Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm sát thi hành án phạt tù tại Việt Nam
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
ĐINH HOÀNG QUANG
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ TẠI VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI – 2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
ĐINH HOÀNG QUANG
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ TẠI VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự
Mã số: 9 38 01 04
Người hướng dẫn khoa học: 1. GS. TKSH. Lê Văn Cảm
2. PGS. TS. Đỗ Thị Phượng
Hà Nội – 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng tôi.
Các kết quả nêu trong Luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình
nào khác. Các số liệu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, được trích
dẫn đúng theo quy định.
Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của Luận án này.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Đinh Hoàng Quang
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLHS Bộ luật Hình sự
BLTTHS
CAND
NXB
TAND
THAHS
THAPT
TTLT
VKSND
Bộ luật Tố tụng hình sự
Công an nhân dân
Nhà xuất bản
Tòa án nhân dân
Thi hành án hình sự
Thi hành án phạt tù
Thông tư liên tịch
Viện kiểm sát nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU
Bảng 2.1. Tình hình Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát THAPT.
Bảng 2.2. Tình hình Viện kiểm sát gián tiếp kiểm sát THAPT.
Bảng 2.3. Tình hình Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xét miễn chấp hành án
phạt tù.
Bảng 2.4. Tình hình Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xét hoãn chấp hành án
phạt tù.
Bảng 2.5. Tình hình Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xét giảm thời hạn chấp
hành án phạt tù.
Bảng 2.6. Tình hình Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xét tha tù trước thời hạn
có điều kiện.
Bảng 2.7. Tình hình Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý,
giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Bảng 2.8. Tình hình Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án ra Quyết định thi hành án.
Bảng 2.9. Tình hình Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan Công an áp giải.
Bảng 2.10. Tình hình Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan Công an truy nã.
Bảng 2.11. Tình hình Viện kiểm sát kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm.
Bảng 2.12. Tình hình Viện kiểm sát kháng nghị các quyết định của Tòa án.
Bảng 2.13. Tình hình Viện kiểm sát kiến nghị Cơ quan THAHS, Cơ quan
được giao một số nhiệm vụ THAHS khắc phục vi phạm.
Bảng 2.14. Tình hình Viện kiểm sát kháng nghị các quyết định của Cơ quan
THAHS, Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS.
Bảng 2.15. Tình hình Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, ra quyết
định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái
pháp luật trong THAPT.
Biểu đổ 2.1. Tình hình Viện kiểm sát đề nghị Tòa án xét tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù.
MỤC LỤC
Trang
A PHẦN MỞ ĐẦU 01
B TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 09
C PHẦN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 40
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KIỂM SÁT
THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ 40
1.1 Khái niệm kiểm sát thi hành án phạt tù 40
1.2 Nội dung kiểm sát thi hành án phạt tù 59
1.3 Phân biệt hoạt động kiểm sát thi hành án phạt tù với các hoạt
động kiểm tra, giám sát thi hành án phạt tù của các cơ quan khác 63
1.4 Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát thi hành án phạt tù 67
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 72
CHƯƠNG 2. PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ KIỂM SÁT THI
HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH 73
2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm sát thi hành án phạt tù 73
2.2 Thực tiễn thi hành pháp luật Việt Nam hiện hành về kiểm sát thi
hành án phạt tù 102
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 138
CHƯƠNG 3. YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ
TẠI VIỆT NAM 140
3.1 Yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án phạt tù tại Việt
Nam 140
3.2 Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án phạt tù 142
TIỂU LUẬN CHƯƠNG 3 157
KẾT LUẬN 158
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
PHỤ LỤC
1
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Thi hành án phạt tù (THAPT) có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo bản án,
quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Công tác này có ý
nghĩa trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp
luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi. Hoạt động
THAPT đòi hỏi phải đảm bảo an toàn nơi phạm nhân chấp hành án; đồng thời phải
tổ chức giáo dục, cải tạo và tôn trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự,
nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người chấp hành án. Do đó,
việc thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, cá
nhân có thẩm quyền trong THAPT là hết sức cần thiết1
.
