Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Phong tục tập quán lễ hội Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
CHƯƠNG 1
PHONG TỤC TẬP QUÁN
MỤC TIÊU HỌC TẬP
I. KIẾN THỨC:
- Học sinh nắm bắt được khái niệm, đặc điểm của phong tục tập quán truyền
thống Việt Nam. Trình bày được phong tục tập quán Việt Nam về tục ăn trầu, tục
cưới hỏi, tục thời cúng tổ tiên.
II. KỸ NĂNG:
- Học sinh vận dụng được kiến thức đã học vào nghiệp vụ thuyết minh, hướng
dẫn du lịch, công tác thiết kế chương trình du lịch.
- Học sinh rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng
nói trước đám đông.
III. THÁI ĐỘ:
- Học sinh có thái độ yêu nghề, yêu quê hương đất nước, đoàn kết dân tộc.
- Học sinh có ý thức xây dựng ngành nghề phát triển.
2
Bài 1: KHÁT QUÁT VỀ PHONG TỤC TẬP QUÁN
I. KHÁI NIỆM
Giáo sư – tiến sĩ Trần Ngọc Thêm định nghĩa phong tục: “là những thói quen
ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm
theo (phong: gió; tục: thói quen; phong tục: thói quen lan rộng)”.
Từ điển tiếng Việt đã định nghĩa:
- “Phong tục: lối sống, thói quen đã thành nề nếp, được mọi người công nhận,
tuân theo”.
- "Tập quán" là làm nhiều thành quen, là thói quen hình thành từ lâu trong đời
sống, được mọi người làm theo.
Như vậy, có thể hiểu phong tục tập quán là toàn bộ những hoạt động sống của
con người đã được hình thành trong điều kiện tự nhiên, đời sống xã hội, trong sản
xuất và sinh hoạt hằng ngày và ổn định thành nền nếp, được cộng đồng thừa nhận và
tự giác thực hiện, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên tính tương
đối thống nhất của cộng đồng; là những kinh nghiệm dân gian cha ông đúc rút được
qua đời sống thực tế và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước, có những phong tục đã trở thành luật tục, ăn sâu
bén rễ bền chặt, có sức mạnh hơn cả luật pháp.
Phong tục tập quán là một bộ phận của văn hoá, có trong mọi mặt đời sống và có
vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống của một dân tộc, địa phương,
thậm chí chế định nhiều ứng xử của cá nhân trong cộng đồng. Trong quá trình hình
thành phong tục có những phong tục phù hợp (mỹ tục) và những phong tục không phù
hợp (hủ tục).
Phong tục có thể cải hóa được nhưng phải được cộng đồng chấp nhận. Phong tục
hình thành từ nếp sống của cộng đồng nên nếu nó không còn thích dụng nữa thì cộng
đồng sẽ điều chỉnh, không một cá nhân nào có thể áp đặt lên cộng đồng, trừ những tập
tục đặc biệt nguy hại được Nhà nước cưỡng chế bãi bỏ (như tục ma lai, ma cà rồng) và
cộng đồng với ý thức cao sẽ điều chỉnh phong tục của mình cho phù hợp với lối sống,
nếp sống đương đại. Điều đó chứng tỏ cộng đồng luôn loại thải những điều lạc hậu, thu
nhận những điều mới mẻ, tốt đẹp của cuộc sống, làm giàu cho phong tục quê hương
mình.
3
Biết được về cội nguồn dân tộc để nhận ra những giá trị đích thực của văn hóa
cổ truyền, những cái hay, cái lạ của ông cha ta thời trước nhằm gìn giữ những vốn
quý hay lạ, hợp lẽ đời, để đối nhân xử thế đầy nhân hậu, yêu thương và đồng cảm
giữa người với người trên quê hương Việt Nam.
II. ĐẶC ĐIỂM
- Phong tục gắn với tín ngưỡng, tiếp nối tín ngưỡng. Phong tục không mang
tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt
động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội ổn định, tương đối bền
vững và tương đối thống nhất, được hình thành chậm và lâu dài trong quá trình phát
triển lịch sử.
- Phong tục của một dân tộc, một địa phương, một tầng lớp xã hội, thậm chí
của một dòng họ và gia tộc, thể hiện qua nhiều chu kì khác nhau của đời sống con
người. Là cơ chế tâm lý bên trong, nó điều khiển, điều chỉnh hành vi, lối sống của
các cá nhân trong cộng đồng tuân thủ theo quy định của luật tục hay hương ước. Nó
có tính bảo thủ rất lớn nhưng có tác động tâm lý mạnh mẽ tới đời sống vật chất và
tinh thần của con người, người vi phạm có thể bị phạt vạ.
