Thư viện tri thức trực tuyến
Kho tài liệu với 50,000+ tài liệu học thuật
© 2023 Siêu thị PDF - Kho tài liệu học thuật hàng đầu Việt Nam

Những giải pháp pháp lý bảo đảm thực hiện luật phá sản 2004 ở nước ta hiện nay
Nội dung xem thử
Mô tả chi tiết
1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP HỒ CHÍ MINH
-----------------------
LÊ HỌC LÂM
NHỮNG GIẢI PHÁP PHÁP LÝ BẢO ĐẢM
THỰC HIỆN LUẬT PHÁ SẢN 2004 Ở NƯỚC
TA HIỆN NAY
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số : 60.38.50
LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên
TP.Hồ Chí Minh-Năm 2007
2
Lời nói đầu
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài :
Trong nền kinh tế thị trường, các nhà kinh doanh khi gia nhập thương
trường, không ai mong muốn doanh nghiệp của mình bị tiêu tan, sản nghiệp của
mình bị lụn bại. Nhưng nền kinh tế luôn có sự vận hành theo quy luật kinh tế
nằm trong sự vận động phát triển của kinh tế xã hội, cho nên, bên cạnh các
doanh nghiệp làm ăn có lãi, tăng trưởng về quy mô thì cũng tồn tại các doanh
nghiệp làm ăn thua lỗ. Trong xã hội, mọi điều có thể xảy ra, có sinh ra thì có mất
đi; có hình thành và tồn tại, phát triển thì cũng có tiêu vong. Chính do vậy, có
thủ tục để hình thành doanh nghiệp, có những quy định để doanh nghiệp hoạt
động và phát triển, tất yếu phải có thủ tục chuyển hóa hoặc chấm dứt sự tồn tại
của doanh nghiệp. Luật Phá sản ra đời đầu tiên năm 1993 là văn bản pháp lý đầu
tiên để điều chỉnh trình tự, thủ tục phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, trái với
mong đợi của các doanh nghiệp và của cả Nhà nước, Luật phá sản doanh nghiệp
năm 1993, ngay từ lúc dự thảo đã được nhiều ý kiến cảnh báo của các nhà
chuyên môn về thiếu tính khả thi và sau khi ban hành đã bộc lộ rõ nét những hạn
chế, bất cập khi áp dụng vào thực tiễn đời sống kinh tế vì dường như có tác dụng
ngược là cản trở việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đã lâm vào tình
trạng phá sản. Các doanh nghiệp dù làm ăn thua lỗ, không trả được các khoản nợ
đến hạn nhưng vẫn phải tồn tại vì Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã vô
tình gây khó khăn cho việc “khai tử” doanh nghiệp, làm cho các chủ nợ khó đòi
được nợ, người lao động về quyền lợi không không được bảo đảm và con nợ
cũng không giải phóng được các khoản nợ nên người chủ doanh nghiệp ấy
3
không có được sự khởi đầu mới. Tình trạng này được nhiều báo chí phản ánh
bằng hình ảnh “ nhiều doanh nghiệp chết không được chôn, làm môi trường kinh
doanh bị ô nhiễm….”.
Trước thực tế ấy, Luật Phá sản năm 2004 ra đời ghi nhận thêm những cơ chế,
chính sách mới khắc phục những khiếm khuyết, những hạn chế của Luật phá sản
doanh nghiệp năm 1993 với mong muốn việc giải quyết phá sản doanh nghiệp
nhanh gọn hơn, đạt hiệu quả cao hơn tạo điều kiện cho động lực phát triển kinh
tế và có môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động. Thế
nhưng, Luật Phá sản ra đời năm 2004 cũng lâm vào tình trạng như Luật phá sản
doanh nghiệp năm 1993.