Ở Việt Nam, cơ chế để giám sát trực tiếp, thường xuyên, có tính chuyên
nghiệp cao đối với THAPT là hoạt động kiểm sát THAPT của Viện kiểm sát nhân
dân (VKSND)
2
. Hoạt động kiểm sát THAPT ở Việt Nam góp phần bảo đảm thực
hiện đúng và thống nhất các quy định của pháp luật về THAPT trên thực tế; phát
hiện, xử lý và khắc phục những vi phạm của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền
THAPT để từ đó nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan này. Bên cạnh
đó, kiểm sát THAPT góp phần bảo đảm quyền con người, công bằng xã hội, nâng
cao hiệu quả giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm. Do đó, các quy
định về kiểm sát THAPT cần phải đáp ứng tiêu chí về bảo đảm hiệu quả của việc
THAPT, tôn trọng và bảo vệ quyền con người và mọi vi phạm pháp luật trong
THAPT được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Việc nghiên cứu cho thấy về cơ bản các quy định về kiểm sát THAPT được
pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện trên thực tế. Trước đây, trong
các Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988, 2003, Luật Tổ chức VKSND
năm 1960, 1981, 1992, 2002, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010 và các
1 Trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội (1996), Giáo trình Công tác kiểm sát (Tập VII): Công tác kiểm sát việc
giam giữ và cải tạo, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 4-5.
2 VKSND tối cao (2010), Bàn về chức năng giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước và chức năng kiểm
sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát ở nước ta, Kỷ yếu đề tài cấp bộ, Hà Nội, tr. 21.
2
văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về kiểm sát THAPT nhưng chưa đầy đủ,
thiếu tính cụ thể và hệ thống. Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định về kiểm
sát THAPT, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 và Luật THAHS
năm 2019 đã có những quy định khá chi tiết, cụ thể và hợp lý hơn. Tuy nhiên, thực
tiễn thực hiện các quy định kiểm sát THAPT còn cho thấy các quy định cũng bộc lộ
những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thực tế vẫn còn không
ít vi phạm của Tòa án và cơ sở giam giữ; một số quy định pháp luật về kiểm sát
THAPT còn có những sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn kiểm
sát THAPT, Viện kiểm sát các cấp còn thiếu biên chế, chưa đủ cán bộ có chức danh
tư pháp; cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc trong thời gian qua đã được
quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như ảnh hưởng
không nhỏ đến chất lượng hoạt động; chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ,
Kiểm sát viên chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động kiểm sát THAPT....
Việc nghiên cứu về kiểm sát THAPT, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại về
pháp luật và thực tiễn thi hành để từ đó đưa ra các giải pháp sẽ góp phần nâng cao
chất lượng kiểm sát THAPT trên thực tế.
Tuy nhiên, nghiên cứu kiểm sát THAPT cần phải nằm trong tổng thể thực
hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt
Nam, thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương
Đảng khoá VII, Hội nghị lần thứ ba và lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương
Đảng khoá VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ X và đặc biệt là các Chỉ thị, Nghị quyết của của Đảng như: Chỉ thị số
53/CT-TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ cấp bách của các
cơ quan tư pháp”, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về
“Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết số
48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn
thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; Nghị
quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư
pháp đến năm 2020”. Do đó, kiểm sát THAPT phải có những định hướng mới cho
3
phù hợp với xu thế chung.