- Phong tục tập quán được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng con
đường truyền đạt, bắt chước thông qua giao tiếp của cá nhân. Ban đầu phong tục của
các dân tộc có những đặc điểm riêng, do trong quá trình tiếp xúc, giao lưu lẫn nhau
nên có sự ảnh hưởng nhất định.
- Cùng với sự phát triển của xã hội, một số phong tục không còn phù hợp với
thời đại mới bị đào thải, trong khi các phong tục mới sẽ được hình thành.
1. Chức năng của phong tục tập quán:
- Chức năng tâm lý xã hội:
Chức năng tâm lý xã hội của phong tục hay còn gọi là chức năng giáo dục
cộng đồng. Những phong tục hay, tốt đẹp, sẽ góp phần củng cố đoàn kết dòng tộc,
cộng đồng, tạo dựng ý thức dân tộc. Nói một cách khác, chính những giá trị tương
đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) của phong tục được tích lũy và tái tạo trong
cộng đồng người qua không gian và thời gian, đã được cố định hóa và đúc kết thành
những khuôn mẫu xã hội. Thông qua một số phong tục là mục tiêu đánh thức ý thức
nguồn cội trong cộng đồng. Những giá trị truyền thống của phong tục đã thực hiện
chức năng giáo dục, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách
con người, đồng thời đảm bảo tính kế tục của lịch sử.
4
- Chức năng tâm linh:
Chức năng tâm linh của phong tục thể hiện ở việc gắn kết các thế hệ xuyên
không gian và thời gian, đặc biệt là ở tập tục thờ cúng tổ tiên kết nối thế giới hữu hình
và vô hình, sử dụng năng lực thần thánh để xua đuổi quỷ ma (như cúng giao thừa).
Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc
biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên
bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên
mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù
hộ cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn,
khuyến khích cho con cháu khi gặp điều lành và cũng quở trách con cháu khi làm
những điều tội lỗi... Với đạo lý uống nước nhớ nguồn này, một mặt con cháu bày tỏ
lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ còn sống cũng như khi đã chết. Mặt
khác, nó cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu
của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn
danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong
các hành vi cúng tế cụ thể.
- Chức năng đáp ứng nhu cầu thực tế (chức năng giải trí):
Phong tục có chức năng đáp ứng các nhu cầu thực tế cơ bản của con người, đó
là nhu cầu được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí sau những ngày, mùa đồng áng lao động
vất vả; nhu cầu giải nhiệt, bảo vệ sức khoẻ, ăn uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường;
nhu cầu giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng; nhu cầu cải tạo, tác động và làm biến đổi tự
nhiên… Chức năng đáp ứng nhu cầu thực tế của phong tục còn góp phần điều chỉnh
xã hội, giúp cho xã hội duy trì được trạng thái cân bằng động, không ngừng tự hoàn
thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường, giúp định hướng các chuẩn
mực, làm động lực cho sự phát triển của xã hội.
2. Phân loại phong tục tập quán:
- Phong tục vòng đời: là những hình thức, nghi lễ, thói quen, tập tục liên quan
đến chu kỳ một vòng đời người, trong đó có 3 mốc quan trọng là:
+ Sinh đẻ, trưởng thành, lên lão.
+ Hôn nhân (hỏi, cưới xin).
+ Tang ma.
- Phong tục theo đời sống: Tục ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình, mừng nhà
mới, mừng được mùa…
5
- Phong tục theo thời gian (lễ tết): Phong tục lễ tết Á Đông nói chung, Việt
Nam nói riêng có hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người gắn
liền chu kỳ thời tiết trong năm, đó chính là những tập tục lễ tết và lễ hội..
+ Các lễ tết gắn với các ngày tháng có thành tố lẻ (tết trùng ngày trùng
tháng): nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ một năm như tết
Cả (tết Nguyên Đán 1/1 nương theo cái tiết Lập Xuân), Tết Hàn thực (3/3 hay
tiệc bánh trôi), Tết Đoan Ngọ (5/5 khoảng trước sau ngày Hạ chí), Tết Trung
thu (15/8 khoảng tiết Thu phân), Tết Trùng Cửu (9/9 AL) Tết cơm mới
(10/10AL hay mồng 1/10 tuỳ vùng khoảng tiết Đông chí).
+ Các lễ tết gắn với chu kỳ của Trăng: Rằm tháng Giêng (ngày trăng
tròn đầu tiên của năm, ngày Vía đức Phật Adi-đà, còn gọi là Tết Thượng
Nguyên), 7 (tết Trung Nguyên –Địa quan xá tội, lễ Vu Lan của Phật giáo), 8
(tết Trung Thu đánh dấu ngày trăng tròn nhất năm, thời tiết mát mẻ), 10 (Tết
Hạ Nguyên – Thủy quan giải ách cũng là ngày tết Cơm Mới) nhân mùa vụ
gieo trồng nông nghiệp đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”,
người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.