Theo thống kê của ngành tòa án, nếu Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 ra
đời và áp dụng trong 10 năm, từ năm 1994 đến năm 2003, toàn ngành tòa án thụ
lý được 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp
mới được thành lập và hoạt động, trong đó chỉ có 46 doanh nghiệp hoàn tất được
thủ tục phá sản. Thay thế luật cũ, Luật Phá sản năm 2004 ra đời cho đến nay
(7/2007) đã gần 03 năm cũng không có chút tiến bộ hơn trên thực tiễn. Tại cuộc
hội thảo ngày 08/12/2006 do Tòa án Nhân dân TP.HCM tổ chức đã đánh giá dù
hơn 02 năm thực thi Luật Phá sản 2004, số đơn yêu cầu tuyên bố phá sản có
chiều hướng gia tăng so với trước nhưng sự gia tăng này vẫn quá ít so với tình
trạng “chết không được chôn” trên thực tế. Các tòa án của ba trung tâm kinh tế
lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, kể từ khi Luật Phá sản 2004 có hiệu
lực cho đến đầu tháng 12 năm 2006, chỉ tiếp nhận 45 đơn của doanh nghiệp yêu
cầu tuyên bố phá sản. Tòa Kinh tế thuộc Tòa án Nhân dân TP.HCM có nhiều
nhất là 22 đơn trong đó có 15 đơn yêu cầu là của doanh nghiệp nhà nước. Tuy
nhiên, số doanh nghiệp nhà nước này nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản là do
4
chủ trương sắp xếp lại khu vực kinh tế quốc doanh của Chính phủ. Như vậy, trừ
đi số doanh nghiệp nhà nước buộc phải “chôn cất theo chỉ đạo”, số còn lại phá
sản theo yêu cầu chỉ còn 07 doanh nghiệp và đến thời điểm đang hội thảo, Tòa
Kinh tế cũng chỉ mới giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản cho 02 doanh nghiệp,
số còn lại vẫn đang trong thời gian xem xét.
Tại Tòa án Thành phố Hà Nội, khi áp dụng Luật phá sản doanh nghiệp năm
1993 thì từ năm 1994 đến đầu năm 2004 đã thụ lý và giải quyết được 03 vụ
tuyên bố phá sản. Khi áp dụng Luật Phá sản mới, cả năm 2005 giải quyết cũng
được 03 vụ và năm 2006 đã thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nhiều hơn là 08
đơn của doanh nghiệp.
Trong một quốc gia có hơn 80 triệu dân với hơn ba trăm ngàn doanh nghiệp
với các hình thức khác nhau trong một nền kinh tế hoạt động sôi động và cạnh
tranh theo quy luật phát triển kinh tế thì đây là một con số nhỏ nhoi và phi lý.
Trên báo chí cũng đã có nhiều bài viết cảnh báo về thực thi Luật Phá sản 2004
và các cuộc hội thảo về việc áp dụng Luật Phá sản 2004 nêu ra khá nhiều bất cập
so với thực trạng kinh tế xã hội. Báo Kinh tế Sài gòn số 51-2006 trang 46 có bài
“ Luật Phá sản nên chăng là luật khoan hồng” trong đó, tác giả Nguyễn Tấn đưa
ra nhận định: “ Luật Phá sản lại có nguy cơ tiếp tục phá sản” và các số báo Pháp
luật, mục ý kiến tháng 12/2006, báo Tài chính Việt Nam ngày 06/7/2007 cũng
đưa ra các ý kiến tương tự.
Như vậy, việc thay Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 bằng Luật Phá sản
năm 2004 nhằm đáp ứng tình hình kinh tế phát triển, phù hợp với sự vận động
của kinh tế thị trường, nhất là khi chúng ta đã là thành viên của Tổ chức Thương
mại Thế giới, nhằm đáp ứng sự hoạt động bình thường của nền kinh tế khi doanh
nghiệp hình thành, hoạt động, phát triển hoặc tiêu vong thì Luật Phá sản 2004
5
này cũng chứng tỏ sự bất khả thi không kém luật cũ trên thực tế. Vai trò thúc đẩy
phát triển kinh tế của Luật Phá sản rất lớn vì chúng ta đều biết, các quốc gia
Đông Âu khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền
kinh tế thị trường, cùng với việc ban hành Luật Doanh nghiệp điều chỉnh sự hình
thành và hoạt động phát triển của các hình thức công ty và doanh nghiệp tư nhân,
là việc ban hành pháp luật về phá sản. Do vậy, việc nghiên cứu về cơ chế pháp lý
bảo đảm thực hiện Luật Phá sản năm 2004 nhằm đưa ra những giải pháp đảm
bảo quyền lợi cho những chủ thể bị điều chỉnh, vừa nghiêm minh trong việc thực
thi nghĩa vụ, góp phần cho Luật Phá sản năm 2004 áp dụng được trong đời sống
kinh tế, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, thiết nghĩ, là một
yêu cầu cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài :
Vì sao luật Phá sản năm 2004 đã được điều chỉnh so với Luật phá sản doanh
nghiệp năm 1993 mà thực trạng việc áp dụng không cải thiện bao nhiêu ? Sau
khi Luật Phá sản 2004 ra đời, khá nhiều bài báo, bài nghiên cứu, các bài tham
luận viết về Luật Phá sản 2004 và hầu như theo hướng ca ngợi luật mới này, tiên
đoán sẽ chấm dứt tình trạng “ chết không được chôn” của các doanh nghiệp thua
lỗ nợ nần, lâm vào tình trạng phá sản như bài “ Những điểm mới của Luật Phá
sản năm 2004” trên báo điện tử VietNamNet của tác giả Vũ Hoàng Long hoặc
nói lướt qua về những khiếm khuyết, những hạn chế của Luật Phá sản 2004
nhưng nhấn mạnh rằng do đặc thù của kinh tế xã hội Việt Nam hiện đang trong
giai đoạn chuyển đổi nên cần thiết quy định như vậy và cho là phù hợp trong
cuốn “ Pháp luật Phá sản của Việt Nam” ( Nxb Tư Pháp-2005, PGS.TS Dương
Đăng Huệ) . Những bài viết này thường có khuynh hướng coi trọng phương
pháp so sánh lịch đại, so sánh luật mới với luật cũ, lấy hiện tại so với quá khứ mà
6
ít dùng các phương pháp nghiên cứu khác như khảo sát, tham chiếu, thống kê số
liệu, phân tích từ thực tiễn áp dụng luật.