Mặc dù việc nghiên cứu về kiểm sát THAPT trong thời gian qua đã được
quan tâm, có nhiều công trình nghiên cứu thể hiện dưới dạng đề tài khoa học, luận
án, luận văn, sách, bài đăng tạp chí bình luận, đánh giá liên quan đến kiểm sát
THAPT với những góc độ tiếp cận khác nhau, có những điểm mạnh và hạn chế nhất
định. Nhưng hiện nay chưa có một công trình nào tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu
và tổng thể về kiểm sát THAPT dưới cả góc độ lý luận, pháp luật và thực tiễn thực
hiện, đặc biệt là những quy định mới về kiểm sát THAPT trong Luật THAHS năm
2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020), cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với những lý do nêu trên, việc lựa chọn đề tài “Những vấn đề lý luận và
thực tiễn về kiểm sát thi hành án phạt tù tại Việt Nam” ở cấp độ luận án tiến sĩ
luật học nhằm làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng pháp luật và thực
tiễn thực hiện để đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát THAPT là
cấp thiết, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.
2. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là từ việc nghiên cứu lí luận, pháp luật và
thực tiễn thi hành pháp luật, luận án đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất
lượng kiểm sát THAPT tại Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu nói trên, cần giải quyết các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, làm rõ khái niệm, đặc điểm, nội dung của kiểm sát THAPT tại Việt
Nam; phân biệt kiểm sát THAPT với các hình thức kiểm tra, giám sát THAPT khác;
đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát THAPT.
Thứ hai, phân tích, đánh giá quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm sát
THAPT; làm rõ thực trạng thực hiện pháp luật Việt Nam về kiểm sát THAPT và
đưa ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong kiểm sát THAPT.
Thứ ba, đánh giá yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm sát THAPT và đề xuất
các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát THAPT tại Việt Nam.
4
2.3. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là lí luận, pháp luật và thực tiễn thi hành
pháp luật Việt Nam về kiểm sát THAPT.
2.4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là hoạt động kiểm sát THAPT của VKSND
được thực hiện từ khi bản án, quyết định của Tòa án về hình phạt tù có hiệu lực
pháp luật cho đến khi chấm dứt hoạt động THAPT.
Về phương diện lí luận, phạm vi nghiên cứu của luận án là những vấn đề lí
luận trong khoa học pháp lí Việt Nam và khoa học pháp lí của một số nước trên Thế
giới có thành lập mô hình Viện kiểm sát tương đồng với Việt Nam về kiểm sát
THAPT.
Về phương diện pháp luật, đề tài luận án được nghiên cứu dưới góc độ
chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, kiểm sát THAPT là một
hoạt động đặc biệt nên ngoài quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì cần nghiên
cứu cả quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), Luật Tổ chức VKSND, Luật THAHS
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về phương diện thực tiễn, phạm vi nghiên cứu của luận án là thực tiễn thi
hành pháp luật Việt Nam về kiểm sát THAPT. Các số liệu thống kê về thực trạng
hoạt động kiểm sát THAPT của VKSND được lấy trên phạm vi toàn quốc trong
khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2019).
Luận án không nghiên cứu kiểm sát THAPT nhưng cho hưởng án treo; không
nghiên cứu kiểm sát THAPT có yếu tố nước ngoài; không nghiên cứu kiểm sát việc
đặc xá, hưởng thời hiệu chấp hành án phạt tù, xóa án tích. Luận án tập trung nghiên
cứu kiểm sát THAPT ngoài quân đội.
3. Cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu; cách tiếp
cận vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu
3.1. Cơ sở lý thuyết
Cơ sở lý thuyết của luận án là lí luận về kiểm soát quyền lực nhà nước và
cách thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; theo đó, ở
5
Việt Nam, THAPT là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước đòi hỏi phải có cơ
chế kiểm tra, giám sát thường xuyên và cơ quan thực hiện việc giám sát trực tiếp,
thường xuyên, có tính chuyên nghiệp cao đối với hoạt động THAPT đó chính là
hoạt động kiểm sát THAPT của VKSND.
3.2. Câu hỏi nghiên cứu
Để luận án đánh giá toàn diện và chuyên sâu về kiểm sát THAPT, luận án
đứng trước một số câu hỏi nghiên cứu quan trọng cần phải giải mã sau:
1. Nhận thức như thế nào về kiểm sát THAPT? Hoạt động kiểm sát THAPT
của VKSND có đặc điểm gì? Kiểm sát THAPT gồm những nội dung nào?
