hela, Bronia và Marya, tất cả trong tuổi đi học.
Năm 1883, Marya với tuổi 16, đã học xong ban trung học và tốt nghiệp ra với lời khen thưởng của hội đồng giám
khảo. Lúc đó anh Joseph đang theo học tại trường Đại học Y khoa, chị Bronia cũng học xong ban trung học và
muốn trở thành bác sĩ nhưng vào thời đó, trường Y khoa không nhận vô các nữ sinh viên, vì vậy chị phải xin đi
dạy học.