Một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu Luật Phá sản 2004 chỉ nghiên cứu về vấn
đề bảo đảm quyền lợi cho chủ nợ ( Luật Phá sản 2004-Cơ sở pháp lý bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ - Lê Thị Đào- Cao học Luật, khóa 7)
nhưng những đề xuất vẫn nằm trong việc đòi nợ tập thể, không làm rõ được động
lực lợi ích thúc đẩy người chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có điểm gì
khác với các chủ nợ khác ăn theo…v…v…Một số nghiên cứu khác về Luật Phá
sản 2004 về bảo vệ quyền, lợi ích của con nợ lại chưa làm rõ được việc con nợ
nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là quyền hay nghĩa vụ xét cả về lý luận và
thực tiễn…v…v…
Nhìn chung, việc Luật Phá sản không khả thi trong thực tiễn đã thể hiện rõ qua
số liệu đã được công bố và đánh giá tại cuộc Hội thảo về áp dụng thực hiện Luật
Phá sản 2004 ngày 08/12/2006 do Tòa án TP.HCM tổ chức. Các bài nghiên cứu
về việc đảm bảo thực hiện Luật Phá sản 2004 trước đây thường chỉ đi vào một
góc độ như đảm bảo quyền, lợi ích của chủ nợ hoặc con nợ trong khi trên thực tế,
cả chủ nợ, con nợ, người lao động …đều né tránh việc yêu cầu tuyên bố phá sản
vì cơ sở pháp lý của luật đã không bảo đảm tính khả thi trong hoạt động bình
thường của nền kinh tế.
Thực hiện đề tài “ Những giải pháp pháp lý bảo đảm thực hiện Luật Phá sản
2004 ở nước ta hiện nay”, tác giả hy vọng có một đóng góp nhỏ bé cho công tác
hoàn thiện pháp luật về lãnh vực phá sản doanh nghiệp.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài :
Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả sẽ không đề cập đến vấn đề
phá sản gian trá và phá sản liên quốc gia. Phá sản gian trá thuộc sự điều chỉnh
7
của Bộ Luật Hình sự. Vấn đề phá sản liên quốc gia, mặc dù Việt Nam đã là
thành viên của WTO và trong bối cảnh toàn cầu hóa, một công ty có nhiều tài
sản ở nhiều quốc gia khác nhau và có nhiều chủ nợ ở nhiều quốc gia khác nhau
và để giải quyết việc phá sản ở các công ty này dẫu cần thiết nhưng phải cần các
điều ước quốc tế điều chỉnh và các điều ước quốc tế này rất ít. Ủy ban của Liên
hiệp quốc về Luật thương mại Quốc tế (UNCITRAL) đã ban hành Luật mẫu về
phá sản liên quốc gia vào năm 1997 nhưng hiện nay chỉ có Liên minh Châu Âu
và các nước thành viên khu vực tự do Bắc Mỹ cùng với một số nước nước như
Nhật (2000), Mexico(2000), Romania (2002), Poland (2003) áp dụng hoặc căn
cứ vào Luật mẫu để xây dựng những quy phạm pháp luật về vấn đề phá sản liên
quốc gia. Tác giả cũng không đề cập đến những quy định về công việc chính và
các kỹ năng thực hiện, thao tác nghiệp vụ của Tòa án khi giải quyết việc phá sản
trong Nghị quyết số 03/ NQ-HĐTP ngày 28-4-2005 của Hội đồng Thẩm phán
Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số qui định của Luật Phá sản
2004 và Nghị định 67/2006/NĐ-CP hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối
với các doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài
sản. Trong luận văn, tác giả chỉ tập trung vào việc làm rõ những bất cập của một
số quy định trong Luật Phá sản khi áp dụng vào thực tiễn và bất hợp lý về mặt lý
luận về phát triển kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra trong luận văn là :
- Nghiên cứu và làm rõ bản chất của hoạt động phá sản , những vấn đề lý
luận và chế định trong Luật Phá sản 2004.