2. Kiểm sát THAPT của VKSND có điểm gì khác biệt với các hoạt động
kiểm tra, giám sát THAPT của các cơ quan khác?
3. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát THAPT?
4. Kiểm sát THAPT được biểu hiện về mặt pháp lý và thực tiễn thi hành như
thế nào?
5. Các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm sát THAPT ở Việt Nam? Cần
triển khai ra sao? Lộ trình và vấn đề xây dựng các điều kiện đảm bảo?
3.3. Giả thuyết nghiên cứu
Với kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và hướng
tiếp cận nghiên cứu, luận án đặt ra giả thuyết nghiên cứu như sau: “Kiểm sát thi
hành án phạt tù ở Việt Nam đã được định hình nhưng hiện nay đang bộc lộ những
bất cập, hạn chế trên cả phương diện nhận thức và thực tiễn quy định, thi hành. Yêu
cầu nhận thức đầy đủ và nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án phạt tù đang đặt
ra một cách cấp bách, là một trong những yếu tố bảo đảm việc thi hành án phạt tù
được thực hiện đúng pháp luật; tôn trọng và bảo vệ quyền con người; mọi vi phạm
pháp luật trong thi hành án phạt tù được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Việc hoàn thiện pháp luật và thực hiện các giải pháp đồng bộ khác sẽ góp phần
nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án phạt tù”.
3.4. Cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu
Thứ nhất, Luận án tiếp cận với cơ sở lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhà
6
nước và tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Thứ hai, Luận án tiếp cận theo hướng trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa các
công trình nghiên cứu có liên quan đến chủ đề luận án; đồng thời, luận án sẽ kế thừa
có chọn lọc, phát triển các luận điểm nghiên cứu và phát hiện vấn đề nghiên cứu
mới, xây dựng các luận điểm khoa học thuộc nội dung nghiên cứu luận án.
Thứ ba, Luận án tiếp cận giải quyết vấn đề nghiên cứu từ khái niệm của hoạt
động kiểm sát THAPT; nội dung kiểm sát THAPT ở Việt Nam; các yếu tố ảnh
hưởng đến chất lượng hoạt động kiểm sát THAPT. Nội hàm về lý luận được luận án
giải quyết toàn diện.
Thứ tư, Luận án nghiên cứu pháp luật thực định và thực tiễn thi hành pháp
luật. Góc độ nghiên cứu ứng dụng được luận án đặc biệt chú ý.
3.5. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận là học thuyết Mác – Lênin về mối
liên hệ phổ biến, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, quan điểm của
Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, về chiến lược cải cách tư pháp, về
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và các giá trị pháp luật quốc tế về
giám sát THAPT, tác giả luận án tập trung sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau
đây:
- Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp được sử dụng trong tất cả
các chương của luận án để làm rõ các vấn đề về lý luận, thực trạng và giải pháp.
- Phương pháp so sánh được sử dụng để đánh giá tổng quan tình hình nghiên
cứu trong và ngoài nước; đánh giá lịch sử quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm
sát THAPT; so sánh, đối chiếu thực trạng quy định của pháp luật với thực trạng thi
hành.
- Phương pháp lịch sử được sử dụng để nghiên cứu về quá trình hình thành và
phát triển các quy định kiểm sát THAPT ở Việt Nam.
- Phương pháp thống kê được sử dụng để tổng hợp các số liệu có liên quan
đến kiểm sát THAPT.