+ Lễ tết khác: Tết Ông Táo, Tết Thanh Minh…
- Phong tục theo không gian (lễ hội): là phong tục của từng địa phương.
6
BÀI 2: PHONG TỤC TẬP QUÁN CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
I. TỤC ĂN TRẦU
Người Việt Nam xưa có thói quen ăn trầu, thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm
tính dân tộc độc đáo của Việt Nam. Tục này theo các nhà sử học có từ thời Văn
Lang-Vua Hùng gắn với sự tích trầu cau, và đã đi vào văn học nghệ thuật.
Mời trầu
Trầu này trầu quế trầu bồi
Trầu loan trầu phượng trầu tôi lấy mình
Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình lấy tôi
Ăn trầu gồm 4 thứ nguyên liệu: cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị
đắng) và vôi (vị cay nồng). Khi ăn cau (tươi hoặc khô) với một miếng lá trầu không,
quyệt ít vôi cuộn lại như tổ sâu, và cắt một miếng vỏ cây đay, cây chát hay hột mây,
hột móc, mấy thứ đó hợp làm một mà nhai sẽ cảm nhận được vị ngọt của cau, vị cay
của trầu, vị nồng của vôi, cái dòn và bùi của vỏ cây… giúp thơm miệng, hạ khí, tiêu
cơm, chặt chân răng, môi đỏ tươi.
Tục ăn trầu tiềm ẩn triết lý về sự hòa hợp âm dương: biểu hiện ở sự tổng hợp
của nhiều chất khác nhau: cây cau vươn cao biểu hiện của trời (dương), vôi đất đá
tượng trưng cho đất (âm), dây trầu quấn quanh thân cau biểu tượng cho sự hòa hợp
hài hòa giữa âm và dương.
Tính linh hoạt của người Việt cũng thể hiện qua việc ăn trầu: nhai mà không
nuốt, không phải ăn, không phải uống lại càng không phải hút, mà miếng trầu làm
cho người ta cởi mở, gần gũi với nhau hơn.
Miếng trầu còn tiềm ẩn tình nghĩa anh em, vợ chồng phải sống hòa thuận,
quấn quýt bên nhau.
Phàm việc lễ nghĩa, cưới xin, tang ma, tế tự đều lấy miếng trầu làm trọng.
Cưới xin thì nhà trai phải lễ vài ba buồng để chia vui với bà con, khách đến chơi
nhà cũng phải có trầu cau thiết đãi để niềm vui được nhân lên, nỗi buồn được chia sẻ
cảm thông khi nhà có tang ma. Cúng giỗ tổ tiên phải có cơi trầu, tế tự thường dùng
cả buồng cau để lễ thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với thế hệ đi trước. Dân
thôn ai có việc gì đến nhà tôn trưởng hoặc vào nhà quan cũng đem buồng cau vào là
quý. Trong buôn bán, đã ăn miếng trầu thì phải nể nhau, nên có câu: “Miếng trầu là
7
đầu thuốc câm”, dân gian cũng có câu: miếng trầu là đầu câu chuyện, nghĩa là miếng
trầu rất hay dùng trong giao tiếp hàng ngày.
Đàn bà ăn nhiều hơn đàn ông, có người nghiện ăn trầu cả ngày kèm với miếng
thuốc. Nhiều người ăn kèm với điếu thuốc lào môi lúc nào cũng tím lại. Mỗi ngày
chỉ nên ăn một vài miếng cho khỏi chua miệng, ăn nhiều bị vôi đóng vào chân răng
gây hư răng.
Khi khách đến chơi nhà, ngoài trầu cau người ta thường đem điếu thuốc lào ra
mời khách. Đây là phong tục rất đặc biệt của nước ta. Thuốc lào là một loại lá cây
phơi khô có nhiều ở vùng Hải Dương, Nam Định, được xắt nhỏ ra rồi dùng điếu cày
để hút. Điếu cày thường được làm bằng ống tre, điếu bát (bằng sành hoặc sứ), và
điếu đóng (bằng gỗ hay ngà). Nhà giàu thì có điếu bát cổ, điếu chạm trỗ, cẩn xà cừ…
Mỗi nhà có một bình điếu, khi khách vào chơi tất phải có chén nước, miếng trầu và
điếu thuốc lào để điểm vào câu chuyện. Người sang trọng đi đâu thường có một
thằng đầy tớ sách điếu đi hầu và kề điếu đến tận miệng. Các văn sĩ phải hút mới nảy
được tứ cho nên học trò vào trường thường phải đem theo ống điếu. Nông dân đi
cày, đi câu cũng đem theo ống điếu cày bằng lóng tre, khi ngồi vệ đường hút nghe
sòng sọc để giải sầu cho cái miệng.