- Nghiên cứu và phân tích thực trạng cơ chế pháp lý đối với hoạt động phá
sản doanh nghiệp thông qua hoạt động mở thủ tục phá sản.
- Đánh giá những bất cập của pháp luật về hoạt động phá sản hiện hành và đề
ra những giải pháp pháp lý để bảo đảm thực hiện Luật Phá sản.
8
4. Phương pháp nghiên cứu :
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sử dụng các phương pháp khoa học như
phương pháp duy vật biện chứng, tổng hợp, phân tích, đối chiếu, so sánh lịch đại
và so sánh đồng đại, phương pháp phân tích mô tả…v..v..dựa trên quan điểm,
đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phương pháp phân tích các
quy phạm pháp luật, phương pháp nghiên cứu pháp lý dựa trên các tiêu chí kinh
tế xã hội và phương pháp luật học so sánh được coi là các phương pháp chủ đạo
được áp dụng trong quá trình thực hiện luận văn.
5. Kết cấu luận văn
Ngoài mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, trên cơ sở của mục tiêu, nhiệm
vụ của luận văn đã nêu trên và giới hạn số trang, nội dung chính của luận văn
được kết cấu 02 chương gồm các phần sau:
- Lời nói đầu.
- Chương 1 :Khái quát chung về giải pháp pháp lý đảm bảo thực hiện Luật Phá
sản 2004.
1.1.Khái niệm phá sản và vấn đề điều chỉnh pháp luật về phá sản trong quá
trình phát triển kinh tế.
1.2. Phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam với nhu cầu điều chỉnh pháp
luật về phá sản.
- Chương 2: Thực trạng pháp luật hiện hành với những thành tựu, bất cập và
giải pháp pháp lý đảm bảo thực hiện Luật Phá sản 2004.
2.1. Những thành tựu của Luật Phá sản 2004
2.2. Thực trạng những bất cập trong pháp luật hiện hành và giải pháp pháp
lý bảo đảm thực hiện Luật Phá sản
- Phần kết luận
9
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ GIẢI PHÁP PHÁP LÝ ĐẢM BẢO THỰC
HIỆN LUẬT PHÁ SẢN 2004
1.1. KHÁI NIỆM PHÁ SẢN VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT VỀ PHÁ
SẢN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ.
1.1.1.Khái niệm phá sản và vai trò của phá sản trong phát triển kinh tế:
Khi loài người biết kinh doanh, có các hoạt động buôn bán để mưu cầu lợi
nhuận thì tất nhiên phải có bên cạnh những thương nhân làm ăn có lãi là những
thương nhân khác làm ăn thua lỗ phải bán tài sản, thậm chí nhà cửa của mình để
trả các khoản nợ khi chủ nợ đòi. Các di chỉ khảo cổ cho thấy ngay từ 3.500 năm
trước công nguyên đã có hoạt động thương mại sầm uất ở vùng Lưỡng Hà cổ đại
và khoảng 2.500 năm trước công nguyên, “con đường tơ lụa” từ Trung Hoa
xuyên qua Tây Á và Châu Âu. Khi đi buôn bán, các thương nhân phải vượt sông
núi, qua sa mạc, gặp nhiều rủi ro như bão tố, cướp bóc, dịch bệnh và không phải
ai cũng có lãi mà sẽ có một số thương nhân thua lỗ, phá sản. Trong thần thoại Hy
Lạp, tác phẩm I-li-át và Ô-đi-xê cũng cho thấy hoạt động kinh doanh sầm uất ở
thành Tơ-roa và có phá sản. Trong các chuyện cổ tích của nhiều dân tộc trên thế
giới ta vẫn thấy có những nhân vật đi buôn bán, khi đoàn thương thuyền bị bão
tố đánh chìm và trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần và phải chịu những hình thức
trừng trị của các chủ nợ vì không trả được các khoản nợ. Khi xã hội chuyển sang
thời kỳ tư bản chủ nghĩa, sản xuất phát triển, hàng hóa dồi dào, các hoạt động
kinh doanh thương mại sôi động với sự cạnh tranh khốc liệt thì phá sản trở thành
một hiện tượng phổ biến.