- Phương pháp điều tra xã hội học được sử dụng bằng cách phát phiếu khảo
7
sát để thu thập ý kiến của cán bộ, Kiểm sát viên về thực tiễn thi hành quy định của
pháp luật và các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn
kiểm sát THAPT.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
4.1. Ý nghĩa khoa học của luận án
Luận án là công trình khoa học ở cấp độ luận án tiến sĩ đầu tiên sau khi
BLTTHS năm 2015 và Luật THAHS năm 2019 có hiệu lực, nghiên cứu trực tiếp và
có hệ thống về kiểm sát THAPT. Trong đó, luận án có điểm mới khi làm rõ những
vấn đề lý luận về kiểm sát THAPT; đặc biệt là khái niệm, đặc điểm, nội dung kiểm
sát THAPT, phân biệt hoạt động kiểm sát THAPT với các hoạt động kiểm tra, giám
sát THAPT của cơ quan khác và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng
kiểm sát THAPT.
Các luận điểm khoa học về khái niệm, đặc điểm, nội dung kiểm sát THAPT
và các kết quả nghiên cứu khác của luận án góp phần bổ sung, hoàn thiện lí luận
khoa học về kiểm sát THAPT.
4.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Các luận điểm khoa học trong việc phân tích pháp luật, yêu cầu và giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát THAPT được đề cập trong luận án đóng góp về
mặt thực tiễn, giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong việc xây dựng, thi hành
pháp luật Việt Nam trong chiến lược cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến
pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật Việt Nam
về kiểm sát THAPT.
Luận án là tài liệu tham khảo thiết thực trong nghiên cứu, giảng dạy, xây
dựng và thi hành pháp luật Việt Nam về kiểm sát THAPT.
5. Kết cấu của Luận án
Ngoài phần mở đầu, phần tổng quan tình hình nghiên cứu, phần kết luận và
danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận án được kết cấu gồm 03
chương:
Chương 1. Những vấn đề lý luận về kiểm sát thi hành án phạt tù
8
Chương 2. Pháp luật Việt Nam về kiểm sát thi hành án phạt tù và thực tiễn thi
hành
Chương 3. Yêu cầu và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát thi
hành án phạt tù tại Việt Nam
9
B. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Cùng với nhiệm vụ thực hiện yêu cầu về cải cách tư pháp, hoạt động nghiên
cứu hướng tới tìm kiếm mô hình tổ chức và hoạt động một cách hợp lý, có hiệu quả
của các cơ quan tư pháp trong việc kiểm tra, giám sát THAPT mà trong đó có hoạt
động kiểm sát THAPT của VKSND đã được thực hiện ở nước ta trong những năm
gần đây. Số lượng các công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề phong phú, đa
dạng; những sản phẩm của hoạt động nghiên cứu được công bố dưới nhiều hình
thức ấn phẩm khác nhau như: đề tài nghiên cứu các cấp, sách chuyên khảo, các kỷ
yếu hội thảo khoa học, các luận án và các bài báo khoa học trong các lĩnh vực
chuyên ngành khác nhau... Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện,
đầy đủ cả về phương diện lý luận, thực tiễn về kiểm sát THAPT. Các công trình
nghiên cứu trong nước chỉ làm sáng tỏ một phần những vấn đề lý luận; đánh giá
phần nào thực tiễn kiểm sát THAPT tại Việt Nam.
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu có liên quan đến lý luận về kiểm
sát thi hành án phạt tù
Để làm rõ nội hàm kiểm sát THAPT ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu
khoa học ở các cấp độ hướng đến làm rõ bản chất THAPT, quan điểm về hoạt động
tư pháp ở Việt Nam.
* Các công trình nghiên cứu về bản chất THAPT:
Nghiên cứu về bản chất THAHS nói chung và THAPT nói riêng, các công
trình khoa học đưa ra các quan điểm khác nhau để luận giải THAPT có là một giai
đoạn của tố tụng hình sự hay không? là hoạt động tư pháp hay mang tính hành
chính - tư pháp? Các công trình khoa học chính nghiên cứu về bản chất THAPT có
thể kể đến như: đề tài Khoa học cấp Nhà nước độc lập của Viện Khoa học pháp lý
Bộ Tư pháp “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động
thi hành án ở Việt Nam trong giai đoạn mới” (Mã số đề tài: 2000-58-198) do tác