Ban đầu họ cho rằng hút thuốc lào trừ được sơn lam chướng khí, hay đồn đại
rằng hút thuốc lào an toàn hơn nhiều so với thuốc lá, hút thuốc qua bát điếu chứa
nước thì không độc nữa… nhưng thực tế hút thuốc lào sinh đờm, sinh ho, lượng
cacbon monoxit trong máu còn cao hơn hút thuốc lá hay thuốc rê. Theo tạp chí Y
học dự phòng Mỹ (2009): số lần nuốt khói trung bình của người hút thuốc lào cao
hơn hút thuốc lá tới 48 lần và cả hai kiểu hút đều đưa nicotin vào máu, gây thói quen
nghiện ngập và nguy cơ cao về bệnh tim mạch, thậm chí tử vong.
II. PHONG TỤC CƯỚI HỎI (HÔN NHÂN)
Như ta đã biết, một trong hai đặc trưng cơ bản của làng xã là tính cộng đồng.
Người Việt Nam là con người của cộng đồng. Mọi việc liên quan đến cá nhân cũng
đồng thời liên quan đến cộng đồng, kể cả hôn nhân là lĩnh vực riêng tư nhất. Hôn
nhân truyền thống của người Việt Nam không đơn thuần là việc hai người lấy nhau,
mà là việc hai bên cha mẹ, “hai họ” dựng vợ gả chồng cho con cái, xác lập quan hệ
qua lại giữa hai gia tộc, vì vậy hôn nhân là sự lựa chọn của hai bên gia đình (xem có
tương xứng, có môn đăng hộ đối hay không: lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống).
8
Hôn nhân là công cụ thiêng liêng và duy nhất để duy trì nòi giống và phát
triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng công việc đồng áng – “đông tay hơn hay làm” -
vì vậy, người Việt Nam coi con cái là của cải duy nhất. Quan niệm đôi vợ chồng trẻ
phải sinh đông con nhiều cháu, và có trách nhiệm làm lợi vật chất và tinh thần cho
gia đình: phải giỏi giang, tháo vát, đem lại vẻ vang cho gia đình chồng/vợ (“Mua
heo chọn nái, lấy gái chọn dòng” hoặc tục trải chiếu cho lễ hợp cẩn, “chồng sang
vợ được đi giày, vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông”).
Từ xa xưa, người Việt Nam đã rất coi trọng lễ cưới, đó là một sự kiện, điều hệ
trọng nhất của cuộc đời nhằm công bố với xã hội sự hình thành của một gia đình
mới. Lễ cưới mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc là mốc son khẳng định họ trở thành
vợ chồng, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đồng
thời nhắc nhở mọi người phải ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với gia
đình và xã hội. Ngoài mục đích chính xây dựng tổ ấm hạnh phúc riêng cho lứa đôi,
còn chứa đựng ý thức sinh con cái để duy trì nòi giống, bảo tồn thuần phong mỹ tục,
giữ gìn nề nếp truyền thống của ông cha ta.
Ngày cưới là ngày vui của đôi nam nữ, cũng là ngày vui chung của 2 gia đình,
dòng tộc, bạn bè. Trong đám cưới, bậc làm cha mẹ rất hạnh phúc, bởi đám cưới là sự
thể hiện sự trưởng thành của con cái, họ coi đây là sự đền đáp lớn nhất mà con cái
dành cho mình.
Đám cưới truyền thống của người Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa
phương Đông với những thủ tục và nghi lễ rất trang trọng. Phong tục tổ chức cưới
hỏi được hình thành cách đây 3500 năm đến 4000 năm. Ngày nay, dù tiếp thu nhiều
cái mới, nhưng những nghi lễ quan trọng nhất vẫn không hề thay đổi, vì đó là nét
văn hóa riêng ngàn đời của người Việt Nam.
Theo Phan Kế Bính, tuổi đính hôn của con trai, con gái độ mười lăm, mười
sáu là sắp sửa lấy chồng. Vợ chồng hơn kém nhau một hai tuổi là vừa đôi. Lễ cưới
ngày xưa nhất là trong giới học giả, quan lại, nhà giàu từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết
thúc theo Trung Hoa thường có 6 lễ: Lễ nạp thái, Lễ vấn danh, Lễ Nạp cát, Lễ nạp
tệ, Lễ thỉnh kỳ, Lễ thân nghinh tương ứng với lễ dạm ngõ, lễ dạm hỏi, lễ sêu, lễ trao
thư thách cưới, lễ cưới, lễ đưa dâu của Việt Nam
1. Lễ dạm ngõ:
Trước hết kén chỗ môn đăng hộ đối, xem đôi tuổi không xung khắc nhau mới
mượn mối lái nói với cha mẹ người con gái bằng lòng gả rồi, nhà trai sắm cơi trầu,